Thứ Sáu, ngày 30/12/2022, 10:06

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 - giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử

NGUYỄN THỊ THANH SÂM
Đại học Hàng hải Việt Nam

(GDLL) - Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử sâu sắc, là sự khẳng định quyền của mỗi quốc gia, dân tộc và của từng con người trên thế giới; khẳng định và tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam đã độc lập và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc; là sự kết tinh, chắt lọc từ quá trình khảo nghiệm lâu dài của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Giá trị thời đại của Tuyên ngôn Độc lập; Hồ Chí Minh; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ý nghĩa lịch sử.

(Ảnh: https://baochinhphu.vn)

Đặt vấn đề

Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được coi là áng văn lập quốc, một văn bản pháp lý, một văn kiện đặc biệt của lịch sử Việt Nam hiện đại. Văn kiện được chắt lọc, kết tinh từ quá trình hoạt động thực tiễn tìm đường cứu nước, lãnh đạo cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đây là minh chứng sinh động về đường lối đúng đắn mà Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đã đề ra; về khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, tư tưởng, con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực. 

1. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền của mỗi quốc gia, dân tộc và của từng con người trên thế giới

Khác với “bài thơ thần” Nam quốc sơn hà trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược thế kỷ XI và Bình Ngô đại cáo trong cuộc kháng chiến chống quân Minh do Nguyễn Trãi viết năm 1428, được đánh giá có ý nghĩa như những bản Tuyên ngôn độc lập của các vương triều phong kiến Việt Nam trước thế lực xâm lược phương Bắc, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 - 9 - 1945 do Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước hàng chục vạn đồng bào ở Quảng trường Ba Đình đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chế độ dân chủ mới, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến lạc hậu, bảo thủ và trì trệ. Tuyên ngôn Độc lập là lời tuyên bố với toàn thế giới quyền độc lập, tự do đương nhiên, bất khả xâm phạm của Việt Nam nói riêng, của các dân tộc trên thế giới nói chung. Tuyên ngôn Độc lập báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới, phá tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân; thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột, giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do; thời đại mới cho dân tộc Việt Nam, thời đại đất nước được độc lập, tự do, do nhân dân làm chủ.

Trong phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh trích dẫn tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp. Đối với quyền của dân tộc, hai bản Tuyên ngôn của Mỹ, Pháp chỉ đề cập đến quyền của cá nhân được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, bình đẳng về quyền lợi. Còn trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có sự mở rộng mang tính đột phá về mối quan hệ giữa quyền cá nhân với quyền dân tộc. Người viết: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[4, tr.1] - một chân lý hiển nhiên, một lẽ phải không ai chối cãi được. Sự trích dẫn sáng tạo của Hồ Chí Minh đã thể hiện một tầm nhìn thời đại, một sự phát triển tư duy tiến bộ về quyền tự do, độc lập của mỗi cá nhân, quốc gia dân tộc. Hồ Chí Minh nâng từ quyền con người lên thành quyền dân tộc, từ quyền của mỗi cá nhân lên thành quyền của mọi dân tộc bị áp bức trên thế giới. Đó là cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tâm huyết lớn của Người đối với dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, là những ví dụ điển hình về sự tiến bộ trong đấu tranh vì quyền con người, quyền dân tộc.

Bằng tư duy biện chứng, lý luận sắc sảo, Hồ Chí Minh đã chứng minh quyền con người và quyền của các dân tộc đều là lẽ tự nhiên, đương nhiên mỗi con người và mọi dân tộc cũng đều được hưởng. Như vậy, hành động xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, và của đế quốc Mỹ sau này, đều ngược với lẽ tự nhiên ấy, đi ngược lại những điều tự do, bình đẳng, bác ái mà chính họ đã hùng hồn tuyên bố.

2. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam và quyết tâm sắt đá để bảo vệ quyền tự do, độc lập

Bằng những dẫn chứng thuyết phục, sự khái quát lịch sử chân thực, lôgíc, lý luận chặt chẽ, Tuyên ngôn Độc lập là bản tố cáo đanh thép tội ác của thực dân Pháp xâm lược, áp bức nhân dân Việt Nam hơn 80 năm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đời sống... dưới chiêu bài bảo hộ. Đó là những hành động trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Ấy vậy mà, khi phát xít Nhật vào Đông Dương (9 - 1940), thực dân Pháp đã mau chóng đầu hàng, làm cho nhân dân Việt Nam chịu cảnh áp bức “một cổ hai tròng”, đẩy người dân vào tình trạng cùng cực, khiến gần hai triệu người bị chết đói, các cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, những người yêu nước bị chém giết, nhà tù nhiều hơn trường học... 

Ngày 9 - 3 - 1945, phát xít Nhật đảo chính, lật đổ bộ máy thống trị của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh viết: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Cộng hòa Dân chủ”[4, tr.2]. Vì thế, Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”[4, tr.3]. Điều này khẳng định dứt khoát Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, thoát ly khỏi những ràng buộc với Pháp, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp ở Việt Nam. Đồng thời, Người khẳng định: “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”[4, tr.3].

Với lời lẽ dung dị, rõ ràng mà đanh thép, Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh độc lập, tự do là quyền tất yếu của dân tộc Việt Nam: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[4, tr.3]. Từ đó, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyết tâm sắt đá của muôn triệu người dân Việt: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[4, tr.3]. Thực tiễn lịch sử Việt Nam đã chứng minh những quyền lợi chính đáng cùng quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam, cùng với đó là khả năng dự báo thiên tài, tầm nhìn vượt thời đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập.

3. Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh, chắt lọc từ quá trình khảo nghiệm lâu dài của Hồ Chí Minh

Thật thú vị nếu làm một phép so sánh về thời gian hoàn thành Tuyên ngôn Độc lập với một số tác phẩm trước đó của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Thứ nhấtBản yêu sách của nhân dân An Nam (1919), được coi là Tuyên ngôn chính trị đầu tiên, đánh dấu sự công khai hoạt động chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Đây không phải là sản phẩm hoàn toàn của riêng Nguyễn Ái Quốc, mà được soạn thảo bởi một nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp trên cơ sở ý tưởng của Nguyễn Ái Quốc, sau khi thảo xong bản Yêu sách, Người đã đại diện ký tên. Việc soạn thảo này mất nhiều thời gian vì phải thống nhất quan điểm, nội dung, mức độ yêu cầu, đòi hỏi của mỗi thành viên của nhóm vốn có những ý kiến khác nhau. Thứ hai, tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) được Nguyễn Ái Quốc hoàn thành trong khoảng thời gian hơn một năm ở Liên Xô trên cơ sở phần lớn những bài Người đã viết trong các năm 1921-1925; Thứ ba, tác phẩm Đường cách mệnh (1927), cũng được hoàn thành trên cơ sở những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cho các lớp huấn luyện cán bộ từ năm 1925 đến năm 1927.

Đối với bản Tuyên ngôn Độc lập, chiều tối ngày 25 - 8 - 1945, Hồ Chí Minh về đến Hà Nội, sáng ngày 26 - 8 - 1945, Người chủ trì phiên họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng, bàn và quyết định các công việc hệ trọng, cấp thiết cần thực hiện, trong đó có việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Công việc rất nhiều, thời gian gấp gáp bởi từ thời điểm đó đến Lễ tuyên bố độc lập được ấn định vào ngày 2 - 9 - 1945 trước khi quân Đồng minh kéo vào Hà Nội chỉ còn đúng một tuần, mọi chuẩn bị phải thật khẩn trương. Trong hoàn cảnh đó, chỉ trong vòng mấy ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung cao độ trí tuệ, tâm huyết, khởi thảo và hoàn thiện một văn kiện mang tầm vóc lịch sử vĩ đại. Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành “áng thiên cổ hùng văn” vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế, vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Song, để có được kết quả trong vòng mấy ngày là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, nghiền ngẫm, tìm tòi, học hỏi hàng chục năm trước đó của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Việc trích dẫn nội dung hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp cho thấy Hồ Chí Minh đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu từ lâu. Từ tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc đã có sự phân tích khá kỹ và rút ra cho cách mạng Việt Nam những bài học kinh nghiệm từ hai cuộc cách mạng của Mỹ và của Pháp. Việc trích dẫn sử dụng nội dung từ hai bản Tuyên ngôn của họ, đưa vào Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam là một điều rất đặc biệt và độc đáo, cho thấy rõ dụng ý của Hồ Chí Minh muốn ràng buộc Mỹ - nước đứng đầu thế giới tư bản và Pháp - nước từng đô hộ Việt Nam, cần phải làm theo những gì ông cha của họ từng tuyên bố.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong những người được chứng kiến những tháng ngày lịch sử lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập và được dự bàn trao đổi ý kiến về bản Tuyên ngôn, đã ghi lại cảm nhận: “Hai mươi sáu năm trước, Bác (Hồ Chí Minh) đã tới Hội nghị hoà bình Véc-xây nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình. Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc, hái quả của tám mươi năm đấu tranh”[2, tr.153-154].

Tuyên ngôn Độc lập được hoàn thành trong một thời gian ngắn thể hiện một trí tuệ siêu phàm, tầm nhìn vượt thời đại của một lãnh tụ, vừa cho thấy rõ chân dung một con người có tình yêu thương quê hương đất nước thiết tha, đau đáu nỗi niềm đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, giải phóng nhân dân. Tuyên ngôn là kết quả của một quá trình chuẩn bị, suy nghĩ công phu, tỉ mỉ, lựa chọn từng câu, từng chữ, vừa có lý, có tình, vừa dung dị dễ hiểu, vừa kiên quyết, sắc bén, có sức thuyết phục rất cao của một con người trọn đời hiến dâng cho đất nước. 

4. Tuyên ngôn Độc lập được viết bằng văn phong chính luận nhưng lời lẽ giản dị, dễ hiểu, có sức lôi cuốn mạnh mẽ

Bản Tuyên ngôn Độc lập được viết và đọc trong bối cảnh trên 90% dân số Việt Nam còn chưa biết đọc, biết viết. Thế nhưng, khi được nghe, hầu hết mọi người đều hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, đều phấn khởi, tự hào là người dân của một nước độc lập, từ nay làm chủ vận mệnh, cuộc sống của mình. Tuyên ngôn được viết ra từ trái tim của một người suốt đời đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, nên ngôn ngữ súc tích, lập luận chặt chẽ, câu chữ rõ ràng, gần dân, dễ hiểu. Chỉ bằng 3 câu văn ngắn gọn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[4, tr.3], Người đã khái quát hết hoàn cảnh ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là thành quả cuộc đấu tranh của toàn dân tộc. Bên cạnh đó, cụm từ “sự thật”, “sự thật là” được Người nhắc lại nhiều, nhất là trong phần kết của Tuyên ngôn Độc lập, đã minh chứng, khẳng định rõ ràng sự thật, tính pháp lý của bản Tuyên ngôn và của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà lực lượng Đồng minh, các phe phái chính trị khác không thể phủ nhận được. Ngôn ngữ mà Người sử dụng trong Tuyên ngôn đã chạm được tới triệu triệu trái tim người Việt Nam, trở thành lời hiệu triệu, biến thành quyết tâm sắt đá để giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc.

Giá trị lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện ở chỗ: đây là văn bản báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, giành lại quyền được sống trong độc lập, tự do. Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, giai đoạn xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tuyên ngôn Độc lập thực sự là một văn kiện có ý nghĩa thời đại và có giá trị cao về mặt lý luận khi hàm chứa trong đó chân lý của nhân loại về quyền con người và quyền của dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vượt thời đại, khi những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa quyền độc lập dân tộc và quyền sống của mỗi con người. Đó là sự thể hiện giữa khát vọng sống trong hòa bình, tự do với tinh thần kiên quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền độc lập, tự do”. Tuyên ngôn Độc lập đã thức tỉnh, lay động, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, từ đó, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh để bảo vệ nền độc lập mới giành được trước nguy cơ bị thực dân Pháp trở lại xâm lược. Tuyên ngôn là cái kết có hậu về hành trình đi tìm và quá trình thực hiện khát vọng giải phóng đất nước, nhân dân của Đảng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung. Đồng thời cũng là thông điệp khẳng định sự kiên cường, quyết tâm, niềm tin và ý chí sắt đá của Đảng, Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam sẽ bảo vệ quyền độc lập tự do chính đáng và đương nhiên của mình. Bên cạnh đó, Tuyên ngôn minh chứng sinh động cho nỗ lực trọn đời đấu tranh vì độc lập, tự do, hoà bình và hạnh phúc cho đất nước, nhân dân của Hồ Chí Minh.

Kết luận

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại do lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, là thành quả của quá trình tích lũy lý luận, thực tiễn trong suốt hơn 30 năm hoạt động tìm đường cứu nước, cứu dân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, là thành quả của 15 năm Đảng trải bao mất mát hy sinh, khó khăn gian khổ để lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh, là kết quả đổi bằng tính mạng, máu xương của bao cán bộ, người dân Việt Nam kiên cường anh dũng. Tuyên ngôn Độc lập mang ý nghĩa thời đại và giá trị lý luận cao bởi trong đó chứa đựng: Chân lý của nhân loại, của thời đại; vạch rõ tội ác của thực dân xâm lược và sự bạc nhược, lỗi thời của chế độ phong kiến, khẳng định quyền được sống trong độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, vai trò và tính hợp pháp của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sự ưu việt của chế độ dân chủ nhân dân..., mong muốn các quốc gia công nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập thể hiện ý chí, trí tuệ của Hồ Chí Minh, truyền thống, khát vọng của dân tộc. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập có sức sống trường tồn trong hành trình phát triển của dân tộc Việt Nam, của các dân tộc bị áp bức và nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1] Archimedes L.A.Patti (2008), Tại sao Việt Nam?, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.

[2] Võ Nguyên Giáp (2011), Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

[3] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (2016), Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Song Thành (2005), Hồ Chí Minh - Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).