Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 16:17

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Trần Thị Liên
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh

(GDLL) - Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở luận giải làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của họ theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khóa: Người đứng đầu; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; Văn kiện Đại hội XIII. 

(Ảnh: https://nhandan.vn)

Đặt vấn đề

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương”[1]. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi, người đứng đầu không chỉ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai cho cấp dưới tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, mà còn là hạt nhân, trung tâm đoàn kết, khơi dậy ý chí, khát vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân khi làm việc, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

1. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ hiện nay

“Người đứng đầu” ở đây được hiểu là: Những người có vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý trong hệ thống tổ chức, cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đứng đầu các cơ quan tham mưu của các cấp ủy đảng; những cán bộ lãnh đạo, quản lý đứng đầu trong hệ thống các cơ quan lập pháp, cơ quan dân cử; cán bộ lãnh đạo, quản lý, đứng đầu trong hệ thống các cơ quan hành pháp, từ Chính phủ đến các cấp chính quyền địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cục, vụ, viện; cán bộ lãnh đạo, quản lý, đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương; cán bộ, sĩ quan, đứng đầu các lực lượng vũ trang... Khái niệm “người đứng đầu” trong Văn kiện Đại hội XIII để chỉ những cán bộ lãnh đạo, quản lý cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, từ Trung ương tới cơ sở từ cấp trưởng phòng trở lên.

Có thể khái quát một số vai trò chủ yếu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương ở những khía cạnh sau: 1/Người đứng đầu là người chịu trách nhiệm chính trước tổ chức về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. 2/Là người trực tiếp sử dụng các nguồn lực đầu vào, chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát triển các nguồn lực tuỳ theo tính chất, mức độ công việc khác nhau để bố trí, xắp xếp cho khoa học, hợp lý. 3/Là hạt nhân đoàn kết, biết quy tụ, tập hợp lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp đem lại những đổi thay mới về công việc, chất lượng cuộc sống cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nơi mình công tác. 4/Được đông đảo mọi người thừa nhận, đánh giá cao, được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm. Khi vai trò của người đứng đầu được phát huy tạo thành không khí vui tươi, hồ hởi, phấn chấn trong mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để thực hiện các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà đại hội nhiệm kỳ các cấp đã đề ra; đồng thời, khích lệ, cổ vũ, động viên mỗi người vượt qua khó khăn, vất vả, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình với cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là hoạt động tích cực, chủ động nhằm chuyển hoá phẩm chất về đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn công tác, trình độ hiểu biết ra bên ngoài thông qua hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi những nội dung, chương trình, kế hoạch mà cấp uỷ, tổ chức đảng đã họp bàn, thống nhất. Theo đó, nội dung phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là chức trách, nhiệm vụ được phân công, giao nhiệm vụ, chịu trách nhiệm chính trước tổ chức về toàn bộ những hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công vic, giải quyết các mối quan hệ đem lại những lợi ích thiết thực, cụ thể cho cơ quan, đơn vị, địa phương nơi mình công tác. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong những năm qua Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐ/TW của BCH Trung ương về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương... đã cho thấy Đảng rất quan tâm đến công tác cán bộ nói chung và vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu nói riêng.

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã được phát huy khá tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, các chế độ, nền nếp sinh hoạt, làm việc ở cơ quan, đơn vị, địa phương; có năng lực trong phân công, giao nhiệm vụ, giải quyết công việc hợp tình, hợp lý, được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn một số hạn chế, đó là: một số người đứng đầu chưa thật sự gương mẫu trong nói và làm, khi cơ quan, đơn vị, địa phương có thành tích thì nhận về mình, khi xảy ra vấn đề thì không dám nhận trách nhiệm; thậm chí còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không công khai, minh bạch các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhất là ở lĩnh vực cải cách hành chính, tài chính, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; cục bộ địa phương, bè phái, lợi ích nhóm. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá””[2]. Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa... cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

2. Một số giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ

Thứ nhất, khi bổ nhiệm người đứng đầu, tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn được đặt lên hàng đầu

Đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan đơn vị, địa phương trong triển khai tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Ngay từ đầu mà khâu lựa chọn, sắp xếp, bổ nhiệm người đứng đầu không chính xác dẫn đến công việc trì trệ, nội bộ lục đục, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan, đơn vị, địa phương đó. Khâu lựa chọn, sắp xếp, bổ nhiệm người đứng đầu phải làm rất cẩn trọng, có lộ trình, bước đi phù hợp, lấy tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, năng lực, phương pháp tác phong công tác đặt lên hàng đầu. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân đoàn kết”[3]. Quan điểm trên của Đại hội XIII đã bao chứa những chỉ dẫn hết sức quý báu, cụ thể để cấp có thẩm quyền có thể lựa chọn, sắp xếp, bố trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương một cách chính xác, phù hợp nhất; đặt ra cho cấp có thẩm quyền phải thông qua các kênh khác nhau để nắm bắt được năng lực làm việc, phẩm chất đạo đức, lối sống của người đứng đầu trước khi được bổ nhiệm, tránh tình trạng trong thời gian được cân nhắc, bổ nhiệm ở vị trí người đứng đầu thì hết mình với công việc, nhiệm vụ được giao, khi được bổ nhiệm rồi thì không toàn tâm, toàn ý đối với công việc. Kết luận của Bộ Chính trị ngày 7/5/2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng nhấn mạnh: “Lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện, công tâm, công khai, minh bạch, chính xác, chống cục bộ địa phương, bè phái trong công tác cán bộ”[4].

Thứ hai, phân cấp, giao quyền để người đứng đầu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã ch rõ: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền”[5]. Theo đó, phân cấp, giao quyền cho người đứng đầu được tự quyết định, xử lý công việc theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi cho phép của mình, không được vượt quá giới hạn; những việc đó phải đúng nguyên tắc, điều lệ Đảng không được trái với quy định, điều lệ của Đảng, không được lồng ý kiến cá nhân, chủ quan trong xử lý công việc, tình huống của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; cấp trên không được tham gia quá nhiều vào công việc nội bộ ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, lấn át vị trí, vai trò của người đứng đầu, không phát huy được tính năng động, sáng tạo của người đứng đầu, đặc biệt là không tôn trọng ý kiến người đứng đầu, sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, bi quan, không toàn tâm, toàn lực với nhiệm vụ được giao, chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc cũng giảm sút, không tạo được uy tín, niềm tin với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phân cấp, giao quyền cho người đứng đầu không có nghĩa là lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm những việc trái với pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống,; bất luận ở cương vị nào khi xử lý, giải quyết một công việc, nhiệm vụ phải đặt lợi ích của Đảng, của tập thể lên trên hết, trước hết.

Thứ ba, có những cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý tạo điều kiện thuận lợi để người đứng đầu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình với chức trách, nhiệm vụ được giao

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc”[6]. Đó là khuyến khích, động viên, kịp thời đối với người đứng đầu; bảo vệ quyền lợi cho người đứng đầu dám đứng lên đấu tranh, phê phán những cái xấu, không đúng với quy định; tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để người đứng đầu được phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, như được tự lựa chọn, sử dụng cán bộ, đảng viên về làm việc, cải cách các thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho quá trình làm việc của cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời, kiên quyết phòng, chống biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ; củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để giám sát mọi hoạt động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; có những biện pháp hữu hiệu, kịp thời bảo vệ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phản ánh những sai phạm của người đứng đầu.

Kết luận

Trên đây là một số nội dung, biện pháp cơ bản phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong cơ quan hành chính nhà nước theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đòi hòi người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, phát huy được sức mạnh của cả tập thể trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đó cũng chính là sự cụ thể hoá, thể chế hoá những quan điểm, đường lối Đại hội XIII của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào thực tiễn cuộc sống, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Tài liệu tham khảo:

1.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2.  Báo Nhân dân, Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", ngày 18/5/2021.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.97.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.92.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.187.

[4] Báo Nhân dân, Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", ngày 18/5/2021.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.187 - 188.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.188.

 

 

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.