Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 16:53

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học hiện nay

BÙI THANH THỦY
Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp

(GDLL) - Trong những năm qua, hợp tác quốc tế về đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam luôn nhận được quan tâm sâu sắc, ngày càng có những chính sách khuyến khích tạo điều kiện tốt để mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ mới đầy triển vọng, hợp tác quốc tế trong đào tạo ở các trường đại học cũng gặp nhiều thách thức cần có những giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh đem lại thành tựu lớn như mục tiêu đã đặt ra. Bài viết tập trung làm rõ vai trò, cơ hội và thách thức đặt ra từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Từ khóa: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác quốc tế; trường đại học.

(Ảnh: https://www.quanlynhanuoc.vn)

Đặt vấn đề

Trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đại học ở Việt Nam luôn là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Nguồn lực có chất lượng không chỉ tạo nên thương hiệu, bộ mặt của mỗi nhà trường mà còn góp phần khẳng định sức mạnh, vị thế của con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Để GD&ĐT đạt hiệu quả cao, các nhà trường hiện nay cần tích cực, chủ động trong công cuộc hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, phù hợp từ nội dung giảng dạy, tranh thủ nguồn lực công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào khâu đào tạo thực hành, hợp tác quốc tế về đào tạo, sử dụng nguồn lao động.

1. Vai trò của hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học hiện nay

 Hợp tác có thể hiểu theo nghĩa chung là “cùng chung sức giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó, nhằm một mục đích chung”, còn quốc tế là “các nước trên thế giới trong quan hệ với nhau”. Như vậy, “hợp tác quốc tế” là mối quan hệ cùng hỗ trợ đáp ứng những lợi ích của các chủ thể trong mối quan hệ quốc tế đó. Hợp tác quốc tế có sự tham gia của 2 hoặc nhiều chủ thể khác nhau và có sự tham gia của yếu tố quốc tế.

 Nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ các đối tượng lao động có khả năng làm việc thông thạo, kỹ năng chuyên môn tốt, trở thành người lao động giỏi. Trong quá trình hội nhập, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chiến lược trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, hợp tác quốc tế có đóng góp rất lớn trong giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học.

Một là, hoạt động hợp tác quốc tế góp phần quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của các trường đại học theo hướng tiếp cận nền giáo dục tiên tiến hiện đại trên thế giới

Hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và quán triệt trong các văn bản nghị quyết khi tiến hành đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà: “Đa dạnghóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”[1]. Quá trình hợp tác giúp định hướng sự phát triển của các trường đại học theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, các trường đại học có thể tranh thủ tận dụng thời cơ thu hút sự đầu tư quốc tế về giáo dục. Với sự đa dạng của các nội dung trong hợp tác quốc tế, Việt Nam có cơ hội giao lưu, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá về xây dựng, hoàn thiện, phát triển mô hình giáo dục, chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế...

Hai là, hợp tác quốc tế mang lại cơ hội lớn cho người học

Hợp tác quốc tế giúp chúng ta có cơ hội học hỏi về phương thức giảng dạy, chuẩn hóa mô hình giáo dục; không chỉ vậy, hợp tác đem lại cơ hội lớn cho các trường đại học tiếp cận gần hơn với các tiến bộ của khoa học công nghệ. Từ đó, các trường có thể tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các trường đại học nước ngoài để cập nhật kỹ thuật tiên tiến về phục vụ khâu đào tạo thực hành ở Việt Nam. Đặc biệt là đối với những chuyên ngành khoa học kỹ thuật như Công nghệ thông tin, Cơ khí, Điện, Công nghệ ô tô,... Không chỉ vậy, hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học còn mở ra nhiều cơ hội cho người học trong các lĩnh vực khác như phát triển văn hóa, liên kết việc làm... Đảng đã chỉ rõ: “Hội nhập quốc tế về giáo dục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường lao động và phát triển khoa học, công nghệ của đất nước; tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế”[2].

Ba là, hợp tác quốc tế góp phần hỗ trợ nguồn lực tài chính cho sự phát triển của nhà trường

Tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực thông qua hợp tác quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học là một nội dung cơ bản trong chiến lược hội nhập của Đảng, thể hiện rõ vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế: “Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, đầu tư với nước ngoài...; tranh thủ các cơ hội để thu hút hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao quy mô và chất lượng nguồn nhân lực”[3]. Hầu hết các trường đại học khi được thành lập cũng trên cơ sở nguồn vốn chủ yếu từ ban Quản trị, lãnh đạo nhà trường đối với các trường dân lập; hay nguồn vốn từ Chính phủ, Nhà nước, Bộ Giáo dục & Đào tạo đầu tư. Nguồn lực tài chính tốt sẽ tạo điều kiện để có công nghệ, kỹ thuật tốt phục vụ cho quá trình đào tạo. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế của nhiều trường đại học trên cả nước còn khá hạn hẹp, những trường công với mức học phí thấp khó tạo được nguồn kinh tế dồi dào để đáp ứng chương trình giáo dục hiện đại nhất. Do vậy, hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính đầu tư của nước bạn là một trong những yêu cầu khách quan.

Bốn là, hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục đại học còn góp phần mở rộng quan hệ ngoại giao, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của nước nhà trên lĩnh vực giáo dục, và góp phần ảnh hưởng tới các lĩnh vực kinh tế xã hội khác

Như vậy, hợp tác quốc tế không chỉ tạo cơ hội lớn cho người học, góp phần giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai mà còn giúp các trường đại học thiết lập được nhiều hình thức hợp tác đa dạng, phong phú.

2. Hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học hiện nay - cơ hội và thách thức

* Về cơ hội

Sự quan tâm, xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước

 Việt Nam tiếp tục có cơ sở pháp lý chung để hợp tác bình đẳng hơn với các tổ chức giáo dục, các trường đại học quốc tế; tham gia vào các tổ chức liên kết giáo dục quốc tế, liên minh giáo dục...Tiêu biểu như Giáo dục cũng đã trở thành một nội dung trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), tại Hiệp định này có quy định các điều, khoản hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo các cấp trong hệ thống giáo dục quốc gia. Nhờ vậy, các trường đại học có điều kiện tốt để hợp tác thực hiện đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là hiệu quả trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên theo tiêu chuẩn của các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Sự tích cực chủ động và chuẩn bị tốt cơ sở, điều kiện hợp tác quốc tế của các trường đại học

Khi gia nhập các tổ chức quốc tế, trong đó có quy định nội dung về lĩnh vực giáo dục đào tạo, cụ thể là hợp tác quốc tế giúp cho Việt Nam có sự cam kết mở rộng và đẩy mạnh tiêu thụ ngoài nước để tăng số lượng sinh viên Việt Nam đi du học ngoài nước, đồng thời có chiến lược thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập. Cơ hội để xuất khẩu dịch vụ giáo dục ra nước ngoài tiêu biểu như thị trường các nước trong khu vực như Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào... rất triển vọng. Bên cạnh đó, sự trao đổi giáo viên, sinh viên với các trường đại học và các tổ chức giáo dục quốc tế tạo môi trường giao lưu học hỏi rất lành mạnh và hiệu quả, giúp cho sinh viên Việt Nam học hỏi, nắm bắt bài học chuyên môn thực tiễn, những giá trị văn hóa đáng quý của nhiều quốc gia.

* Về thách thức

Chính sách và cơ chế quản lý của Nhà nước

Giai đoạn hiện nay, hệ thống giáo dục Việt Nam phải hội nhập với các nước, tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu những hiệp định song phương và đa phương về công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ giáo dục trong giáo dục đại học. Ðiều này là thách thức rất lớn đối với hệ thống giáo dục Việt Nam khi tiến hành hợp tác quốc tế. Hạn chế này cũng gây khó khăn cho bản thân người học. Trước cánh cửa mở rộng của sự giao lưu, hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính quốc thì thị trường giáo dục đại học Việt Nam tất yếu sẽ thu hút nhiều sự tham gia của các trường đại học quốc tế, các tổ chức giáo dục. Chương trình giáo dục có yếu tố quốc tế ở nước ta sẽ bước tới giai đoạn cạnh tranh từ học phí đào tạo tới dịch vụ đào tạo, chất lượng đào tạo mà nhà trường cung cấp. Từ đó có thể nảy sinh những lỗ hổng trong quản lý, giáo dục, cạnh tranh không lành mạnh.

Công tác chuẩn bị nguồn lực của mỗi nhà trường

Nhu cầu về hợp tác đào tạo quốc tế ngày càng tăng nhanh về quy mô, chất lượng, phương thức liên kết cũng trở nên đa dạng, phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi các chủ thể hợp tác quốc tế phải chú trọng đầu tư không ngừng về cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính, nhân lực có năng lực tổ chức quản lý, điều tiết thực hiện nội dung đã thỏa thuận trong cam kết hợp tác. Đồng thời, còn yêu cầu người học phải có sự nỗ lực lớn hơn, đáp ứng được sự thay đổi và mở rộng, đổi mới trong chương trình hợp tác đào tạo quốc tế. Hợp tác quốc tế trong đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi chúng ta phải có những cơ chế thu hút sự hợp tác, đầu tư của nhiều nước tiên tiến. Chúng ta còn thiếu điều kiện để thực hiện giáo dục theo hướng đổi mới về chương trình, nội dung, cách thức theo tiêu chuẩn quốc tế. Ðiều này sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của các trường đại học, sự thích ứng của nền giáo dục cũng như của bản thân sinh viên Việt Nam.

3. Một số kết quả đạt được trong công tác hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học hiện nay

Trong việc định hướng phát triển, đổi mới hình thức đào tạo và cấp bằng của các trường đại học

Nhiều năm gần đây, nhờ sự quan tâm chú trọng đầu tư của các nhà quản lý lĩnh vực hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học đã đào tạo và cấp bằng cho số lượng lớn hàng vạn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ theo tiêu chuẩn quốc tế. Những chương trình đào tạo đó ở đa dạng các lĩnh vực, trong đó đào tạo đại học và cao học về khối ngân hàng, quản trị kinh doanh nhà hàng khách sạn, lĩnh vực kinh tế chiếm tỉ lệ cao. Hiện nay, Việt Nam đã chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo đại học theo chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam, bước đầu đã mang lại những thành tựu. Ví dụ như mô hình liên kết đào tạo của trường đại học Hà Nội, theo đó sinh viên của trường học 3 năm đầu tại nhà trường và học năm thứ 4 cuối cùng tại các trường đối tác liên kết, sau đó sẽ được trường quốc tế cấp bằng cử nhân. Hiện nay một số trường đại học uy tín ở nước ngoài đánh giá cao và công nhận chương trình đào tạo đó của trường đại học Hà Nội như: Đại học IMC (Austria), Đại học Westminster (Anh),...

 Trong phát triển nguồn lực ở các trường đại học

 Hợp tác đào tạo quốc tế hiện nay tạo điều kiện cho nhiều trường đại học lớn thực hiện việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa đội ngũ giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước. Nhiều lượt giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đã được gửi đi đào tạo nâng cao tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, với mục tiêu nâng cao kỹ năng, đổi mới tư duy, phương pháp đào tạo. Nhiều trường đại học chú trọng liên hệ hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu trong hoạt động phát triển đội ngũ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Như chương trình trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và Na Uy: Sinh viên Na Uy sang Việt Nam học ngắn hạn tại đại học Đà Nẵng được triển khai theo chương trình hợp tác giữa đại học Đà Nẵng và đại học khoa học ứng dụng Oslo và đại học Vestfold. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Na Uy còn giúp ngành giáo dục Việt Nam tranh thủ được sự tài trợ của Na Uy cho một số chương trình hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực giảm thiểu tác hại của thiên tai, như hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI), hợp tác nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo ở Việt Nam giữa Viện Khoa học Nông nghiệp (VAAS) và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp và Môi trường Na Uy (Bioforsk).

Về đa dạng các hình thức hợp tác và mở rộng quy mô đào tạo

Hiện nay chương trình giáo dục đại học ở Việt Nam ngày càng được mở rộng theo các mô hình như: dự án của Chính phủ liên kết với nước ngoài như đại học Việt Đức (VGU), Việt Pháp (USSH), Việt Nhật (JVU)... Nhiều chương trình đào tạo liên kết với đối tác quốc tế dưới nhiều hình thức: bằng đôi, bằng ngoại diễn ra ở cả trường công lẫn trường tư. Tại đại học Công nghiệp Hà Nội đã hình thành và phát triển mô hình đào tạo giáo viên kỹ thuật dạy nghề do JICA tài trợ, sau hơn 10 năm triển khai đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, mô hình đã cung cấp nhân sự kỹ thuật cho nhu cầu doanh nghiệp trong nước trong điều kiện sản phẩm đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng lao động của doanh nghiệp.

Có thể thấy, hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được đẩy mạnh và đạt nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế chúng ta đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi cần nghiên cứu và vận dụng đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học.

4. Một số giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học hiện nay

Thứ nhất, quan tâm xây dựng cơ chế chính sách nhằm đổi mới vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức giáo dục đại học để phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế

Thực hiện bổ sung, kiện toàn các quy định về pháp luật đối với các hoạt động giáo dục đại học của nhà trường và các mô hình giáo dục liên kết quốc tế: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm cơ sở triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”[4]. Nêu cao vai trò của việc đổi mới tư duy trong khâu quản lý của các cơ quan nhà nước đối với những cơ sở giáo dục đại học. Cơ quan quản lý cần tạo môi trường mở để các trường đại học có cơ hội hoạt động tự chủ, độc lập, công bằng trong mọi hoạt động giáo dục. Từ bỏ cách thức quản lý mang tính dập khuôn, áp đặt, chỉ đạo từ trên xuống. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi Nhà nước và cơ quan liên ngành tập trung xây dựng và ban hành những chính sách pháp luật rõ ràng nhằm tạo hành lang pháp luật thông thoáng, cơ chế mở để ngành Giáo dục có điều kiện thực hiện tốt mục tiêu đổi mới.

Thứ hai, Nhà nước quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, Bộ giáo dục và cơ quan ban ngành phối hợp thực hiện cơ chế khuyến khích các trường đại học, cơ sở giáo dục chủ động tích cực trong việc liên kết hợp tác quốc tế về giáo dục

 Xây dựng những mục tiêu cụ thể, đảm bảo hoạt động hiệu quả tối ưu trên cơ sở hợp tác quốc tế song hành với tinh thần giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại. Các cơ quan nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện tốt hơn nữa trong việc hỗ trợ thủ tục pháp lý, hồ sơ hợp tác đối với cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài trong nước, các tổ chức giáo dục quốc tế đang tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Đầu tư ngân sách của nhà nước và ngành giáo dục cho sinh viên, giảng viên đại học sang học tập và công tác tại nước ngoài, tăng cường giao lưu văn hóa, tri thức khoa học quốc tế.

 Thứ ba, có chính sách hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là những sinh viên hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có tri thức, kỹ năng

Thực hiện quản lý nghiêm việc hoạt động học tập, rèn luyện của sinh viên; mô hình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Tập trung xây dựng quy chuẩn chất lượng quốc tế trong giáo dục để làm định hướng và mục tiêu hướng tới cho các chương trình đào tạo đại học ở nước ta. Mỗi một cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn lộ trình đào tạo sao cho phù hợp và hiệu quả trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá theo chuẩn quốc tế.

Thứ tư, tạo môi trường giáo dục đại học có sự liên kết quốc tế hoạt động minh bạch, linh hoạt, tự chủ

Tạo môi trường giáo dục tự chủ ở các cấp, ở đây là cấp đại học tạo cơ hội cho các trường thực hiện mục tiêu hợp tác quốc tế thuận lợi và công bằng hơn. Ở nước ta hiện nay đã có nhiều trường đại học và các cơ sở giáo dục đại học hợp tác quốc tế, xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai chưa được đánh giá một cách khách quan và thực tế. Có chăng mới chỉ dừng lại ở việc quản lý số lượng đào tạo và cấp bằng đại học cho sinh viên. Vì thế, có lẽ cần có những số liệu khách quan, nghiêm túc nhằm đánh giá kết quả của những mô hình hợp tác đã được thực hiện trong những năm qua; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong hợp tác và đưa yếu tố quốc tế và trong nền giáo dục đại học Việt Nam.

Kết luận

Hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo đại học nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa to lớn, góp phần nền tảng để tạo nên người lao động có chuyên môn, nhạy bén, hòa nhập tốt trong môi trường hội nhập hiện nay. Hợp tác quốc tế giúp cho các trường đại học Việt Nam tiếp cận gần hơn và tiến tới hòa nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Trong thời kỳ hội nhập, hợp tác quốc tế càng khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu, là xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển của các trường đại học. Để phát huy tốt các cơ hội của hợp tác giáo dục đại học đòi hỏi chúng ta nghiêm túc nhìn nhận và vận dụng kết hợp nhiều giải pháp đã đặt ra. 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Quan hệ quốc tế (2002), Hướng dẫn về quan hệ quốc tế trong giáo dục và đào tạo, Nxb. Giáo dục.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019), Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT ngày 08/8/2019 về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục, https://thuvienphapluat.vn 


[1] Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", https://thuvienphapluat.vn

[2] Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 về phê duyệt đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020, https://thuvienphapluat.vn

[3] Thủ tướng Chính phủ (2013), Tlđd.

[4] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 13/06/2012 về Phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”, Hà Nội, https://thuvienphapluat.vn

Đọc thêm

Giải pháp thực hiện Cam kết của Việt Nam về "Net zero" vào năm 2050

Tác giả: Phạm Tú Tài

(GDLL) - Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 (Net Zero). Bài viết tập trung phân tích những tác động của phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện trong lộ trình "Net Zero" vào năm 2050.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.