Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 16:00

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

NGUYỄN HOÀNG ANH
Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp

(GDLL) - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng, dẫn dắt các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước tăng trưởng và phát triển bền vững, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Từ khi ra đời và bước đầu hoạt động, Ủy ban đã tranh thủ những thuận lợi cơ bản, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành nhiệm vụ chiến lược đề ra. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng quản lý, điều hành của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Ủy ban trong thời gian tới.

Từ khóa: Doanh nghiệp nhà nước; đại diện chủ sở hữu; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. 

Đặt vấn đề

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thành lập là một bước ngoặt làm thay đổi toàn diện phương thức quản trị, điều hành tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thúc đẩy tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; góp phần hạn chế tiêu cực, cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng minh bạch tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, giảm chi phí bất hợp lý trong các doanh nghiệp. Từ khi thành lập cho đến nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã tiến hành kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu và nhiệm vụ chính trị đề ra. Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tổ chức và phát triển vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã tiến hành đẩy mạnh cổ phần hóa, tập trung đổi mới nội dung, phương thức quản lý, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

1. Thực trạng quản lý, điều hành của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Một là, tập trung kiện toàn tổ chức, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Ngày 3/2/2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ. Sự thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là một bước đột phá trong nhận thức của Đảng, phù hợp với thực tế của đất nước. Việc chuyển quyền quản lý vốn nhà nước từ các Bộ sang cơ quan mới là Ủy ban sẽ giúp vốn của Nhà nước được quản lý thống nhất, tránh tình trạng thất thoát, tham nhũng; đồng thời, tách bạch rõ vai trò quản lý của Nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Ngay sau khi thành lập, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc. Trên tinh thần đó, Ủy ban chủ động phối hợp chặt chẽ với ban lãnh đạo và các cơ quan chức năng tiếp nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty từ 5 Bộ, ngành (Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong các dự án do Bộ quản lý trước đây. Đồng thời, Ủy ban tập trung kiện toàn tổ chức, xây dựng hệ thống vững mạnh; phân công, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ.

Trong công tác xây dựng tổ chức vững mạnh, trước khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29/9/2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã xây dựng Đề án số 222/UBQLV-TCCB ngày 05/11/2018, đề xuất 70 vị trí việc làm cho 176 công chức và lập báo cáo trình Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt. Đến tháng 5/2020, tổ chức của Ủy ban về cơ bản đã được kiện toàn đầy đủ theo hướng “tinh, gọn” bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra. Về tổ chức, đã bầu được 3 lãnh đạo Ủy ban, 26 lãnh đạo cấp Vụ và tương đương, 92 công chức[1].

Về cơ cấu, cán bộ quản lý, lãnh đạo ở trình độ đại học và sau đại học tại nước ngoài chiếm 63%, đào tạo trong nước chiếm 37%. Trong đó, 67% cán bộ đào tạo chuyên ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, luật; 23% cán bộ chuyên ngành kỹ thuật[2]. Trong tổ chức cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp, tính đến tháng 5/2020, Ủy ban đã hoàn tất công tác quy hoạch các chức danh thuộc phân cấp cán bộ quản lý tại 16/19 doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban. Còn 3 doanh nghiệp (Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc), chưa hoàn tất công tác quy hoạch do chưa thực hiện đúng quy trình theo Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ủy ban tiến hành đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác quản lý, lãnh đạo nhằm ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng bộ Ủy ban cũng đặc biệt quan tâm vấn đề triển khai công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với khả năng, sở trường, qua đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ.

Đồng thời, Ủy ban cũng tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao và các nhiệm vụ khác thuộc phạm vi của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Hai là, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước

Về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được triển khai thực hiện từng bước; với từng tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban, có sự giám sát chặt chẽ, tuân thủ nghiêm theo quy định của pháp luật. Ủy ban đã chỉ đạo tiến hành cổ phần hóa 6 doanh nghiệp, thoái vốn tại các doanh nghiệp thu với mục tiêu tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp trên cơ sở minh bạch, công khai, lựa chọn thời điểm có hiệu quả[3].

Đối với công tác cổ phần hóa, ngay sau khi tiếp nhận, Ủy ban đã kế thừa và thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại từng tập đoàn, tổng công ty và chỉ đạo triển khai quyết liệt, tập trung rà soát, đo, kiểm đất đai và trình các địa phương chấp thuận quy hoạch, trình các cơ quan quản lý phê duyệt. Hiện tại, Ủy ban đã tiến hành cổ phần hóa cho các doanh nghiệp: Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Phát điện 2. Trong đó, Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco2) có vốn nhà nước gần 12 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản trên 25 nghìn tỷ đã hoàn thành tiến độ cổ phần hóa theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Về tình hình thoái vốn, Ủy ban đã có kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thoái vốn của 3 doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA).

Như vậy, tuy mới được thành lập trong khoảng thời gian ngắn nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã phát huy tốt vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh  nghiệp. Ngay từ khi mới thành lập, Ủy ban đã chủ động giải quyết những khó khăn, vượt qua thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bước đầu ổn định quan hệ công tác giữa Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty, giải quyết các vấn đề liên quan theo một lộ trình thống nhất, tuân thủ quy định của pháp luật góp phần bảo toàn và phát triển nguồn vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp, đồng thời, giữ vững tính chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Ba là, quyết liệt trong xử lý 12 dự án ngành Công thương kém hiệu quả

Sau khi tiếp nhận trách nhiệm từ Bộ Công thương từ cuối năm 2019, trong 9 tháng vừa qua, Ủy ban đã quyết liệt trong việc rà soát, báo cáo và trình Ban chỉ đạo tổ chức họp 4 phiên theo các nội dung cụ thể; đồng thời đã xây dựng 16 loại báo cáo và gửi đến Quốc hội, đến các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương để đề xuất và nhận chỉ đạo. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban đã tiến hành phân loại 12 dự án của ngành Công thương đang hoạt động kém hiệu quả thành 3 nhóm để có cơ sở áp dụng các giải pháp, chỉ đạo phù hợp.

Cụ thể, nhóm 1 là nhóm các dự án có khả năng phục hồi: Dự án DAP2 Hải Phòng, Dự án PVtex Hải Phòng; nhóm 2 là nhóm các dự án có thể tái cơ cấu để phục hồi: Dự án Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc, Dự án DAP2 và 2 dự án của Tổng Công ty Thép Việt Nam; nhóm 3 là nhóm các dự án không thể tái cơ cấu để phục hồi, phải kiên quyết cho phá sản, giải thể, bán dự án, hoặc thực hiện phương án khác để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước: Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, Công ty Đạm Ninh Bình, Nhà máy bột giấy Phương Nam. Việc phân loại có tính động, nghĩa là có sự luân chuyển giữa các nhóm tùy theo kết quả từng dự án tại thời điểm xem xét.

Trên cơ sở phân nhóm, Ủy ban đã đề xuất đưa dự án DAP2 Hải phòng ra khỏi danh sách để thực hiện thoái vốn theo quy định hiện hành, phù hợp phương án trong Quyết định 1468/QĐ-TTg 29/09/2017 Phê duyệt "Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương". Đồng thời, đề xuất đưa 2 dự án: Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước ra khỏi danh sách để xử lý tài sản thế chấp và thực hiện thủ tục phá sản. Cả 2 dự án này đều có vốn góp chỉ ở cấp công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; mức góp 29 đến 39%[4], không đủ tỷ lệ chi phối, ra quyết định.

Bên cạnh đó, Ủy ban còn đề xuất, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc trong quyết toán hợp đồng EPC do tranh chấp kéo dài với nhà thầu. Đồng thời, đốc thúc các doanh nghiệp tìm cách đàm phán, giải quyết các tranh chấp.

2. Một số giải pháp nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, trong thời gian tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách, thống nhất quy định về tổ chức, hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước

Việc rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa thống nhất về hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp, nhất là các quy định trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… giúp Ủy ban quản lý hiệu quả nguồn vốn tại các doanh nghiệp, giải quyết các điểm nghẽn về đầu tư tồn tại nhiều năm qua, đẩy nhanh tiến trình thực hiện các thủ tục đầu tư, quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, Ủy ban cần giám sát việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước toàn diện tại các tập đoàn, tổng công ty đảm bảo đúng nội dung, kế hoạch và tiến độ, minh bạch, công khai theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, kiện toàn bộ máy tổ chức của Ủy ban đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp

Trong thời gian tới, Ủy ban cần nghiên cứu, sắp xếp, bố trí cán bộ và kiện toàn hệ thống kiểm soát viên nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty; quy định về chế độ làm việc, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của kiểm soát viên. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức, phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại các doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục triển khai và đẩy mạnh chiến lược, kế hoạch, chương trình về quản lý nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được phê duyệt

Ủy ban chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã tiếp nhận và phê duyệt theo đúng tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc các quy định về giám sát hiệu quả hoạt động và nguồn vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp; kiến nghị, đề xuất với Chính phủ về cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty định hướng phát triển thành những tập đoàn, tổng công ty đa sở hữu, quy mô lớn, hoạt động đa lĩnh vực, mang tầm chiến lược và có khả năng cạnh tranh trong khu vực, quốc tế.

Thứ tư, tăng cường đầu tư, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, quản lý

Đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nâng cao năng lực quản lý và sử dụng công cụ quản lý hiện đại trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ giúp Ủy ban kiểm soát tốt nguồn vốn của Nhà nước. Đồng thời, hạn chế các rủi ro về tài chính tại các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Ủy ban cần ban hành hệ thống tiêu chí quản trị hiện đại với nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến, từng bước hoàn thiện và vận hành phần mềm đo các chỉ số giám sát tài chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.

Thứ năm, định hướng xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại

Xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại là xu hướng tất yếu khi hoàn thành công tác kiện toàn hệ thống tổ chức nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm, tránh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Kết luận

Quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng, phù hợp với thực tế và yêu cầu về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam; là mô hình quản lý vốn theo hình thức đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo đúng thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, Ủy ban cần thực hiện những bước đột phá trong quản lý, điều hành vốn có hiệu quả tại các tập đoàn, tổng công ty có vốn của Nhà nước, từng bước hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại. 

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2018), Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (2018), Báo cáo 05/BC-UBQLV ngày 31/9/2018 về thực hiện công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan Ủy ban.

3. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (2020), Quyết định số 60/QĐ-UBQLV ngày 12/2/2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

4. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (2020), Báo cáo số 20/BC-UBQLV ngày 15/9/2020 về tình hình triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ủy ban thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP.


[1] Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (2018), Báo cáo 05/BC-UBQLV về thực hiện công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan Ủy ban, ngày 31/9/2018, tr.3.

[2] Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (2018), Tlđd, tr.3.

[3] Bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tr.1.

4 Bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tr.4.

Đọc thêm

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh mạng quốc gia và bảo vệ an ninh mạng quốc gia thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ là nhiệm vụ rất quan trọng, có tầm chiến lược. Phòng, chống tấn công mạng, tội phạm mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bài viết đi sâu khái quát quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh mạng quốc gia và đề xuất một số giải pháp chủ yếu thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về an ninh mạng và bảo vệ an ninh mạng quốc gia thời kỳ mới.