Thứ Bảy, ngày 25/12/2021, 17:11

Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với yêu cầu của đất nước và dân tộc Việt Nam

HUỲNH THỊ GẤM
Học viện Chính trị khu vực II

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và truyền bá về nước ta cùng với tư tưởng của Người là nền tảng tư tưởng dẫn đường cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi ngày càng to lớn, vẻ vang. Bài viết trình bày các luận cứ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam bao gồm: chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa mang tính cách mạng, khoa học, chân chính; trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến các hệ tư tưởng, con đường phong kiến và dân chủ tư sản đã thất bại, bất lực trước yêu cầu của lịch sử; Tổ quốc và dân tộc cần hệ tư tưởng mới, con đường đi mới; các tầng lớp nhân dân Việt Nam tiếp thu học thuyết này là do tất yếu khách quan của lịch sử. Từ khóa: Nguyễn Ái Quốc; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin.

Từ khóa: Nguyễn Ái Quốc; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920.

(Ảnh: congan.com.vn)


Đặt vấn đề

Đại hội lần thứ VII (1991) đã khẳng định bước tiến lớn trong tư duy của Đảng: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1, tr.88]. Hệ tư tưởng này đã dẫn đường, soi sáng cho Việt Nam giành thắng lợi trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là công cuộc đổi mới. Cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng  vô  sản  mà  lãnh  tụ  Nguyễn  Ái  Quốc - Hồ Chí Minh lựa chọn, cũng là sự lựa chọn của Đảng, của nhân dân và lịch sử. Sự lựa chọn đó được làm rõ từ những cơ sở khoa học bởi giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênnin, sự thật lịch sử thắng lợi của con đường cách mạng và quy luật khách quan của nhận thức tư duy.

Thứ nhất, chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa mang tính cách mạng, khoa học, chân chính

Chủ nghĩa Mác - Lênin được hình thành từ kết quả nghiên cứu nghiêm túc, công phu với những phát kiến lớn của các nhà sáng lập. Chủ nghĩa Mác - Lênin có giá trị lớn lao, mang tính cách mạng, khoa học, tiến bộ, chân chính. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận ra chân giá trị của học thuyết này sau khi đến được với nhiều học thuyết. Trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927), Người viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3, tr.289].

Không những chỉ mang các giá trị tốt đẹp đó, mà chủ Mác - Lênin còn có giá trị đặc biệt hơn nữa là mang tính nhân loại. Học thuyết của các ông không chỉ như những làn sóng phát triển ở châu Âu, ở phương Tây mà còn xâm nhập vào hầu như khắp các châu lục trên thế giới. Đặc biệt, ở Nga, sự thâm nhập của chủ nghĩa này đã đưa đến sự ra đời của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga, tức Đảng Cộng sản Nga. Đảng cùng với lãnh tụ thiên tài V.I.Lênin đã lãnh đạo cách mạng Tháng Mười ở Nga thành công, bắt đầu xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới - cộng sản chủ nghĩa, mở ra thời đại mới trong lịch sử xã hội loài người, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, trải nghiệm, nhận thấy những hạn chế của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản trên thế giới được dẫn dắt bởi hệ tư tưởng tư sản. Người chỉ ra: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[3, tr.296]. Người chỉ ra nhiều nội dung từ cách mạng Nga mà Việt Nam có thể học để làm cách mạng như: “dân chúng (công nông) làm gốc”, “phải có đảng vững bền”, “phải bền gan, phải hy sinh”, “phải thống nhất”, “phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[3, tr.304].

Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn đó cho thấy tính cách mạng, khoa học, chân chính và nhân loại của chủ nghĩa Mác - Lênin là rõ ràng, hiển nhiên. Việc tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp thu, được hấp dẫn và đi theo, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ riêng cá nhân Hồ Chí Minh, mà có tính phổ biến, tính nhân loại, trong đó có nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến các hệ tư tưởng, con đường phong kiến và dân chủ tư sản đã thất bại, bất lực trước yêu cầu của lịch sử

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, hệ tư tưởng phong kiến, giai cấp địa chủ phong kiến đã từng có vai trò dẫn dắt xây dựng chế độ phong kiến Việt Nam với nhiều triều đại thịnh trị, có công lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước, tiêu biểu như các triều đại Lý, Trần, Lê... Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, thống trị Việt Nam, hệ tư tưởng phong kiến đã bị thất bại trước yêu cầu chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền. Điều đó chứng tỏ giai cấp địa chủ phong kiến đã mất vai trò, sứ mệnh lịch sử, hệ tư tưởng phong kiến bị thất bại trước yêu cầu của lịch sử.

Đầu thế kỷ XX, những tư tưởng của cuộc cách mạng tư sản Pháp, cách mạng Tân Hợi Trung Quốc, công cuộc Duy Tân của Nhật Bản... đã ảnh hưởng, tác động làm cho phong trào yêu nước Việt Nam chuyển sang xu hướng dân chủ tư sản. Điển hình là phong trào do Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh lãnh đạo.

Hệ tư tưởng phong kiến và giai cấp địa chủ phong kiến, hệ tư tưởng dân chủ tư sản và giai cấp tư sản đều bị thất bại, bất lực trước vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, không có khả năng giải quyết được yêu cầu bức thiết đặt ra của Tổ quốc và dân tộc là giành độc lập, tự do, chủ quyền và canh tân, phát triển đất nước. Các phong trào yêu nước Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng, thiếu hệ tư tưởng dẫn đường, thiếu đường lối, phương pháp cứu nước đúng đắn, phù hợp.

Quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đưa đến sự ra đời của các giai cấp, tầng lớp mới, trong đó có giai cấp công nhân. Dưới ách áp bức tàn bạo, bóc lột đến tận xương tủy của chế độ thuộc địa, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ngày càng rộng lớn. Giai cấp công nhân, phong trào công nhân chính là một lực lượng mới, là cơ sở xã hội cho hệ tư tưởng mới, hệ tư tưởng của chính giai cấp này - chủ nghĩa Mác - Lênin, thâm nhập vào Việt Nam.

 Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước, đáp ứng yêu cầu của Tổ quốc và dân tộc

 Chứng kiến tình cảnh dân tộc Việt Nam bị mất nước, lầm than, nô lệ, các phong trào yêu nước hào hùng, quyết liệt nhưng có những hạn chế, khó khăn, bế tắc. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành luôn đau đáu tâm nguyện, hoài bão cứu nước, cứu dân. Trong hành trình ấy, Người thấy vai trò, tầm quan trọng của lý luận, của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với Đảng, cách mạng và nhân dân ta. Người đã nhắc lại câu viết của V.I.Lênin rằng, không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong. Người cho rằng vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với Đảng Cộng sản, đối với sự nghiệp cách mạng, đối với nhân dân chẳng khác nào như trí khôn của con người, giống như kim chỉ nam, như ánh sáng mặt trời, như người đi đường mà biết trước đường đi của mình. Cho nên: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”[3, tr.289].

Người đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước bằng nhiều con đường, phương cách như: sách báo, truyền đơn, diễn văn, bài giảng ở các lớp huấn luyện, tuyên truyền... Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta rất khó khăn trước sự ngăn cấm, lùng sục, bắt bớ của thực dân Pháp và tay sai. Nhưng phong trào công nhân, phong trào yêu nước và các tầng lớp nhân dân đã rất hào hứng, phấn khởi đón nhận, tin và theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Chính  chủ  nghĩa  Mác  -  Lênin,  tư  tưởng Hồ Chí Minh định hướng, dẫn đường cho Tổ quốc và dân tộc Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều đó càng khẳng định: Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.

Thứ tư, việc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin của các tầng lớp nhân dân Việt Nam là do quy luật khách quan của nhận thức

Hệ tư tưởng phong kiến trở lên lỗi thời do sự ươn hèn của phái chủ hòa trong triều đình nhà Nguyễn, đã câu kết với bọn thực dân vì lợi ích riêng của dòng họ. Hệ tư tưởng dân chủ tư sản với những giá trị tiến bộ của mình, phần nào cũng thu hút được một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ. Nhưng giai cấp tư sản dân tộc, chủ thể của hệ tư tưởng này đã không thể truyền bá cho rộng rãi được vì nó kém sức hấp dẫn, chỉ mang lại lợi ích cho thiểu số.

Hệ tư tưởng vô sản, chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng khoa học, cách mạng, nhân văn tiến bộ, mới mẻ... đầy sức hấp dẫn. Hệ tư tưởng này dẫn lối cho Đảng, cho dân tộc đấu tranh cách mạng vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất, vì một chế độ xã hội tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, mang quyền lợi về cho đại đa số nhân dân, có nhiều tính ưu việt hơn hẳn các chế độ trước đó. Không chỉ đội ngũ cán bộ, đảng viên mà đông đảo các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam được hấp dẫn, được giác ngộ, được thu hút và đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo Đảng, theo Bác Hồ đấu tranh cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh.

Truyền bá hệ tư tưởng của chủ thể là một việc, nhưng đối tượng được truyền bá có theo hệ tư tưởng đó không còn là việc khác. Chính sự tàn bạo, dã man của kẻ xâm lược, kẻ áp bức, bóc lột, đè nén dân tộc mất nước là mảnh đất cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa dễ thâm nhập, nảy nở mà Hồ Chí Minh đã phát hiện: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”[3, tr.40]. Hệ tư tưởng vô sản, chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh truyền bá, Đảng và lực lượng cách mạng tiếp nối có sức hấp dẫn lớn đối với đại đa số nhân dân, truyền cảm hứng cách mạng cho cả một dân tộc, cho nên được nhân dân, dân tộc qua nhiều thế hệ lựa chọn, đi theo và trung thành với học thuyết và con đường cách mạng này.

Kết luận

Từ thực tiễn lịch sử, từ quy luật khách quan trong nhận thức tư duy của nhân dân và dân tộc, có thể khẳng định, việc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, lựa chọn con đường cách mạng vô sản là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của đất nước và dân tộc. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi đường cho Đảng và dân tộc Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, giành nhiều thắng lợi vẻ vang qua các thời kỳ cách mạng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội [2, tr.33]. 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

      [3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, tập 2, tập 2, tập 2, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).