Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 16:56

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay

BÙI THANH THỦY
Đại học Tài nguyên và môi trường

(GDLL) - Sau 35 năm đổi mới, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Bài viết tập trung làm rõ kết quả của việc hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Từ khóa: Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; trường đại học; Việt Nam. 

Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2020, (Ảnh: https://dangcongsan.vn)

Đặt vấn đề

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu. Chính vì vậy, hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã ghi nhận những thành công lớn trong hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Đã có nhiều chương trình hợp tác đào tạo, dự án ODA, dự án trao đổi giáo viên, sinh viên, giảng viên và các chương trình liên kết đào tạo thực tế giữa các trường đại học ở Việt Nam và các trường của quốc gia khác. Mặc dù đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về giáo dục ở các trường đại học, tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác này hiện nay.

1. Chủ trương của Đảng về hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo giữa xu thế toàn cầu hoá

Trong xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, hợp tác quốc tê (HTQT) của các trường đại học diễn ra như một tất yếu khách quan và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình phát triển của các trường đại học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Xu hướng toàn cầu hóa và sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã và đang thúc đẩy giáo dục đại học của mỗi quốc gia đổi mới không ngừng, đặt ra yêu cầu phải  hội nhập quốc tế (HNQT) để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới trong quá trình đào tạo của các nhà trường.

Tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế  trong đó xác định nhiệm vụ và giải pháp về chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả HTQT trong giáo dục, đào tạo: “Chủ động HNQT về giáo dục, đào tạo trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại. Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế về giáo dục, đào tạo.Tăng quy mô đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với giảng viên các ngành khoa học cơ bản và khoa học mũi nhọn, đặc thù... Mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, chủ yếu trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo...” [3].

Nhằm thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới” [1, tr. 234].  Chuyển mạnh quá trình giáo dục theo hướng “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế” [1, tr.232-233]. Để cụ thể hóa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”[1, tr.231].

2. Kết quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam từ sau đổi mới đến nay

Sau 35 năm tiến hành đổi mới, HTQT trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được nâng lên, giúp nâng cao hiệu quả về HTQT và vị thế của Việt Nam trên thế giới. Đến nay Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác đào tạo, dự án ODA, dự án trao đổi giáo viên, sinh viên, giảng viên và các chương trình liên kết đào tạo thực tế giữa Việt Nam và các trường của quốc gia khác. Tính đến 31/12/2019, Việt Nam đã có 525 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 4,4 tỉ USD. Việt Nam hiện có 05 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học [6]. Hiện nay có khoảng 190.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, trong đó gần 2.700 ở NewZealand. Song song với đó, có 21.000 sinh viên nước ngoài đang theo học tại các cơ sở giáo dục Việt Nam ở nhiều cấp học khác nhau. Hàng năm, Việt Nam cũng nhận hàng ngàn sinh viên và giáo viên quốc tế đến tham gia các chương trình trao đổi [7]. Ngành giáo dục và các cơ sở đại học đã phê duyệt, ký kết trên 530 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, với khoảng 85.000 người đã theo học, trong đó hơn 45.000 người đã hoàn thành chương trình và được cấp bằng. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước [8].

Xu thế hợp tác về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được các trường đại học ở Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng. Nội dung HTQT trong lĩnh vực này của các trường đại học ở Việt Nam tập trung vào liên kết các ngành đào tạo, đặc biệt là các ngành học thuộc lĩnh vực ứng dụng thực tiễn như cơ khí, máy tính... Sinh viên theo học những ngành này không chỉ được tiếp cận với kiến thức mới chưa có trong nước mà còn được ứng dụng, thực hành nhiều hơn ở các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.

Cùng với liên kết các ngành đào tạo, các hoạt động hợp tác trao đổi sinh viên - giảng viên; hợp tác đào tạo; hợp tác trao đổi học thuật; hợp tác nghiên cứu cũng được các trường quan tâm đẩy mạnh như Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm qua Trường Đại học Quốc tế chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học uy tín và có thứ hạng cao trên thế giới, từ châu Mỹ, châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Đại học New South Wales, Đại học Monash, Đại học Deakin, Đại học Kỹ thuật Swinburne (Úc), Đại học Nottingham, Đại học West of England (Anh Quốc), Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), Đại học Houston, Đại học Hawaii tại Manoa, Đại học Binghamton (Hoa Kỳ) [9].

Thực hiện phương châm “Bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và Quốc tế”, Trường Đại học Dược Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác với trên 100 viện, trường đại học và tổ chức quốc tế, có quan hệ mật thiết với nhiều Đại sứ quán, Tổng lãnh sự các nước có mặt ở Việt Nam. Có thể nói, hoạt động HTQT về GD&ĐT của trường khá đa dạng và toàn diện từ tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, các loại học bổng dành cho sinh viên hai bên, trao đổi chuyên gia, đào tạo cán bộ. Đặc biệt, từ năm 2008, nhà trường đã tiếp nhận và chủ trì nhiều dự án như: Dự án NPT – VNM – 240 – NUFFIC Hà Lan, nguồn vốn ODA không hoàn lại; Các chương trình hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Dự án B13, B18, 9C với Phái đoàn Wallonie Bruxelles Vương quốc Bỉ; Dự án Dược động học với ĐH Goteborg Thụy Điển; Dự án đào tạo thạc sĩ cấp bằng Châu Âu; Dự án xây dựng trường Đại học Dược Hà Nội thành trường Đại học chuyên ngành quốc gia ngang tầm khu vực với vốn vay ODA Hàn quốc; Dự án tăng cường hệ thống thông tin thuốc và cảnh giác dược ở Việt Nam với vốn ODA không hoàn lại, dự án ADB... [10].

Tiếp nối các mối quan hệ hợp tác truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên luôn tự hào đang là đối tác của 70 tổ chức giáo dục, chính trị, xã hội quốc tế có uy tín thuộc 35 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hợp tác tác quốc tế đã góp phần tích cực vào quá trình HNQT về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Thông qua HTQT, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học được tăng cường rõ rệt. Hàng năm trung bình từ 250 đến 300 lượt cán bộ và sinh viên của trường đi trao đổi, dự hội nghị khoa học và đào tạo ở nước ngoài. Số lượng cán bộ và sinh viên quốc tế đến giảng dạy và học tập tại trường ngày càng tăng. Từ 2006 đến nay, trung bình mỗi năm trường tiếp đón khoảng 300 lượt khách quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, học tập và trao đổi... [11].

Có thể nói, từ khi đổi mới đến nay, HNQT của Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng đã không ngừng tích cực, chủ động hội nhập vào khu vực và thế giới đem lại nhiều cơ hội mới cho người học, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sư nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và HNQT của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động HTQT về giáo dục và đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam những năm qua còn tồn tại một số khó khăn, bất cập: Nhu cầu về hợp tác đào tạo quốc tế tăng lên về quy mô, ngày càng phức tạp, đa dạng về phương thức, kèm theo những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, một mặt đòi hỏi người học phải cố gắng cao hơn, mặt khác đòi hỏi các trường đối tác phía Việt Nam phải có đầu tư cả về cơ sở vật chất và con người. Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, thị trường giáo dục đại học Việt Nam sẽ mở cửa hơn với sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức giáo dục, các trường ÐH nước ngoài, tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn, khốc liệt hơn không chỉ bằng học phí mà quan trọng hơn là bằng chất lượng các dịch vụ được cung cấp. Nhìn chung, các trường đại học ở Việt Nam hiện nay chưa được tổ chức theo mô hình cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của thị trường, chưa thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường nên đã hạn chế sự thích ứng cũng như khả năng cạnh tranh của các trường... như Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đổi mới tư duy, hoạt động GD&ĐT còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra... Hệ thống GD&ĐT chưa đảm bảo tính đồng bộ và liên thông giữa các trình độ, các phương thức GD&ĐT... Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trên một số mặt vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu và chính sách đãi ngộ...” [1, tr. 82-83].

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay

Một là, đổi mới tư duy trong hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo

Đây là giải pháp quan trọng trong nâng cao hiệu quả HTQT của các trường đại học ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo đó, lãnh đạo các trường đại học: Coi HTQT là một trong những bước đi tiên phong để nâng cao chất lượng GD&ĐT của mỗi nhà trường trong bối cảnh mới hiện nay. Đồng thời, có định hướng rõ ràng và có kế hoạch cụ thể để khai thác những cơ hội, nguồn lực và tiềm năng mà hợp tác đào tạo quốc tế mang lại để nâng cao chất lượng GD&ĐT của nhà trường; đổi mới tư duy về tổ chức, nhân lực, tài chính của nhà trường theo định hướng thị trường (nhu cầu của người học), trong đó tập trung vào xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật những chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận các hội nghị... của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trong HNQT về GD&ĐT, từ đó quán triệt, vận dụng cụ thể phù hợp với điều kiện của từng trường nhằm đẩy mạnh hội nhập và HTQT trong lĩnh vực này. Đồng thời, tham mưu với các cấp lãnh đạo về các chính sách HNQT về GD&ĐT.

Hai là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bồi dưỡng trình độ của đội ngũ giảng viên, trao đổi sinh viên thông qua hệ thống học bổng; đầu tư cơ sở vật chất; đổi mới chương trình giáo dục và đào tạo

Các trường đại học ở Việt Nam đẩy mạnh liên kết đào tạo và trao đổi, giao lưu; các quỹ học bổng, hỗ trợ đào tạo giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận với một trong những môi trường giáo dục tiên tiến của thế giới, góp phần vào việc xây dựng hệ thống giáo dục Việt Nam tốt hơn; quảng bá thương hiệu giáo dục của Việt Nam trên trường quốc tế. Hàng năm cử chuyên gia, giảng viên thuộc các lĩnh vực khác nhau của của các trường sang trường đại học, học viện của các nước trên thế giới học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Tăng cường nâng cấp cơ sở vật chất trường học thông qua việc xây dựng trường, hỗ trợ trang thiết bị giáo dục, đào tạo đội ngũ giảng viên, tư vấn cho trường quá trình đào tạo... Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác khoa học - công nghệ liên quan đến GD&ĐT thông qua các hình thức trao đổi cán bộ, đào tạo dài hạn và ngắn hạn, tổ chức các lớp học chuyên đề, các hội nghị và hội thảo khoa học giữa các nước; tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và học tập, tiến tới công nhận lẫn nhau ở một số môn, một số nghề...

Cần tăng cường công tác thông tin về học bổng của các trường đại học trong khu vực và trên thế giới đến sinh viên, cần thực hiện một số chương trình liên kết giữa các cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam với nước ngoài về việc đào tạo cán bộ, sinh viên Việt Nam đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Việt Nam cần như: Khoa học cơ bản, các ngành khai thác khoáng sản thiên nhiên, dầu khí, vật liệu mới, công nghệ sinh học, tự động hóa... và mở rộng phạm vi số trường đại học nhận đào tạo lưu học sinh Việt Nam.

Ba là, phát huy tính chủ động, tự chủ của các trường trong đa dạng hoá và đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các tổ chức, các trường đại học uy tín trên thế giới trong giáo dục và đào tạo

Phát huy vai trò tích cực, chủ động của ban giám hiệu và đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường trong đa dạng hoá và đẩy mạnh hoạt động liên kết với các tổ chức, các trường đại học uy tín trên thế giới về GD&ĐT. Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn hợp tác với các tổ chức, các trường đại học uy tín trên thế giới về GD&ĐT để nâng cao hiệu quả liên kết trong tương lai.

Các trường cần xây dựng các chính sách, các quy định rõ ràng về hình thức, nội dung, cơ chế hợp tác với các tổ chức, các trường đại học uy tín trên thế giới về GD&ĐT. Tạo điều kiện và khuyến khích các nhà khoa học của trường tham gia và tích cực trong hợp tác với các tổ chức, các trường đại học uy tín trên thế giới trong việc nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội. Quan tâm lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên có nhu cầu và nguyện vọng tham gia vào hoạt động hợp tác với các tổ chức, các trường đại học uy tín trên thế giới về GD&ĐT.

Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, HTQT về GD&ĐT là xu thế tất yếu đối với mọi quốc gia, cũng như các trường đại học. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, hoạt động HTQT về GD&ĐT của các trường đại học ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng HNQT của Việt Nam; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, nâng cao hiệu quả HTQT về GD&ĐT của các trường đại học ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là hết sức cần thiết. Trong đó, vai trò tích cực, chủ động của các trường đại học là hết sức quan trọng. Thực hiện các giải pháp trên sẽ góp một phần quan trọng thực hiện mục tiêu hội nhập quốc tế về GD&ĐT của Việt Nam. 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn

[4] Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 về phê duyệt Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020, https://thuvienphapluat.vn

[5]. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2016 về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, https://thuvienphapluat.vn

[6] Trung tâm Truyền thông Giáo dục, Thúc đẩy hợp tác và đầu tư trong giáo dục, http://icd.edu.vn

[7] Trung tâm Truyền thông Giáo dục, Hợp tác chiến lược về giáo dục Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2020-2023, https://moet.gov.vn

[8] Ngọc Minh, Giáo dục Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, https://www.qdnd.vn

[9] https://hcmiu.edu.vn

[10] Hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đại học Dược Hà Nội, http://www.hup.edu.vn

[11] http://hus.vnu.edu.vn 

Đọc thêm

Giải pháp thực hiện Cam kết của Việt Nam về "Net zero" vào năm 2050

Tác giả: Phạm Tú Tài

(GDLL) - Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 (Net Zero). Bài viết tập trung phân tích những tác động của phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện trong lộ trình "Net Zero" vào năm 2050.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.