Thứ Bảy, ngày 25/12/2021, 17:04

80 năm ngày Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước (1941 - 2021), trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi

NGUYỄN VĨNH THANH
Học viện Chính trị khu vực I

Ngày 28/01/1941, sau hành trình 30 năm bôn ba lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc. Trước những yêu cầu bức thiết của tình hình thế giới và trong nước, ngay khi trở về Người đã trực tiếp cùng cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc chuẩn bị điều kiện để đi đến những chuyển hướng chỉ đạo chiến lược quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Với ý nghĩa quan trọng đó, mặc dù đã trải qua 80 mùa xuân nhưng những giá trị ngày Người về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam vẫn trường tồn và cần phải được tiếp tục học tập, phát huy.

Từ khóa: Cách mạng Việt Nam; Hội nghị Trung ương 8; Nguyễn Ái Quốc về nước.

Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nơi diễn ra Quốc dân đại hội quyết định Tổng khởi nghĩa, bầu ra  Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tháng 8/1945.

(Ảnh Tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN).

Đặt vấn đề

Ra đi từ năm 1911 đến khi tìm được con đường cách mạng vô sản vào năm 1920, “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[1] luôn là khát khao cháy bỏng của Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Nhưng phải đến 30 năm sau, khát vọng đó của Người mới có thể thực hiện được. Ngày 28 - 1 - 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng, với những quyết định quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

1. Hành trình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc

Trong suốt 30 năm hoạt động ở nước ngoài, đã rất nhiều lần Nguyễn Ái Quốc tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều không thực hiện được. Đến năm 1940, khi tình hình thế giới có những chuyển biến nhanh chóng: Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra với việc chiếm ưu thế của phe phát xít trên tất cả các mặt trận; ngày 15/6/1940 phát xít Đức tấn công nước Pháp và Chính phủ Pháp đầu hàng không điều kiện ngày 22/6/1940 đã tạo những dấu hiệu thời cơ cho cách mạng Việt Nam. Cùng với đó, khi về hoạt động tại Côn Minh (Trung Quốc), được sự giúp đỡ của những người cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã bắt liên lạc được với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương. Những kế hoạch cho hành trình về nước của Người cùng một số đồng chí đã được chuẩn bị chu đáo, tiến hành từng bước trên cơ sở tìm hiểu tình hình, nghiên cứu con đường phù hợp với hướng xây dựng căn cứ địa cách mạng sau này. Sáng sớm ngày 28/1/1941, Người cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba rời Nậm Quang (địa phương thuộc tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, sát biên giới Việt - Trung) lên đường về nước. Tại cột mốc 108 biên giới Việt - Trung, Người đã đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương với bao nỗi xúc động, mong chờ và hy vọng.

Có thể nói, hành trình 30 năm bôn ba của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ là một chặng đường dài đầy gian lao, thách thức với những thăng trầm trong quá trình hoạt động cách mạng của Người, mà quyết tâm trở về còn là sự khát khao thực hiện cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Khi chưa về nước, Người thường xuyên chăm lo bồi dưỡng lý luận, nâng cao nhận thức và huấn luyện cho các cán bộ cách mạng, chuẩn bị cho những tiền đề của một cuộc cách mạng giành thắng lợi: Mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ (tại Nậm Quang, Quảng Tây, Trung Quốc), chọn Cao Bằng làm nơi về nước và xây dựng căn cứ địa cách mạng… Cho đến khi đặt chân lên dải đất quê hương, với một tâm thế sẵn sàng tràn đầy hy vọng, Người cùng Trung ương Đảng đã tích cực chuẩn bị những điều kiện trực tiếp cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

2. Cách mạng Việt Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

Cách mạng Việt Nam ngay từ khi Đảng ra đời năm 1930 đã xác định mục tiêu chiến lược đó là “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2]. Trải qua các cao trào đấu tranh 1930 - 1931, cao trào 1936 - 1939, Đảng đã có sự phát triển từ trong thực tiễn, linh hoạt trong giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và dân chủ. Đến Hội nghị Trung ương 6 (11/1939), trước những thay đổi quan trọng của tình hình thế giới và trong nước, Đảng đã kịp thời có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Tuy nhiên lúc này cách mạng Việt Nam chưa hội tụ được đầy đủ những tiền đề (tổ chức Đảng, lực lượng, thời cơ…) cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi.

Đầu năm 1941, sau khi về đến Tổ quốc, chính ở mảnh đất Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo, chuẩn bị những điều kiện cho cách mạng Việt Nam. Trải qua khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1941, và đặc biệt là Hội nghị Trung ương 8 (5 - 1941) tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngọn lửa cách mạng Việt Nam đã có sự hoàn thiện quan trọng trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược:

Khẳng định mục tiêu trước mắt của cách mạng là: “cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại… là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”[3]. Đây là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Đông Dương lúc này.

Trên cơ sở những kinh nghiệm trong việc tổ chức thí điểm các hội quần chúng như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… Ở Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) nhằm tập hợp mọi lực lượng cách mạng để đánh đuổi phát xít Nhật, giải phóng dân tộc. Đây là một hình thức tập hợp quần chúng đông đảo nhất từ khi Đảng ra đời, thể hiện sự sáng tạo, độc lập trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc trên cơ sở thấm nhuần truyền thống yêu nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.

Công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng xác định cần phải gấp rút tiến hành để có thể chuẩn bị tiền đề đưa cách mạng đi đến thành công. Vì vậy, tại Cao Bằng, ngay sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc đã mở những lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ địa phương, có lớp chỉ diễn ra trong một tuần lễ với nội dung tập trung vào ba vấn đề chính: (1) Tình hình thế giới và trong nước; (2) Chủ trương chính sách mới của Đảng, Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh; (3) Phương pháp công tác. Sau những khóa huấn luyện bám sát tình hình thực tiễn như vậy, từng lớp cán bộ của Đảng đã có sự hiểu biết chính trị, có trình độ và khả năng công tác, hoạt động đáp ứng yêu cầu cách mạng. Người sáng lập tờ báo “Việt Nam độc lập” (báo Việt Lập) làm cơ quan tuyên truyền chủ trương đường lối của Mặt trận Việt Minh. Với sự tham gia của những cây bút chủ lực: Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh… Trong 129 số, báo Việt Lập đã trở thành một phương tiện truyền bá, tuyên truyền, cổ động hiệu quả của Mặt trận Việt Minh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Với chủ trương xúc tiến công tác chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị thành lập Đội du kích Pác Bó (ra đời năm 1941), làm nòng cốt của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau này. Lực lượng của  Đội du kích phần lớn là con em dân tộc địa phương, được tổ chức và hoạt động nhằm thực hiện những nhiệm vụ quân sự, tuyên truyền, huấn luyện. Sau này, trong tình hình mới, mặc dù Đội tự giải tán theo chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc nhưng những đội viên của Đội đã tỏa đi các nơi, trở thành hạt nhân xây dựng lực lượng tuyên truyền, vũ trang từ căn cứ Cao Bằng mở rộng ra phạm vi toàn căn cứ Việt Bắc.

Như vậy, từ sau khi về nước đến khi Hội nghị Trung ương 8 kết thúc, với những hoạt động trực tiếp, tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, cách mạng Việt Nam đã có sự hoàn chỉnh nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) và Hội nghị Trung ương 7 (11/1940) nêu ra. Sự hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược trên đây phù hợp với tình hình thế giới và bối cảnh trong nước, đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc Việt Nam. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân gấp rút tiến hành những công tác chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang, giành được nền độc lập cho dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khởi đầu cho những mùa xuân của dân tộc, của đất nước.

3. Ý nghĩa trường tồn của sự kiện Nguyễn Ái Quốc về nước vào mùa xuân năm 1941

Sự trở về của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ đặt cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Người, mà thực chất đây chính là sự quay trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam đã được nêu ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 2/1930). Điều này đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển nhanh chóng, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đi đến thành công của Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chiến thắng mùa xuân 1975, thành tựu hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Với ý nghĩa lớn lao đó, sự kiện Nguyễn Ái Quốc về nước vào mùa xuân năm 1941 đã trở thành một mùa xuân đặc biệt còn lưu giữ những giá trị cho đến ngày hôm nay:

Thứ nhất, lòng yêu nước chính là cội nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đúc rút truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam như sau: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[4]. Truyền thống đó được thể hiện rõ nhất chính ở lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Năm 1911 chính lòng yêu nước chân chính đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước khi mới là một người thanh niên trẻ tuổi. Trong suốt những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, trải qua nhiều thăng trầm, chính lòng yêu nước đã trở thành động lực mạnh mẽ khiến Người kiên trì trở về Tổ quốc mùa xuân năm 1941. Việt Nam hôm nay đã hòa bình, đã phát triển, nhưng bên cạnh những thành tựu vẫn còn rất nhiều những nguy cơ, thách thức to lớn. Chính vì vậy để tiếp tục giữ vững những thành quả của cách mạng, để phát triển đất nước hơn nữa thì truyền thống yêu nước sẽ trở thành sức mạnh hữu hình phục vụ mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc.

Thứ hai, sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở về, tập hợp được một lực lượng quần chúng đông đảo nhất (qua Mặt trận Việt Minh) đã tạo cơ sở và là minh chứng cho việc cần phải phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đề ra mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Mặt trận Việt Minh ra đời với những chính sách cụ thể trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đối với từng tầng lớp nhân dân, không phân biệt giàu nghèo, đảng phái, tôn giáo… đặng cùng nhau thực hiện hai điều mà toàn thể dân tộc Việt Nam đang mong ước: (1) Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; (2) Làm cho dân Việt Nam được hoàn toàn sung sướng, tự do[5]Vì vậy mà Mặt trận Việt Minh đã xây dựng được một lực lượng chính trị quần chúng hết sức hùng mạnh, hoạt động rộng khắp trên cả nước và nhạy bén trước những tình hình mới, đóng góp không nhỏ vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Học tập, tiếp thu tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, về tôn giáo, về người Việt Nam ở nước ngoài, giai cấp công nhân, nông dân, trí thức… từng bước được thể chế hóa thành pháp luật, pháp lệnh, chính sách của Nhà nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành chiến lược phát triển của đất nước, khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh từ những ngày đầu trở về Tổ quốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ ba, cách thức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ của Nguyễn Ái Quốc để lại cho Đảng, Nhà nước những bài học, kinh nghiệm quý báu. Bởi khi mới đặt chân về nước, tại một địa phương miền núi điều kiện còn rất khó khăn như Cao Bằng nhưng bằng trí tuệ, tư duy của mình, Người đã rất thành công trong công tác đào tạo cán bộ phục vụ cách mạng. Ngoài sự chuẩn bị chu đáo về giáo án, tài liệu phục vụ công tác như Cách đánh du kích, Lịch sử nước ta, Lịch sử Đảng Cộng sản… thì phương pháp giảng dạy, huấn luyện của Người luôn bảo đảm yêu cầu phục vụ thực tiễn, học đến đâu hành đến đấy, công tác giáo dục không chỉ trong lớp học mà cả trong sinh hoạt hàng ngày. Nội dung huấn luyện được Người sắp xếp phù hợp với đối tượng, đi từ dễ đến khó, vấn đề trừu tượng, phức tạp được minh chứng, giảng giải bằng những sự kiện thực tế dễ hiểu, dễ nhớ. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, những cán bộ được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện đều nhanh chóng trưởng thành, đi vào thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu cách mạng. Những phương pháp, cách thức đào tạo, giảng dạy trên đã cho thấy sự tài năng của người thầy vĩ đại Nguyễn Ái Quốc, trở thành bài học cho quá trình học tập cao cấp lý luận chính trị cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, nếp sống, làm việc giản dị, gần dân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngay từ hành trình trở về đến những ngày sinh sống ở Cao Bằng đã trở thành tấm gương sáng cần phải học tập, phát huy. Già Thu hay Ông Ké đã ngày ngày cùng “cháo bẹ, rau măng”, từ trang phục đến lời nói việc làm, lúc thổi cơm, ngồi câu cá, khi tắm suối, ngủ rừng… hòa mình vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc, để từ đó vận động, tổ chức, huấn luyện đồng bào đứng lên đấu tranh, tự giải phóng. Chính vì vậy mà cả vùng đất, núi rừng, con người Cao Bằng đã trở thành nơi bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác Hồ trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật. Người chính là một tấm gương sáng cho việc cần phải phát huy tính nêu gương ở cán bộ lãnh đạo, quản lý mà Đảng đã đề ra trong Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QÐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII), về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Kết luận

Trở về quê hương là một niềm mong mỏi tha thiết, đau đáu trong suốt hành trình Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn biển đã minh chứng cho tấm lòng của một người con yêu nước, của một lòng sắt son với lý tưởng cách mạng. Người trở về đất nước vào đầu năm 1941 với hành trang đầy đủ, với một niềm hy vọng mãnh liệt cho tương lai độc lập, tự do của dân tộc cùng lối sống gần gũi, giản dị của Người đã đem tới khởi đầu như một mùa xuân mới cho dân tộc Việt Nam. Đã 80 năm trôi qua, mùa xuân năm 1941 vẫn giữ nguyên nhiều giá trị đối với sự phát triển của con người, đất nước Việt Nam để tiếp nối lý tưởng về một quốc gia độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. 

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 1, tr.209.

     [2] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 3, tr.1.

    [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr.119.

     [4] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 7, tr.38.

     [5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Sđd, tập 7, tr.470. 

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).