Thứ Ba, ngày 19/04/2022, 10:18

Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Từ đột phá tư duy lý luận đến thành công trong thực tiễn

TRẦN THANH TÙNG
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự đột phá trong tư duy, lý luận và thực tiễn biểu hiện sự sáng tạo của Đảng Cộng sản trong lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài viết góp phần làm rõ hơn sự đột phá về tư duy lý luận đến thành công trong xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN và quá trình tổ chức thực hiện hơn 35 năm vừa qua, tạo tiền đề cho quá trình thực hiện xây dựng kinh tế đất nước trong những năm tiếp theo.

Từ khóa: Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN; lý luận và thực tiễn.

 

(Ảnh: vov.vn)

Đặt vấn đề

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề lý luận và thực tiễn rất mới, điều này phản ánh tương quan giữa việc nhận thức quy luật kinh tế khách quan với phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Đó là kết quả của một quá trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước, là sự đột phá trong tư duy về mặt lý luận cũng như thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Đảng đối với cách mạng Việt Nam trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

1. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - sự đột phá về tư duy lý luận

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và vận dụng các nguyên lý kinh tế cơ bản của kinh tế chính trị Mác - Lênin vào quá trình lãnh đạo, xây dựng, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, mô hình KTTT định hướng XHCN không có sẵn trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như chưa có mô hình của quốc gia nào đã thực hiện tại thời điểm đó. Các lý thuyết và mô hình kinh tế thị trường trên thế giới và thậm chí ngay cả mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đều mang màu sắc riêng biệt của họ, không phù hợp với trình độ, điều kiện cụ thể của Việt Nam, do đó buộc Đảng ta phải tìm một con đường riêng. Qua các kỳ đại hội Đảng, đã có sự chuyển biến tích cực, sáng tạo, đột phá trong tư duy lý luận nhằm giúp nước ta chủ động thích ứng với bối cảnh thế giới đầy biến động và tác động đa chiều, khó lường như hiện nay.

Từ đại hội VI (1986) Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra đường lối đổi mới đất nước, quay trở lại nghiên cứu lý luận, vận dụng Chính sách Kinh tế mới của Lênin thực hiện ở thời kỳ đầu xây dựng nền kinh tế nước Nga xô viết để tìm ra hướng đi cho công cuộc đổi mới đất nước, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Đây là bước chuyển đầu tiên về mặt nhận thức, đồng thời bám sát nền tảng lý luận của chủ thuyết mà Đảng lựa chọn. Qua nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Đảng đã chỉ ra sự cần thiết phải đổi mới cơ chế kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý điều tiết của nhà nước.

Tại Đại hội VII (1991) và Đại hội VIII (1996), Đảng ta đã khẳng định phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, được vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tới Đại hội IX (2001) Đảng đã chính thức đưa ra khái niệm KTTT định hướng XHCN và xác định mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đó chính là nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa[2, tr.132]. Ở Đại hội X (2006), Đảng chỉ rõ những yêu cầu trong nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý của Nhà nước và tới Đại hội XI (2011) Đảng đã nhận định đây là hình thái KTTT vừa tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH.

Đại hội XII (2016) Đảng đã bổ sung và phát triển KTTT định hướng XHCN cần được vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật KTTT, giảm thiểu, đi đến xóa bỏ sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, mang tính chủ quan duy ý chí của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy luật kinh tế. Đảng đã đưa ra cách tiếp cận tổng thể hơn về KTTT định hướng XHCN được thể hiện đầy đủ, khoa học, có hệ thống, vừa mang tính tổng quát, vừa có tính cụ thể về nội hàm KTTT định hướng XHCN. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị TW 5 khóa XII về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. [13]

Đại hội XIII đã thể hiện sự thống nhất cao nhận thức về phát triển KTTT định hướng XHCN: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”[3, tr.128].

Như vậy, thông qua sự kế thừa, bổ sung, phát triển về nhận thức lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với KTTT định hướng XHCN qua các kỳ Đại hội Đảng đã ngày càng hoàn thiện, đầy đủ hơn về lý thuyết mô hình KTTT mang màu sắc đặc trưng chỉ riêng có của Việt Nam. Ở đó, KTTT định hướng XHCN vừa vận động, phát triển tuân theo và chịu sự chi phối của những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối, hàm chứa những yếu tố hướng tới những giá trị cơ bản của các nguyên tắc, bản chất của chủ nghĩa xã hội.

Theo đó, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam được hình thành, phát triển trên cơ sở phát huy vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước ngày càng tăng dần vai trò chủ thể quản lý và thu hẹp dần vai trò chủ thể về kinh tế. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn lực kinh tế được Nhà nước sử dụng phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Thực hiện phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, dựa trên các nguyên tắc của cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong cơ chế vận hành của nền KTTT định hướng XHCN, đó là sự kết hợp cơ chế thị trường với vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Từ những phân tích trên cho thấy lý luận về mô hình KTTT định hướng XHCN là sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng CNXH, là mô hình kết hợp những điểm ưu việt của KTTT trong phát triển lực lượng sản xuất xã hội với những mục tiêu của một xã hội tương lai mà ở đó con người là mục tiêu - Xã hội xã hội chủ nghĩa đúng như khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”[11] Đây là sự đột phá của tư duy lý luận về mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH, tháo bỏ điểm nghẽn lý luận cũng như hành động, tạo nên xung lực mới, tiếp tục được hoàn thiện trong quá trình  xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn  tiếp theo.

2. Từ đột phá lý luận đến thành công trong thực tiễn

Thành công và đột phá về lý luận đã đưa đến những kết quả không thể phủ nhận khi áp dụng mô hình KTTT định hướng XHCN trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Sau 35 năm đổi mới đã và đang cho thấy lý luận về KTTT định hướng đang ngày càng được hiện thực hóa như Đảng nhận định: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới”[3, tr.59-60]. “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập”[4, tr.31]. Nhận định đó hoàn toàn đúng khi nhìn nhận trên các lát cắt của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo mô hình KTTT định hướng XHCN trong thời gian qua được thể hiện như:

Từ nhận thức về lý luận đến thực tiễn xây dựng, quản lý và vận hành nền KTTT định hướng XHCN với việc vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo theo từng giai đoạn phát triển đã giúp hệ thống các thị trường đặc biệt là thị trường các nhân tố sản xuất được hình thành, đồng bộ và gắn kết hơn với thị trường quốc tế.

Việt Nam từ một trong những nước nghèo đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%[10, tr.141], đến  giai đoạn 1991 - 1995, tăng trưởng GDP bình quân đã đạt 8,2%/năm[10, tr.143]. Đây là giai đoạn có mức tăng trưởng cao nhất, thể hiện tính đúng đắn của chính sách giải phóng sức sản xuất của xã hội, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, tăng trưởng kinh tế  giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%[9]. Điểm sáng nhất là trong năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm (2016 - 2020) tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 343 tỷ USD[12], thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3.521 USD, tuy nhiên theo đánh giá của IMF, kết thúc năm 2020, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1.050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người phải đạt trên 10.000 USD[6]. Những cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm... tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện thông qua chỉ số năng suất lao động đã tăng gấp nhiều lần so với trước đổi mới, lạm phát được duy trì ở mức hợp lý nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong GDP chiếm gần 79%, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Về thể chế kinh tế thị trường được từng bước hoàn thiện, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia ngày càng được nâng lên, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập[1].

Từ những thành công trong kinh tế đã chuyển hóa về mặt xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tiến bộ, và đảm bảo công bằng xã hội hướng tới hoàn thành, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về giảm nghèo. Đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Từ một quốc gia trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, thì nay trở thành nước có thu nhập thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Tính theo chuẩn nghèo chung, tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 70% năm 1990 xuống còn dưới 6% năm 2018[8]; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Việt Nam năm 2020 giảm hơn một nửa so với năm 2016, từ 9,9% năm 2016 giảm xuống còn 4,8% năm 2020, MPI chung cả nước giảm từ 0,035 năm 2016 xuống còn 0,016 năm 2020 cho thấy tình trạng nghèo đa chiều ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Xu hướng này diễn ra ở cả khu vực thành thị, nông thôn và tất cả các vùng kinh tế trên cả nước. Tình trạng nghèo đa chiều trong giai đoạn 2016 - 2020 được cải thiện là do tỷ lệ hộ nghèo (độ rộng của nghèo) giảm nhanh, còn mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) không có sự thay đổi đáng kể. Ngoài ra, việc xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020[7]. Từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. UNDP đánh giá rằng, về chất lượng phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm được giữ ở mức thấp, tuổi thọ trung bình của dân cư đã tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020, mức độ bất bình đẳng có xu hướng giảm, bình đẳng giới ngày càng tiến bộ hơn.

Với những kết quả đạt được hết sức ấn tượng kể từ đổi mới cho tới nay sau khi tổ chức triển khai, hiện thực hóa lý luận về mô hình KTTT định hướng XHCN của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng vào thực tiễn đã minh chứng cho tính đúng đắn của lý luận về mô hình kinh tế tổng quát này. Không chỉ đạt được thành công trong các chỉ số kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện trong nước mà còn được các quốc gia, các tổ chức kinh tế thế giới, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia thừa nhận bằng hành động đầu tư và kinh doanh lâu dài, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao.

3. Một số vấn đề đặt ra về lý luận và thực tiễn đối với lý luận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong đổi mới tư duy về lý luận cũng như thực tiễn xây dựng mô hình KTTT định hướng XHCN thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cả về lý luận và tổ chức thực tiễn xây dựng mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.

Từ việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn sau hơn 35 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay, cùng với bối cảnh thế giới đầy biến động, tác động đa chiều, khó lường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tình hình dịch bệnh đang là những thách thức nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội và động lực để Đảng và Nhà nước ta quyết tâm hơn nữa trong đổi mới tư duy tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện hơn nữa mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam giúp nước ta đi trước đón đầu, thích ứng với tình hình mới, do vậy thời gian tới, cần tập trung vào nghiên cứu và giải quyết một số vấn đề đặt ra sau đây:

Thứ nhất, về mặt lý luận, mặc dù mô hình KTTT định hướng XHCN được định hình, tuy nhiên chưa thực sự hoàn thiện. Đây là vấn đề mới và khó trong cả lý luận luận lẫn thực tiễn, để có thể hoàn thiện đầy đủ lý luận về mô hình này cần có thêm thời gian tổ chức thực hiện để nghiên cứu tổng kết thực tiễn nhằm bổ sung thêm những khuyết thiếu, bởi đây là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Việc áp dụng và kết hợp những tiêu chí, quy luật của KTTT hiện đại vào mô hình của Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển nhưng vẫn đảm bảo tính định hướng XHCN vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu làm rõ thêm về phương diện lý luận.

Thứ hai, mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong bối cảnh chuyển đổi số và kinh tế số đang diễn ra cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu để có những điều chỉnh cho phù hợp. Mặc dù đã có những định hướng của Đảng nhưng giải quyết và sử dụng công cụ tác động thực sự phù hợp, liều lượng tác động ra sao chưa có một lý thuyết kinh tế nào có thể khẳng định và đưa ra định mức, cách thức tác động của nhà nước  phù hợp với thực tiễn vận động và phát triển của nền kinh tế hiện đại. Tính hiệu quả và công bằng của Nhà nước đối với các chủ thể kinh tế là vấn đề phải suy xét thấu đáo, vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản trị quốc gia để vận hành thông suốt các hoạt động kinh tế của cả hệ thống kinh tế phải được tính toán, dự báo, tổ chức thực hiện theo lộ trình hết sức cụ thể.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN của Việt Nam. Khi hoàn thiện thể chế thì không thể hoàn thiện từng bộ phận, không được đặt riêng lẻ, phải được tiến hành đồng bộ cùng với thể chế chính trị, thể chế văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, việc tích hợp các quy định của pháp luật kinh tế vừa đảm bảo phù hợp với các thiết chế quốc tế vừa đảm bảo tính đặc thù của định hướng XHCN là yêu cầu vừa mang tính linh hoạt vừa đảm bảo tính ổn định trong dài hạn.

Kết luận

Thành tựu qua hơn 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có việc phát triển nền KTTT định hướng XHCN đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn đất nước, thế và lực của quốc gia được tăng cường, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng được củng cố. Điều đó cho thấy lý luận về mô hình KTTT định hướng XHCN mà Đảng Cộng sản Việt Nam được đưa ra và vận dụng, xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam, vừa là sự sáng tạo, đột phá về tư duy lý luận và được kiểm chứng bằng những thành quả trong thực tiễn không thể phủ nhận.

Tài liệu tham khảo:

[1] Báo Chính phủ điện tử (2020), Việt Nam giữ thứ hạng cao về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, https://baochinhphu.vn

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Huyền Chi (2021), Việt Nam - quốc gia truyền cảm hứng về phát triển con người, Báo điện tử Công an nhân dân, https://cand.com.vn

[6]Việt Dũng (2021), IMF: Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 10.000 USD, https://tapchitaichinh.vn

[7] Đình Nam (2020), Phát triển bền vững là việc phải làm, Báo Điện tử Chính phủ, http://baochinhphu.vn

[8] Ngân hàng Thế giới (2021), Tổng quan về Việt Nam, Website của World Bank https://www.worldbank.org

[9] Nguyễn Hồng Nga (2020), Kinh tế Việt Nam 2016-2019 và định hướng 2020, Báo điện tử Chính phủ, http://baochinhphu.vn

[10] Võ Hồng Phúc (2006), “Những thành tựu về kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới (1986 - 2005)”, in trong sách: Việt Nam 20 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[11] Nguyễn Phú Trọng (2021),  Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 966 (5-2021).

[12] Tổng cục Thống kê (2020), Kinh tế Việt Nam 2020: một năm tăng trưởng đầy bản lĩnh, http:/ww.gso.gov.vn

[13] Ngô Đình Xây (2021), Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình sáng tạo của Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn

Đọc thêm

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.

Một số vấn đề thực tiễn thi hành pháp luật về luật sư và kiến nghị nâng cao chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Đồng Ngọc Dám

(GDLL) - Thể chế, pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bài viết tìm hiểu thực tiễn thi hành pháp luật về luật sư, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay.