Chủ nhật, ngày 30/10/2022, 11:21

Phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch hiện nay về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

NGUYỄN QUANG HỒNG - NGUYỄN VĂN TẶNG
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta. Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cần khẳng định tính đúng đắn, thống nhất nhận thức và hành động, quán triệt chủ trương đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, và đội ngũ doanh nhân Việt Nam; nâng cao cảnh giác, nhận diện và phản bác mọi xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch về phát triển kinh tế tư nhân trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Từ khóa: Kinh tế tư nhân; nền tảng tư tưởng của Đảng; phản bác quan điểm sai trái.

 (Ảnh: TTXVN)

Đặt vấn đề

Các thế lực phản động thù địch không ngừng tiến hành các thủ đoạn, âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế nhằm chống phá công cuộc Đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Đảng và nhân dân đã chọn. Trên mặt trận tư tưởng, chúng khẳng định chuyển hóa về kinh tế sẽ dẫn đến chuyển hóa về chính trị và tìm mọi cách thúc đẩy phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa (TBCN), “tư nhân hóa” kinh tế, chống phá và làm mất vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước... từ đó làm chệch hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Một trong các nội dung mà chúng nhắm vào chính là sự nghiệp phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trong quá trình đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Luận điệu của chúng xoay quanh[3]:

Phát triển KTTN là từ bỏ mục tiêu CNXH”;

“Phát triển kinh tế tư nhân là quay lại đúng quỹ đạo để phát triển theo tư bản chủ nghĩa, mở đường cho “tư nhân hóa”, “tự do hóa” về kinh tế và “dân chủ”, “nhân quyền” về chính trị ở Việt Nam”;

 “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thực chất là tư nhân hóa nền kinh tế quốc dân”;

“Việt Nam đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, ở Việt Nam hiện nay chủ nghĩa tư bản đang diễn ra một cách cuồng nhiệt”...

Những luận điệu trên là xuyên tạc, đánh lạc hướng về những chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển khu vực tư nhân và kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay. Ngoài mưu mô hạ thấp tầm quan trọng sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp vai trò của kinh tế Nhà nước, chúng còn muốn hướng kinh tế nước ta chệch mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Phải khẳng định rằng, đó là những quan điểm sai trái, xuyên tạc, vu khống nhằm cản trở phát triển KTTN và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Để phản bác những luận điệu xuyên tác này, cần làm rõ lý luận về phát triển KTTN, cơ sở khoa học của các quan điểm của Đảng về phát triển KTTN trong công cuộc xây dựng Tổ quốc thời kỳ Đổi mới. Đồng thời, khẳng định thực tiễn phát triển KTTN trong thời gian qua đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

1. Một số vấn đề lý luận về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế hình thành dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Sự tồn tại của kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam là tất yếu khách quan được quy định bởi chính trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất và điều kiện lịch sử - cụ thể của nước ta và “chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”[1, tr.469]. Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế có chế độ liên kết, hợp tác lẫn nhau, mọi thành phần kinh tế làm ăn hợp pháp đều góp phần xây dựng CNXH ở những mức độ khác nhau. Điều đó phù hợp với luận đề Mácxít rất cơ bản: các hình thức kinh tế tư hữu nhỏ không bao giờ là một phương thức sản xuất độc lập; tính chất của nó bị quy định bởi tính chất của quan hệ sản xuất (hay chế độ sở hữu) thống trị trong phương thức sản xuất nhất định[7].

Mặc dù dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, KTTN không phải lúc nào cũng đi kèm với bóc lột giá trị thặng dư của công nhân làm thuê - bản chất của chủ nghĩa tư bản. Khi nhà tư bản thu được khối lượng giá trị thặng dư lớn, sau đó dùng phần lớn số giá trị thặng dư đó để đầu tư tái sản xuất mở rộng và để đảm bảo phúc lợi cho người lao động..., họ chỉ dành một phần nhỏ trong đó cho tiêu dùng cá nhân, thì họ không còn là một nhà tư bản nguyên nghĩa mà là một ông chủ tiến bộ, tích cực và đang trực tiếp lao động sản xuất làm giàu cho bản thân và xã hội[7].

Với quan niệm như vậy, có thể khẳng định: (i) KTTN là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và (ii) phát triển KTTN cũng chính là thúc đẩy những chủ doanh nghiệp tư nhân bỏ nhiều vốn kinh doanh, thuê nhiều lao động, làm ra nhiều hàng hóa..., góp phần xây dựng tiền đề cơ sở vật chất cho CNXH.

Vị trí, vai trò quan trọng ấy của KTTN đã được khẳng định và cụ thể hóa ngày càng hoàn thiện dần qua mỗi giai đoạn phát triển kinh tế đất nước, được thể hiện tập trung trong các cương lĩnh xây dựng đất nước, văn kiện đại hội Đảng, nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và trong các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Kể từ Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã sửa đổi, bổ sung chính sách về phát triển kinh tế nhiều thành phần bao gồmkinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế tư bản tư nhân[4] tạo bước khởi đầu quan trọng đối với kinh tế tư nhân ở Việt Nam, mở đường cho những bước phát triển mới. Việc khẳng định đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đại hội VI được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 15/7/1988 của Bộ Chính trị khóa VI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI) ngày 29/3/1989. Theo đó, kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế trong nền kinh tế ở các ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh mà pháp luật không cấm.

Quan điểm phát triển KTTN của Đảng được tiếp tục hoàn thiện trong các văn bản của các kỳ đại hội sau đó. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX (năm 2002) đã thông qua Nghị quyết “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đổi mới, có một nghị quyết chuyên đề về KTTN, khẳng định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; Phát triển KTTN là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN ở Việt Nam. Nghị quyết đã có những đánh giá xác đáng về đóng góp của KTTN, đó là: đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của KTTN đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất[5].

Từ những bước tiến đó, vai trò của KTTN tiếp tục được khẳng định là một trong những động lực của nền kinh tế và cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân và phải là tấm gương cho phát triển kinh tế tư nhân được Đảng chính thức đưa ra tại Đại hội X. Đến Đại hội XII, KTTN được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế. Cũng từ đó, mô hình tập đoàn KTTN, biểu hiện rõ nét nhất của KTTN đã được đề cập đến và thúc đẩy phát triển trong nền kinh tế Việt Nam.

Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021), vấn đề phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam trong quan điểm của Đảng sâu sắc hơn. Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng”[6, tr.129]; “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động....[6, tr.130]. Và mới đây nhất, quan điểm của Đảng về phát triển KTTN được thể hiện trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, quan điểm phát triển kinh tế tư nhân cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định sự thắng lợi con đường đi lên CNXH ở Việt Nam: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[8, tr.205].

Đặc biệt gần đây, Nhà nước đã có những hỗ trợ rất thiết thực cho phát triển doanh nghiệp (DN) khu vực tư nhân:

Một là, cải thiện của môi trường kinh doanh nhằm sự giảm bớt chi phí vốn, tăng thêm sức chống chịu các cú sốc, rủi ro và và tăng cường đầu tư công để tạo tác động lan tỏa các cơ hội kinh doanh cho các DN tư nhân;

Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo nội dung Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025;

Ba là, những hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn, như chính sách miễn, giảm thuế 2% cho doanh nghiệp được thực hiện hết năm 2022. Việc hỗ trợ người lao động cũng sẽ giúp doanh nghiệp duy trì được lực lượng lao động cho phục hồi và phát triển.

2. Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và thực chất

Qua quá trình đổi mới hơn hơn 35 năm qua, với những thành tựu đã đạt được, KTTN trong nền kinh Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình, từ một bộ phấn không thể thiếu trong nền kinh tế tới động lực có đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội quốc gia:

Thứ nhất, KTTN đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước cho sự phát triển của Việt Nam. Có thể thấy rõ điều đó qua sự đóng góp của KTTN trong tăng trưởng GDP, đầu tư xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn KTTN hiện nay đã thể hiện rõ sự phát triển thực nhất của KTTN Việt Nam (bảng 1).

                Bảng 1: Đóng góp của KTTN trong nền kinh tế Việt Nam

TT

 

2010

2015

2018

2019

2020

1

GDP

 

GDP cả nước (nghìn tỷ)

2.157.828

4.192.862

5.542.332

6.037.348

6.293.145

 

Trong đó:

Khu vực ngoài NN(nghìn tỷ)

926.928

1.812.152

2.332.245

2.576.556

2.694.087

 

Tỷ lệ (%)

42,96

43,22

42,08

42,68

42,81

2

Vốn đầu tư xã hội

 

Cả nước

(tỷ đồng)

830.278

1.366.478

1.857.061

2.048.525

2.164.457

 

Trong đó:

Khu vực ngoài NN

(tỷ đồng)

299.487

519.878

803.298

942.550

972.230

 

Tỷ lệ (%)

36,10

38,7

43,3

46,00

44,90

3

Số lượng doanh nghiệp

 

Cả nước

2979.360

442.485

610.637

668.503

683.600

 

Trong đó:

DN ngoài NN

268.831

427.710

591.499

647.632

659.400

 

Tỷ lệ (%)

96,23

96,67

96,87

96,88

96,50

4

Lực lượng lao động

 

Cả nước(nghìn người)

49.124,4

53.110,5

54.282,5

54.659,2

53.609,6

 

Khu vực ngoài NN (nghìn người)

42.370,0

45.132,8

45.684,6

45.664,6

44.777,4

 

Tỷ lệ (%)

86,3

85,0

83,3

83,6

83,6

                                         Nguồn: Tổng cục thống kê [9]

Những năm qua, KTTN Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp trên 40% GDP của đất nước, tạo việc làm và thu nhập cho trên 80% lực lượng lao động. Đến năm 2021, GDP của khu vực ngoài Nhà nước đã chiếm 49,5%, vốn đầu tư xã hội của khu vực ngoài Nhà nước đã chiếm 59,5% (so với 24,7% của khu vực nhà nước). Gần đây nhất, trong Chương trình hành động của Chính phủ năm 2022 đã thể hiện mục tiêu phấn đấu vào năm 2025 nước ta có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, chủ yếu là DN tư nhân trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn và tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP khoảng 55%[2].

Thứ hai, để thúc đẩy KTTN phát triển, Đảng và Nhà nước đã thúc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và khu vực tư nhân. Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã góp phần nâng cao vai trò của KTTN qua việc huy động một phần nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển doanh nghiệp Nhà nước và nền kinh tế.

Thứ ba, qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, lực lượng doanh nhân Việt Nam gồm hàng triệu người đang điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh gần 800.000 doanh nghiệp tư nhân và gần 5,5 triệu hộ kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã và đang có những đóng góp rất to lớn, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Về kinh tế, họ là cầu nối quan trọng nhất trong thúc đẩy các liên kết, hợp tác kinh tế, xã hội giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà máy, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà nông; tham gia hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước. Về văn hóa - xã hội, họ giúp tạo nhiều công ăn việc làm, sinh kế và thu nhập cho phần lớn dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tạo ra và phát huy các giá trị về khát vọng, ý chí sáng tạo, nghị lực phi thường trong xóa đói, thoát nghèo, vươn lên giàu có, thịnh vượng của dân tộc và nhân dân Việt Nam. 

Kết luận

Như vậy, quan điểm của Đảng và nhận thức của cả xã hội về vị trí, vai trò của KTTN đã có những thay đổi ngày càng tích cực, đầy đủ và đúng vị trí của nó hơn. Phát triển KTTN lành mạnh ở Việt Nam theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, là quan điểm và đường lối nhất quán, lâu dài trên con đường di lên CNXH ở Việt Nam. Đây là chiến lược quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Thực tiễn cũng đã chứng minh, những năm qua, KTTN có đóng góp ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế quốc dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Do vậy, những luận điệu cho rằng KTTN không được bình đẳng, phát triển không thực chất hay phát triển KTTN là đi theo con đường TBCN của các thế lực thù địch là hoàn toàn xuyên tạc nhằm cố tình phủ nhận quan điểm đúng đắn của Đảng và con đường đi lên CNXH của Đảng và nhân dân Việt Nam đã chọn. Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của thế lực thù địch, việc nhận diện, cảnh giác, đấu tranh phản bác lại quan điểm sai trái đó, đồng thời khẳng định tính đúng đắn quan điểm và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTN ở nước ta là nhiệm vụ rất quan trọng và rất cần thiết hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. C. Mác- Ph. Ănghen (1995),Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Chính phủ (2022), Nghị quyết số 54/NQ ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 31/2021/QH15.

3. Lê Thế Cương (2019), Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Tạp chí lý luận chính trị CAND.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Nghị quyết số10-NQ/TW ngày 05/4/1988 của Bộ Chính trị (khóa VI) “Về chính sách kinh tế nhiều thành phần”

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 02/03/2002 về Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX).

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

7. Vũ Văn Phúc (2019), Kinh tế tư nhân: Quan niệm và giải pháp phát triển, https://hcma.vn

8. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

9. Tổng cục Thống kê (2010, 2015, 2020, 2021). Niên giám Thống kê, Nxb. Thống kê.

Đọc thêm

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh mạng quốc gia và bảo vệ an ninh mạng quốc gia thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ là nhiệm vụ rất quan trọng, có tầm chiến lược. Phòng, chống tấn công mạng, tội phạm mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bài viết đi sâu khái quát quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh mạng quốc gia và đề xuất một số giải pháp chủ yếu thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về an ninh mạng và bảo vệ an ninh mạng quốc gia thời kỳ mới.