Thứ Năm, ngày 15/09/2022, 00:09

Kiểm soát tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

TRẦN THỊ MINH NGỌC
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Kiểm soát tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các luận điệu sai trái, thù địch là một công việc thường xuyên, đã được Đảng tiến hành từ ngày thành lập Đảng và tiếp tục xuyên suốt trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bài viết đề cập đến truyền thông xã hội; tin giả, xấu, độc trên phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp kiểm soát tin giả trên phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới.

Từ khóa: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; các phương tiện truyền thông xã hội; kiểm soát tin giả.

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, đối tượng xấu phát tán thông tin giả, thông tin xấu độc. (Ảnh: https://tuyengiao.vn)

Đặt vấn đề

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, các tin giả xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng nhiều. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang lợi dụng tin giả đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, kiểm soát tin giả, các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Công việc này có thể tiến hành bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, chủ động nhận diện và đấu tranh, kiểm soát tin giả của các thế lực thù địch, phản động trên các phương tiện thông tin xã hội là nhiệm vụ cấp bách cần được quan tâm nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

1. Truyền thông xã hội

Truyền thông xã hội là một “dòng chảy thông tin” trên nền tảng, dịch vụ công nghệ cho phép người dùng tạo ra, chia sẻ, trao đổi, thảo luận và thay đổi các nội dung, thiết lập thành các mạng lưới liên kết và tương tác xã hội.

Truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội liên tục được hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội. Người dùng truy cập các dịch vụ truyền thông xã hội qua các website hoặc các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Truyền thông xã hội chứa khối lượng thông tin lớn, đa dạng, phong phú và nhiều chiều. Truyền thông xã hội cập nhật thông tin liên tục, nóng hổi, có khả năng lan tỏa nhanh. Với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ, thông tin được truyền tải gần như tức thì tới mọi ngóc ngách trên toàn cầu và người dân có thể tiếp cận bất kỳ thông tin nào. Thông tin sau đó được phát tán, chia sẻ và lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Chính sự bùng nổ các phương tiện truyền thông xã hội trong thời gian qua đã làm nảy sinh hai xu hướng đối lập. Một mặt, những thông tin chính xác, tích cực mang tính giáo dục, nhân văn cao đã giúp chính phủ nhiều quốc gia cũng trở nên gần gũi hơn với người dân và có thể thông qua phương tiện truyền thông xã hội để nắm bắt tốt hơn tâm tư và những kỳ vọng của nhân dân để có thể đề ra các quyết sách hợp lòng dân. Bên cạnh đó, những tin tức chưa được kiểm chứng trên thế giới ảo bởi sự vô tình hay thậm chí cố ý của một số người dùng mạng xã hội đã làm lây lan “vi rút độc hại”, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến xã hội, chính trị, kinh tế... vượt ra ngoài phạm vi quốc gia. Truyền thông xã hội có thể sửa chữa, thay đổi thông tin, xóa dấu vết bất cứ lúc nào. Do đó, truyền thông xã hội mang lại các cơ hội và đặt ra những thách thức to lớn cho hoạt động quản lý nhà nước.

2. Tin giả, tin xấu độc trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện nay

Tin giả được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch, xuyên tạc, bóp méo về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội. Tin giả như một loại virus độc hại bùng nổ với mức độ báo động, lan nhanh, gây nhiễu loạn đời sống, gây hoang mang dư luận xã hội, suy giảm niềm tin để lại hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Tin giả có tốc độ lan truyền nhanh gấp 10-20 lần so với tin thật và ngày càng khó phân biệt.

Tin giả được phân loại thành 3 dạng : (i) Theo nguồn gốc thì có tin giả xuất phát từ cộng đồng mạng, từ một câu chuyện truyền miệng, từ trí tưởng tượng của tác giả trong quá khứ xào xáo thành tin giật gân mới; (ii) Theo nguyên nhân, có tin tức giả là do sự thiếu hiểu biết của tác giả, do không kiểm chứng nguồn tin, do tác động của chính trị - xã hội, do cố tình; (iii) Theo mục đích, có tin tức giả vì chính trị, tài chính, kinh tế, xã hội. Hình thức của tin giả bao gồm: Thông tin xuyên tạc; bóp méo sự thật, bịa đặt, được cắt ghép, cường điệu hóa, chứa đựng sự ly kỳ, hấp dẫn, dễ đánh vào xúc cảm, tâm lý của cộng đồng mạng[3, tr.479].

Nguyên nhân tin giả trên phương tiện truyền thông xã hội lan truyền, phát tán chóng mặt là do: (i) Trình độ nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế nên bị các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị, các tổ chức khủng bố hoặc các trang tin tức, tài khoản mạng xã hội thiếu thiện chí với Việt Nam kích động chống đối Đảng và Nhà nước; (ii) Lợi dụng tâm lý hiếu kỳ, tò mò, thích nổi tiếng bằng cách câu like, câu view thu hút sự chú ý; chạy theo những thông tin giật gân tiêu cực của đám đông, lợi dụng sự lo lắng, bất an và cả lòng trắc ẩn của độc giả, cộng đồng mạng để xuyên tạc, bóp méo kích động chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, đánh lừa dư luận.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội, có tư tưởng bất mãn được nuôi dưỡng bởi các tổ chức bên ngoài đã tung tin giả, tin sai sự thật với nhiều thủ đoạn tinh vi như: Nắm bắt các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo thông tin giả mạo, sai sự thật rồi thông qua các hội nhóm, liên tục chia sẻ hoặc kết nối người tham gia để dẫn dắt, tấn công dư luận; cắt ghép tin, hình ảnh sai sự thật; xây dựng fanpage giả mạo các cơ quan nhà nước hoặc giả mạo, chỉnh sửa, cắt ghép nội dung phát ngôn của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bộ ngành để đăng tải các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang, xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến chính trị, gây mất ổn định đất nước.

Để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả với nạn tin giả, Hội nghị Công tác công an trong phòng, chống dịch ngày 11/10/2021, Bộ Công an đã theo dõi, giám sát trên 3.000 trang mạng có nội dung xấu, độc; chủ động nắm tình hình, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình trên không gian mạng, xác minh, truy tìm, đấu tranh với đối tượng tán phát tin giả, tin sai sự thật. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và kỹ thuật chuyên biệt, tổ chức tấn công, vô hiệu hóa các trung tâm phát tán tin giả lớn, có mức độ bảo vệ an ninh mạng cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh mạng, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet, viễn thông trong nước thực hiện ngăn chặn hàng nghìn trang mạng có nội dung xấu độc, máy chủ đặt tại nước ngoài; yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 10.944 tin, bài viết, video chứa thông tin xấu, độc vi phạm pháp luật Việt Nam. Xử phạt hành chính hơn 150 đối tượng đăng tải tin giả, sai sự thật. Tổ chức chiến dịch truyền thông quy mô lớn thông qua triển khai các hệ thống kỹ thuật để chủ động đăng tải thông tin lên không gian mạng, đồng thời phối hợp các cơ quan báo chí kịp thời cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, răn đe đối tượng vi phạm pháp luật, nâng cao cảnh giác, “sức đề kháng” của người dân khi tham gia môi trường mạng. Trực tiếp phối hợp với hơn 20 cơ quan báo chí, truyền hình, xây dựng gần 310 phóng sự, tin, bài với nội dung phong phú, đa dạng, đăng trên nhiều loại hình truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, chuyên trang fanpage chính thức của các cơ quan báo chí[1].

Vấn nạn tin giả, tin sai sự thật trên các phương tiện truyền thông xã hội đã và đang gây ra những hệ lụy khó lường đối với dư luận xã hội và trật tự an toàn xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát. Tuy nhiên các thế lực thù địch ngày càng tinh vi hơn, xảo quyệt hơn trong việc đưa ra các luận điệu sai trái, thù địch chống phá cách mạng, chống phá Đảng trên các phương tiện truyền thông xã hội. Do đó, công cuộc đấu tranh kiểm soát tin giả, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng khó khăn hơn.

3. Một số giải pháp kiểm soát tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nhận diện tin giả, tin xấu, độc trên các phương tiện truyền thông xã hội

Các cơ quan chức năng cần kịp thời cung cấp cho công chúng những thông tin chính thống, đúng đắn trên các phương tiện truyền thông chính thống, có uy tín; trên trang thông tin của các ban, bộ ngành giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân có khả năng nhận diện đặc điểm, dạng thức, nguồn gốc của tin giả, kiểm chứng cơ sở thông tin và kiểm tra tác giả, chọn lọc nội dung; lựa chọn đăng tải, chia sẻ thông tin từ các trang mạng xã hội chính thống; không đăng tải, bình luận thông tin sai sự thật, tin chưa kiểm chứng; kịp thời phát hiện các tin giả, sai sự thật hoặc các trang giả mạo, báo cáo, cơ quan chức năng để vô hiệu hóa các nguồn phát tán tin giả.

Hai là, tăng cường công tác truyền thông trong đấu tranh với tin giả

Công tác truyền thông cần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; tuyên truyền phải kịp thời và có tính lan tỏa tới các nhóm công chúng. Tăng cường nội dung tuyên truyền liên quan tới thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh mạng để nâng cao nhận thức của người dùng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng về phòng, chống, đấu tranh với tin giả. Trong đó, cơ quan thực hiện công tác tuyên truyền thường xuyên phân tích, làm rõ, cung cấp thông tin liên quan tới 14 hành vi vi phạm Luật An ninh mạng, giúp người dùng nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử văn hóa trên môi trường mạng xã hội; chỉ rõ những thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó giúp người dân luôn đề phòng, cảnh giác khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền trên không gian mạng, nhất là thông tin chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực. Trên cơ sở am hiểu pháp luật, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tránh những hành vi vi phạm cũng như có kiến thức, kỹ năng nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, biết tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, “miễn dịch” với những thông tin giả mạo làm nhiễu loạn môi trường xã hội;tích cực tham gia vào quá trình đấu tranh phòng, chống tin giả.

Ba là, phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý phòng, chống tin giả, xấu, độc trên các phương tiện truyền thông xã hội

Nhà nước và các cơ quan chức năng cần khẩn trương thể chế hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực tiễn; tích cực xây dựng khung khổ pháp luật một cách khoa học, tiến bộ để lĩnh vực truyền thông hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng. Kịp thời bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn để bảo đảm môi trường pháp lý minh bạch, công khai và bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia truyền thông xã hội. Tăng cường nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống cơ quan chuyên trách tư vấn chính sách và giải pháp phòng, chống tin giả. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm và cũng như thiết chế hóa việc nâng cao kỹ năng và trách nhiệm xã hội trong phòng, chống tin giả cho mọi công dân Việt Nam. Cần phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan và của cả hệ thống chính trị để xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi tạo và phát tán tin giả theo quy định của pháp luật.

Bốn là, hoàn thiện khung khổ pháp lý về ngăn chặn, xử lý tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội

Cần nghiên cứu tiến hành sửa đổi Luật An ninh mạng năm 2018 theo hướng có quy định cụ thể và rõ ràng về định tính hóa và định lượng hóa những tiêu chí để chế tài mọi hành động của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sản xuất, phát tán cũng như sử dụng tin giả. Trong đó, cần xây dựng định nghĩa tương đối hẹp và sáng tỏ về khái niệm tin giả; đồng thời tăng cường xây dựng năng lực và liêm chính cho các cơ quan quyền lực công chịu trách nhiệm áp đặt việc tuân thủ Luật An ninh mạng. Bổ sung những quy định “mạnh tay” hơn để xử lý các đối tượng xây dựng và tán phát tin giả. Để thực hiện tốt Luật An ninh mạng mỗi cơ quan cần xây dựng những bộ quy tắc, quy định về những thông tin nội bộ, những thông tin bảo mật của đơn vị mình; xử lý nghiêm những hành vi phát tán thông tin nội bộ không được phép của các thành viên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đơn vị mình; quy định về tư cách cá nhân khi phát ngôn trên truyền thông. Hoàn thiện và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng sâu rộng tới các tầng lớp xã hội và xây dựng những biện pháp xử phạt, chế tài đối với các cư dân mạng vi phạm luật.

Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí trong kiểm soát và giảm thiểu tác hại của tin giả

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Luật Báo chí năm 2016, trong đó chú trọng việc nâng cao vai trò định hướng thông tin của các cơ quan báo chí truyền thống, tích cực, chủ động phê phán, phản bác thông tin xấu, độc trên mạng để góp phần khắc phục những hạn chế của truyền thông xã hội.

Để phòng, chống tin giả có hiệu quả cần phải đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng chống tin giả cho sinh viên ngành báo chí, đội ngũ các nhà báo và cơ quan báo chí. Các cơ sở đào tạo báo chí cần phải xây dựng chương trình đào tạo về tin giả và phòng, chống tin giả một cách bài bản, chuyên nghiệp. Cần tăng cường việc mở các chuyên đề, khóa tập huấn, các hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ về nhận diện tin giả, tác hại của vấn nạn tin giả, tác động tiêu cực tới hoạt động báo chí, vai trò của báo chí và trách nhiệm của nhà báo trong chống tin giả; kỹ năng nhận biết, cảnh báo, sàng lọc, thẩm định tin tức, ngăn chặn tin giả; kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí phù hợp để chống lại tin giả.

Kết luận

Tin giả, tin xấu, độc trên các phương tiện truyền thông xã hội đang lan truyền chóng mặt. Do đó, việc nhận diện tin giả, tích cực, chủ động đề xuất có các giải pháp kiểm soát nhằm tăng cường đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ cấp bách. Để nâng cao hiệu quả kiểm soát tin giả, phản bác các luận điệu sai trái nhằm đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên các phương tiện truyền thong xã hội với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt trong tình hình mới ngoài việc tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong xác minh, xử lý tin giả và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đổi mới nội dung, phương thức ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, luận điệu sai trái trên các phương tiện truyền thông xã hội là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]. TS. Nguyễn Ngọc Cương, Nguyễn Ngọc Cường, Phòng chống tin giả trên không gian mạng, https://mic.gov.vn

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3]. Nguyễn Trường Giang (2017), Báo chí và truyền thong đa phương tiện, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

[4]. Võ Văn Thưởng (2019)Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam, http://tuyengiao.vn

[5]. Đỗ Văn Quân và Lại Thu Hà, Kiểm soát và giảm thiểu tác hại xã hội của tin giả, http://hdll.vn

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).