Thứ Sáu, ngày 30/09/2022, 10:49

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở hiện nay

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở là trách nhiệm của chi bộ, là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng. Bài viết hệ thống hoá các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ, qua đó đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở hiện nay.

Từ khóa: Chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát; công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ.

Kỳ họp thứ 14 Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: https://dangcongsan.vn)

Đặt vấn đề

Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo cơ bản, là một nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của chi bộ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Xây dựng và hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Cải tiến, đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng... bảo đảm khách quan, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi...”[1, tr.245 - 246]. Công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở được quy định trong Điều lệ Đảng, trong Quy định 22-QĐ/TW ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các quy định của Đảng; triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của chi bộ, địa phương, cơ quan, đơn vị; phát huy ưu điểm; phát hiện, ngăn chặn, hạn chế khuyết điểm, phòng ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống; xử lý vi phạm ngay từ cơ sở từ sớm, từ xa, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng; phát huy dân chủ, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ chi bộ, nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

1. Quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ

Điều 24 Điều lệ Đảng quy định: Chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở được tổ chức theo nơi làm việc hoặc nơi ở của đảng viên; mỗi chi bộ ít nhất có 3 đảng viên chính thức. Chi bộ đông đảng viên có thể chia thành nhiều tổ đảng; tổ đảng bầu tổ trưởng, nếu cần thì bầu tổ phó; tổ đảng hoạt động dưới sự chỉ đạo của chi ủy. Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên; thu, nộp đảng phí. Chi bộ, chi ủy họp thường lệ mỗi tháng một lần[2].

Quy định 22-QĐ/TW ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định về công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ qua những nội dung:

- Tại Điều 7: Chi bộ xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên trong chi bộ thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Tập trung kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của chi bộ, nhiệm vụ do chi bộ phân công và quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm. Chi bộ giải quyết tố cáo và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên trong chi bộ về thực hiện nhiệm vụ chi bộ giao; về phẩm chất, đạo đức, lối sống; về thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ cấp trên giao)[1].

- Tại Điều 8: Đảng ủy bộ phận và chi bộ không lập ủy ban kiểm tra; tập thể cấp ủy, chi bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và phân công 01 cấp ủy viên phụ trách. Có thể lựa chọn phân công một số đảng viên giúp đồng chí cấp ủy viên phụ trách làm công tác kiểm tra, giám sát[1].

- Tại Điều 11 về thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm quy định: Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao). Sau khi chi bộ quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, phải báo cáo lên các cấp ủy mà đảng viên đó là thành viên và cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy quản lý cán bộ. Việc cách chức, khai trừ cấp ủy viên của chi bộ cơ sở do chi bộ cơ sở đề nghị, ban thường vụ cấp ủy huyện, quận hoặc tương đương quyết định. Đối với cấp ủy viên các cấp sinh hoạt tại chi bộ (từ cấp ủy viên đảng ủy cơ sở trở lên) và cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, nếu vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao mà phải áp dụng hình thức kỷ luật thì chi bộ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định[1].

- Tại Điều 16 về hiệu lực quyết định kỷ luật quy định: Quyết định khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên vi phạm của chi bộ có hiệu lực ngay sau khi chi bộ công bố kết quả biểu quyết quyết định kỷ luật. Trong vòng 10 ngày, chi bộ ban hành quyết định kỷ luật giao cho đảng viên bị kỷ luật, báo cáo cấp trên và lưu hồ sơ. Quyết định kỷ luật của chi bộ (trong đảng bộ bộ phận, trong đảng bộ cơ sở), của ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở được đóng dấu của đảng ủy cơ sở vào phía trên, góc trái. Đảng ủy cơ sở hoặc cấp ủy cấp trên trực tiếp không phải ra quyết định chuẩn y[1].

- Tại Điều 19 về thẩm quyền giải quyết tố cáo của chi bộ: Chi bộ có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với đảng viên thuộc phạm vi quản lý[1].

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở hiện nay

Một là, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chi bộ và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở

Chi bộ là chủ thể thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; tập thể chi ủy có trách nhiệm triển khai, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ; đảng viên có trách nhiệm tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ. Tập thể chi ủy bàn bạc, thống nhất phân công 01 đồng chí phụ trách công tác kiểm tra, giám sát, thường thì là đồng chí phó bí thư chi bộ. Nội dung này cần được đưa vào quy chế hoạt động của chi bộ để đảng viên hiểu rõ hơn về công tác Đảng, công tác kiểm tra, giám sát chi bộ và chi ủy có thể lựa chọn, phân công một số đảng viên giúp chi ủy và đồng chí cấp ủy viên phụ trách với các mảng cụ thể: Giúp cấp ủy trong công tác đảng vụ, công tác kiểm tra, giám sát... Nội dung này cần được đưa vào bản phân công nhiệm vụ cho đảng viên hằng năm.

Chi bộ xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của chi bộ cho cả nhiệm kỳ và từng thời gian cụ thể trong nhiệm kỳ. Cần nghiên cứu kỹ đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của chi bộ để xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát phù hợp, khả thi, tránh việc không bám sát thực tiễn hoạt động của chi bộ và đảng viên, nhầm lẫn giữa nội dung cần kiểm tra và nội dung cần giám sát, xác định nội dung kiểm tra quá lớn, nội dung giám sát quá hẹp dẫn tới không bảo đảm được yêu cầu “kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, giám sát mở rộng”...

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ tăng cường quản lý đảng viên, kịp thời phát hiện và kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên, báo cáo với cấp ủy cấp trên những tình huống phát sinh trong công tác kiểm tra, giám sát.

Hai là, xác định rõ nội dung công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc

- Các nội dung thuộc về lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát: Tuyên truyền, phổ biến Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình về công tác kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát. Ban hành các văn bản theo thẩm quyền về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Định kỳ sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng của chi bộ. Đề xuất với cấp có thẩm quyền về những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

- Các nội dung kiểm tra, giám sát đối với đảng viên: Tiêu chuẩn đảng viên; Việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên (tập trung kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của chi bộ, nhiệm vụ do chi bộ phân công và quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm).

- Tiến hành kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của đảng viên trong chi bộ về thực hiện nhiệm vụ chi bộ giao; về phẩm chất, đạo đức, lối sống; về thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ cấp trên giao).

- Quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).

- Giải quyết tố cáo đối với đảng viên thuộc phạm vi quản lý.

Ba là, bảo đảm các nguyên tắc trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng của chi bộ trực thuộc

- Chi bộ bảo đảm các nguyên tắc chung trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng được quy định tại Điều 2, Quy định 22-QĐ/TW ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Chi bộ phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Chi bộ, chi ủy và đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra. Chi bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền. Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục. Tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phương pháp công tác theo quy định của Đảng; chủ động, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, công tâm, thận trọng, chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải tuân thủ nhằm bảo đảm việc thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên được thống nhất, chặt chẽ, công minh, chính xác, kịp thời.

- Chi bộ bảo đảm 12 nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng được quy định tại điều 9 của Quy định 22-QĐ/TW; 14 nguyên tắc xử lý kỷ luật được quy định tại Điều 2 của Quy định 69-QĐ/TW.

- Chi bộ bảo đảm 9 nguyên tắc quyết tố cáo được quy định tại Điều 20 của Quy định 22-QĐ/TW.

- Cần làm rõ quy trình, cách thức kiểm tra, giám sát của chi bộ và các thủ tục bắt buộc theo quy định của Đảng.

Bốn là, thực hiện tốt việc phối hợp của chi bộ trực thuộc với các tổ chức có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát

Chi ủy cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm chủ động phối hợp với Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội theo từng loại hình của chi bộ về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ và giám sát đảng viên của chi bộ; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan khác trong cung cấp thông tin về hoạt động của chi bộ và đảng viên; bảo đảm thực hiện tốt sự phối hợp với cấp ủy nơi đảng viên cư trú theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.

Năm là, nâng cao chất lượng lập và lưu trữ hồ sơ công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc

Người đứng đầu chi ủy, chi bộ (hoặc đồng chí chi ủy viên được phân công phụ trách công tác kiểm tra, giám sát) có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu, lưu trữ hồ sơ theo quy định.

Cần bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm, nghiệp vụ của chi ủy, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ về công tác văn thư, lưu trữ đúng với quy định, hướng dẫn của Đảng.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của đảng ủy, ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở đối với công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc

Các cấp ủy đảng, trước hết là cấp ủy cơ sở cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác giám sát của chi bộ qua việc tăng cường tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quy định của Đảng về vị trí, vai trò, chức năng của chi bộ và công tác giám sát của chi bộ; quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chi bộ nắm vững nguyên tắc, phương hướng, phương châm, thẩm quyền, thủ tục trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của chi bộ.

Phân công cấp ủy viên trực tiếp theo dõi, giúp chi bộ triển khai nội dung công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Chỉ đạo ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở trong hướng dẫn, kiểm tra công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của chi bộ trực thuộc, đặc biệt là trong hướng dẫn xây dựng chương trình, kế hoạch; xây dựng hệ thống quy trình, biểu mẫu; kỹ năng tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.

Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cho cấp ủy chi bộ, chú trọng các nội dung: Kỹ năng xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, xác định nội dung kiểm tra để đảm bảo “kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, giám sát mở rộng”, tập trung những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm; xác định các hình thức kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chính xác; tiến hành đúng quy trình, thủ tục theo quy định.

Ban hành hướng dẫn về quy trình, biểu mẫu công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cho chi bộ trực thuộc để có thể sử dụng ngay, bảo đảm tính chính xác theo yêu cầu.

Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát, gắn với hoạt động sơ kết, tổng kết của chi bộ, đảng bộ để đánh giá chính xác, toàn diện hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của chi bộ.

Kết luận

Chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở là hạt nhân lãnh đạo chính trị tại đơn vị trực thuộc cơ sở; là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Để nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, chi bộ trực thuộc phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở hiện nay cần thực hiện đồng bộ những giải pháp cả về nhận thức, tổ chức thực hiện và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên.

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Quy định 22-QĐ/TW ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, https://thuvienphapluat.vn

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.