Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 15:52

Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định mục tiêu lý tưởng, sáng tạo trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay)

NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
Học viện Chính trị Khu vực I

(GDLL) - Từ năm 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện rõ vai trò là đảng cầm quyền có tầm nhìn chiến lược, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng đồng thời vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong định hình con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Bài viết nghiên cứu, tổng kết về sự kiên định và sáng tạo của Đảng trong vận dụng lý luận vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Từ khóa: Chủ nghĩa xã hội; Đảng Cộng sản Việt Nam; kiên định mục tiêu lý tưởng; thời kỳ đổi mới.

Ảnh: tuyengiao.vn

Đặt vấn đề

Từ thực tiễn phong trào chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực (1917-1991) và những mô hình CNXH từ năm 1991 đến nay có thể rút ra bài học lịch sử xuyên suốt là: khi nào đảng cộng sản nhận thức đúng đắn, kiên định mục tiêu, bản chất, tôn trọng quy luật của CNXH và vận dụng sáng tạo, phù hợp vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể thì cách mạng sẽ phát triển và thu được những thắng lợi. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được hơn ba thập niên qua là kết quả của nhiều nhân tố. Nhưng nhân tố hàng đầu giữ vị trí quyết định chính là tinh thần kiên định và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Có thể khái quát tinh thần kiên định và sáng tạo đó trên những khía cạnh căn bản sau:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội trong lãnh đạo đất nước thời kỳ đổi mới

Chủ nghĩa Mác - Lênin xác định mục tiêu hàng đầu của xã hội xã hội chủ nghĩa là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người”[1, tr.628]. Trong quá trình chỉ đạo công cuộc xây dựng CNXH ở nước Nga, V.I.Lênin đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu của những người cộng sản là xây dựng xã hội cộng sản mang lại phúc lợi, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân lao động và chỉ khi đạt được mục tiêu cao cả đó thì “Vì thế cái tên gọi “đảng cộng sản” là duy nhất chính xác về mặt khoa học”[7, tr.56].

Thấm nhuần tinh thần, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, coi trọng vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những luận điểm quan trọng về mô hình và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Về mục tiêu, bản chất CNXH, Người khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”[6, tr.226], “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”[6, tr.17]. Về chính sách kinh tế của Nhà nước thì: “làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”[6, tr.65].

Nghiên cứu quá trình đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay cho thấy: Kiên định mục tiêu lý tưởng, giữ vững định hướng XHCN trong cả tiến trình và ngay cả những thời điểm cam go nhất đã trở thành nguyên tắc hàng đầu của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Những năm đầu đổi mới, công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta được tiến hành trong bối cảnh: nền kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng, công cuộc cải tổ của Liên Xô và Đông Âu diễn biến phức tạp. Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 3 - 1989), Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra sáu nguyên tắc cơ bản bảo đảm định hướng XHCN, trong đó hai nguyên tắc hàng đầu là: 1. Xây dựng CNXH là mục tiêu của Đảng và của nhân dân; 2. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Tiếp nối và hiện thực hóa các quan điểm, định hướng và những nguyên tắc của công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội VII (1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với sáu đặc trưng căn bản. Từ sáu đặc trưng trên, tại Đại hội X (2006), Đảng đã nêu lên tám đặc trưng của xã hội XHCN mà nước ta phấn đấu xây dựng. Tiếp đó, tại Đại hội XI (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), nêu lên tám đặc trưng xã hội XHCN mà Việt Nam xây dựng. Những đặc trưng này có giá trị định hướng chiến lược cho việc lựa chọn phương thức, con đường tiến lên CNXH và huy động các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo trong bước đi và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đổi mới

Từ thực tiễn lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy, chính “tính mở” và “lý luận của sự phát triển” vừa là đặc trưng, vừa là điều kiện tiên quyết tạo nên giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định mục tiêu, lý tưởng đồng thời sáng tạo về con đường, bước đi lên CNXH chính là quá trình hiện thực hóa tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn một quốc gia, dân tộc. Có thể khái quát về sự sáng tạo của Đảng trong xác định bước đi, con đường đi lên CNXH thời kỳ đổi mới ở nước ta trên một số phương diện chủ yếu sau:

Một là, đổi mới tư duy trong xác định nội dung, tính chất của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam

Từ năm 1986 đến nay, đổi mới tư duy về thời kỳ quá độ là một trong những thành tựu lớn của Đảng trong vận dụng lý luận vào thực tiễn. Tư duy nóng vội, chủ quan duy ý chí đã được thay thế bằng sự tôn trọng thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan. Phương châm “tiến thẳng”, “tiến nhanh” lên CNXH được xóa bỏ và thay bằng tư duy: “cách mạng XHCN phải trải qua nhiều chặng đường” đồng thời Đảng nhấn mạnh tới tính chất đan xen, lâu dài, khó khăn, phức tạp của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

Tại Đại hội IX (2001), lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra quan niệm về “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Tại Đại hội XI (2011), Đảng đã chỉ rõ đặc điểm, tính chất của thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta “là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”[3, tr.70].

Hiện nay, tuy vấn đề thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam vẫn cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn cả về lý luận và thực tiễn nhưng đây là quan điểm quan trọng tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của công cuộc đổi mới.

Hai là, sáng tạo trong xác định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam

Xác lập nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thời kỳ quá độ - sáng tạo điển hình của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xác định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Từ Đại hội VI (1986), công cuộc đổi mới toàn diện, trọng tâm là kinh tế đã thúc đẩy mạnh mẽ với quá trình dứt bỏ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, bao cấp với hai thành phần kinh tế là quốc doanh và tập thể, chế độ phân phối hiện vật bình quân chủ nghĩa. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN, rồi cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN từng bước được thiết lập. Đại hội IX (2001), thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chính thức được khái quát thành mô hình kinh tế tồn tại lâu dài trong thời kỳ quá độ ở nước ta. Đến Đại hội XIII (2021) những nội dung, bản chất, mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đã được tổng kết và sáng tỏ hơn. Đây là một đóng góp quan trọng của Đảng vào lý luận về con đường đi lên CNXH trong thời kỳ quá độ. Thể chế kinh tế này đã và đang giữ vị trí quyết định tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước trong thời gian qua và hiện nay.

 Sáng tạo trong đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên môi trường. Khắc phục những hạn chế trong tư duy công nghiệp hóa trước đổi mới, gắn với yêu cầu mới, Đại hội VI của Đảng (1986) định hình rõ và cụ thể hóa nội dung chính của công nghiệp hóa XHCN trong chặng đường đầu tiên ở nước ta là thực hiện cho bằng được ba chương trình: lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, gắn bối cảnh và yêu cầu mới của tình hình, tại Đại hội XIII (2021), Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá và phát triển. Đại hội XIII chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Phát triển khu vực dịch vụ theo hướng “dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao”[5, tr.125].

 Sáng tạo trong hiện thực hóa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Từ bài học “lấy dân là gốc” của Đại hội VI (1986), xây dựng, hiện thực hóa nền dân chủ XNCH là một trong những nhiệm vụ chính trị lớn mà Đảng quán triệt và chỉ đạo thực hiện. Tại Đại hội X (2006) Đảng xác định “dân chủ” là một trong tám đặc trưng của xã hội XHCN và một trong tám phương hướng cơ bản cho việc thực hiện các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại hội XIII (2021) của Đảng xác định dân chủ XHCN phải được thực hiện với phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đại hội cũng xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ.

Đối với công tác xây dựng Đảng, sau những sai lầm, hạn chế trong lãnh đạo công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta trước Đổi mới, Đại hội VI (1986) đã rút ra một trong bốn bài học có ý nghĩa chỉ đạo cho công cuộc Đổi mới là: “xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ thời kỳ mới”. Từ Đại hội VII (1991), công tác “xây dựng Đảng” được chính thức gắn liền với “chỉnh đốn Đảng”. Trên cơ sở kế thừa những quan điểm của các kỳ Đại hội trước, gắn với bối cảnh hiện nay, tại Đại hội XIII (2021), Đảng bổ sung nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Đảng: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; “tăng cường xây dựng Đảng về chính trị”, nhấn mạnh hơn so với nhiệm vụ “chú trọng xây dựng Đảng về chính trị” và hướng tới nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo của Đảng trong hoạch định đường lối, chủ trương phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại.

 Sáng tạo trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển con người toàn diện, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Để khắc phục những hạn chế về tư duy và đường lối phát triển văn hóa thời kỳ trước Đổi mới, đặc biệt là tư duy quá nhấn mạnh tính thống nhất mà xem nhẹ tính đa dạng về nhu cầu văn hóa của nhân dân, bước vào thời kỳ Đổi mới, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7 - 1998), Đảng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”[4, tr. 356 - 357].   Kế thừa những bước phát triển tư duy của các kỳ Đại hội trước, tại Đại hội XIII (2021), Đảng không chỉ đặt ra vấn đề “đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam” mà còn nhấn mạnh, làm rõ hơn yêu cầu về “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[5, tr.143]. Vấn đề chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát triển con người được coi trọng với nội dung mới: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” [5, tr.143].

       Ảnh minh họa - dangcongsan.vn 

Sáng tạo trong xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Từ những hạn chế trong đường lối đối ngoại của đất nước trước Đổi mới, Đại hội VI đã rút ra kinh nghiệm: phải biết kết hợp sức mạnh  dân  tộc  với  sức  mạnh  thời  đại  trong  điều kiện mới. Nhận thức mới trên đây đã đặt nền móng cho việc hình thành các chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế của Đảng từ năm 1986 đến nay. Đại hội XIII (2021) xác định triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng với những điểm mới về: (i). Lợi ích quốc gia - dân tộc và xác định là mục tiêu trọng yếu trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; (ii). Xác định rõ hơn vai trò của hoạt động đối ngoại; (iii). Xác định chủ trương mới trong xây dựng nền ngoại giao và đội ngũ cán bộ đối ngoại; (iv). Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; (v). Chủ động, tích cực đóng góp đối với các hoạt động quốc tế.

Kết luận

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Mục tiêu, đặc trưng, những phương hướng cơ bản và những quan hệ lớn mang tính quy luật trong quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được bổ sung, phát triển với những nhận thức quan trọng.

Đây là kết quả của nhiều nhân tố, trong đó tinh thần kiên định, sáng tạo của Đảng trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Tài liệu tham khảo:

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 4, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 8, tập 9, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[7] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.