Thứ Năm, ngày 15/09/2022, 00:05

Đồng chí Lê Duẩn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1954-1975)

LÊ DOÃN TÁ
Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Đồng chí Lê Duẩn là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí có nhiều đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trên cơ sở khái quát về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn, bài viết tập trung phân tích, đánh giá vai trò của đồng chí đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thời kỳ 1954-1975.

Từ khóa: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Lê Duẩn.

Đồng chí Lê Duẩn (1907-1986)

(Ảnh: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn)

Đặt vấn đề

Đồng chí Lê Duẩn là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là thời kỳ 1954-1975. Những đóng góp của đồng chí có ý nghĩa quan trọng góp phần làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá những cống hiến nhằm khẳng định vai trò của đồng chí Lê Duẩn đối với cách mạng Việt Nam; làm rõ thêm những nhân tố đưa tới những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam thời kỳ 1954-1975 có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học và công tác tư tưởng của Đảng, tăng cường giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay.

1. Khái quát về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn

Quê hương Bích La - Triệu Đông - Triệu Phong - Quảng Trị vốn giàu truyền thống yêu nước, quật cường. Đó cũng là truyền thống của gia đình đồng chí Lê Duẩn góp phần hun đúc nên phẩm chất và ý chí cách mạng người con ưu tú của quê hương, dân tộc. Từ rất sớm, đồng chí Lê Duẩn đã năng nổ tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1928, đồng chí trở thành đảng viên của Tân Việt Cách mạng Đảng. Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi lý tưởng cộng sản, đồng chí Lê Duẩn tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên[5, tr.39-41] và trở thành một trong những hạt nhân quan trọng của Hội. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí Lê Duẩn trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Sau Hội nghị tháng 10-1930, đồng chí được phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù, bị giam giữ ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo. Trong nhà tù đế quốc, đồng chí cùng nhiều đảng viên cộng sản thành lập chi bộ, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc nhà tù và tổ chức học tập, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho anh em trong tù.

Tháng 10-1936, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí Lê Duẩn. Ra khỏi nhà tù, đồng chí lập tức tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi ở các tỉnh miền Trung. Năm 1937, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng chí đã cùng với tập thể Xứ ủy lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở miền Trung với nhiều chủ trương và phương pháp sáng tạo. Năm 1939, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, được điều vào Sài Gòn công tác. Đồng chí Lê Duẩn cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ tích cực chuẩn bị những văn kiện và chủ trì Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương, đưa ra những quyết định quan trọng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam. Năm 1940, đồng chí lại bị địch bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Trong tù, đồng chí cùng những người cộng sản trung kiên tiếp tục mở các lớp lý luận, rèn luyện ý chí cho những người tù để tiếp tục đấu tranh cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, đồng chí Lê Duẩn được Đảng và Chính phủ đón về đất liền. Cuối năm đó, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Từ năm 1946 đến 1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn hoàn thành cơ bản văn kiện “Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam” (“Đề cương cách mạng miền Nam”). Một văn kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình đường lối cách mạng miền Nam.

Năm 1957, Trung ương Đảng cử đồng chí Lê Duẩn lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở bản “Đề cương cách mạng miền Nam”và thực tiễn chiến trường, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương (1959) ban hành Nghị quyết về cách mạng miền Nam. Tháng 9-1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ trọng trách Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư; từ năm 1978, đồng chí là Bí thư Quân uỷ Trung ương. Hơn 10 năm từ khi đất nước thống nhất, trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng với Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội IV và Đại hội V của Đảng đề ra, giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa theo đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hơn nửa thế kỷ tham gia hoạt động cách mạng, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn với những bước phát triển của cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã tham gia hoạt động cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, từng trải qua mọi thử thách, gian nan, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng. Đồng chí đã có những đóng góp to lớn vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngoài hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, đồng chí Lê Duẩn còn để lại rất nhiều những công trình, bài viết, tác phẩm có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, thể hiện sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.

2. Vai trò của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thời kỳ 1954-1975

Một là, nắm bắt, dự báo xu thế phát triển của cách mạng thế giới và cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở cho Đảng hoạch định đường lối, chủ trương cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo

Dự báo đúng tình hình, xu thế vận động của thời đại, của dân tộc là phẩm chất đặc biệt của lãnh tụ Lê Duẩn; tạo cơ sở để đội ngũ lãnh đạo đưa ra những quyết sách, đường lối đúng đắn, đưa cách mạng tới thành công.Đồng chí Lê Duẩn từng khẳng định: “Lãnh đạo cách mạng, giỏi lắm chỉ có thể phán đoán, dự kiến tình hình được 70-80%, nhưng cứ làm đi, rồi qua thực tiễn mà tiếp tục tìm hiểu, bổ sung thêm”[1, tr.177]. Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, với trí tuệ mẫn tiệp, đồng chí đã nhiều lần đưa ra những phân tích, dự báo tình hình sắc sảo, làm rõ quy luật vận động của cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh chung của tình hình cách mạng thế giới. Đây chính là cơ sở để Đảng hoạch định đường lối, chủ trương cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo, phù hợp với những biến đổi của tình hình thực tiễn. Trong “Đề cương cách mạng Miền Nam” (1956), đồng chí đã đưa ra những phân tích, dự báo sâu sắc về tình hình cách mạng thế giới và trong nước, phân tích về bản chất, âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đồng chí khẳng định: “Để chống lại Mỹ-Diệm, nhân dân miền Nam chỉ có một con đường cứu nước và tự cứu mình, là con đường cách mạng. Ngoài con đường cách mạng không có một con đường nào khác”[5, tr.223]. Từ những phân tích, đánh giá sâu sắc và toàn diện, đồng chí Lê Duẩn đã hoạch định con đường phát triển của cách mạng miền Nam theo một hướng đi mới. Bản Đề cương là cơ sở để Trung ương thông qua Nghị quyết 15; con đường phát triển cách mạng của cả nước, nhất là cách mạng miền Nam tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng (1960).

Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III do đồng chí Lê Duẩn trình bày đã đưa ra những phân tích, đánh giá sâu sắc bối cảnh quốc tế và xu hướng của thời đại, tình hình cách mạng Việt Nam. Báo cáo khẳng định: “Thời đại hiện nay là thời đại của chủ nghĩa xã hội đang chiến thắng”, đặc biệt nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng là kẻ thù nguy hiểm nhất và hung ác nhất của nhân dân cả nước ta”[2, tr.234-235]. Trên cơ sở đó, Báo cáo khẳng định quy luật phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đây là sự phát triển lý luận quan trọng, chưa có tiền lệ thực tiễn, một sự sáng tạo vượt thời đại của Đảng và cá nhân đồng chí Lê Duẩn.

Ngày 10/10/1974, trong “Thư Gửi đồng chí Bảy Cường về kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị”, đồng chí Lê Duẩn đã phân tích toàn diện tình hình cách mạng miền Nam, trong đó đưa ra dự báo: “Xét tất cả các mặt nói trên, chúng ta khẳng định đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác”[3, tr.908]. Phân tích, dự báo chính xác của đồng chí Lê Duẩn là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đưa ra những quyết sách kịp thời chớp thời cơ, phát động tổng tấn công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975.

Hai là, góp phần quan trọng trong xây dựng lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam

Là một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, ngay từ sớm, vừa hoạt động cách mạng, vừa học tập, đồng chí Lê Duẩn đã say mê đọc tác phẩm “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh niên, các tác phẩm của Mác, Ăng-ghen, Lênin..., từng bước bồi đắp cho mình nền tảng lý luận vững chắc. Do được hoạt động, gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn nhận được sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của Người. Những cống hiến về mặt lý luận của đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào việc phát triển, hoàn thiện đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và chiến tranh cách mạng của Đảng.

“Đề cương cách mạng miềnNam” là một tác phẩm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Đây không chỉ là kết quả vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn phản ánh và đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn cách mạng, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, thể hiện rõ bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong những thời điểm khó khăn[4, tr.63]. Đồng thời, tác phẩm này cũng thể hiện được tầm vóc tư duy và trí tuệ của đồng chí Lê Duẩn về lý luận và thực tiễn cách mạng giải phóng dân tộc.

Báo cáo chính trịđược đồng chí Lê Duẩn đọc tại Đại hội III của Đảng là một văn kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển về mặt lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng; là kết quả vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Việc thực hiện đồng thời cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam là một sáng tạo độc đáo, vừa là một đóng góp lớn vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa đáp ứng những đòi hòi cấp thiết của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nghị quyết Đại hội III của Đảng, trong đó có đóng góp hết sức quan trọng của đồng chí Lê Duẩn là ngọn cờ, nhân tố mang tính chất quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi tới thắng lợi vẻ vang.

Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, đồng chí Lê Duẩn thể hiện tư duy lý luận sắc sảo trên nhiều phương diện:

- Trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí có nhiều luận điểm sâu sắc về xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, kết hợp tư tưởng với công tác tổ chức, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Một trong những đóng góp nổi bật của đồng chí Lê Duẩn là lý luận về chiến tranh nhân dân. Ở một phương diện nhất định, đồng chí thể hiện tầm vóc tư tưởng lớn, nghệ thuật bậc thầy về sử dụng sức mạnh tổng hợp trong chiến tranh nhân dân ở miền Nam Việt Nam. Là người gắn bó với cách mạng miền Nam từ sớm, đồng chí Lê Duẩn đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng, về đường lối kháng chiến và phương thức tiến hành chiến tranh trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Cùng với chủ trương dùng bạo lực cách mạng, lúc đó đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không chỉ đấu tranh vũ trang đơn thuần mà chúng ta phải kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang thì mới chiến thắng kẻ địch. Đồng chí khẳng định: “Chúng ta nhận rõ tính chất khó khăn, phức tạp của cuộc chiến tranh để biết đánh và biết thắng. Đã biết mở đầu đúng, biết đánh lâu dài, thì chúng ta phải biết kết thúc đúng”[3, tr.582]

Tư tưởng về chiến tranh nhân dân của đồng chí Lê Duẩn biểu hiện tập trung nhất ở lý luận về sức mạnh tổng hợp, về bạo lực cách mạng với những lực lượng tạo thành như: Lực lượng chính trị của quần chúng, lực lượng vũ trang nhân dân; đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; xây dựng ba thứ quân; tiến công địch cả ba vùng chiến lược; kết hợp giữa đánh lâu dài đồng thời với chủ động tiến công chiến lược; biện chứng giữa thế và lực… để làm thay đổi cục diện chiến tranh từng giai đoạn, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch, giành thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng, về chiến tranh cách mạng, quân đội với nghệ thuật chiến tranh nhân dân thuộc truyền thống dân tộc một cách hoàn hảo.

- Tham gia lãnh đạo, tổ chức, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước 1954-1975

Từ năm 1957, Trung ương Đảng cử đồng chí Lê Duẩn lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ trọng trách Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ đây, đồng chí cùng với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Suốt thời kỳ này, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết sách quan trọng trong từng bước tiến của cách mạng. Đồng chí Lê Duẩn trực tiếp đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo giúp cho quân dân miền Nam từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Với nhãn quan chính trị sắc bén, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo quyết liệt quân và dân ta chớp thời cơ, thần tốc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975. Bên cạnh đó, đồng chí còn có những quan điểm chỉ đạo sáng tạo và sâu sắc về xây dựng và bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng và phát triển Đảng, công tác đối ngoại, xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng làm chỗ dựa cho cuộc chiến tranh nhân dân... Trong quá trình đó, đồng chí Lê Duẩn luôn thể hiện được uy tín, năng lực tập hợp, tổ chức và dẫn dắt quần chúng tham gia các phong trào thi đua ái quốc; quyết tâm vượt mọi khó khăn hoàn thành những mục tiêu của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Kết luận

Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống yêu nước, quật cường, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ cách mạng tiêu biểu của dân tộc. Với trí tuệ mẫn tiệp, sức sáng tạo lớn, tinh thần kiên trung, bất khuất, đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đảm trách nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, sự nghiệp của đồng chí gắn liền với từng bước phát triển và thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Với cống hiến cá nhân của mình, đồng chí Lê Duẩn là nhân tố đặc biệt quan trọng thúc đẩy cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, lịch sử dân tộc phát triển những bước vững chắc, vẻ vang; giúp dân tộc tạo nên những kỳ tích của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ của thế giới trong thế kỷ XX, đặc biệt là phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

[1]Duẩn (1993), Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Lê Duẩn (2007), Tuyển tập (1950-1965), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3]Duẩn (2008), Tuyển tập (1965-1975), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị. Hà Nội.

[5] Nxb. Chính trị quốc gia (2007), Lê Duẩn Tiểu sử, Hà Nội.

Đọc thêm

Hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Thùy

(GDLL) - Nguyễn Chí Diểu (1908-1939), một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời đồng chí là tấm gương cao đẹp của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân. Bài viết tìm hiểu quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, qua đó thấy được sự kiên định, vì nước vì dân của đồng chí.

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.