Chủ nhật, ngày 30/10/2022, 11:12

Vượt qua bẫy thu nhập trung bình để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045

PHẠM TÚ TÀI
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định mục tiêu, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu trên, trước hết nước ta phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia trong khu vực đang đối mặt. Bài viết tập trung phân tích khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Từ khóa: Bẫy thu nhập; thu nhập cao; thu nhập trung bình; Việt Nam.

Tăng năng suất được xác định là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững(Ảnh: https://laodong.vn)

Đặt vấn đề

Trong những thập niên qua, nhiều quốc gia với những lợi thế có sẵn, hoặc những điều chỉnh hợp lý về thể chế đã vươn lên khỏi nhóm nước có thu nhập thấp và gia nhập nhóm thu nhập trung bình. Tuy nhiên cũng từ đây, hầu hết các nước đều luẩn quẩn trong "vũng lầy" của nhóm thu nhập trung bình. Ở châu Mỹ - La tinh, phần lớn các nền kinh tế cho dù đã đạt mức thu nhập trung bình khá sớm, song cũng chỉ giẫm chân ở đó. Ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản và bốn con rồng châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore đã vươn lên để trở thành nền kinh tế thu có nhập cao thì phần còn lại vẫn đang dừng lại ở nhóm thu nhập trung bình, tuy nhiên các nước này cũng phải mất tới 25 - 30 năm để gia nhập nhóm nước có thu nhập cao.

Ở nước ta, công cuộc đổi mới đã tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế. Từ một nước nghèo, thu nhập thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp vào năm 2008. Mặc dù vậy, thực trạng tăng trưởng kinh tế hơn một thập kỷ qua cũng cho thấy còn nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra. Nếu không có giải pháp để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế thì nguy cơ sa lầy thu nhập trung bình là hiện hữu.

1. Phân chia các quốc gia theo thu nhập và bẫy thu nhập trung bình

Ngân hàng Thế giới phân chia các nền kinh tế thành bốn nhóm theo tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI) được tính theo phương pháp Atlas trên cơ sở sử dụng tỷ giá hối đoái[5]. Theo số liệu công bố vào ngày 1 tháng 7 năm 2021, các nền kinh tế được phân định theo GNI bình quân đầu người như sau: (1) Nước thu nhập thấp: từ 1.045 USD trở xuống; (2) Nước thu nhập trung bình thấp: từ 1.046 - 4.095 USD; (3) Nước thu nhập trung bình cao: từ 4.096 - 12.695 USD; (4) Nước thu nhập cao: từ 12.696 USD trở lên. Trong quá trình phát triển, mỗi nền kinh tế đều trải qua bốn giai đoạn thu nhập nói trên. Tuy nhiên, giai đoạn 2 và giai đoạn 3 là hai giai đoạn mà các quốc gia thường gặp nhiều khó khăn, cản trở nhất và mất nhiều thời gian để vượt qua. Thậm chí, nhiều quốc gia khi đạt đến mức thu nhập trung bình (thấp hoặc cao) thì sau hơn nửa thế kỷ vẫn không thể vượt lên để trở thành nước có thu nhập cao. Hiện tượng này được gọi là bẫy thu nhập trung bình (Middle Income Trap).

Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng một nền kinh tế đạt đến mức thu nhập trung bình (thấp hoặc cao) nhờ những lợi thế sẵn có hoặc những thay đổi phù hợp về thể chế nhưng sau đó lại không thể vượt lên để trở thành nước có thu nhập cao. Những lợi thế giúp các quốc gia thoát nghèo để trở thành nước thu nhập trung bình thường là nguồn nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên ở quy mô vừa phải, một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ thấp hoặc hiệu ứng tức thời của sự thay đổi về thể chế. Khi những lợi thế nói trên phát huy hết tác dụng, tốc độ tăng trưởng của các quốc gia suy giảm, GNI bình quân đầu người tăng chậm, thậm chí rất chậm. Đó là lúc các nền kinh tế đã sập bẫy thu nhập trung bình. Trước đây, các nghiên cứu thường hay đề cập đến bẫy thu nhập trung bình thấp, tức là GNI bình quân đầu người đạt từ 1.046 - 4.095 USD theo quy định thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự chững lại của một số nền kinh tế thu nhập trung bình cao như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... thì người ta đã đề cập đến bẫy thu nhập trung bình cao. Tức là những nền kinh tế mà sau nhiều năm, GNI bình quân đầu người không thể vượt được mức 12.695 USD theo chuẩn của năm 2021. Vì vậy, hiện nay khi nói đến bẫy thu nhập trung bình là nói đến những nền kinh tế sa lầy trong khoảng thu nhập từ 1.046 - 12.695 USD.

2. Những khó khăn, thách thức đối với Việt Nam trong vượt bẫy thu nhập trung bình

Hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam đã sập bẫy thu nhập trung bình với những dấu hiệu khá rõ ràng từ thực trạng của nền kinh tế như: (1) Tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chững lại; (2) Năng suất lao động, các chỉ số cạnh tranh thấp và chậm được cải thiện; (3) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, cơ cấu xuất khẩu thiếu bền vững, kém hiệu quả; (4) Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường bất cập phát sinh như: cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường; phân hóa giàu - nghèo; tham nhũng, bong bóng bất động sản... Ngược lại, một số quan điểm lạc quan hơn thì cho rằng, bẫy thu nhập trung bình đối với Việt Nam vẫn ở dạng nguy cơ. Chúng ta vẫn còn dư lượng về thời gian để phục hồi tăng trưởng và vượt qua giai đoạn khó khăn này để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng, vấn đề Việt Nam đã sập bẫy thu nhập trung bình hay chưa, mà cốt lõi là tìm giải pháp bứt phá về tăng trưởng kinh tế, nhanh chóng vượt qua giai đoạn thu nhập trung bình, để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Trong giai đoạn đầu đổi mới, với những hiệu ứng tích cực từ sự thay đổi về thể chế kinh tế - chính trị - xã hội, các tiềm năng, lợi thế được khơi dậy. Tài nguyên thiên nhiên, vốn, nguồn lao động giá rẻ, dồi dào cộng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài thiên về số lượng đã trở thành những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1991-1995 đạt 8,2%/năm; giai đoạn 1996-2000 là 7,0% và đạt 7,81% giai đoạn 2001-2005[2]. Chính nhờ vậy, Việt Nam đã vươn lên và gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp vào năm 2008 và xác định những mục tiêu cao hơn cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, trong hơn mười năm qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta có dấu hiệu chững lại. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,92% và đạt 5,9% trong giai đoạn 2016-2020[2].

Tình trạng nói trên, ngoài những nguyên nhân khách quan như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19... thì nguyên nhân nội tại được Đảng ta xác định là xuất phát từ mô hình tăng trưởng kinh tế. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng ở nước ta cơ bản đã phát huy hết những tác động tích cực. Tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động giá rẻ, các nguồn vốn đầu tư... đã được khai thác và sử dụng tối đa.

Xác định rõ nguyên nhân, từ Đại hội XI, Đảng ta đã chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng kinh tế được xác định là chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng, sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, từng bước chuyển dần sang tăng trưởng hoàn toàn theo chiều sâu. Trong công cuộc đó, ba đột phá chiến lược cùng với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng ta xác định là những yếu tố đột phá. Sau mười năm thực hiện chủ trương nói trên, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng lên, đóng góp của các yếu tố chiều rộng giảm xuống. Để phục hồi tốc độ tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Đại hội XIII xác định chủ trương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, Đảng ta xác định lộ trình vượt bẫy thu nhập trung bình là: "Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao"[1].

Mục tiêu nói trên đã được Đảng, Nhà nước ta tính toán một cách khoa học với những cơ sở lý luận và thực tiễn rất rõ ràng, có tính khả thi cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ dễ dàng thực hiện mục tiêu mà không gặp trở ngại nào, thậm chí, khó khăn, thách thức đối với chúng ta là rất lớn. Cụ thể là:

- Trình độ công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng chiều sâu để tăng trưởng nhanh và bền vững. Nhìn chung, năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của nước ta còn hạn chế. Ngoài một số lĩnh vực đi tắt, đón đầu thì đa số còn ở trình độ thấp. Công nghiệp, xuất khẩu dựa chủ yếu vào gia công, lắp ráp. Công nghiệp chế biến, chế tác chưa phát triển, tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn thấp. Trong các kỳ Đại hội vừa qua, Đảng ta đã xác định rõ vai trò động lực, quốc sách hàng đầu của khoa học và công nghệ và đề ra các chủ trương để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển. Mặc dù vậy, cho đến nay khoa học và công nghệ chưa trở thành chìa khóa để nước ta tăng trưởng nhanh.

- Nguồn nhân lực tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng thấp. Tỷ trọng lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ đạt 26,1% tại thời điểm quý I, năm 2022[4]. Trong khi đó, chất lượng đào tạo nghề, chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong một thời gian dài, việc đào tạo nghề bị lãng quên, chỉ chú trọng vào đào tạo đại học, dẫn đến tình trạng thiếu thợ và thiếu cả thầy giỏi. Ngoài ra, một thách thức nữa cũng cần phải tính đến là tình trạng già hóa dân số. Những lợi thế về cơ cấu dân số vàng đã không được tận dụng tốt trong thời gian qua. Hiện nay, dân số nước ta đang bị già hóa. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2039.

- Thể chế kinh tế - xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển đất nước. Những cố gắng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển đã mang lại những hiệu quả tích cực trong 35 năm đổi mới. Tuy nhiên, với những yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới, thì thể chế phát triển, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều bất cập. Hệ thống pháp luật tuy nhiều về số lượng, song lại thiếu đồng bộ, chồng chéo và còn nhiều lỗ hổng. Thực thi pháp luật còn thiếu hiệu lực, hiệu quả chưa cao và đôi khi còn thiếu minh bạch. Cơ chế phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển còn nhiều bất cập, chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Khung khổ pháp luật chưa đầy đủ, chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản quốc gia. Cơ chế quản lý ở một số ngành, lĩnh vực chưa theo kịp với yêu cầu của kinh tế thị trường. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương lớn của Đảng còn chậm và hiệu quả chưa cao.

- Quá trình tăng trưởng kinh tế sau 35 năm đổi mới đã và đang gây ra những hiệu ứng tiêu cực về môi trường. Mô hình tăng trưởng chiều rộng trên một nền tảng công nghệ và chất lượng nhân lực thấp đã dẫn đến hiện tượng lãng phí và cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu toàn cầu với những thiên tai, hạn hán, ngập mặn, triều cường... cũng đang là những thách thức đáng lo ngại với mục tiêu tăng trưởng nhanh ở nước ta.

- Những yếu tố khách quan như đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 nên năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta chỉ đạt 2,91%, năm 2021 chỉ đạt 2,58% - thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Chính vì tốc độ tăng trưởng thấp của năm 2021 dẫn đến những mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi phải nỗ lực cao hơn. Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Những tác động này có thể gây ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

- Lạm phát toàn cầu và ở Việt Nam là căn cứ để Ngân hàng Thế giới điều chỉnh ngưỡng phân định thu nhập cao, thấp và trung bình. Điều đó có nghĩa rằng, ngưỡng thu nhập cao mà chúng ta phải phấn đấu không dừng lại ở con số 12.696 USD bình quân đầu người, đặc biệt là vài chục năm sau. Đây cũng là một vấn đề khi tính toán, xây dựng mục tiêu tăng trưởng chúng ta cần phải lưu ý khi tính toán lộ trình vượt bẫy thu nhập trung bình.

3. Một số giải pháp để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình vào năm 2045

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quy mô GDP (đánh giá lại) của Việt Nam năm 2020 là 343 tỷ USD; dân số trung bình trong năm 2020 là 97,58 triệu người. Theo tính toán của tác giả, giả sử tốc độ tăng dân số trung bình giai đoạn 2021-2045 là 1%/năm[2],[4], thì dân số nước ta vào năm 2045 khoảng 125 triệu người. Với quy mô dân số này, nếu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2045 là 6% thì quy mô GDP năm 2045 là 1.475 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 11.799 USD; Con số tương tự với tốc độ tăng trưởng: 6,5%/năm là 1.657 tỷ USD và 13.256 USD; 7% là 1.862 tỷ USD và 14.899 USD; 7,5% là 2.092 tỷ USD và 16.738 USD. Như vậy, để có thể vượt bẫy thu nhập trung bình vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2045 tối thiểu phải đạt 7%/năm. Đây cũng là mục tiêu Đại hội XIII xác định cho giai đoạn 2021-2030. Với nhiệm vụ này, trong thời gian tới cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện và thực thi hiệu quả thể chế phát triển, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó đặc biệt chú trọng đến cơ chế quản lý và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục cải cách, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của các bộ, ngành và chính quyền các cấp; tạo môi trường bình đẳng, theo cơ chế thị trường trong mọi khu vực của nền kinh tế; đẩy mạnh phòng, chống và xử lý tình trạng tham nhũng, lãng phí, tạo sự công bằng, minh bạch và niềm tin cho xã hội nhằm khơi dậy khát vọng phát triển, động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển mạnh theo chiều sâu, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đảm bảo sức khỏe cho nền kinh tế có thể vượt qua những cú sốc từ bên ngoài thì cần tạo ra được những đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả và sức cạnh tranh. Muốn vậy cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, trên cả bốn khía cạnh: (1) Từ góc độ đầu vào, phải đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số nhằm thay đổi dần cơ cấu các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng TFP, giảm tỷ trọng vốn, lao động giản đơn, tài nguyên thiên nhiên; (2) Từ góc độ đầu ra, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa, tham gia sâu và xác lập vị thế cao trong chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy tăng tổng cung, tổng cầu của nền kinh tế; (3) Từ góc độ cấu trúc, cần cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng hiệu quả của các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; (4) Từ góc độ thể chế, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý các ngành, lĩnh vực, quản lý các loại thị trường, cơ chế phân bổ nguồn lực... Chấm dứt cơ chế xin cho, thị trường nửa vời đang tồn tại lâu nay, thiết lập sự công bằng, minh bạch để mọi loại hình doanh nghiệp, mọi khu vực kinh tế cùng phát triển.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo đại học. Để làm được điều này, trước hết cần đổi mới bộ máy, nâng tầm đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học phải chủ động đổi mới nội dung, mục tiêu, chuẩn đầu ra theo hướng đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, chấn chỉnh việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, phong hàm giáo sư, phó giáo sư đảm bảo thực chất, uy tín đối với xã hội. Chú trọng hơn nữa việc đào tạo nghề, đặc biệt là đối với khu vực thị trường lao động phi chính thức và khu vực nông thôn; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất theo hướng tăng nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo, giảm tỷ trọng lao động giản đơn.

Bốn là, phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo hướng tạo môi trường pháp lý, cơ chế động lực nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào thị trường khoa học và công nghệ; cơ cấu lại một cách triệt để các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có nguồn gốc công lập theo hướng chuyển sang doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế thị trường; chấm dứt tình trạng bao cấp trực tiếp hoặc gián tiếp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; tạo cơ chế khuyến khích đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đi đầu trong việc thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, hiệu quả, cùng có lợi.

Năm là, triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Những nỗ lực của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid -19 bùng phát mạnh, để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế các năm 2020-2021 đã suy giảm nghiêm trọng và thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Thực trạng này dẫn đến việc thực hiện các mục tiêu của Đại hội XIII khó khăn hơn, cần phải nỗ lực nhiều hơn. Bởi vậy, phục hồi kinh tế sau đại dịch trở nên khẩn cấp, nhằm lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần khẩn trương rà soát lại và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phục hồi kinh tế sau đại dịch; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khắc phục sự đứt gãy trong các chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các loại hình hợp tác xã phục hồi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Kết luận

Trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao là mục tiêu và khát vọng của toàn dân tộc Việt Nam. Trong những năm tới, toàn Đảng, toàn dân phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn khách đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội... để phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình, gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê năm giai đoạn 2011-2021.

[3] Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, 2020.

[4] Tổng cục Thống kê (2022), Thông cáo báo chí tình hình lao động Việc làm quý I, năm 2022.

[5] World Bank (2021), New World Bank country classifications by income level: 2021-2022, https://blogs.worldbank.org/

Đọc thêm

KINH NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH CẤP XÃ ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG - GIÁ TRỊ THAM KHẢO CHO TỈNH NAM ĐỊNH

Tác giả: Trần Thị Thanh Mai - Lại Sơn Tùng

(GDLL) - Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, tỉnh Nam Định cùng các địa phương khác đã và đang tích cực triển khai xây dựng bộ tiêu chí trên. Bài viết làm rõ thực tiễn xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương, qua đó gợi mở một số giá trị tham khảo cho tỉnh Nam Định trong việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tác giả: PGS, TS NGUYỄN VĂN SỰ - NGUYỄN HOÀNG ANH

(LLCT) - Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, nhằm khai thác, phát huy lợi thế của vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế sau 15 năm Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 37, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm để vận dụng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII trong thời gian tới.

Vai trò "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết" của ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên

Tác giả: MÙA A SƠN

(TG) - Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác Tuyên giáo phải tiếp tục đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” đối với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước; phải luôn nỗ lực, chủ động, có nhiều phương thức sáng tạo, tăng khả năng dự báo, góp phần ổn định chính trị, tạo tiền đề để tỉnh Điện Biên phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm...

Bình Phước: Những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Tác giả: VŨ TIẾN ĐIỀN

(TG) - Sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục được nâng lên rõ rệt, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay*

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

(GDLL) - Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Với chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Bài viết phân tích thực trạng việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.