Thứ Sáu, ngày 30/09/2022, 10:38

Phát triển kinh tế số ở Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra

NGUYỄN THỊ THÙY DUNG
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Phát triển kinh tế số được coi là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam thời gian qua, bài viết chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Kinh tế số, phát triển kinh tế số; Việt Nam.

Diễn đàn cấp cao Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam 2019 với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” được tổ chức tại Hà Nội, ngày 8-8-2019. (Ảnh: TTXVN)

Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự xuất hiện của Internet vạn vật đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình phát triển của lực lượng sản xuất, là giai đoạn phát triển cao của kinh tế tri thức. Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030. Chính vì vậy, việc nhận thức đúng về kinh tế số và nghiên cứu các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế số, đồng thời xác định những vấn đề đặt ra cần giải quyết khi phát triển kinh tế số ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

1. Nhận thức về kinh tế số và quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế số ở Việt Nam

1.1. Nhận thức về kinh tế số

Thuật ngữ “Kinh tế số” (digital economy) được dùng khá lâu trước khái niệm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của CMCN 4.0, xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bởi “cốt lõi” của CMCN 4.0 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh.

Theo nhóm cộng tác kinh tế số Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”[1]. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng...

Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngày những biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở bất cứ đâu trong đời sống như các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận... cũng tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho khách hàng. Nhưng ở tầm vĩ mô hơn, kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu.

Kinh tế số có thể được tập hợp trong 3 quá trình xử lý chính đan xen với nhau, bao gồm: Xử lý vật liệu; xử lý năng lượng; xử lý thông tin. Trong đó, xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất, và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất. Tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào các thành tựu của công nghệ thông tin và Internet giúp kết nối các nguồn lực, lược bỏ nhiều khâu trung gian và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.

1.2. Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thay vào đó là khái niệm kinh tế tri thức. Thế nhưng ở Văn kiện Đại hội XIII, kinh tế số đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược. Từ kinh tế tri thức tới kinh tế số là một bước chuyển đổi mang tính rõ ràng, cụ thể hơn, dễ định lượng và dễ thực hiện, phù hợp với xu thế hơn.

Trong các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước ở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số[2, tr.37].

Đảng cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, trong đó có nhấn mạnh trọng tâm: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế[2, tr.46].

Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, Đảng ta xác định một trong ba khâu đột phá đó là: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, về môi trường và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”[2, tr.54].

Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Đảng xác định: “kinh tế số đạt khoảng 20% GDP”[2, tr.113]. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng chỉ rõ: “...đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[2, tr.115].

2. Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra

2.1. Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Trong thời gian qua, kinh tế số ở Việt Nam phát triển mạnh cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh, đặc biệt Internet đã trở thành một phần thiết yếu của các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế... Việt Nam được đánh giá là 01 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số)[5].

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2020”, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức hai con số, dẫn đầu khu vực (cùng với Indonesia) với tốc độ tăng trưởng trung bình 27% trong giai đoạn 2015-2020. Năm 2020, trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế toàn cầu và khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức dương 16% - cao nhất khu vực ASEAN (xem số liệu hình 1)[3].

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á (%)

Nguồn: Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020”

Quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam từ 3 tỷ USD năm 2015 đã tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2019 và 14 tỷ USD năm 2020. Dự kiến đến năm 2025 bứt phá lên 52 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số, đã góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021, thương mại điện tử nước ta năm 2020 tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo tới năm 2025[4, tr.8].

Trong những năm gần đây, có nhiều mô hình kinh tế số phát triển tại Việt Nam, với nhiều ứng dụng có thể cài trên điện thoại thông minh, giúp người sử dụng có thể gọi xe, giao-nhận hàng, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, thuê gia sư, thuê giúp việc, thuê dịch vụ sửa chữa các thiết bị trong gia đình... thậm chí người dùng cũng có thể kết nối bác sĩ chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Việt Nam đã phát triển nhiều phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường học... Hiện nay, phổ biến nhất trong các doanh nghiệp đó là số hóa trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường. Mạng lưới 5G của Việt Nam đang thử nghiệm, bắt đầu triển khai từ cuối năm 2021. Tại Việt Nam, mức giá cước dịch vụ Internet vừa phải, cước dịch vụ Internet băng thông rộng cố định ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng với thương mại điện tử, giao dịch kinh tế không dùng tiền mặt ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số cũng như quá trình thực hiện Chính phủ điện tử được triển khai nhanh và quyết liệt hơn.

2.2. Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận thì việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Cụ thể là:

Thứ nhất, vấn đề chú trọng nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế số, do hiện nay nhận thức của nhóm đối tượng này còn chưa đồng đều, kỹ năng sử dụng Internet an toàn còn hạn chế và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Theo báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố cuối tháng 5/2019 cho thấy, có tới 85% doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài nền kinh tế số, chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu.

Thứ hai, vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới xuất hiện, chưa có tiền lệ đã làm cho các cơ quan quản lý nhà nước khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số. Hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số hiện nay còn yếu, chưa đồng bộ và hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số.

Thứ ba, giải quyết khoảng cách lớn về trình độ phát triển kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng giữa thành thị với các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta do kết cấu hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế số chưa đồng bộ, vẫn có sự mất cân bằng giữa các lĩnh vực, vùng miền.

Thứ tư, vấn đề về thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông ở Việt Nam hiện nay do giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển nhanh chóng của kinh tế số, kinh tế sáng tạo của CMCN 4.0 trên thế giới. Vấn đề này nếu không được quan tâm đầu tư đúng mức trong thời gian tới sẽ trở thành một điểm nghẽn lớn cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

3. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt nam trong thời gian tới

Văn kiện Đại hội XIII xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP[2, tr.113, 218]. Để đạt mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030:

Một là, trang bị kiến thức, thống nhất tư tưởng và hành động về kinh tế số, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý cũng như điều hành kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế số

Việt Nam phải xác định chiến lược phát triển và hội nhập kinh tế số là xu thế tất yếu của thời đại, là hướng đi quan trọng và cần thiết trong định hướng phát triển quốc gia, là cơ hội để Việt Nam bứt phá và đi tắt, đón đầu. Theo đó, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số và đi tiên phong trong quá trình số hóa bộ máy quản trị quốc gia. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; phát triển kỹ năng mới cho đội ngũ nhân viên như tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Người dân cần tích cực, chủ động nâng cao nhận thức về kinh tế số, trong các giao dịch thanh toán nên ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán điện tử hiện đại như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử qua điện thoại di động...

Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển kinh tế số, xã hội số

Nội dung về kinh tế số cần được luật hoá để bảo đảm một hành lang, cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho triển khai và thực hiện chương trình nghị sự về kinh tế số. Thành lập cơ quan thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển kinh tế số, thông thường cơ quan này thường thuộc Chính phủ với sự tham gia, phối hợp của các bộ ngành có liên quan. Nhà nước cần ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân cũng như việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số. Đặc biệt là do trong một số trường hợp, những sáng kiến số có thể dẫn đến những tranh luận về vấn đề an ninh mạng, bảo mật dữ liệu người dùng, thông tin cá nhân... nên việc xây dựng và ban hành một hệ thống pháp luật đồng bộ vừa tạo điều kiện cho quá trình số hóa trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ được quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ là hết sức cần thiết.

Ba là, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế số

Trước hết, cần khẩn trương triển khai hiệu quả các mạng lưới băng thông rộng quốc gia tốc độ cao, các trung tâm dữ liệu và cơ sở dữ liệu cho các dịch vụ điện toán đám mây... tạo cơ sở hạ tầng tốt cho việc kết nối theo xu hướng IoT, sử dụng công nghệ số cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình đầu tư xây dựng nền tảng số nói chung, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nói riêng cần đặc biệt lưu ý đến những đặc thù của khu vực thành thị và nông thôn để có kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở hai khu vực này một cách cân bằng và hài hòa, góp phần rút ngắn khoảng cách và chênh lệch phát triển giữa thành thị - nông thôn.

Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số cần tập trung vào một số nội dung như: Cập nhật, bổ sung các chương trình đào tạo về công nghệ số, nền tảng số, từ mã hóa đến tư duy thiết kế và các kỹ năng số cần thiết cho tương lai trong nhà trường; đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động bắt kịp với xu hướng công nghệ số; đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa trường với khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số; xây dựng chính sách kết nối cộng đồng khoa học công nghệ trong nước với nước ngoài, đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Hội thảo chuyên đề 5 về “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sáng 11/11/2021. (Ảnh: https://vneconomy.vn)

Chính sách thúc đẩy nguồn nhân lực công nghệ thông tin cần phải tính toán đến nhóm yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, nông dân, phụ nữ... để đưa ra những chính sách ưu tiên cụ thể nhằm bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội. Trong đó, phải xây dựng được một lực lượng lao động số nòng cốt, đủ về số lượng và đáp ứng được về chất lượng để phục vụ yêu cầu số hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ nông nghiệp đến công nghiệp và dịch vụ.

Kết luận

Phát triển kinh tế số là xu thế tất yếu của thời đại, là cơ hội để Việt Nam bứt phá và đi tắt, đón đầu. Với chủ trương, đường lối của Đảng cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên chắc chắn sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số - chìa khóa cho tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2030.

Tài liệu tham khảo:

[1] Minh Duyên (2021), Phát triển kinh tế số - đòn bẩy cho sự phục hồi bền vững trong bối cảnh dịch COVID-19, https://ncov.vnanet.vn

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.

[3] Google, Temasesk và Brain and Company (2020), Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2020”, https:// www.bain.com

[4] Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2021), Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021, https://vecom.vn

[5] Hồng Vân (2020), Thành tựu phát triển Internet ở Việt Nam: đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, https://vovworld.vn

Đọc thêm

Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du lịch ở nước ta

Tác giả: TS. Bùi Hồng Thanh

(LLCTTTĐT) Du lịch đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao mức sống cho người dân và được cụ thể bằng quan điểm Đảng và Nhà nước ta phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, những quan điểm về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là bệ phóng để nhiều địa phương trong cả nước từng bước mạnh dạn khai thác và phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, khai thác những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch nói chung ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này phần nào được lý giải trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Do đó, việc nhận diện khách quan những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để có những định hướng nhằm khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Khơi thông mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Tác giả: PGS. TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là sứ mệnh vô cùng vẻ vang nhưng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa từ Trung ương tới cơ sở”, đồng thời “huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa”.

Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền

Tác giả: TSKH. Đặng Huy Trinh

(TG) - Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới

Tác giả: PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa - TS Nguyễn Văn Dương

(LLCT) - Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng xây dựng, vun đắp. Bài viết khái quát mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào theo phương châm “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ

Tác giả: Bảo Châu

(TG) - Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng đối với việc củng cố uy tín, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên; góp phần tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên làm nền tảng xây dựng đạo đức công vụ là yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.