Thứ Tư, ngày 30/03/2022, 10:10

Tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ và thực tiễn vận dụng tại Học viện Chính trị khu vực I

LÊ THỊ THỤC
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Công tác huấn luyện cán bộ luôn có vị trí hết sức quan trọng trong những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong thực tế, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không chỉ phụ thuộc vào việc thấu hiểu, thấm nhuần nội dung tư tưởng của Người về vấn đề này mà quan trọng hơn là việc vận dụng, làm theo tư tưởng đó phù hợp với điều kiện thực tế. Trên cơ sở hệ thống hoá những nội dung căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ, bài viết nhấn mạnh tính chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong thực tiễn đổi mới công tác huấn luyện cán bộ tại Học viện Chính trị khu vực I, góp phần làm rõ hơn khía cạnh “làm theo” tư tưởng của Người theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Huấn luyện cán bộ; tư tưởng Hồ Chí Minh; Học viện chính trị khu vực I.

Đặt vấn đề

Với tư cách là cơ sở trực thuộc trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện Chính trị khu vực I chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương cho các tỉnh Miền Bắc, thông qua thực hiện các chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng chức danh theo phân cấp. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đó của Học viện chính là việc thực hiện công tác huấn luyện cán bộ, theo chỉ dạy lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh có rất nhiều vấn đề thực tiễn mới nảy sinh hiện nay, Học viện Chính trị khu vực I đã thực hiện rất nhiều hoạt động đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh đổi mới công tác huấn luyện cán bộ một cách đúng đắn, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

1. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ

Huấn luyện cán bộ là một công việc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, coi trọng lúc sinh thời. Ngay từ giai đoạn chuẩn bị thành lập Đảng vào giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Người đã chỉ đạo và trực tiếp triển khai thực hiện nhiều hoạt động tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng những thanh niên ưu tú của phong trào yêu nước Việt Nam nhằm tạo dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt cho cách mạng. Trong suốt những giai đoạn sau này của cách mạng Việt Nam, Người vẫn luôn dành sự quan tâm sâu sát tới việc huấn luyện đội ngũ cán bộ để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể hình dung rất rõ những vấn đề cốt lõi của công tác huấn luyện cán bộ, về tầm quan trọng của hoạt động này đối với thành công của sự nghiệp cách mạng, cũng như những chỉ dẫn về mục đích, nội dung, phương pháp và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trọng yếu này.

Về tầm quan trọng của công tác huấn luyện cán bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[5, tr.280], bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[5, tr.309]. Giải thích rõ hơn về vai trò của người cán bộ, Người sử dụng hình ảnh rất đơn giản và dễ hiểu: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”[5, tr.68].

Chính xuất phát từ việc đánh giá cao vai trò của “người cán bộ” như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam là thực hiện công tác huấn luyện cán bộ. Người khẳng định: Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[5, tr.309]; “Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ”[5, tr.313]. Trong rất nhiều bài viết, bài phát biểu... của Người đều thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt này.

Về mục đích của công tác huấn luyện cán bộ

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích của công tác huấn luyện cán bộ được thể hiện rõ nhất ở lời huấn thị của Người khi về thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Thái Nguyên vào tháng 9 năm 1949. Người đã viết trong cuốn sổ vàng của Trường: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[6, tr.208]. Mặc dù về hình thức, lời căn dặn của Người là dành cho các học viên, nhưng về bản chất, đây chính là di huấn vô giá, là kim chỉ nam chỉ đạo xuyên suốt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn bộ hệ thống Trường Đảng - hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Về nội dung của công tác huấn luyện cán bộ

 tưởng  xuyên  suốt  của  Chủ  tịch  Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn của người cán bộ cách mạng là phải vừa có tài vừa có đức, “vừa hồng vừa chuyên”. Vì vậy, để có cán bộ tốt, cần phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về đạo đức cách mạng và năng lực làm việc. Người nhấn mạnh: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”[4, tr.345-346]. Trong hai tiêu chuẩn căn bản đó, Người đặc biệt quan trọng tiêu chuẩn đạo đức của người cán bộ, coi đạo đức là cái gốc của mọi phẩm chất nhân cách khác. Tài năng phải gắn liền với đạo đức cách mạng, là “hoa thơm” nở trong “vườn” đạo đức. Người ví đạo đức cách mạng cũng như “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[5, tr.292].

Trên cơ sở mục đích của công tác huấn luyện cán bộ, nhằm tạo dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những nội dung quan trọng cần được chuyển tải trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhóm đối tượng này. Nói về các nội dung huấn luyện cán bộ, Người cho rằng cần thực hiện những nội dung chủ yếu như: huấn luyện tư tưởng, huấn luyện chính trị, huấn luyện lý luận, huấn luyện nghiệp vụ, huấn luyện chuyên môn, và huấn luyện văn hóa.

Nội dung huấn luyện tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng việc giáo dục những tri thức tổng hợp cho cán bộ là quan trọng, nhưng trước hết phải thực hiện giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, phải làm tốt công tác tư tưởng. Theo Người: “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt”[7, tr.590]. Do vậy, Người nhấn mạnh: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”[4, tr.547]. Chính vì vậy, trong bài “Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập” (5/1950), Bác đã đặc biệt nhấn mạnh mục đích học tập “ở trường của Đoàn thể” của người cán bộ, gồm: “Học để sửa chữa tư tưởng”, “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”, “Học để tin tưởng”, và “Học để hành”[6, tr.360-361].

Nội dung huấn luyện chính trị, Người cho rằng cần huấn luyện cán bộ về thời sự và chính sách, theo đó: “Cách huấn luyện thời sự là khuyên gắng và đốc thúc các cán bộ xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng, và định kỳ khai hội cán bộ, báo cáo thời sự. Huấn luyện chính sách là đốc thúc các cán bộ nghiên cứu và thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng, của Chính phủ”[5, tr.310-311].

Nội dung huấn luyện lý luận, Hồ Chí Minh luôn đề cao việc học tập lý luận, xem: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi... Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[5, tr.273-274], “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”[6, tr.357]. Bởi vậy, Người cho rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người cán bộ, đảng viên cũng phải ra sức học tập để nâng cao trình độ lý luận. Người lập luận: “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”[7, tr.611]. Đồng thời với việc khẳng định vai trò quan trọng của lý luận, Bác cũng phê phán thói kinh nghiệm chủ nghĩa, coi thường lý luận của một bộ phận cán bộ: “Lại có một số đồng chí khác chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng”[4, tr.120].

Nội dung huấn luyện nghiệp vụ, thực chất, việc huấn luyện nghiệp vụ chính là “huấn luyện công tác”, như cách diễn đạt của Người trong bài “Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập”, với những lý giải rất cặn kẽ về nội dung huấn luyện này: “Ngoài lý luận phải dạy công tác. Ví dụ: về các việc tổng động viên, thi đua ái quốc, thu thuế bằng thóc, v.v. phải giải thích thế nào cho dân hiểu, phải động viên thế nào, sắp đặt công việc thế nào. Việc thắng lợi ngoại giao vừa rồi, phải xem xét ảnh hưởng đối với ta thế nào, đối với địch thế nào, đối với trong nước thế nào, đối với quốc tế thế nào, làm thế nào để lợi dụng được hết ảnh hưởng của thắng lợi đó. Những việc như thế đều phải dạy cho cán bộ và đồng chí biết”[6, tr.357].

Nội dung huấn luyện chuyên môn, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đề cập đến nội dung này dưới cái tên “huấn luyện nghề nghiệp” với khẩu hiệu “làm việc gì học việc ấy”[5, tr.309] và nhấn mạnh rằng người cán bộ ở lĩnh vực nào cũng phải thành thạo công việc chuyên môn trong lĩnh vực mà họ phụ trách: “Riêng về cán bộ, ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy. Ví dụ: những đồng chí lãnh đạo hỏa xa phải biết chuyên môn về hỏa xa, có thế lãnh đạo mới sát”[6, tr.357]. Người cũng đề nghị các cơ quan lãnh đạo và người phụ trách phải quan tâm huấn luyện cho cán bộ của mình về “năm môn” (điều tra, nghiên cứu, kinh nghiệm, lịch sử, khoa học), với những gợi ý rất cụ thể, rõ ràng về tài liệu học tập, để tạo dựng được một đội ngũ cán bộ thạo công việc.

Nội dung huấn luyện văn hóa, thực chất nội dung mà Bác đề cập chính là huấn luyện để nâng cao trình độ học vấn cho cán bộ. Trên cơ sở ý thức rất rõ rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[4, tr.7], Người luôn thúc giục cán bộ, đảng viên cố gắng học tập, vươn lên để tiến bộ không ngừng, làm tròn nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất lưu ý phòng tránh quan niệm đồng nhất “cấp bậc cán bộ” với “trình độ văn hóa”, và lưu ý cần quan tâm huấn luyện những nội dung mang tính “thường thức” nhưng đa dạng cho “những cán bộ còn kém văn hóa”, để tạo nền tảng nhận thức tốt hơn, “giúp cho họ tiến bộ về lý luận, công tác”[6, tr.357]. Theo Người, “trước hết phải dạy cho họ những thường thức: lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và quyền lợi người công dân”[5, tr.311].

Về phương pháp và yêu cầu huấn luyện cán bộ

Để có thể thực hiện tốt mục đích của công tác huấn luyện cán bộ với những nội dung quan trọng như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý nhắc nhở về những nguyên tắc, phương pháp thực hiện huấn luyện nhằm đạt hiệu quả cao, đồng thời đề ra những yêu cầu cụ thể đối với các chủ thể liên quan trong thực hiện các phương pháp huấn luyện đó.

Trong “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc” (7/9/1957), Người rất nhấn mạnh một nguyên tắc quan trọng, có tính xuyên suốt của công tác huấn luyện cán bộ là “Lý luận phải liên hệ với thực tế”, bởi “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”, “học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế”[7, tr.95]. Trên cơ sở nguyên tắc đó, Bác đưa ra những chỉ đạo cụ thể đối với từng chủ thể liên quan trong công tác huấn luyện cán bộ, từ cơ sở huấn luyện đến các nhóm đối tượng cụ thể như người học, người dạy...

Đối với cơ sở huấn luyện, trong bài “Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập”, Người căn dặn phải chú ý 5 vấn đề về phương pháp, gồm: (1) “Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều... cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề”, (2) “Huấn luyện từ dưới lên trên... Các ban huấn luyện không nên ôm đồm”, (3) “Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế... phải có những tài liệu dựa theo tình hình cụ thể, kinh nghiệm công tác để giải thích những chủ trương chính sách...”, (4) “Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu... Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ”, (5) “Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng... Phải huấnluyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc”[6, tr.357-359].

Trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác huấn luyện khi đó, cũng trong bài nói chuyện này, Bác đã nhắc nhở các đơn vị thực hiện huấn luyện phải tránh bệnh “tham nhiều mà làm không chu đáo”, với những biểu hiện căn bản của việc mở lớp huấn luyện là “lớp quá đông” và “mở lớp lung tung”[6, tr.362]. Người chỉ rõ: “Đông quá thì dạy và học ít kết quả vì trình độ lý luận của người học chênh lệch, nên thu nhận không đều. Trình độ công tác thực tế của người học cũng khác nhau, nên chương trình không sát”[6, tr.362]. Việc mở nhiều trường, nhiều lớp chồng chéo, trùng lắp được Người gọi là “dịch mở trường”, dẫn đến hệ quả là: “Rốt cuộc chỉ tốn gạo mà học thì học táp nhoang”[6, tr.362].

Về cách thức tổ chức các lớp huấn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải tổ chức theo cách khoa học, có kế hoạch rõ ràng: “Sắp xếp thời gian và bài học cho những lớp đó, phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau”, đảm bảo “không trở ngại đến nghề nghiệp và sức khỏe của cán bộ”[5, tr.312-313]. Người cũng lưu ý “Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”[5, tr.313].

Đối với người dạy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đó phải là những người được “lựa chọn rất cẩn thận”[5, tr.313], vừa giỏi về chuyên môn, vừa hành xử chuẩn mực và không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ cho bản thân để đáp ứng yêu cầu công việc. Bác căn dặn: “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”, “phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”[6, tr.356].

Đối với người học, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở phải xác định động cơ học tập đúng đắn, phù hợp với mục đích và nguyên tắc của công tác huấn luyện cán bộ. Người căn dặn “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”[7, tr.95], phải “lấy tự học làm cốt...”[5, tr.312]. Người nhấn mạnh những điểm cần lưu ý trong thực hiện huấn luyện, gồm: (1) học để vận dụng chứ không phải để “mặc cả với Đảng”[7, tr.95] hay để “lòe người ta” (xác định động cơ học tập đúng đắn), (2) không được áp dụng một cách máy móc những gì học được mà bỏ qua thực tiễn cách mạng của nước ta (chống bệnh giáo điều), (3) không được quá nhấn mạnh đặc điểm đặc thù mà bỏ qua kinh nghiệm phổ biến (chống chủ nghĩa xét lại), và (4) cần tiếp tục bổ sung, làm phong phú thêm lý luận qua trải nghiệm thực tiễn.

2. Thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới công tác huấn luyện cán bộ tại Học viện Chính trị khu vực I

Thứ nhất, quán triệt mục đích, mục tiêu của công tác huấn luyện cán bộ

Trong bối cảnh thực tiễn biến đổi do những tác động đan xen, đa chiều của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc quán triệt mục tiêu, mục đích của công tác huấn luyện cán bộ tại hệ thống Trường Đảng nói chung, Học viện Chính trị khu vực I nói riêng là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với thành công của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD). Thực tế hiện nay có không ít học viên tham gia các khóa ĐTBD ở Học viện với động cơ chưa hoàn toàn phù hợp. Nhiều người chỉ coi việc học là để lấy bằng cấp, chứng chỉ..., phục vụ cho việc thăng tiến trong công việc của bản thân. Do vậy, trong thời gian qua, Học viện Chính trị khu vực I đã rất chú trọng việc ôn lại những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về điều này để thống nhất triển khai ngay từ khi bắt đầu và xuyên suốt trong mỗi khóa ĐTBD.

Ngay tại các lễ khai giảng khóa học, những thông điệp lớn về mục tiêu của việc đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện đã được đặc biệt nhấn mạnh. Cả học viên và giảng viên đều được lưu ý rằng việc huấn luyện cán bộ phải hướng đến mục tiêu đầu tiên là giúp học viên “làm việc” tốt hơn, đồng thời rèn luyện nhân cách của người cán bộ cách mạng để “làm người” tốt hơn. Việc nhắc nhở về mục tiêu “làm cán bộ”, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ được thực hiện sau hai mục tiêu “làm việc” và “làm người” là rất có ý nghĩa trong việc điều chỉnh lối suy nghĩ “học để làm quan”, vốn tồn tại từ lâu trong “truyền thống” tư duy của người Việt Nam. Hơn nữa, việc này cũng có vai trò quan trọng trong việc giúp học viên hiểu rõ hơn mục đích của việc huấn luyện cán bộ trong hệ thống Trường Đảng (khác với việc học tập tại các cơ sở đào tạo khác) là giúp cho người học biết cách vận dụng tốt lý luận vào thực tiễn công việc, gắn lý luận với thực tiễn, biết cách sử dụng lý luận soi đường cho hoạt động thực tiễn, và cao hơn nữa là kiểm nghiệm tính đúng đắn của lý luận, bổ sung cho lý luận thông qua kết quả hoạt động thực tiễn lãnh đạo, quản lý của mình.

Trong Tuần sinh hoạt chính trị đầu khóa của các lớp cao cấp lý luận chính trị, thông qua việc tổ chức thảo luận về bài “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc” của Người trước khi bắt đầu triển khai chương trình học tập chính thức, Học viện đã tương đối thành công trong việc làm cho các học viên thấu hiểu những mục đích, mục tiêu cốt yếu của công tác huấn luyện cán bộ, từ đó xác định được động cơ và phương pháp học tập đúng đắn. Hoạt động này cũng đồng thời giúp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của Học viện có những điều chỉnh phù hợp hơn trong từng bài giảng của mình.

Thứ hai, vận dụng linh hoạt các nội dung của công tác huấn luyện cán bộ

Các nội dung huấn luyện cán bộ, có thể lúc này lúc khác, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến theo những thứ tự khác nhau, với những sự nhấn mạnh khác nhau, tùy vào bối cảnh cụ thể. Vận dụng tư tưởng của Người trong điều kiện hiện nay, Học viện Chính trị khu vực I chú trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình trên các nội dung chính: huấn luyện lý luận, huấn luyện tư tưởng và huấn luyện chính trị.

Về nội dung huấn luyện lý luận, thời gian gần đây ở Học viện Chính trị khu vực I, mỗi khi bắt đầu khóa học, các học viên đều được quán triệt về vai trò quan trọng của lý luận Mác - Lênin với tư cách là “kim chỉ nam” cho hoạt động thực tiễn, để điều chỉnh lối tư duy chỉ coi trọng kinh nghiệm thực tiễn, coi thường lý luận còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay. Trong hoạt động chuyên môn phục vụ công tác huấn luyện cán bộ, các nội dung của chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã liên tục được điều chỉnh theo hướng cập nhật, bổ sung phù hợp với những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới. Những yêu cầu về chuẩn đầu ra, câu hỏi cốt lõi... đã được triển khai quán triệt thực hiện đến từng chuyên đề, từng bài giảng trong các môn học, qua các cuộc sinh hoạt chuyên môn cấp khoa, cấp Học viện, tạo được sự đồng thuận ngày càng cao trong đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện.

Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện, khía cạnh tư tưởng luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Mục tiêu “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”, “Học để tin tưởng” - như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - luôn được thầy và trò Học viện thấm nhuần. Vì vậy, các hoạt động rèn luyện luôn được đề cao, song hành với hoạt động học tập của học viên. Trong suốt thời gian được huấn luyện tại Học viện, các học viên được trải nghiệm sự rèn luyện khá đa dạng, cả về tính đảng và về bản lĩnh chính trị, cũng như về tác phong kỷ luật. Đồng thời, những nguy cơ chệch hướng trong giảng dạy, trong hoạt động thảo luận cũng luôn được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, khía cạnh huấn luyện chính trị cũng luôn được quan tâm thỏa đáng, với việc yêu cầu học viên tham gia các buổi học tập nghị quyết, nghe báo cáo thời sự định kỳ và tự cập nhật tình hình chính trị, thời sự qua các nguồn thông tin, tư liệu khác nhau.

Thứ ba, sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ về phương pháp huấn luyện cán bộ

Có thể nói, việc đổi mới mạnh mẽ nhất ở Học viện Chính trị khu vực I trong những năm gần đây là đổi mới về phương pháp huấn luyện cán bộ. Nhìn tổng thể, các hoạt động huấn luyện cán bộ ở Học viện đã liên tục được đẩy mạnh đổi mới theo hướng quán triệt sâu sắc nguyên tắc “lý luận phải liên hệ với thực tế” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh. Những hình thức tổ chức học tập như “giảng đường - hiện trường”, hoạt động thực tế gắn với chủ đề môn học, thực hiện đề án tốt nghiệp gắn với vị trí việc làm, yêu cầu cao về nội dung liên hệ thực tiễn trong các bài thi, kiểm tra, v.v. được triển khai trong thời gian qua đã dần vượt ra khỏi khuôn khổ của “mô hình thử nghiệm”, ngày càng nhận được đánh giá tốt hơn cả từ phía người huấn luyện và người được huấn luyện.

Các yêu cầu cụ thể về phương pháp huấn luyện cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được quán triệt thực hiện ngày càng tốt hơn trong toàn bộ các lĩnh vực của hoạt động huấn luyện cán bộ tại Học viện. Những yêu cầu như “thiết thực”, “chu đáo”, “không tham nhiều”, “cốt làm cho người học hiểu thấu vấn đề”, “phải có những tài liệu dựa theo tình hình cụ thể... để giải thích chủ trương chính sách...”, v.v. đã được quán triệt từ việc chuẩn bị nội dung bài giảng của các khoa chuyên môn, đến những yêu cầu về kiểm tra, đánh giá, hay hoạt động cung cấp tài liệu học tập, nghiên cứu của Trung tâm Thông tin khoa học và các đơn vị chức năng. Đội ngũ giảng viên đã rất tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời nghiêm túc thực hiện tự học, nghiên cứu thực tế nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và am hiểu đời sống chính trị - xã hội trong thực tiễn, nâng cao chất lượng bài giảng. Công tác quản lý đào tạo cũng được triển khai đồng bộ, bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh, đảm bảo các lớp học được tổ chức “mạch lạc mà không xung đột với nhau”, đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn tự học, yêu cầu học viên “lấy tự học làm cốt...”. Cơ sở vật chất phục vụ công tác huấn luyện cán bộ cũng ngày càng được tăng cường đầu tư thỏa đáng hơn, từng bước thực hiện yêu cầu “không bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Kết luận

Nhìn lại những hoạt động đổi mới công tác huấn luyện cán bộ của Học viện Chính trị khu vực I thời gian qua, có thể thấy rằng việc đổi mới này đã đi đúng hướng. Mặc dù còn có nhiều việc phải làm và tiếp tục điều chỉnh, nhưng trên cơ sở quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện thực tiễn mới, chất lượng hoạt động huấn luyện cán bộ của Học viện rõ ràng đã có những sự cải thiện đáng kể. Bên cạnh những sự ghi nhận chính thức về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các hoạt động đổi mới công tác huấn luyện cán bộ ngày càng nhận được sự đồng thuận, tin tưởng và đánh giá cao từ tất cả các nhóm chủ thể liên quan. Tiếp tục quán triệt nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời có những sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt hơn trong bối cảnh thực tiễn mới, công tác huấn luyện cán bộ của Học viện Chính trị khu vực I sẽ ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:

[1] Học viện Chính trị khu vực I (2018), “Dạy tốt, học tốt lý luận chính trị ở Học viện Chính trị khu vực I theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2] Học viện Chính trị khu vực I (2020), Thông báo số 216-TB/HVCTKV I ngày 07/7/2020 Thông báo điều chỉnh Đề cương và Kế hoạch bài giảng/chuyên đề, Hà Nội.

[3] Học viện Chính trị khu vực I (2021), “Nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu bản chất trường Đảng ở Học viện Chính trị khu vực I

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, 15, 7, 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Giải pháp thực hiện Cam kết của Việt Nam về "Net zero" vào năm 2050

Tác giả: Phạm Tú Tài

(GDLL) - Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 (Net Zero). Bài viết tập trung phân tích những tác động của phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện trong lộ trình "Net Zero" vào năm 2050.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.