Thứ Bảy, ngày 15/10/2022, 10:09

Gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản là sự lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử Việt Nam

NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Trên cơ sở tổng kết lịch sử và nghiên cứu xu hướng phát triển của đất nước và thời đại ngày nay, bài viết tập trung phân tích, làm rõ nội dung: tại sao gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản là sự lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử Việt Nam. Từ đó, góp phần nhận diện, đấu tranh với những luận điệu sai trái mà các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện nhằm thúc đẩy quá trình “nhận thức lại” những vấn đề thuộc về lịch sử và gây sự hoài nghi, mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc đổi mới vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Cách mạng Việt Nam; cách mạng vô sản; lịch sử Việt Nam.

Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành lấy tên Văn Ba lên đường sang Pháp với nghề phụ bếp trên con tàu buôn Đô đốc Latouche - Tresville, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. (Ảnh: TTXVN) 

Đặt vấn đề

Lựa chọn con đường phát triển của một quốc gia, dân tộc thường bắt đầu với vai trò của những yếu nhân. Nhưng việc lựa chọn và quyết định đi theo một con đường, một xu hướng chính trị, mô hình thể chế nào đó thì quyền quyết định lại thuộc về quốc gia, dân tộc. Yếu tố hàng đầu của sự lựa chọn một xu hướng chính trị là tính phù hợp của xu hướng chính trị đó với đặc điểm, yêu cầu và nhiệm vụ mà lịch sử của quốc gia, dân tộc đó đang đặt ra ở những thời điểm lịch sử cụ thể. Sự phù hợp này còn đòi hỏi xu hướng chính trị đó có phát huy được nguồn nội lực của đất nước và nguồn sức mạnh của thời đại hay không... Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu XX đã đứng trước những câu hỏi lớn: lựa chọn con đường, xu hướng chính trị nào để cùng một lúc giải quyết được hai nhiệm vụ cấp bách là giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp? Ai, lực lượng nào sẽ lãnh đạo, dẫn dắt cách mạng Việt Nam trong bối cảnh mới này? Thực tiễn phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cho thấy lịch sử Việt Nam đã diễn ra cuộc "sát hạch" lớn để lựa chon con đường lựa chọn lực lượng lãnh đạo cách mạng. Quá trình đó đã từng diễn ra một cuộc khủng hoảng lớn về đường lối và lực lượng lãnh đạo cách mạng, đòi hỏi lịch sử Việt Nam phải có những quyết định mang tính bước ngoặt. Việc lựa chọn gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản là sự lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử Việt Nam có thể kiến giải trên ba khía cạnh dưới đây.

1. Cuộc khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX và sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Sự ra đời của Hiệp ước Hácmăng (Harmand) năm 1883 và Patơnốt (Patenôtre) năm 1884 đã đánh dấu sự đầu hàng chính thức của triều đình nhà Nguyễn với thực dân Pháp xâm lược. Tuy ngọn cờ đấu tranh giữ nền độc lâp dân tộc của triều đại phong kiến đang cầm quyền không còn nữa nhưng tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam vẫn sục sôi với nhiều xu hướng và lực lượng tham gia. Tiêu biểu phải kể đến phong trào Cần Vương (1885 - 1896), do Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát động, với những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như: Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công Tráng (1881 - 1887), Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật (1883 - 1892) và Hương Khê của Phan Đình Phùng (1885 - 1895). Cùng với phong trào Cần Vương còn có cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (1884 - 1913)... Sự thất bại của phong trào Cần Vương và khởi nghĩa Yên Thế chứng tỏ sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc mà lịch sử Việt Nam đang đặt ra.

Với tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, nhiều sĩ phu cấp tiến đã tập hợp lực lượng và lãnh đạo phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Tiêu biểu phải kể đến phong trào của hai chí sĩ Phan Bội Châu (1867 - 1940) và Phan Châu Trinh (1872 - 1926). Nhưng do những hạn chế về lịch sử, về giai cấp, nên các phong trào này không tìm được phương hướng giải quyết nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp trong xã hội Việt Nam khi đó.

Sau Thế chiến thứ nhất, mặc dù giai cấp tư sản Việt Nam ra đời muộn, hạn chế về số lượng, về thế lực kinh tế và chính trị nhưng với tinh thần dân tộc, dân chủ, đã tiến hành nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp: Phong trào quốc gia cải lương (1919 - 1923) của bộ phận tư sản và địa chủ lớp trên; Phong trào đòi tự do dân chủ của Đảng Lập hiến do Bùi Quang Chiêu lãnh đạo (1923); Phong trào yêu nước dân chủ công khai của tiểu tư sản thành thị và tư sản lớp dưới (1925 - 1926) với các tổ chức Việt Nam Nghĩa đoàn, Phục Việt (1925), Hưng Nam, Thanh niên cao vọng (1926)... Phong trào cách mạng quốc gia tư sản gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng (25/12/1927) là phong trào tiêu biểu nhất của khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp tư sản Việt Nam lãnh đạo. Việt Nam quốc dân Đảng có đường lối mô phỏng theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn. Tuy xác định mục tiêu là đánh đuổi đế quốc, xóa bỏ chế độ phong kiến, thành lập dân quyền, xây dựng bộ máy tổ chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở nhưng trên thực tế, Việt Nam quốc dân Đảng không xây dựng được đường lối chính trị cụ thể, rõ ràng và không có được một hệ thống tổ chức thống nhất... Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930) đã đánh dấu sự chấm dứt vai trò của Việt Nam Quốc dân Đảng trong phong trào dân tộc ở Việt Nam.

Như vậy, các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ, đa dạng về hình thức, thu hút được lực lượng lớn quần chúng tham gia nhưng đặc điểm chung của các phong trào là: mang tính tự phát, thiếu đường lối cụ thể và sự liên kết có tính tổ chức chặt chẽ. Thất bại của của các phong trào này chứng tỏ lịch sử Việt Nam không lựa chọn xu hướng cách mạng dân chủ tư sản. Nói cách khác là: xu hướng cách mạng dân chủ tư sản không phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, không giải quyết triệt để hai nhiệm vụ căn bản và cấp bách của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc giải phóng giai cấp. Tuy thất bại nhưng phong trào này đã có sức cổ vũ to lớn đối với nhân dân, đặc biệt là lớp thanh niên trí thức có tư tưởng cấp tiến. Đây là thế hệ thanh niên sẽ sẵn sàng đón nhận những trào lưu cách mạng mới tiến bộ, phù hợp để giành độc lập dân tộc và tự do cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với cách tiếp cận và phương thức mới. Trong hành trình đó, Người đã đi tới hai khu vực, hai cực đối lập của chủ nghĩa đế quốc, đó là các nước thuộc địa châu Á, châu Phi và dừng lại một thời gian dài tại Mỹ (cuối năm 1912 đến cuối năm 1913), Anh (từ năm 1914 đến năm 1917), Pháp (từ năm 1917 đến năm 1923). Người chứng kiến cảnh sống cơ cực của nhân dân các nước thuộc địa và người lao động ở các nước tư bản cũng không khác gì nhân dân Việt Nam. Do đó Nguyễn Ái Quốc đã sớm khẳng định con đường cách mạng tư sản là cách mạng "không đến nơi", không thể đưa lại tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân lao động, cũng không thể là con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào Việt Nam.

Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và giành thắng lợi năm 1917. Đây là thắng lợi vĩ đại của cách mạng vô sản làm chấn động địa cầu. Tư tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng sâu sắc đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Bản Luận cương đã đáp ứng đúng nguyện vọng của dân tộc Việt Nam: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[4, tr.127]. Tháng 12/1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua (Tours), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quyết định trong tư duy chính trị và cuộc đời hoạt động của Người. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa cộng sản. Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"[4, tr. 314]. Đây là “sự khẳng định một hướng đi mới, nguyên tắc chiến lược mới, mục tiêu và giải pháp hoàn toàn mới, khác về căn bản so với các lãnh tụ của các phong trào yêu nước trước đó ở Việt Nam; đưa cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, tức là sự nghiệp cách mạng ấy phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng”[1, tr.110].

Từ thực tiễn lịch sử cho thấy, việc lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với dân tộc ta đã giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam kéo dài 2/3 thế kỷ. Như Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Lịch sử dường như đã chuẩn bị sẵn cho dân tộc Việt Nam đi vào thời kỳ hiện đại bằng miếng đất sẵn sàng được gieo trồng, và bằng những nông phu sẵn hạt giống trong tay. Miếng đất ấy là nhân dân có truyền thống đấu tranh bất khuất; giống đó là chủ nghĩa Mác - Lênin; người thứ nhất gieo giống đó là Nguyễn Ái Quốc”[3, tr.39].

2. Gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản nhằm huy động cao độ sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng

Gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản sẽ phát huy cao độ sức mạnh của tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Một trong những lý do hàng đầu của thực tiễn lịch sử này là cách mạng vô sản sẽ chạm tới và giải quyết được triệt để lợi ích chân chính, cấp bách nhất của cách mạng Việt Nam là: độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân, nhất là nhân dân lao động.Dưới chính sách cai trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, trên 90% dân số Việt Nam là nông dân. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ trong các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Giai cấp công nhân Việt Nam mang trong mình đầy đủ những đặc điểm của giai cấp công nhân thế giới nhưng có đặc điểm có tính đặc thù là có mối quan hệ gắn bó mật thiết với giai cấp nông dân. Do đó, khối liên minh công - nông đã trở thành mối liên minh tự nhiên, liên minh chặt chẽ trong lực lượng cách mạng Việt Nam. Mặt khác, giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam là lực lượng hùng hậu, mang trong mình truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường và sẵn sàng đứng lên giành độc lập dân tộc, phá bỏ xiềng xích để giải phóng giai cấp... đều chịu hai tầng áp bức nặng nề: thực dân và phong kiến. Đây chính là những yếu tố tự thân được định hình trong xã hội Việt Nam và cũng là nguồn lực căn bản, trụ cột để tiến hành cuộc cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc là lãnh tụ sớm phát hiện và tổng kết được chính xác đặc điểm xã hội, yêu cầu của lịch sử và lực lượng của cách mạng để đi tới quyết định mang tính khoa học và thực tiễn là gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh Chính trị đầu tiên vạch rõ chiến lược, sách lược, lực lượng của cách mạng Việt Nam... Đây là những yếu tố hội tụ, tạo ra "lõi" của phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam. Giai cấp công nhân Việt Nam chính thức bước lên vũ đài chính trị. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành hạt nhân lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. "Mang sức ta để giải phóng cho ta", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã trở thành mệnh lệnh của lịch sử, là nguồn cội tạo ra những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam qua các chặng đường lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Cùng với quá trình chú trọng huy động sức mạnh trong nước, sức mạnh dân tộc để làm cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặc biệt quan tâm tới khai thác sức mạnh thời đại. Do đó, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản sẽ phát huy được cao độ sức mạnh của thời đại và sự ủng hộ của giai cấp vô sản, nhân dân lao động trên thế giới.Năm 1921, nhờ sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng một số chiến sĩ cách mạng ở nhiều nước thuộc địa của Pháp lập ra Hội liên hiệp thuộc địa nhằm tập hợp tất cả những người ở thuộc địa sống trên đất Pháp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Người viết nhiều bài đăng trên các báo Người cùng khổ (Le Paria), Nhân đạo (L' Humanité), Đời sống công nhân (La Vie ouvrière). Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la colonisation Francaise) xuất bản năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: "Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra"[4, tr.124]. Đây là nhận định khách quan, toàn diện, phản ánh rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc và kêu gọi sự đồng lòng, hợp sức của giai cấp công nhân ở "chính quốc" và nhân dân lao động ở các thuộc địa để cùng chống kẻ thù chung: chủ nghĩa đế quốc.

3. Gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản là phù hợp với khát vọng của dân tộc Việt Nam và xu thế của thời đại

 Sự lựa chọn gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc là kết quả của quá trình nghiên cứu thấu đáo những cơ sở lý luận và thực tiễn, đặc biệt là xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam. Đây là sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn lịch sử, phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Chủ nghĩa xã hội mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng là quá trình nhân dân Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ và mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, là xã hội luôn chăm lo đến lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của mỗi người dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), Đảng đã khẳng định: “Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta trong lúc các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”[2, tr.109].

(Ảnh: tuyengiao.vn)

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định rõ trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên năm 1930, các văn kiện của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011. Đây vừa là bài học lớn, xuyên suốt, vừa là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đến nay, mục tiêu tổng quát của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là những giá trị đáp ứng đúng và phù hợp với khát vọng của nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là những giá trị phổ quát mà nhân loại đã, đang và sẽ phấn đấu hướng tới.

Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, các quốc gia còn lại đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách, đổi mới. Quá trình đó đã tạo ra nhiều thành tựu to lớn, vĩ đại để chủ nghĩa xã hội vượt qua khủng hoảng và phát triển rất đặc sắc trong bối cảnh mới của thời đại. Cải cách chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc (từ năm 1978), đổi mới ở Việt Nam (từ năm 1986) và các quá trình tương tự ở các nước xã hội chủ nghĩa khác được triển khai với các nguyên tắc đúng đắn. Vừa cải cách, đổi mới toàn diện, đồng bộ, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, giải pháp phù hợp; kiên định và sáng tạo, kế thừa và phát triển, gắn lý luận với thực tiễn, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... đã tạo ra những sự phát triển đột phá của các quốc gia kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là quá trình cải cách, đổi mới thành công cả về tư duy lý luận và tầm nhìn thực tiễn. Phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới ngày càng có nhiều chương trình, hình thức, bước đi sáng tạo, đem lại sức sống mới cho lý luận và thực tiễn xã hội chủ nghĩa.

Những giá trị của chủ nghĩa xã hội còn được phát triển, phổ rộng trong các phong trào đấu tranh nhân dân trên toàn thế giới trong cùng phê phán, bác bỏ mô hình của chủ nghĩa tự do mới tư bản chủ nghĩa và đưa ra các phương án thay thế vì một thế giới khác tốt đẹp hơn. (Alternatives to neoliberalism for another better world). Phong trào này được thể hiện trong khuôn khổ Diễn đàn Xã hội thế giới, Diễn đàn Sao Paulo, Diễn đàn chống chủ nghĩa đế quốc, Hội thảo Vì một thế giới cân bằng, Hội thảo Xã hội mới và các đảng chính trị... Các điễn đàn này được tổ chức hàng năm tại Mỹ Latinh, quy tụ đông đảo công dân và các tổ chức dân sự toàn thế giới, trong đó có nhiều cá nhân và tổ chức đến từ các nước tư bản phát triển. Đây chính là “những ô cửa sổ nhỏ” trong xã hội tư bản để nhìn về xã hội cộng sản tương lai mà C.Mác đã đề cập trong tác phẩm kinh điển của mình.

Kết luận

Như vậy, từ sự lựa chọn của cá nhân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam là gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản là sự lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử Việt Nam. Đây chính là mạch nguồn tạo ra những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Trong lịch sử, hiện tại và tương lai, sự lựa chọn này là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại.

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. CTQG, Hà Nội.

[3] Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám; Thành công của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập 3, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb. CTQG - Sự Thật, Hà Nội.

[5] GS,TS Lê Hữu Nghĩa (2010), “Kiên định con đường đã chọn”, Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2010.

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).

Nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam hiện nay

Tác giả: Th.S Lê Đình Dương

(GDLL) - Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, thực chất là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Đối tượng mà chúng hướng tới là thanh niên, nhất là sinh viên, những người nhạy bén với cái mới, nhưng còn thiếu vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức về chính trị - xã hội. Bài viết nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.

Phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Tác giả: PGS.TS. Đào Duy Quát

(TG) - Đây là kết quả của bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về quốc phòng an ninh, đối tác đối tượng, về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.