Thứ Tư, ngày 30/03/2022, 10:21

Một số điểm mới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của đảng trong quy định số 22-QĐ/TW

PHẠM THÀNH NAM
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Ngày 28/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 22-QĐ/TW Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trong đó, bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bài viết tìm hiểu một số điểm mới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Quy định số 22-QĐ/TW, qua đó thấy được giá trị thực tiễn của quy định.

Từ khóa: Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; một số điểm mới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 22-QĐ/TW.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 (Ảnh: VOV.VN)

Đặt vấn đề

Ngày 28/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ký ban hành Quy định số 22-QĐ/TW Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (Quy định số 22-QĐ/TW) thay thế Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Quy định số 22-QĐ/TW có một số điểm mới bổ sung, thay thế được thể hiện trong từng điều khoản cụ thể.

1. Quy định chung

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Về đối tượng áp dụng của Quy định này đã cập nhật từ một số văn bản của Đảng, Nhà nước và thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, bảo đảm đối tượng áp dụng được bao phủ rộng hơn, tránh bỏ sót một số trường hợp cụ thể như những cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Cụ thể: “Quy định này áp dụng đối với tổ chức đảng và đảng viên, bao gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu”.

Điều 2. Nguyên tắc trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng

Trong Điều này, Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung một số nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ cán bộ và quyết tâm chính trị cao trong xử lý kỷ luật nghiêm minh, cụ thể: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Quy định số 22-QĐ/TW làm rõ nhiều nội dung quan trọng bằng cách đưa ra các khái niệm về ủy ban kiểm tra các cấp; cơ quan ủy ban kiểm tra; kiểm tra của Đảng; giám sát của Đảng; chủ thể, đối tượng kiểm tra, giám sát; tố cáo trong Đảng; thi hành kỷ luật trong Đảng; khiếu nại... trong đó Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung, làm rõ quyền, trách nhiệm của chủ thể kiểm tra, giám sát, cụ thể: “Chủ thể kiểm tra, giám sát khi thực hiện nhiệm vụ phải thẩm tra, xác minh, phân tích, đánh giá, làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, tồn tại, vi phạm (nếu có); nguyên nhân của khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, vi phạm (nếu có) và kết luận đối với tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, kể cả nhiệm vụ cấp trên giao”.

Bổ sung, làm rõ trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát là: “Chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát, các quyết định, kết luận, yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát; báo cáo, giải trình đầy đủ, trung thực về các nội dung được yêu cầu”. Quy định rõ những hành vi mà đối tượng kiểm tra, giám sát không được làm, những hành vi mà trong thực tiễn kiểm tra, giám sát phát sinh gây khó khăn cho chủ thể khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; bảo đảm về chế độ thông tin, đó là: “Không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát”.

2. Về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Điều 4. Cấp ủy, tổ chức đảng

Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung thêm nội dung yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là “Lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành pháp luật của Nhà nước” góp phần thực hiện tốt nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Về nội dung kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung nội dung: “Việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng” thay thế cho nội dung trong Quy định số 30-QĐ/TW là: “Việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ” bảo đảm việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng được toàn diện, đầy đủ hơn. Trong công tác cán bộ có bổ sung thêm một số công việc mà trong thực tế thực hiện thời gian qua có phát sinh vi phạm, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức đảng trong công tác cán bộ, cụ thể gồm những nội dung sau: Việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, “điều động, bổ nhiệm, nâng ngạch, bố trí, sử dụng, “giới thiệu ứng cử, bầu cử”, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ. Về nội dung kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ngoài nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên thì Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung thêm nội dung: “Tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên” bảo đảm đầy đủ hơn.

Trong quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, ngoài thẩm quyền yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu theo nội dung kiểm tra thì Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung thêm “và phải giữ bí mật thông tin, tài liệu”; “Đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến nội dung kiểm tra” bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra nhất là ở những lĩnh vực chuyên môn sâu, phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Điều 5. Các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy

Trong quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra có bổ sung và nhấn mạnh, nhất là về thẩm quyền nhằm bảo đảm đồng bộ với các chủ thể khác trong kiểm tra, giám sát, đó là quyền yêu cầu đối tượng kiểm tra: Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, được yêu cầu tổ chức đảng và đảng viên có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc kiểm tra “và phải giữ bí mật nội dung thông tin, tài liệu”; “Đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến nội dung kiểm tra”.

Điều 7. Chi bộ

Quy định số 22-QĐ/TW tách riêng quy định về kiểm tra, giám sát của chi bộ thành một điều khoản riêng, khác với Quy định số 30-QĐ/TW gộp chi bộ vào trong nhóm chủ thể cấp uỷ, tổ chức đảng. Chi bộ tập trung kiểm tra đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết của chi bộ, nhiệm vụ do chi bộ phân công và bổ sung thêm “quy định về trách nhiệm nêu gương” của đảng viên.

Điều 8. Ủy ban kiểm tra các cấp

Về thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, có bổ sung và làm rõ hơn nội dung giám sát của ủy ban kiểm tra trong việc: “thực hiện các kết luận, quyết định kiểm tra, giám sát và kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”; ủy ban kiểm tra các cấp giám sát đối với đảng viên về: “Tư tưởng chính trị”, giữ gìn đạo đức, lối sống và “trách nhiệm nêu gương” theo các quy định của Đảng; Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung cụm từ: “Thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng” thay thế cho cụm từ: “Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” trong Quy định số 30-QĐ/TW. Trong đối tượng giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp, đối với đảng viên có làm rõ thêm phạm vi về đối tượng: Cấp ủy viên cùng cấp: “kể cả bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ”. Trong thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, thi hành kỷ luật, ở các kênh thông tin để ủy ban kiểm tra các cấp phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm thông qua: “Báo cáo, kiến nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới”.

Về thẩm quyền và trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp, bên cạnh việc ủy ban kiểm tra cử cán bộ kiểm tra dự các hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới thì có bổ sung thêm nội dung: “Ủy ban kiểm tra phân công thành viên ủy ban dự các cuộc họp của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp”. Trong phần nội dung kiểm tra đối với tổ chức đảng, Quy định số 22-QĐ/TW có bổ sung thêm một số khâu trong công tác cán bộ để bảo đảm đầy đủ và sát với thực tế hơn như: “tiếp nhận, từ chức, miễn nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử, nâng ngạch”. Trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới và cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp, đối với kiểm tra thu, nộp đảng phí theo Quy định số 30-QĐ/TW nêu rõ: “Nội dung kiểm tra thu, nộp đảng phí chủ yếu do đảng ủy cơ sở tiến hành”, đến Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung thêm chủ thể nữa đó là ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở, cụ thể: Chủ yếu do đảng ủy cơ sở “và ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở tiến hành”.

3. Về thi hành kỷ luật trong Đảng

Điều 9. Nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng

Trong các nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng, nhiều nguyên tắc được Trung ương khẳng định, nhấn mạnh lại và có điều chỉnh cho rõ nghĩa hơn. Ở nguyên tắc thứ 04, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại... Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung thêm: “Nếu hết thời hiệu thì không xem xét, xử lý kỷ luật”. Nguyên tắc thứ 07, Quy định số 22-QĐ/TW làm rõ hơn một số trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật, cụ thể: “Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật”, thay thế cụm từ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi cho cụm từ nghỉ thai sản được quy định trong Quy định số 30-QĐ/TW. Điều này làm rõ hơn và thống nhất với quy định của pháp luật. Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung thêm một nguyên tắc làm rõ hơn trách nhiệm của cá nhân đảng viên với tổ chức đảng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng khi tổ chức đảng đó vi phạm, cụ thể: “Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng”.

Điều 11. Thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm

Quy định số 22-QĐ/TW tiếp tục khẳng định, chi bộ được quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm ở nhiều nội dung như: Vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... thì Quy định số 22-QĐ/TW có bổ sung thêm: “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nâng thêm thẩm quyền cho Ban thường vụ đảng uỷ cơ sở, cụ thể: “Ban thường vụ đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý)”, đối với nội dung này, trong Quy định số 30-QĐ/TW nêu :“ban thường vụ đảng ủy cơ sở ban thường vụ đảng ủy cơ sở không được quyền thi hành kỷ luật đảng viên”, chỉ có quyền “đề nghị đảng ủy cơ sở quyết định theo thẩm quyền”.

Về thẩm quyền của ủy ban kiểm tra các cấp, Quy định số 22-QĐ/TW ngoài việc làm rõ hơn thì còn bổ sung, nâng thẩm quyền của ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở như sau: “Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp)”, trong Quy định số 30-QĐ/TW thì ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở không có thẩm quyền kỷ luật đảng viên, cụ thể: “Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở không có thẩm quyền kỷ luật đảng viên nhưng có trách nhiệm xem xét, kết luận, đề xuất đảng ủy cơ sở và ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định”.

Điều 12. Thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng vi phạm

Quy định số 22-QĐ/TW có một số điểm mới, nâng thẩm quyền cho ban thường vụ cấp ủy cấp cơ sở, cụ thể: “Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên có quyền kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới theo quy định”; “Tổ chức đảng bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo do cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định”. Như vậy, ban thường vụ cấp cơ sở cũng có thẩm quyền quyết định xử lý, kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp với các hình thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, trong khi đó Quy định số 30-QĐ/TW chỉ quy định “cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy huyện, quận và tương đương trở lên có quyền kỷ luật tổ chức đảng theo quy định của Điều lệ Đảng”.

Điều 17. Về thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật

Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung một số hành vi vi phạm pháp luật của đảng viên để bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và liên thông giữa kỷ luật của Đảng với pháp luật của Nhà nước, cụ thể: Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam “hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật”... “hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán”.

4. Về giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên

Điều 19. Thẩm quyền giải quyết tố cáo

Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung thêm chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên, qua đó thể hiện rõ trách nhiệm của các chủ thể, tránh tình trạng khoán trắng nhiệm vụ này cho ủy ban kiểm tra các cấp, bổ sung “Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy” so với Quy định số 30-QĐ/TW trước đây quy định: ủy ban kiểm tra có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp, bổ sung thêm chủ thể nữa đó là chi bộ “Chi bộ có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với đảng viên thuộc phạm vi quản lý”. Bổ sung thêm đối tượng bị tố cáo và thẩm quyền giải quyết trường hợp những cán bộ đã nghỉ hưu nếu bị tố cáo vi phạm trong thời điểm đang công tác, cụ thể: “Trường hợp đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy viên các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được thực hiện như đang đương chức”.

Điều 20. Nguyên tắc giải quyết tố cáo

Quy định số 20-QĐ/TW thể hiện rõ ràng hơn Quy định số 30-QĐ/TW ở 9 nguyên tắc, trong đó có một số nguyên tắc về bản chất không thay đổi nhưng được diễn đạt rõ hơn như: Khi nhận được tố cáo, cơ quan nhận đơn phải phân loại, giải quyết các trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm hoặc phối hợp với các tổ chức đảng có thẩm quyền để giải quyết; “nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển đến các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết các đơn tố cáo”.

Về thời hạn giải quyết cũng có sự thay đổi, theo Quy định số 30-QĐ/TW quy định thời hạn giải quyết tố cáo: “Chậm nhất 90 ngày làm việc... đối với cấp tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương trở xuống; 180 ngày làm việc đối với cấp Trung ương...”, đến Quy định số 22-QĐ/TW viết gọn lại hơn và lược bỏ ngày làm việc, chỉ để thời hạn là ngày nói chung, cụ thể: “Chậm nhất 90 ngày đối với cấp tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương trở xuống; 180 ngày đối với cấp Trung ương...”. Trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết nhưng không quá 30 ngày. Như vậy, về nguyên tắc đã rút ngắn thời hạn giải quyết và thời hạn gia hạn giải quyết tố cáo vì tổng thời gian đó là tất cả các ngày không trừ ngày nghỉ theo quy định của Luật Lao động. Theo đó, toàn bộ văn bản những điều khoản liên quan đến thời gian đều điều chỉnh từ “ngày làm việc” thành “ngày”, cụ thể: Điều 26. Thời gian khiếu nại, thời gian giải quyết khiếu nại và thời gian chuyển đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết;Điều 31.Thời hạn đình chỉ sinh hoạt, hoạt động;Điều 32.Việc quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy và tổ chức đảng trở lại hoạt động.

Trong danh mục các loại đơn tố cáo không giải quyết có bổ sung thêm đơn tố cáo nặc danh, cụ thể: Không giải quyết đơn tố cáo “nặc danh”, giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ... Tuy một số loại đơn tố cáo không giải quyết nhưng lại rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì Quy định số 22-QĐ/TW có bổ sung thêm việc sử dụng những nội dung đó để nắm bắt tình hình, làm cơ sở kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên: “Nếu đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền nắm tình hình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo”.

5. Về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng

Điều 22. Thẩm quyền, trách nhiệm

Quy định số 22-QĐ/TW đã bổ sung nâng thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng cho ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp cơ sở để thống nhất và đồng bộ với việc nâng thẩm quyền xử lý, kỷ luật trong quy định này, cụ thể: Việc giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng được tiến hành “từ ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên”.

Điều 24. Phạm vi, đối tượng giải quyết khiếu nại

Quy định số 22-QĐ/TW bổ sung trường hợp không giải quyết khiếu nại, cụ thể: “từ chối nhận quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng”.

Điều 25. Thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa kỷ luật

Quy định số 22-QĐ/TW nâng thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa kỷ luật cho ủy ban kiểm tra, ban thường vụ, đảng ủy cơ sở, cụ thể: “Ủy ban kiểm tra đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy từ cấp cơ sở trở lên có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức đảng do tổ chức đảng cấp dưới quyết định”. Trong Quy định số 30-QĐ/TW, thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa kỷ luật quy định: “Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên do tổ chức đảng cấp dưới đã quyết định”.

Kết luận

Như vậy, Quy định số 22-QĐ/TW được ban hành có nhiều sự thay đổi cả về kết cấu của văn bản; điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung so với Quy định số 30-QĐ/TW. Sự thay đổi này làm cho Quy định số 22-QĐ/TW có bố cục logic hơn, hình thức rõ ràng, mạch lạc, cụ thể từng vấn đề giúp cho các tổ chức đảng và đảng viên dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu, theo dõi và tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Quy định số 22-QĐ/TW đã hiện thực hóa nhiều quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng vào chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; làm rõ hơn nhiều nội dung mà trong thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng phát sinh, đồng thời rà soát nâng thẩm quyền của một số tổ chức đảng, nhất là ban thường vụ và ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp cơ sở.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW, ngày 22/3/2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

[2] Quy định số 30-Đ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

[3] Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 21/6/2017 của Bộ Chính trị Quy định giám sát trong Đảng.

[4] Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Đọc thêm

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.

Vai trò của lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - LÊ TRỌNG ĐẠI

(GDLL) - Trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Dân quân tự vệ luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và xung kích trong lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, là lực lượng nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Bài viết khái quát diễn biến chính của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, làm rõ vai trò quan trọng của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội trong bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở, rút ra một số kinh nghiệm vận dụng về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội.