Thứ Bảy, ngày 25/12/2021, 16:57

Thực hành tự phê bình và phê bình nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

CUNG THỊ NGỌC
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Thông qua cách tiếp cận duy vật biện chứng, bài viết chỉ ra bản chất, mục đích, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình trong tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó xác định phương hướng, nội dung thực hành tự phê bình và phê bình hiệu quả, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ở Việt Nam hiện nay

Từ khóa: Cán bộ, đảng viên; nâng cao đạo đức cách mạng; tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tự phê bình và phê bình; tự phê bình và phê bình

Nguồn: petrotimes.vn

Đặt vấn đề

Tự  phê  bình  và  phê  bình  được  Hồ Chí Minh coi là phương thức hữu hiệu để sửa chữa, “gột rửa” mọi sai lầm, khuyết điểm, để “tẩy trừ” mọi căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và mọi tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Việc thực hành tự phê bình và phê bình theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là con đường ngắn nhất để tránh sai lầm, thất bại để mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng chỉnh huấn, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, củng cố niềm tin son sắt của nhân dân với Đảng.

1. Bản chất, mục đích của tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo Hồ Chí Minh, bản chất của tự phê bình và phê bình đó là việc tự kiểm điểm, đánh giá bản thân cũng như người khác một cách khách quan, toàn diện, không thiên vị, định kiến, áp đặt. Tự phê bình và phê bình có quan hệ biện chứng với nhau, tự phê bình là cơ sở của phê bình và ngược lại. "Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm"[2, tr.307]. Như vậy, mục đích của tự phê bình và phê bình chính là làm cho bản thân và đồng chí mình ngày càng hoàn thiện hơn thông qua việc lan tỏa, nhân rộng những điểm tốt, tích cực và hạn chế, đẩy lùi những điểm xấu, tiêu cực.

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao ý nghĩa và tác dụng của thực hành tự phê bình và phê bình, coi đó là phương thuốc quý trị bách bệnh cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng: “Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”[2, tr.302], “Người cán bộ muốn tốt thì phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải có kỷ luật”[2, tr.261]; “các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa... Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”[2, tr.273]. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thực hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, cần mẫn giống như việc đánh răng rửa mặt mỗi ngày.

Theo Hồ Chí Minh, nếu không thiết thực tự phê bình và phê bình thì cũng không thể nâng cao đạo đức cách mạng, không thể có người cán bộ tốt, đoàn thể tốt và công việc cũng vì thế mà khó thành công. Vì thế, Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Ai cũng có tính tốt và tính xấu... phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”[2, tr.294], “khắc phục các khuyết điểm, phát triển các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ... để đi đến thắng lợi vẻ vang”[2, tr.91-92].

2. Những sai lầm, thiếu sót trong thực hành tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ nhất, về tự phê bình

Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Có nghĩa là, mỗi người cần phải tự lấy mình làm đối tượng và với thái độ nghiêm khắc, kiên quyết để kiểm thảo dựa trên những nguyên tắc, những quy định của tổ chức nhằm đẩy lùi những ham muốn vị kỷ. Quá trình này cần được duy trì thường xuyên, liên tục với thái độ nghiêm túc, cầu thị. Song, thực tế đã chỉ ra rằng, quá trình tự nhận thức, phán xét “nội tâm” là việc không dễ dàng và thường mắc phải những sai lầm như sau:

    Bị chi phối bởi mong muốn, nhu cầu, lợi ích cá nhân: Trong cuộc sống, mỗi cá nhân đều mang trong mình bản chất cả hai mặt đối lập “cái sinh học”- phần vì mình (vị kỷ) và “cái xã hội”- phần vì người khác (vị tha). Khi cái bản ngã, vị kỷ thắng thế, lấn át thì bệnh hẹp hòi, óc địa vị, hiếu danh, tham lam, tự đại, kiêu ngạo... lên ngôi, cũng chính là lúc những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hoành hành và sinh ra đủ mọi vấn nạn làm hoen ố “tấm gương lương tâm” và vô hiệu hóa chức năng tự “soi, sửa” của nó. Có lúc mặt tốt thắng thế, khi ấy lòng vị tha, lý tưởng, mục tiêu của cá nhân cũng chính là tinh thần nhân văn, lý tưởng, mục tiêu của tập thể. Mọi suy nghĩ, hành động của họ sáng ngời chính nghĩa, được tập thể ghi nhận, cổ vũ, tôn vinh. Đó cũng là lúc những vấn nạn trong thực hành tự kiểm điểm nảy sinh: (1) Tự cao, tự đại cho mình là anh hùng, là nhất không có ai bằng mình; (2) Không nhận thấy khuyết điểm của mình mà chỉ thấy toàn những ưu điểm; (3) Nếu có nhận ra khuyết điểm thì do sợ mất thể diện nên giấu giếm, che đậy, bao biện cho nó; (4) Sợ người khác hơn mình nên có những hành vi không đúng với người khác: Có thể là áp đặt, quy chụp, bôi nhọ hoặc “dìm người”[2, tr.276].

Bị hoàn cảnh chi phối: Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu”[2, tr.294]. Khi bị “danh, lợi” lung lạc, phần vị kỷ trong mỗi con người phát tác thì những biểu hiện vun vén cá nhân, vô trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí sẽ xuất hiện: “Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia”[2, tr.75], “Có những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”[2, tr.90].

 Do sự lôi kéo, chống phá của các lực lượng đối lập: Các lực lượng đối lập vô cùng gian ngoan, xảo trá, dùng mọi thủ đoạn, mánh khóe để lung lạc, mua chuộc, lôi kéo cán bộ.

Thứ hai, về phê bình

Theo Hồ Chí Minh, phê bình không phải là “cạo gáy”, “lật tẩy” lẫn nhau mà là “nêu ra ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình”, để giúp nhau phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm. “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ... Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”[2, tr.272]. Hồ Chí Minh cũng cảnh báo những sai lầm trong phê bình:

    i) Chủ quan trong phê bình

    Phê bình định kiến, một phía: Đó là cứ nhằm vào chỗ khuyết điểm của đồng chí mình mà chỉ trích, phóng đại lên mà không thấy những ưu điểm của họ.

    Phê bình áp đặt: Chỉ căn cứ vào những biểu hiện sai phạm bên ngoài để gán ghép những khuyết điểm mà đồng chí mình không có khi chưa nghiên cứu rõ bản chất của vấn đề.

    Phê bình “vùi dập”, phe cánh: Đó là phê bình theo kiểu: “Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”[2, tr.297].

    ii) Phê bình chưa thấu đáo, thiếu hiệu quả, sơ sài, đại khái, nể nang, bao biện.

    Nghĩa là không xem xét vấn đề một cách toàn diện, đến nơi, đến chốn, không nghiên cứu cụ thể hoàn cảnh của sai lầm, coi thường kỷ cương và do đó không tìm được cách giải quyết mâu thuẫn trong Đảng một cách đúng đắn. “Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa... những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta”[2, tr.89-90].

3. Phương hướng, nội dung thực hành tự phê bình và phê bình nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 3.1. Đối với cá nhân cán bộ, đảng viên

Một là, cần phải phục tùng nguyên tắc của tổ chức trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”[2, tr.307]. Tính đảng gồm 3 nguyên tắc cơ bản: (1) Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; (2) Phải kiểm tra, giám sát rõ ràng, cẩn thận trước khi quyết định; (3) Lý luận và thực hành phải gắn liền, chống chủ nghĩa vị kỷ.

Hai là, phải có thái độ đúng đắn và đảm bảo kỹ năng đấu tranh: (1) Phải thật thà, trung thực coi trọng cả hai mặt ưu điểm và khuyết điểm, không áp đặt, định kiến với người khác và cũng không được che giấu khuyết điểm của bản thân mình; (2) Phải có tinh thần xây dựng, phải biết cách làm cho đồng chí mình nhận ra khuyết điểm mà sửa chữa; (3) phải thẳng thắn, dân chủ.

Ba là, phải dũng cảm vượt qua chính bản thân mình, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng: (1) Vượt qua mặc cảm, tự ti, sĩ diện, rèn luyện đức tính trung thực, thật thà. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “phải thật thà... có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm chút gì. Phải tìm cho ra vì sao mà sai lầm? Sai lầm ấy sẽ thế nào? Dùng cách gì mà sửa chữa? Và phải kiên quyết sửa chữa. Tự phê bình và sửa khuyết điểm có khi dễ, nhưng cũng có khi khó khăn, đau đớn, vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác”[3, tr. 82]; (2) Từ bỏ thói kiêu ngạo, tự mãn, vun trồng đức khiêm tốn, cầu thị, siêng năng, sống tiết kiệm, trong sạch, chân chính làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Người nhắc nhở: “Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng, tiết kiệm”[2, tr.68]. (3) Phải chân thành, vị tha, thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Phải “Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh rẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị”[2, tr.68]. Phải cởi mở, chân thành, thân ái giúp đỡ để đồng chí phát huy sở trường và khắc phục khiếm khuyết mà tiến bộ nhưng cũng không thể mượn danh phê bình để công kích, để nói xấu, để chửi rủa, hạ bệ người khác. Như thế là trù dập cán bộ, phá hoại đoàn thể. (4) Trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao. Mỗi cán bộ phải nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể nhiệm vụ được giao phó, phải thấy được nhiệm vụ nào cần thiết, cấp bách thì ưu tiên giải quyết trước với kế hoạch và phương pháp phù hợp. Để thực thi nhiệm vụ khoa học, hiệu quả, cần phân tích, sắp xếp, chuẩn bị điều kiện, phương tiện, nguồn lực tương ứng; dự liệu kết quả một cách chính xác: “Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Bước thứ hai làm thế nào? Bước thứ ba làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát do dự”[2, tr.69].

3.2. Đối với các tổ chức đảng

Một là, cần tạo ra môi trường dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết để mỗi cán bộ, đảng viên tự “miễn nhiễm” đối với “vi rút cám dỗ”: “Phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương”[2, tr.308]. “Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng”[2, tr.305]. Với những đảng viên vi phạm khuyết điểm cần xử lý nghiêm minh, nghiêm cấm bao che, dung túng. Cụ thể hóa yêu cầu này, Đảng đã xác định: (1) “Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”[1, tr.184]. (2) Giữ vững lập trường cách mạng trong xử lý các mối quan hệ lợi ích, ưu tiên cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. “Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”[2, tr.290]. (3) “thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”[1, tr.187-188].

 Hai là, cần phải xác định nguyên tắc đấu tranh phù hợp: (1) Phải quán triệt nguyên tắc toàn diện, phát triển, lịch sử - cụ thể trong xem xét, đánh giá cán bộ, trong công cuộc tự chỉnh đốn, tự chỉ trích, củng cố phát triển tổ chức: “công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”[2, tr.283]. (2) Không chủ quan, phiến diện, một chiều, không thể chỉ chú trọng một mặt, một phía: “Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”[2, tr.279]. (3) Phải sửa chữa khuyết điểm kịp thời, không được để tích tụ: “Mọi người phải nhớ rằng: cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm lớn, rất có lợi cho Đảng và công cuộc kháng chiến”[2, tr.272].

Kết luận

Trong quá trình bồi dưỡng và rèn luyện Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng thông qua phương thức tự phê bình và phê bình. Những chỉ huấn của Người vẫn mãi là công cụ sắc bén dành cho mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng tự “soi, sửa” nhằm tôi luyện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Tài liệu tham khảo:

[1Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về khuyến học, khuyến tài trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam

Tác giả: TS. Thành Thu Trang

(TG)-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc khuyến khích, động viên nhân dân học tập để nâng cao nhận thức và phụng sự cho sự phát triển đất nước. Tư tưởng của Người đã được Đảng ta kế thừa và phát triển khi đưa ra chủ trương khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập để nâng cao dân trí, phát triển nhân lực ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN giai đoạn hiện nay

Tác giả: ThS. Triệu Thanh Sơn

(TG) - Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là nhiệm vụ quan trọng trong công tác đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền trong bối cảnh hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển toàn diện trong công cuộc đổi mới hiện nay

Tác giả: Lê Thị Hằng

(TG) - Ngay từ giữa thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã có cái nhìn khoa học và hiện đại về phát triển xã hội, trong đó có những vấn đề mà nhiều lý thuyết phát triển ngày nay đang đặt ra như phát triển toàn diện, phát triển bền vững, phát triển nhân văn. Những vấn đề về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và xã hội, vật chất và tinh thần… đã được Hồ Chí Minh đề cập sâu sắc trong quan niệm và thể hiện sinh động trong thực tiễn Người lãnh đạo xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với báo chí cách mạng Việt Nam

Tác giả: PGS.TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là người trực tiếp viết báo trong gần nửa thế kỷ. Di sản báo chí mà Người để lại cho đời sau là di sản của cách mạng Việt Nam, di sản của văn hóa Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: NGUYỄN KHẮC THANH

(GDLL) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến, cứu quốc của dân tộc. Không chỉ vậy, Người còn là hiện thân của tinh thần đoàn kết, mẫu mực tuyệt vời về việc tập hợp, vận động các giai cấp, tầng lớp nhân dân đoàn kết để phục vụ cho cách mạng. Bài viết tập trung làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết ở Việt Nam. Từ đó, đề xuất một số biện pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc vào công cuộc dựng xây, kiến thiết đất nước trong giai đoạn hiện nay.