Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 09:26

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức” và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

VŨ THỊ MINH TÂM
Học viện Chính sách và phát triển

(GDLL) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu nói phải đi đôi với làm, nêu gương, trước hết về đạo đức cho tất cả cán bộ, đảng viên. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn kế thừa và vận dụng nguyên tắc “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức”. Bài viết làm rõ tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức” và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa:  Đảng Cộng sản Việt Nam; đạo đức; nêu gương; tư tưởng Hồ Chí Minh.


Hồ Chủ tịch về thăm nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

(Ảnh tư liệu: tuyengiao.vn)    

Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục con người, sự nghiệp trồng người; trong giáo dục đạo đức, Người rất coi trọng phương thức “nêu gương”, Người đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức của người xưa: Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo (trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói). Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức” có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao nói riêng.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức”

“Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức” là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc được Hồ Chí Minh nâng cao lên một tầm cao mới. Người coi đây là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng nền đạo đức mới. Nguyên tắc cơ bản này là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nó đã trở thành phương pháp luận trong cuộc sống và là nền tảng triết lý sống hết sức bình dị mà vô cùng sâu sắc của Người. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, khi đề cập tư cách một người cách mệnh, Người yêu cầu: “Nói thì phải làm...”[1]. Trong bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người viết “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”[2]. Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục mọi người và chính Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất.

Với Người, nói đi đôi với làm đối lập hoàn toàn với thói đạo đức giả, nói một đằng, làm một nẻo, nói nhiều làm ít, thậm chí nói mà không làm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời nói cần đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Trong tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Người viết: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”[3]. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của đại đa số nhân dân còn nhiều thiếu thốn... thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục. Ngay sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện của thói đạo đức giả ở một số cán bộ “vác mặt làm quan cách mạng”[4]. Sau này, Người cũng nhiều lần bàn đến việc tẩy sạch căn bệnh quan liêu, coi thường quần chúng của một số cán bộ, đảng viên: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm, chính sách của Đảng và Chính phủ”[5], làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Chính Phủ trước Nhân dân.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để chống việc nói một đằng, làm một nẻo, mỗi cán bộ, đảng viên còn cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ cụ thể. Khi nói phải gắn với những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung, đại khái dẫn đến nói chung, ai nói cũng được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không được hứa mà không làm. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. "Làm" ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, từ việc nhỏ đến việc lớn, mang ý nghĩa thiết thực. Ðối với Ðảng, Người yêu cầu: “Ðảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Ðảng”[6]

Nêu gương về đạo đức là một nét đẹp trong truyền thống văn hoá phương Đông. Để đạo đức cách mạng thấm sâu, bám chắc vào đời sống xã hội và trở thành nền tảng tinh thần của nhân dân, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên: “Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hoá”[7]. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong lời nói và việc làm không chỉ là cách thức để giáo dục đạo đức cho quần chúng, mà còn là một phương pháp để tự giáo dục bản thân mình. Lời nói đi đôi với việc làm phải gắn liền với nêu gương về đạo đức. Đối với cán bộ, đảng viên, Người luôn nêu luận điểm quan trọng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[8]. Người căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[9].

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực về nói đi đôi với làm, tự giác nêu gương. Theo Người, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm.

2. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức”

“Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức” là một trong những phẩm chất sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.

Trong suốt cuộc đời, ở Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Người quan niệm: Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước; tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính, mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bao nhiêu câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói đi đôi với làm, tự mình làm trước.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cách mạng Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn “thù trong, giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã đưa ra những chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời đẩy lùi những khó khăn. Để giải quyết nạn đói trên miền Bắc, Người đề nghị toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói, và Người mẫu mực thực hiện trước: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo[10].

Nói đi đôi với làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện rất nghiêm túc, mặc dù lúc này sức khỏe Người giảm sút do trải qua trận ốm nặng. Các đồng chí từng phục vụ bên Người kể lại rằng, một lần tướng Tiêu Văn của Quân đội Tưởng Giới Thạch mời Người dự chiêu đãi. Hôm đó, đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để góp gạo cứu đói, mặc dù các đồng chí phục vụ đã báo cáo phần gạo của Người đã cho vào hũ gạo cứu đói rồi, nhưng Người vẫn quyết định “nhịn ăn một bữa” vào ngày hôm sau[11].

Năm 1946, để tăng cường sức khỏe cho Nhân dân, Bác kêu gọi toàn dân tập thể dục. Bản thân Người là tấm gương “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”[12].

Nǎm 1966, do sức khoẻ giảm sút, bác sỹ đề nghị Bác bỏ thuốc Bác có kế hoạch quyết tâm bỏ dần. Bác nói:

- Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này.

Rồi Bác tự đề ra chương trình bỏ thuốc dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Bác làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Tuổi đã già phải làm như vậy thật quá vất vả. Tập một thói quen, bỏ một thói quen không dễ chút nào. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Bác bảo đồng chí giúp việc để cho Bác một vỏ lọ Pênixilin ở nơi làm việc và phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Bác dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành. Anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Bác bảo: “Nhưng hút để có cữ”. Với cách làm đó, Bác đã giảm từ cả bao xuống còn ba, bốn điếu một ngày. Cứ như vậy Bác hút thưa dần.

Đầu tháng 3 - 1968, nhân khi bị cảm ho nhẹ, Bác tự quyết định bỏ hẳn. Mấy ngày sau, trong một tuần lễ anh em vẫn để gói thuốc trên bàn làm việc của Bác, nhưng Bác không dùng.

Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác nói: Bác bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá. Sau này Bác có bài thơ Vô đề:

“Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,

Một năm là cả bốn mùa Xuân”[13].

Câu chuyện Bác Hồ bỏ thuốc là một minh chứng cho đạo đức “Nói đi đôi với làm” của Bác và cũng cho chúng ta thấy được ý chí kiên cường, luôn luôn vượt gian khổ để rèn luyện bản thân của vị lãnh tụ kính yêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập năm 1957. (Ảnh: https://www.qdnd.vn)

Trong quan hệ và ứng xử, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ dựa vào quyền lực, dùng quyền lực để hưởng đặc quyền mà luôn gương mẫu chấp hành quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 06/01/1946) tại Hà Nội, khi được đề nghị không phải ra ứng cử, Người viết thư cảm tạ đồng bào ngoại thành Hà Nội và đề nghị đồng bào để mình được thực hiện quyền công dân, Người viết: “Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa”[14].

Nguyên tắc “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta và thực tiễn những việc Người làm đó là mực thước, là tôn chỉ, lẽ sống mỗi chúng ta phải học tập và làm theo.

3. Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam về “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức” trong giai đoạn hiện nay

Trong tiến trình cách mạng, Đảng luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng đã đưa “nêu gương” trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng và thành phần cốt yếu của văn hóa Đảng. Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, một trong số nhiều giải pháp quan trọng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, Đảng luôn đề cao vai trò “nêu gương” của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.

Trong các nhiệm kỳ gần đây, Đảng đều có những nghị quyết quan trọng về công tác Xây dựng Đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng đã đề ra Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Thực hiện Nghị quyết này, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QÐ/TW ngày 7/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Bước vào nhiệm kỳ Đại hội XII, trước những biểu hiện mới về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một bộ phận cán bộ, đảng viên; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.  Đảng tiếp tục đề ra Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã xác định và nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên và đưa ra các giải pháp cụ thể. Một điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức của nhiệm kỳ Đại hội XII là tập trung vào phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, được thể hiện qua nhiều chỉ thị, quy định quan trọng của Đảng như: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương...

Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Đảng, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng những chuẩn mực, quy định cụ thể về đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và nghề nghiệp, việc làm của cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác, hăng hái, tận tụy với công việc, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thực sự là những tấm gương sáng. Đồng thời, những cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, hành vi, lối sống, vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương... đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, qua đó, phát huy tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, đẩy lùi một bước những biểu hiện tiêu cực, nạn quan liêu, tham nhũng, được nhân dân đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng tạo nên điểm sáng nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ năm 2013 đến 2020, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 7 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...). Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”[15] trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bước vào nhiệm kỳ Đại hội XIII, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần nhất quán thực hiện tốt nguyên tắc “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức” để niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng vững chắc hơn. Muốn thực hiện được điều đó mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, để mọi người đều thấy rằng nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ, đảng viên; đồng thời, chuyển từ nhận thức, thái độ đúng đắn thành những hành động thiết thực, cụ thể. Mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, thay vì chờ đợi hướng dẫn, chỉ đạo, phải chủ động, tự giác thực hành bằng những hành động, việc làm dù nhỏ trong công tác và đời sống hằng ngày, trong ứng xử với chính mình, với công việc và với tập thể cơ quan, đơn vị; thấm nhuần sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[16]. Cán bộ, đảng viên phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của cơ quan, đoàn thể; phải là những người đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, thù địch.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc; bảo đảm dân chủ, không độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân ở nơi cư trú cũng như nơi công tác. Đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, “nói đi đôi với làm” là cách nêu gương tốt nhất; các thế hệ đi trước cần nêu gương sáng cho các thế hệ đi sau; lãnh đạo cần nêu gương cho nhân viên; đảng viên cần nêu gương cho quần chúng. Kiên quyết chống những biểu hiện vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm; nói và làm không nhất quán giữa khi còn đương chức với lúc nghỉ hưu.

Thứ ba, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; dũng cảm tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân mình, có dũng khí đấu tranh tự phê bình và phê bình trước cấp ủy, tổ chức đảng, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Kiên quyết đấu tranh chống lại việc lợi dụng phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, hoặc ca ngợi, xu nịnh nhau, làm cho nhiều người, kể cả người lãnh đạo tự mãn, chủ quan. Thực hiện tự phê bình và phê bình phải mang mục đích, ý nghĩa trong sáng, vì công việc chung, vì sự đoàn kết của tổ chức và vì sự tiến bộ của từng đảng viên.

Thứ tư, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để “sửa chữa cán bộ và tổ chức ta” [17] trong giám sát các cơ quan, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Tạo cơ chế pháp lý để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền các cấp trong việc thực hiện Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, các quy định về nêu gương trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống và ngăn chặn các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: cậy quyền, ỷ thế, lạm dụng quyền trong thi hành công vụ, chấp hành chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật tại cơ quan công tác và địa bàn cư trú mà không sợ bị đe dọa, trả thù... Thông qua đó, làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng trở thành việc làm thiết thực hàng ngày, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Kết luận

Trước yêu cầu mới, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt việc “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức”. Trong thực hiện, phải kết hợp chặt chẽ giữa “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá trong nội bộ theo Nghị quyết 04-NQ/TW. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng; làm cho phong cách “nói đi đôi với làm” của Người ngày càng đi vào cuộc sống, trở thành lẽ sống đẹp, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập: 1, 2, 4, 6, 7, 15.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia  Sự thật, Hà Nội.


[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tập 2, tr.280.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 15, tr.546.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 6, tr.130.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 4, tr.116.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 7, tr.176.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 5, tr.290.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 4, tr.171.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 6, tr.16.

[9] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 15, tr.672.

[10] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 4, tr.33.

[11] Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về nói đi đôi với làm, http://www.xaydungdang.org.vn

[12] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 4, tr.241.

[13] Nguyễn Hoàng Minh, Mẩu chuyện về bỏ thuốc lá của Bác Hồ - Bài học về sự quyết tâm và lòng kiên trì để có kết quả tốt, http://vkscantho.vn

[14] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 4, tr.136.

[15] Báo điện tử Nhân dân (2020), Phải tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, http://nhandan.com.vn

[16] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.284.

[17] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 5, tr.338.

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).

Nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam hiện nay

Tác giả: Th.S Lê Đình Dương

(GDLL) - Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, thực chất là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Đối tượng mà chúng hướng tới là thanh niên, nhất là sinh viên, những người nhạy bén với cái mới, nhưng còn thiếu vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức về chính trị - xã hội. Bài viết nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.

Phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Tác giả: PGS.TS. Đào Duy Quát

(TG) - Đây là kết quả của bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về quốc phòng an ninh, đối tác đối tượng, về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.