Từ khóa: Bồi dưỡng; sáng tạo; vận dụng sáng tạo; xây dựng chương trình bồi dưỡng.

Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa
XIII, lớp thứ 5.
Nguồn: https://hcma.vn
1. Tiếp cận về sự vận dụng
sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng trong xây dựng chương trình bồi dưỡng
Sáng tạo, theo Từ điển tiếng Việt có nghĩa tạo ra giá trị mới về vật
chất hoặc tinh thần hay là tìm ra cái mới, cách giải quyết mới, không bị gò bó,
phụ thuộc vào cái đã có. Theo Thang cấp độ tư duy do Benjamin S. Bloom thiết lập
(1956), sáng tạo: Là tạo ra cái mới, xác lập thông tin, sự vật mới trên cơ sở
những thông tin, sự vật đã có.
Có thể trích dẫn ra nhiều cách tiếp cận về ngữ nghĩa và cấp
độ của từ sáng tạo, song, trong giới hạn của bài viết, xin đề cập đến sáng tạo với ngữ nghĩa và
cấp độ như sau: Những ý tưởng mới, cách
tiếp cận mới, cách làm mới dựa trên những "cái đã biết", dựa vào những
nguyên lý đã có để tạo ra ý tưởng mới, cách làm mới để đạt được giá trị mới,
phù hợp với yêu cầu, bối cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể.
Bồi dưỡng được hiểu là tăng thêm năng lực và phẩm chất. Từ góc độ văn
bản pháp luật, bồi dưỡng được hiểu là hoạt động
trang bị, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc. Nói đến bồi dưỡng là muốn nói đến việc bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng về một
lĩnh vực mà người học đã có từ trước, mang tính chất cập nhật các thông tin và
kỹ năng; giúp người học nâng cao hiểu biết và kỹ năng mình đã có.
Xây dựng chương trình bồi
dưỡng được hiểu là quá trình xác lập, mô tả một cách tổng thể chương
trình, bao gồm các nội dung, hoạt động gắn với mục tiêu, yêu cầu của chủ thể đặt
ra. Bản mô tả chương trình tổng thể thể hiện nội dung, phương pháp và kết quả
mong đợi của người học sau khoá học, được sắp xếp theo một thời gian biểu chặt
chẽ.
Vận dụng sáng tạo
quan điểm, chủ trương của Đảng vào xây dựng chương trình
bồi dưỡng của Học viện là quá trình thao tác hóa, cụ thể hóa những quan điểm, chủ
trương của Đảng về yêu cầu, nội dung về bồi dưỡng cán bộ của Đảng gắn với đối
tượng và bối cảnh, tình hình cụ thể vào xây dựng chương trình bồi dưỡng phục vụ
nhiệm vụ chính trị hiện nay.
2. Nguyên tắc vận dụng
sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng vào xây dựng chương trình bồi dưỡng hiện
nay
Một là, xây dựng chương trình
bồi dưỡng căn cứ chức năng,
nhiệm vụ, sứ mệnh của trường Đảng
Bản chất hoạt động của trường Đảng nói chung và sự vận hành chức
năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nói riêng là giáo dục ý thức hệ và chủ trương, đường
lối và kỹ năng lãnh đạo, quản lý thực hiện đường lối của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Quyết định số6587-QĐ/HVCTQG ngày 01 tháng 11 năm 2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học
viện Chính trị khu vực I:
Về chức năng: Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý,
cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính
trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực
phía Bắc; nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khoa học chính trị, khoa học
lãnh đạo, quản lý.
Về nhiệm vụ: “…Bồi dưỡng cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý
cho cánbộ giữ chức danh lãnh đạo,
quản lý của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định và được
phân công, phân cấp của Giám đốc Học viện; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho
cán bộ làm công tác tổ chức, kiểm tra, nội chính, kinh tế, bảo vệ chính trị nội
bộ, dân vận, văn phòng cấp ủy, dân tộc, tôn giáo... của hệ thống chính trị theo
phân cấp của Giám đốc Học viện".
Căn cứ Điều 27, Nghị định số 101- NĐ/CP ngày 01 tháng 9 năm
2017, của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức quy định về bồi dưỡng lý luận chính trị: "Bồi dưỡng lý luận chính
trị theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý...; bồi dưỡng lý luận chính trị
theo tiêu chuẩn ngạch công chức, theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức,
viên chức".
Từ chức năng, nhiệm vụ được xác định, có thể khái quát về đối
tượng, nội dung và các lĩnh vực, loại hình bồi dưỡng của Học viện Chính trị khu
vực I như sau:
Về đối tượng bồi dưỡng: Cấp phòng và tương đương của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy
trực thuộc Trung ương; Trưởng phòng và tương đương của các sở,
ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố; Cấp ủy viên cấp huyện, Phó Chủ tịch Hội đồng
nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương; Trưởng phòng,
ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; Cán bộ được quy hoạch vào các chức
danh nêu trên. Như vậy, căn cứ đối tượng bồi dưỡng theo Quy định số 164- QĐ/TW
ngày 01 tháng 2 năm 2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức
đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ thuộc diện đối tượng 3 và một phần đối
tượng.
Về nội dung bồi dưỡng: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Học viện là trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, vì thế, nội dung bồi dưỡng sẽ
xoay quanh năng lực cốt lõi, gắn với tính cập nhật, thời sự: Những nội dung
liên quan đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Những nội dung cập nhật
về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
Những kỹ năng, trong lãnh đạo, quan lý gắn với bối cảnh, tình hình và lịch sử cụ
thể.
Về loại hình bồi dưỡng: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Học viện tổ chức các loại hình bồi dưỡng như sau: Bồi dưỡng
lý luận chính trị theo tiêu chuẩn ngạch công chức, theo tiêu chuẩn chức danh cán
bộ, công chức, viên chức; Bồi dưỡng cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản
lý cho cán bộ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ
cho cán bộ làm công tác: Tổ chức, kiểm tra, nội chính, kinh tế, bảo vệ chính trị
nội bộ, dân vận, văn phòng cấp ủy, dân tộc, tôn giáo...
Hai là, xây dựng chương trình bồi dưỡng căn cứ mục tiêu, yêu cầu,
nội dung bồi dưỡng cán bộ của Đảng
Về mục tiêu: Căn cứ Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01 tháng 2 năm 2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng,
cập nhật kiến thức đối với cán bộ
lãnh đạo quản lý;Nghị định số 101-NĐ/CP, ngày 01 tháng 9 năm 2017, của Thủ tướng Chính
phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức, viên chức là: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả
trong công tác bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới; Bồi
dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức
chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ
lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.
Về yêu cầu: Nội dung chương trình bồi dưỡng bảo đảm cập nhật kiến thức mới
và kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng
yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh đối với từng loại đối tượng ở từng vị trí công tác;
Phù hợp tình hình mới và yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực, địa phương, vùng, miền;
vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo sự đồng
thuận trong nhận thức và hành động của cán bộ, góp phần nâng cao nhận thức,
năng lực, trình độ, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội
ngũ cán bộ; Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình
thức, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối
với chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ; Bảo đảm sự phân công, phân
cấp và phối hợp trong tổ chức, quản lý công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức
cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Về nội dung: Những thành tựu nghiên cứu mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh và kiến thức
về lý luận chính trị; Những vấn đề mới trong đường lối của Đảng, chính sách và pháp
luật của Nhà nước; về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,
đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân tộc, tôn giáo và
công tác quần chúng của Việt Nam; Tình hình thế giới đương đại có tác động tới
Việt Nam; Những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý; Những kiến thức,
kỹ năng và
kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo, quản
lý.
Ba là, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng
gắn đổi mới phương pháp
Đối tượng
bồi dưỡng của Học viện chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương của các bộ,
ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; trưởng phòng và tương đương của các
sở, ban,ngành, đoàn thể tỉnh, thành
phố; cấp ủy viên cấp huyện, và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức
danh nêu trên,vì thế, điểm chung của đối tượng bồi dưỡng là: Cán bộ lãnh đạo, quản
lý, có chức vụ hoặc quy hoạch vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, có vị
thế trong xã hội;Có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm sống được
tích luỹ theo từng lĩnh vực, có ý thức trách nhiệm đối với việc học tập; Có nhu cầu
hiểu lý luận và mong muốn vận dụng những kiến thức học tập vào công việc; Có
nhu cầu kết nối để học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý.
Từ những đặc điểm trên, đặt ra yêu cầu đổi mới phương pháp giảng
dạy mô hình tổ chức dạy - học, tăng tính chủ động tích cực,sáng tạo và rèn luyện
phương pháp tự học cho người học. Điều 28, Nghị định số 101-NĐ/CP, ngày 01 tháng
9 năm 2017, của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức quy định: "Phương pháp bồi
dưỡng bằng phương pháp tích cực, phát huy tính chủ động, tích cực, tư duy
sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng
viên với học viên, giữa các học viên".
3. Đề xuất về sự vận dụng
sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng vào xây dựng chương trình bồi dưỡng hiện nay
Như đã trình bày, khi xác
lập được nguyên tắc dựa trên chức năng, nhiệm vụ,mục tiêu, yêu cầu chính
trị, pháp lý, thì việc vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng trong xây dựng
chương trình bồi dưỡng của Học viện chính là quá trình thao tác hóa, cụ thể hóa những
quan điểm, chủ trương của Đảng về mục tiêu, yêu cầu bồi dưỡng cán bộ vào các công
việc cụ thể:Thiết kế nội dung chương trình, tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, đổi
mới phương pháp gắn với đối tượng, bối cảnh, tình hình, cụ thể. Điều đó thể hiện chiều
cạnh sau:
Thứ nhất, sáng tạo trong thiết kế chương trình bồi dưỡng
Thiết kế chương trình bồi dưỡng chính là quá trình xác lập,
mô tả chương trình tổng thể, thể hiện nội dung, phương pháp và kết quả mong đợi của người học
sau khoá học,được sắp xếp theo một thời gian biểu chặt chẽ, gắn với mục tiêu,
yêu cầu đặt ra.
Từ những yêu cầu
của việc thiết kế chương trình bồi dưỡng cần
tập trung sáng tạo ở những điểm sau:
Phân tích bối cảnh và xác
định nhu cầu
Phân tích bối cảnh là công việc quan trọng trong quá trình thiết
kế chương trình bồi dưỡng. Phân tích bối cảnh cho biết xu hướng vận động của thế giới,
trong nước và yêu cầu của đội ngũ cán bộ, công chức, việc chức cần phải đáp ứng.
Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về
tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất,
năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ chỉ rõ: "Trong những năm tới tình
hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường...; sự phát triển
khoa học công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng
quốc tế hóa nguồn nhân lực;… tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội
tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định;... sự chống phá các thế lực thù địch,
phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp hơn trong điều kiện phát triển
kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, bùng nổ hệ thông tin toàn cầu, chiến tranh
mạng…".
Căn cứ việc phân tích bối cảnh nghị quyết nêu trên, chúng ta
không thể thiết kế chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đơn thuần
là truyền thụ tri thức, tuyên truyền nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước, mà cần tập trung thiết kế chương trình bồi dưỡng phải nâng cao phẩm
chất chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực, kỹ năng, phương pháp tiếp cận và
xử lý tình huống cho cán bộ, công chức, viên chức để thực thi công vụ có hiệu lực
và hiệu quả hơn.
Căn cứ phân tích bối cảnh, tình hình chung trong nước và thế
giới, việc thiết kế nôi dung chương trình bồi dưỡng cần xác định cho được của tổ
chức, của cá nhân còn thiếu, yếu những tri thức, kỹ năng gì trong quá trình thực
công vụ, trong lãnh đạo, quản lý. Thông thường, để thiết kế chương trình bồi dưỡng
cần dựa vào ba nguồn thông tin chủ yếu: (1) Kinh nghiệm các chương trình bồi dưỡng
cán bộ công chức, viên chức của các nước tiên tiến hoặc các nước có điều kiện tương
đồng; (2) Nhu cầu tổ chức: Định hướng của Đảng, của Chính phủ (yêu cầu cán bộ,
công chức, viên chức cần phải có các kỹ năng đó và cần phải được bồi dưỡng);
(3) Nhu cầu cá nhân: Các vấn đề cán bộ, công chức, viên chức đang gặp phải thông
qua thực thi các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước.
Xác định mục tiêu của
chương trình
Sau khi thực hiện bước phân tích bối cảnh, xác định nhu cầu, công
việc tiếp theo là xác định mục
tiêu chương trình bồi dưỡng. Mục tiêu chương
trình chính là cái đích hướng tới của quá trình bồi dưỡng và tuyên bố những yếu tố chuẩn
mực sau khi học viên học xong chương trình. Thông thường việc xác định mục
tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình bồi dưỡng sẽ đề cập đến ba nội dung: Kiến thức, kỹ
năng, thái độ.
Xác định nội dung
modul /chuyên đề của chương trình
Việc xác định nội dung modul /chuyên đề chương trình bồi dưỡng
phải căn cứ vào mục tiêu, chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ, được sắp xếp
theo thứ tự logic, khoa học: kiến thức (x) cần dạy trước kiến thức (y) hay kỹ năng
(a) là nhất thiết đối với kỹ năng (b)? Hoặc trong nội dung chương trình kiến thức
và các kỹ năng nào sẽ là tiên quyết?... Để thực hiện công việc này cần có sự phối
hợp chặt chẽ giữa cơ sở bồi dưỡng với các bộ/ngành Trung ương, các cơ quan, đơn
vị địa phương, các nhà khoa học, các nhà hoạt đông thực tiễn để thảo luận, góp
ý.
Đánh giá, hoàn thiện, áp
dụng
Sau khi đã xác lập được nội modul/chuyên đề của chương trình
bồi dưỡng,việc đánh giá chương trình là công việc cần thiết. Tiêu chí đánh giá
chương trình căn cứ vào yêu cầu bối cảnh tình hình và các nhu cầu cá nhân, tổ chức đã
được xác định thông qua mục tiêu
và chuẩn đầu ra đã được tuyên bố. Việc thực hiện đánh giá cần tiếp tục có sự phối
hợp chặt chẽ giữa cơ sở bồi dưỡng với các bộ/ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị địa phương, các nhà khoa học, các nhà hoạt đông thực tiễn để đảm bảo
chương trình được áp dụng hiệu quả.
Thứ hai, sáng tạo trong tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng
Sau khi thiết kế xong chương trình bồi dưỡng, công việc tiếp
theo là tổ chức thực hiện. Việc tổ chức thực hiện chương trình cần căn cứ các yếu tố:
Nhân lực, vật lực, tài chính và quá trình quản lý, điều phối các nguồn lực thực hiện
chương trình bồi dưỡng một cách hợp lý, đảm bảo tiến độ.Thông thường việc tổ chức
thực hiện chương trình kế hoạch bồi dưỡng cần trả lời các câu hỏi cơ bản: Có những
hoạt động cụ thể nào? Ai là người thực hiện? Phân công phối hợp như thế nào cho
có hiệu quả? Tổ chức sao cho chi phí phù hợp để kết quả cao? Căn cứ vào những
phân tích trên, các chủ thể thực hiện chương trình bồi dưỡng sẽ chuyển hóa
thành công việc cụ thể: Lập kế hoạch, ban hành các quyết định hành chính liên
quan để tổ chức khóa học, triệu tập học viên, in ấn tài liệu, mời giảng viên, tổ
chức chọn địa điểm, điều phối chương trình, theo dõi các hoạt động giảng dạy...
Đảm bảo thực hiện mục tiêu, thời gian của khóa học.
Thứ ba, sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy
Căn cứ mục tiêu, yêu cầu, đặc điểm đối tượng, việc đổi mới
phương pháp trong tổ chức giảng dạy là việc làm cần thiết. Thực hiện khóa bồi dưỡng hoặc
chương trình bồi dưỡng, có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, song, nguyên tắc
phương pháp luận gắn lý luận với thực tiễn cần được quán triệt với nhiều hình thức
đa dạng, phong phú. Cũng có thể sử dụng phương pháp gắn giảng đường với hiện trường
trong tổ chức các lớp bồi dưỡng. Thông qua việc học tập gắn giảng đường với hiện
trường, người học không chỉ có cái nhìn toàn diện, đưa lý luận vào kiểm chứng trong thực
tiễn; mà còn giúp họ có điều kiện để trau dồi, học tập, bổ sung các năng lực cần thiết
của người lãnh đạo như: năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, kỹ năng trình bày
trước đám đông, kỹ năng phân tích và giải quyết tình huống, kỹnăng đề xuất giải pháp để
giải quyết tình huống đặt ra...
Bên cạnh đó, việc sử dụng các phương pháp lấy người học làm
trung tâm. Ở trường hợp này, giảng viên/báo cáo viên không chỉ tổ chức giảng dạy cái mình
có mà phải dạy cái học viên cần; đồng thời, tổ chức dạy học xoay quanh người học.
Việc đổi mới phương pháp lấy người học làm trung tâm cần thực hiện theo nội
dung cơ bản sau: (1) Đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua hoạt của người học;
(2) Đổi mới phương pháp giảng dạy kết hợp rèn luyện phương pháp tự học; (3) Đổi
mới phương pháp dạy học tăng cường học tập cá thể với học tập tập thể.
Trong tổ chức lớp học, thông thường trình độ về nhận thức, kỹ
năng, thái độ, tư tưởng của người học
không đồng đều.
Chính trong quá trình kết hợp học tập cá nhân với nhóm thông qua sự thảo luận,
tranh luận các thành viên trong nhóm cùng với sự định hướng của giảng viên là
cơ sở san bằng tri thức và chiếm lĩnh mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ,
tư tưởng của chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018),
Văn
kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp
hành Trung ương, khóa XII, Văn phòng Trung
ương
Đảng, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quy định số
164-QĐ/TW ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Bộ
Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với
cán
bộ lãnh đạo, quản lý.
3. Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (2012), Tư duy sáng tạo và phương pháp nghiên
cứu khoa học, Nxb,Tri thức.
4. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb.Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, 2001.
1
Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2001, tr. 847.
2 Dẫn theo: Quyết định số 6587-QĐ/HVCTQG ngày 01 tháng 11
năm 2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực I.
3 Dẫn theo: Nghị định số 101-NĐ/CP, ngày01 tháng
9 năm 2017, của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức.
4 Dẫn theo: Nghị định số 101-NĐ/CP, ngày 01 tháng 9 năm
2017, của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên
chức.
5 Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII,
Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr 53- 54.