Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng
công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19 - 5 - 2018,
của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập
trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất,
năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ khẳng định quan điểm cán bộ là nhân
tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của
công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu
vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự bùng nổ của khoa học - công
nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế
hoá nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Sự nghiệp
cách mạng của Đảng và nhân dân vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đây
cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn
luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại
các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong
hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác
nhau. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và
công tác đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng.
1.
Yêu cầu, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần Đại hội XIII
của Đảng
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
đóng vai trò tích cực, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài. Cán bộ
không chỉ nắm vững chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý mà còn có bản lĩnh
chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ
Chí Minh từng nói: “Đảng ta tổ chức
trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng
giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta,
để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ
cách mạng vĩ đại của mình”.
Người nhấn mạnh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc. Vì vậy huấn luyện cán bộ là
việc gốc của Đảng”; “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự
đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Xuyên suốt chặng đường cách mạng đầy
gian nan, vất vả nhưng cũng rất hào hùng, oanh liệt của Đảng và nhân dân, Đảng
luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhiều hội nghị Trung ương trực tiếp
bàn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó, Đảng còn quan tâm
đến việc kiện toàn hệ thống các trường cùng nội dung và phương pháp nhằm mục
đích chuẩn hóa việc đào tạo cán bộ theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện. Yêu
cầu đặt ra là mỗi cán bộ, đảng viên phải được đào tạo đủ năng lực và bản lĩnh để
đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, củng
cố lòng tin của nhân dân.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4
(khóa XII) đề ra nhiệm vụ “đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học
lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt
chẽ chất lượng dạy và học”.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch học tập,
bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hàng năm đối với cán bộ, đảng viên
gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng đối tượng,
từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đào tạo, bồi dưỡng
phải thiết thực, gắn với sự vận động thực tiễn khách quan, khả năng nâng cao
năng lực, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên trong xử lý các vấn đề thực tiễn dựa
trên cơ sở khoa học, thực chứng, chứ không dựa vào kinh nghiệm, cảm tính.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII,
công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị đạt được những kết
quả nhất định, thể hiện sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng
yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao bản lĩnh
chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ ở các cấp từ cơ sở đến
Trung ương. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nhiều yếu kém, hạn
chế. Cụ thể, nội dung về lý luận chính trị chưa đáp ứng yêu cầu “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng
viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị
quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương
pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới”.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt
ra yêu cầu: “đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận
chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận
chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo,
quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp
với từng đối tượng. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện,
thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình
trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”.
Đây là yêu cầu có tầm quan trọng đặc biệt để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược
có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng
và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
2. Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng
phù hợp tình hình mới
Kết hợp đào tạo cơ bản trong trường lớp với
rèn luyện qua thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị, lý tưởng và nhân sinh
quan cách mạng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tạo thuận lợi cho
cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực công tác thông qua việc đa dạng hóa hình thức
đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể tập trung mạnh vào những hình thức sau:
Một là, tổ chức linh hoạt hình thức
đào tạo tập trung và phi tập trung, trong đó tăng tỷ lệ đào tạo lý luận chính
trị tập trung, giảm dần đào tạo phi tập trung; tăng cường mở rộng hình thức bồi
dưỡng cán bộ, đảng viên các cấp trong hệ thống chính trị và xây dựng chiến lược
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Hai là, mở rộng hình thức bồi dưỡng
như bồi dưỡng chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng và chính quyền, kỹ
năng lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống. Đẩy mạnh hình thức bồi dưỡng, cập nhật
kiến thức mới cho cán bộ đương chức và quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ba là, thể chế hình thức online bồi
dưỡng cán bộ, đảng viên. Hình thức online góp phần tạo thêm tiện ích cho cán bộ
đi bồi dưỡng như mở rộng quy mô, đối tượng tham gia, ít bị gián đoạn công việc,
tiết kiệm kinh phí, thời gian đi lại. Hơn nữa, việc giám sát sĩ số và đánh giá
kết quả bằng công nghệ bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Trong bối cảnh tác động
của dịch Covid-19, hình thức học online có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả.
Bốn là, nâng cao chất lượng hình
thức đào tạo, bồi dưỡng nước ngoài theo chương trình, nội dung, hình thức thích
hợp với đối tượng và nhu cầu thực tế, theo khung năng lực, vị trí việc làm khi
tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát an toàn. Điều chỉnh đối tượng,
tiêu chuẩn để tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên đang trực tiếp làm nghiệp vụ chuyên môn,đội ngũ trẻ và làm việc ở cơ sở tham gia các khóa
đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài gắn với vị trí việc làm của
họ.
3. Định hướng đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng bám sát
thực tiễn và yêu cầu năng lực của cán bộ
Việc đổi mới nội dung đào tạo,
bồi dưỡng cần phải xuất phát từ nhu cầu tri thức, kỹ năng mà cán bộ, đảng viên
đang thiếu, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và chức vụ đảm nhận. Những nội dung
đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm bù đắp khoảng trống kiến thức và kỹ năng để cán bộ,
đảng viên làm việc hiệu quả, tinh thông hơn. Cụ thể như sau:
Một là, việc đổi mới nội dung cần bảo đảm giữ vững các
nguyên lý cơ bản và phương pháp luận biện chứng khoa học của chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối và quan điểm của Đảng, gắn với thực hiện
việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.
Hai là, đào tạo,
bồi dưỡng lý luận chính trị gắn với nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn
với thực tiễn. Hồ Chí Minh đã dạy: “lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là
lý luận suông”, “thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù
quáng”. Việc nắm bắt các quy luật khách
quan cho phép cán bộ đưa ra những quyết định phù hợp đáp ứng tốt vấn đề thực tiễn.
Ngược lại, việc tổng kết thực tiễn chính xác sẽ góp phần làm giàu thêm cơ sở lý
luận.
Ba là, nội dung đổi mới đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp,
linh hoạt đáp ứng nhu cầu người học về tri thức chuyên môn, lãnh đạo học, kỹ
năng xử lý tính huống chính trị thực tiễn. Khung chương trình bảo đảm yêu cầu về tính mở và lựa chọn. Theo lý luận về
phương pháp giảng dạy hiện đại, chương trình đào tạo cần phải thiết kế mở để có
thể điều chỉnh môn học cho phù hợp với từng đối tượng học và trình độ người học,
kỳ vọng tri thức của người học đối với hoạt động thực tiễn.
Bốn là, chú trọng bổ sung thêm các nội dung thiết thực
theo yêu cầu tình hình mới: (i) rèn luyện các giá trị đạo đức của người lãnh đạo,
quản lý trong tình hình mới; (ii) nội dung cụ thể của khoa học chính trị và
lãnh đạo học cho phù hợp với từng chức danh lãnh đạo, quản lý trong các lĩnh vực
công tác; (iii) tăng lượng kiến thức về tư duy và tầm nhìn chiến lược, nhận thức
và giải pháp xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn và điều hành công việc;
(iv) năng lực và phương pháp tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận.
Năm là, xây dựng các chương trình bồi dưỡng chuyên biệt
trong và ngoài nước cho từng chức danh, cấp lãnh đạo và lĩnh vực công tác. Đối
tượng cán bộ, đảng viên cần được phân nhóm theo chức danh, lĩnh vực công tác, cấp
hành chính để thuận tiện cho việc tổ chức lớp và người học có cơ hội tiếp thu
tri thức, kỹ năng chuyên sâu để vận dụng thích hợp vào công tác của mình, góp
phần tăng hiệu quả các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ đương chức và quy hoạch theo chức danh, gắn lý thuyết với thực
hành, kỹ năng xử lý thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng ngành, từng
lĩnh vực công tác.
4. Tích cực
vận dụng rộng rãi phương pháp dạy và học hiện đại
Trong khoa học giáo dục tiên tiến, phương pháp dạy
và học hiện đại là thay thế tiếp cận “giảng
viên làm trung tâm” bằng “học viên làm trung tâm”. Phương pháp mới đã được nhiều
cường quốc giáo dục trên thế giới áp dụng từ lâu và đạt được những thành công
đáng kể.
Trong bối cảnh đổi mới của nền giáo dục nói chung
và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị Việt Nam nói
riêng, việc đổi mới giáo dục cần tiến hành đồng bộ trên 3 trụ cột căn bản: “lấy học viên làm trung
tâm, giảng viên làm động lực và nhà trường làm nền tảng”.
Phương pháp giảng dạy mới đòi hỏi người học nâng
cao tính chủ động, sáng tạo. Người học chủ động hơn trong việc tích lũy tri thức và hiện đại phù hợp,
tích cực hơn trong việc thể hiện năng lực của mình thông qua các nội dung học
chuyên sâu. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên cần chủ động tích lũy tri thức, kỹ năng
cần thiết để phục vụ hiệu quả nhất cho vị trí công tác, xây dựng cho mình động
cơ học tập đúng đắn. Học viên phải thay đổi phương pháp, cách thức tương tác chủ
động với giáo viên và nhóm học tập. Mỗi học viên chủ động, tự giác trong tìm
tòi nghiên cứu, học tập, thực hiện các loại bài tập, nhiệm vụ học tập được thiết
kế trong chương trình theo yêu cầu của giáo viên, cơ sở đào tạo.
Giảng viên đóng vai trò động lực, “xúc tác” nêu vấn
đề, cung cấp “phương pháp luận” cho học viên tự giải quyết vấn đề thông qua tự
nghiên cứu, sáng tạo. Cần phát huy cao độ dân chủ trong giáo dục, tăng cường phản
biện, tranh luận giữa thầy trò và giữa các bạn học để tìm ra chân lý, phương
pháp giải quyết vấn đề tối ưu nhất. Phương pháp giảng dạy mới đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải có tri thức sâu về chuyên ngành, bao quát tri
thức tổng hợp, đủ năng lực cung cấp nền tảng tri thức khoa học và giàu
kinh nghiệm xử lý tình huống thực tiễn nhằm thỏa mãn sự cầu thị của người học. Yêu cầu giáo viên đứng lớp phải có kinh nghiệm
giảng dạy sư phạm theo phương pháp hiện đại và trải qua thực tế cần thiết. Giảng
viên nắm vững nhiều kỹ thuật để tạo hiệu ứng cao cho môi trường học tập như
trao đổi, thảo luận nhóm, nghiên cứu điển hình, đóng vai, ma trận tư duy, cây vấn
đề, phản biện, thuyết trình…
Trước áp lực đổi mới và biến đổi nhanh chóng của tri thức gắn với Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cũng cần
học tập, nghiên cứu không ngừng để tránh lạc hậu với thời đại và đặc biệt tránh
lạc hậu hơn học viên vì thực tế nhiều học viên có chức vụ, trình độ cao, trải
nghiệm công tác, kinh nghiệm thực tiễn phong phú.
Các công cụ hỗ trợ cho giảng viên nâng cao trình độ như ngoại ngữ, tin học
cần được trau dồi thường xuyên. Khi thành thạo ngoại ngữ, giảng viên sẽ tiếp cận
được kho thông tin, tri thức rộng lớn trên toàn cầu, giúp ích cho việc nghiên cứu
và tích lũy tri thức cho việc giảng dạy lý luận chính trị.
5. Bảo đảm đầy đủ điều kiện cho đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy
hiện đại
Việc vận dụng phương pháp dạy và học hiện đại thành công khi và chỉ khi những
điều kiện vật chất - kỹ thuật cần thiết được bảo đảm đầy đủ. Trước hết, đội ngũ
giảng viên phải được bồi dưỡng các phương pháp sư phạm, kỹ thuật giảng dạy theo
phương pháp mới. Đồng thời, cũng cần thay đổi cách thức biên soạn nội dung
chương trình, chuẩn bị tài liệu phục vụ nghiên cứu, sử dụng công nghệ thông
tin, các phần mềm phục vụ phương pháp dạy hiện đại.
Cơ sở đào tạo với vai trò trụ cột “nhà trường làm nền tảng” cần ban hành
các thể chế phù hợp với những tác nghiệp sử dụng phương pháp dạy và học hiện đại.
Trong đó, nhà trường được trang bị đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật
cho việc dạy và học hiện đại như giảng đường thông minh, đa phương tiện, phòng
học nhiều quy mô phục vụ trao đổi nhóm lớn, nhóm trọng tâm; học liệu, mạng lưới
thư viện, hệ thống thông tin, dữ liệu, internet, wifi. Việc xây dụng kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức lớp và công tác kiểm tra đánh giá cũng sẽ có nhiều
thay đổi tương ứng.
Trong quá trình dạy và học hiện đại, cần đánh giá cả giảng viên lẫn học
viên. Đối với học viên, việc đánh giá chú trọng vào các tiêu chí: (i) kết quả học
tập các môn học (chuyên môn); (ii) ý thức tham gia các hoạt động thực tế, đóng
góp vào trao đổi, thảo luận nhóm; (iii) rèn luyện tác phong, đạo đức, kỷ luật.
Đối với giảng viên, việc đánh giá tập trung vào chất lượng bài giảng, năng lực
tổ chức thảo luận, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề nghiên cứu; kỹ thuật sư phạm,
truyền đạt nội dung bài giảng.
Một trong những chức năng quản lý đào tạo là hoạt động kiểm tra, giám sát để
duy trì chất lượng và kỷ cương. Cần thiết xây dựng chế tài nghiêm minh để xử lý
những sai phạm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Yêu cầu tổ chức đào tạo,
bồi dưỡng theo kế hoạch, thực hiện có nền nếp, đúng thực chất, tránh hình thức,
chạy theo thành tích.
Kết luận
Sinh mệnh của Đảng, tương
lai của dân tộc phụ thuộc vào việc Đảng có quan tâm đúng mức đến sự nghiệp “trồng
người” hay không. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc
tế ngày càng mạnh mẽ thì vấn đề cán bộ càng khẳng định vai trò quyết định. Từ
đó, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng
được đội ngũ cán bộ các cấp “hồng thắm, chuyên sâu”, có phẩm chất đạo đức tốt,
bản lĩnh chính trị, năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân
dân.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
là một trong những khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Đây là một
công tác rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có tính khoa học và nghệ thuật. Trong bối cảnh
toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ theo quan điểm chỉ đạo của Đại hội lần thứ XIII là một trong
những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.