Thứ Tư, ngày 30/11/2022, 19:55

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp

ĐẶNG THỊ TỐ TÂM
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, cần tập trung nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, thông qua ba loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp hiện nay là kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp đều đang không ngừng đổi mới và phát triển. Bài viết tập trung làm rõ một số lý luận về tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ đó, đánh giá thực trạng và đưa ra gợi ý giải pháp phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp thời gian tới.

(Ảnh: https://baochinhphu.vn)

Đặt vấn đề

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (TCSXKD) trong nông nghiệp là phát triển các hình thức TCSXKD phù hợp với quy mô và trình độ TCSXKD nông nghiệp nhằm không chỉ tạo ra sản lượng cao, mà còn đem lại giá trị kinh tế cao cho nông sản. Hiện nay ở khu vực nông thôn nước ta đang có rất nhiều hình thức TCSXKD trong nông nghiệp. Tuy nhiên, bài viết tiếp cận theo loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp và chỉ nghiên cứu những loại hình TCSXKD trong nông nghiệp phù hợp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cao đó là: Kinh tế trang trại, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp. Tiếp cận theo loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp giúp nghiên cứu phát hiện những khó khăn, thuận lợi trong thực hiện phát triển các loại hình TCSXKD trong nông nghiệp từ đó đề xuất giải pháp cho phù hợp.

1. Một số lý luận về tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp

1.1. Một số khái niệm

Khái niệm tổ chức sản xuất: Tổ chức sản xuất kinh doanh (TCSXKD) là sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa sức lao động, tư liệu lao động và đối tượng lao động cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ sản xuất, qui mô sản xuất và công nghệ sản xuất đã xác định.

Khái niệm TCSXKD trong nông nghiệp: Là việc phối hợp các nguồn lực, điều kiện của sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp thông qua việc thiết lập các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. 

Khái niệm phát triển các hình thức TCSXKD trong nông nghiệp: Là phát triển các hình thức TCSXKD phù hợp với quy mô và trình độ TCSXKD trong nông nghiệp nhằm không chỉ tạo ra sản lượng cao, mà còn đem lại giá trị kinh tế cao cho nông sản hàng hóa. 

1.2. Các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp

Thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa phát triển cao, cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Bên cạnh đó một vấn đề cũng rất quan trọng là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Trong đó, tiếp cận theo loại hình TCSXKD thì hiện nay ở khu vực nông thôn nước ta, các hình thức TCSXKD trong nông nghiệp bao gồm đa dạng các loại hình TCSXKD. Nhưng muốn áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động cần phải nghiên cứu phát triển các loại hình TCSXKD có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa đó là: Kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.

Kinh tế trang trại: Lần đầu tiên trong văn bản pháp lý của nhà nước ta, Nghị quyết số 03/2000/NQ - CP ngày 02/02/2000 đã nêu rõ: “Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức SXHH trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản".

Kinh tế trang trại là một hình thức tổ chức sản xuất cơ sở trong nông nghiệp với mục đích là sản xuất hàng hóa trên cơ sở tự chủ về ruộng đất, tư liệu sản xuất của hộ gia đình, tự hạch toán và tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh. 

Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, hiệu quả và phù hợp với đặc điểm và hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, do đó đây là hình thức tổ chức phổ biến trong nông nghiệp và không chỉ được phát triển ở các nước công nghiệp mà còn được phát triển ở tất cả các nước trên thế giới.

Hợp tác xã: Theo Điều 3 Luật Hợp tác xã được thông qua năm 2012: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.

Như vậy, hợp tác xã là tổ chức kinh tế do những người lao động có lợi ích kinh tế chung tự nguyện cùng góp vốn góp sức lập ra theo quy định của

pháp luật để phát huy sức mạnh của tập thể và từng xã viên nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Doanh nghiệp nông nghiệp: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, cung ứng vật tư, tư vấn khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Do chịu ảnh hưởng của đặc điểm sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp, chịu nhiều ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, đối tượng sản xuất nên thời gian quay vòng vốn chậm, chịu nhiều rủi ro, vốn đầu tư cơ bản lớn. Do đó các doanh nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư. 

1.3. Vai trò các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp

- Vai trò của kinh tế trang trại

+ Kinh tế trang trại đã góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế biến và dịch vụ sản xuất ở nông thôn.

+ Kinh tế trang trại mang nhiều yếu tố sản xuất hàng hoá, sẽ gánh vác vai trò lịch sử của nó là thực hiện sự phân công sâu sắc hơn và hợp tác rộng hơn cùng các thành phần, các lĩnh vực kinh tế khác trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, mở mang ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn theo cơ cấu hợp lý, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn các tỉnh miền núi phía bắc.

- Vai trò của hợp tác xã 

+ Hợp tác xã góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giúp nhau tăng sức cạnh tranh, khai thác các nguồn tiềm năng về vốn, lao động, kỹ thuật để phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hoá sản xuất, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các hộ sản xuất, xã viên với nhà nước và các tổ chức kinh tế nhà nước.

+ Hợp tác xã góp phần đưa tiến bộ khoa học, công nghệ, thiết bị kỹ thuật hiện đại tới người nông dân trong các khâu sản xuất nông nghiệp và nông thôn; phát triển và mở rộng các hoạt động dịch vụ và hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và khuyến thương; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và thực hành nông nghiệp cho lao động nông nghiệp, nông thôn; tổ chức thực hiện việc phổ cập thông tin khoa học - kỹ thuật và thông tin thị trường đến các xã, thôn.

+ Hợp tác xã góp phần đưa tiến bộ khoa học, công nghệ, thiết bị kỹ thuật hiện đại tới người nông dân trong các khâu sản xuất nông nghiệp và nông thôn; phát triển và mở rộng các hoạt động dịch vụ và hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và khuyến thương; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và thực hành nông nghiệp cho lao động nông nghiệp, nông thôn; tổ chức thực hiện việc phổ cập thông tin khoa học - kỹ thuật và thông tin thị trường đến các xã, thôn.

+ Hợp tác xã phát triển sẽ tạo ra nhiều chỗ làm việc, góp phần giải quyết công ăn, việc làm, tăng thu nhập và bảo đảm đời sống ổn định cho xã viên và người lao động, giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương, là tiền đề quan trọng để thực hiện dân chủ hoá và nâng cao văn minh ở nông thôn; các hợp tác xã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau để vượt nghèo, góp phần làm giảm bớt những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường và ổn định xã hội ở nông thôn.

+ Hợp tác xã góp phần quan trọng vào việc nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn: hệ thống điện, thuỷ lợi, giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội, như nhà mẫu giáo, nhà trẻ, nhà văn hoá, trường học để phục vụ cho xã viên và cộng đồng dân cư.

- Vai trò của doanh nghiệp nông nghiệp

+ Với vai trò có thể kết nối được đến hàng chục triệu hộ nông dân tại nhiều vùng miền trên cả nước, nếu được tận dụng, phát huy, sức mạnh của mỗi doanh nghiệp nông nghiệp sẽ rất lớn và thực sự mang lại đa giá trị, vừa đem lại thu nhập cao cho người dân vừa thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp.

Trong quá trình từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp, quy mô, mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp đã có sự thay đổi đáng kể. Ngoài quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ và hợp tác xã nông nghiệp, nhiều hợp tác xã kiểu mới đã hình thành và phát triển hiệu quả. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã thành lập doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao đáng kể năng suất, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ.

Cùng với đó, thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cho đến nay, có thể nói doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

+ Doanh nghiệp thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tạo việc làm, từ đó nâng cao chất lượng đời sống người lao động (phần lớn là nông dân hoặc xuất thân từ nông dân); thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ của người nông dân. 

+ Các doanh nghiệp cũng đã tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản.

2. Thực trạng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp nước ta hiện nay

2.1 Một số thành tựu về phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ở nước ta

Kinh tế trang trại

Đến năm 2021 số lượng trang trại tăng qua các năm. Trang trại tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng Bằng sông Cửu Long, tương ứng chiếm tỷ lệ khoảng 26,52% và 23,37%. Về cơ cấu, trên cả nước trang trại trồng trọt chiếm 27,6%, trang trại chăn nuôi chiếm 57,83%, trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm 11,8%. Sự chuyển hướng phát triển các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, giảm số lượng các trang trại trồng trọt là phù hợp với phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, hiệu quả đầu tư cao hơn[4, tr.487].

Hợp tác xã

Theo số liệu thống kê vào 31/12/2019, số lượng HTX ở khu vực nông, lâm, thủy sản tăng qua các năm. HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh ở khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất so với các lĩnh vực khác, tương ứng là 7.418 HTX, chiếm 51,5% số lượng của toàn bộ khu vực HTX, tăng 5,5% so với năm 2018[5, tr.19].

Về quy mô thu hút lao động: Tại thời điểm 31/12/2019 các HTX hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút nhiều lao động nhất so với các lĩnh vực khác với 77.697 người, chiếm 43,2% lao động của toàn bộ khu vực HTX [5, tr.22].

Năm 2019, HTX khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút 26.372 tỷ đồng, chiếm 11,7% so với tổng số nguồn vốn thu hút sử dụng trong toàn bộ các HTX. Doanh thu thuần của các HTX đang hoạt động có kết quả SXKD của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 17.186 tỷ đồng, chiếm 17,2% so với toàn bộ doanh thu thuần của khu vực HTX[5, tr.21].

Doanh nghiệp nông nghiệp

Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng qua các năm. Năm 2021, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, khu vực nông, lâm, thủy sản có số lượng ít nhất với 12.011 doanh nghiệp, chiếm 1,4% trên cả nước. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD, khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 0,79% so với tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Sự xuất hiện của loại tổ chức doanh nghiệp rất quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. 

Lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp cùng năm chiếm 1,8% lao động của toàn bộ khối doanh nghiệp. Hiệu suất sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp cũng ở mức thấp nhất. Thu nhập bình quân tháng cho một lao động cũng ở mức thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác với 6,2 triệu đồng.

Năm 2020, nguồn vốn thu hút sử dụng trong các doanh nghiệp khu vực nông, lâm, thủy sản là 332,2 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 1% tổng nguồn vốn sử dụng cho SXKD của toàn bộ các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD. Doanh thu thuần chỉ đạt 158.068 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,57% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp[6, tr.25].

2.2 Những hạn chế, bất cập

- Đối với kinh tế trang trại

Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng. Vốn vay của các tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. 

Đa số các trang trại chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch sản phẩm hàng hóa. Việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi của một số trang trại thiếu hợp lý, chưa phù hợp với kinh tế thị trường, mất cân đối cung cầu, giá trị đạt thấp.

 Các trang trại hiện nay phát triển còn mang tính tự phát, không có quy hoạch bài bản, quy mô sản xuất (đất đai, lao động và doanh thu) của trang trại nhìn chung còn nhỏ, sản phẩm không đa dạng, hiệu quả kinh tế chưa cao; hệ thống cơ chế, chính sách phát triển kinh tế trang trại còn tản mạn, chưa cụ thể, tính khả thi khi áp dụng trong thực tế thấp[1].

- Những hạn chế đối với phát triển hợp tác xã

 HTXNN hiện nay chủ yếu phát triển theo chiều rộng, không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền trong cả nước; đa số HTXNN có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, trình độ khoa học - công nghệ, tiềm lực tài chính, năng lực của đội ngũ cán bộ còn yếu, phạm vi hoạt động hạn chế; hiệu quả thấp, kém bền vững, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao...[2].

- Những hạn chế đối với phát triển doanh nghiệp nông nghiệp

Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư cũng như chưa bảo vệ được doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trước sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài.

 Doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Việc tạo quỹ đất để hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn rất khó khăn bởi giá đền bù cao.

Việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới phát triển; liên kết theo chuỗi nhằm tìm kiếm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm còn rất hạn chế; Liên kết “bốn nhà” còn mang tính hình thức[3].

3. Một số giải pháp phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp thời gian tới

3.1. Giải pháp phát triển kinh tế trang trại

- Về đất đai: Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Chủ trang trại có địa điểm đất làm trang trại phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp và sử dụng đất có hiệu quả để Chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Cần có sự điều chỉnh việc sử dụng đất đai trong các trang trại theo hướng tăng quy mô bằng cách khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất và liên kết trong sản xuất…

- Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn, tạo tiền đề phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn theo hướng kinh tế trang trại. Tạo điều kiện cho các Chủ trang trại tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để vay vốn mở rộng quy mô tổ chức sản xuất kinh doanh.

- Xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực: Hiện nay 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước. Chúng ta vẫn còn khoảng 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt Nam trên thị trường còn yếu và chịu nhiều thua thiệt. Các trang trại, doanh nghiệp cần sớm triển khai xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của mình khi đáp ứng được các yếu tố chính như: được sản xuất trên quy mô lớn với mức độ cơ giới hóa cao, có khối lượng và giá trị tiêu thụ lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn trong và ngoài nước.

- Tổ chức sản xuất: Tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, câu lạc bộ trang trại để cùng nhau chia sẻ, học tập, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau về khoa học, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, quản lý, thị trường giá cả có hiệu quả.

3.2. Giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp

- Đẩy mạnh tuyên truyền về bản chất, cơ chế hoạt động, vai trò của hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển HTXNN, mô hình HTXNN kiểu mới, kinh nghiệm hay về phát triển HTXNN trên thế giới. 

- Đẩy mạnh phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; hoàn thiện cơ chế xác nhận, chứng nhận và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp thông qua các HTXNN; rà soát quỹ đất công hiện có, tạo quỹ đất cần thiết cho các HTXNN thuê xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất,... phục vụ yêu cầu phát triển ổn định, lâu dài.

- Xây dựng hệ thống chính sách tín dụng đặc thù cho HTXNN; tạo thuận lợi cho thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất hoặc từ vốn vay; khuyến khích tích lũy, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản thuộc sở hữu tập thể trong HTXNN. 

-Tăng cường đội ngũ cán bộ các cấp về quản lý và phát triển HTXNN; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và người lao động cho HTXNN; tăng cường bồi dưỡng năng lực quản lý, điều hành cho các chức danh chủ chốt của HTXNN. 

- Tăng cường hỗ trợ HTXNN đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông sản; khuyến khích tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bảo đảm chất lượng và tính an toàn của nông sản hàng hóa; tạo lập và kết nối thị trường đầu vào và đầu ra hỗ trợ phát triển HTXNN; tập trung hỗ trợ dịch vụ tư vấn sản xuất, thông tin thị trường, tín dụng, bảo hiểm, kiểm toán, kết nối thương mại điện tử,...

3.3. Giải pháp phát triển doanh nghiệp nông nghiệp

- Để có thể phát triển mạnh số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng một hệ thống chính sách rõ ràng, minh bạch và nhất quán: Ưu đãi về thuế; ưu đãi về vay ngân hàng với lãi suất thấp theo chu kỳ sản xuất.

- Tạo thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai; thúc đẩy mạnh mẽ thị trường quyền sử dụng đất; tháo gỡ vướng mắc hạn điền nhằm giúp các doanh nghiệp nông nghiệp mở rộng sản xuất.

- Chuyển đổi mô hình TCSXKD trong nông nghiệp. Thúc đẩy các loại hình liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi; Phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản; Tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp ở các ngành hàng nông nghiệp.

Kết luận

Nghiên cứu phát triển các hình thức TCSXKD trong nông nghiệp là rất cần thiết. Từ những kết quả đạt được và hạn chế, bất cập của từng loại hình TCSXKD nông nghiệp hiện nay, từ đó, bài viết đề xuất một số gợi ý giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các hình thức TCSXKD trong nông nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa, khi Việt Nam ngày càng có nhiều hàng hóa nông sản xuất khẩu sẽ tiếp tục phát triển đa dạng các hình thức liên kết, các hình thức tập trung sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Tài liệu tham khảo:

[1] Minh Hiển (2022), Tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển thuận lợi, https://baochinhphu.vn

[2] Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Xuân Thủy (2022), Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới, https://www.tapchicongsan.org.vn

[3] Nguyễn Thị Dương Nga (2021), Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam, http://iasvn.org 

[4] Tổng cục thống kê (2021), Niên giám thống kê 2021Nxb. Thống kê.

[5] Tổng cục thống kê (2021), Sách trắng hợp tác xã Việt Nam 2021Nxb. Thống kê.

[6] Tổng cục thống kê (2021), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2021Nxb. Thống kê.


Đọc thêm

KINH NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH CẤP XÃ ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG - GIÁ TRỊ THAM KHẢO CHO TỈNH NAM ĐỊNH

Tác giả: Trần Thị Thanh Mai - Lại Sơn Tùng

(GDLL) - Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, tỉnh Nam Định cùng các địa phương khác đã và đang tích cực triển khai xây dựng bộ tiêu chí trên. Bài viết làm rõ thực tiễn xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương, qua đó gợi mở một số giá trị tham khảo cho tỉnh Nam Định trong việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tác giả: PGS, TS NGUYỄN VĂN SỰ - NGUYỄN HOÀNG ANH

(LLCT) - Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, nhằm khai thác, phát huy lợi thế của vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế sau 15 năm Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 37, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm để vận dụng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII trong thời gian tới.

Vai trò "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết" của ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên

Tác giả: MÙA A SƠN

(TG) - Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác Tuyên giáo phải tiếp tục đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” đối với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước; phải luôn nỗ lực, chủ động, có nhiều phương thức sáng tạo, tăng khả năng dự báo, góp phần ổn định chính trị, tạo tiền đề để tỉnh Điện Biên phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm...

Bình Phước: Những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Tác giả: VŨ TIẾN ĐIỀN

(TG) - Sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục được nâng lên rõ rệt, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay*

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

(GDLL) - Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Với chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Bài viết phân tích thực trạng việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.