Thứ Sáu, ngày 30/12/2022, 10:14

Tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH - NGUYỄN HẢI YẾN
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, giúp đơn vị doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động và chủ doanh nghiệp, đơn vị. Bài viết phân tích thực trạng xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân hiện nay.

Từ khóa: Kinh tế tư nhân; tổ chức đảng; xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho nền kinh tế. (Ảnh: https://dangcongsan.vn)

Đặt vấn đề

Trải qua hơn 35 năm đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ”[3, tr.95]. Xây dựng tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là vấn đề được Đảng quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tăng cường phát triển tổ chức đảng và đảng viên, bảo đảm rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế này.

1. Một số vấn đề lý luận về xây dựng tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân.

Tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân được thành lập theo Điều lệ Đảng; hoạt động tuân theo Điều lệ Đảng, quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự lãnh đạo chỉ đạo, trực tiếp của cấp ủy cấp trên. Nhìn chung, tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân là hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị kinh tế tư nhân; tuyên truyền, vận động chủ sở hữu, các thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ doanh nghiệp quy định (gọi chung là người quản lý đơn vị kinh tế tư nhân) và người lao động chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, đơn vị kinh tế tư nhân.

Xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo, định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm lợi ích chính đáng của người lao động, góp phần làm cho kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân được các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện bằng các phương thức: Ban hành chủ trương, nghị quyết, chính sách về xây dựng tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân; công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với chủ đơn vị kinh tế tư nhân và quần chúng, người lao động; xây dựng tổ chức bộ máy của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân; công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, sáng tạo của tổ chức đảng và đảng viên đối với nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

2. Tình hình xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trong thời gian qua

Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn như: Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị "Về tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" và Kết luận số 80 KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương khóa X “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII) trong tình hình mới”; Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 07/3/2013 của Ban Bí thư “Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; Thông báo số 22-TB/TW, ngày 11/4/2017 của Ban Bí thư Trung ương khóa XII “Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30/01/2013 của Ban Tổ chức Trung ương “Về thực hiện thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Kết luận số 29-KL/TW ngày 31/1/2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về đảng viên làm kinh tế tư nhân; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”.

Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị và Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư công tác xây dựng Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân có chuyển biến tích cực. Đến năm 2019, đã có 12.088 tổ chức đảng, 182.995 đảng viên[1]

Đối với tổ chức cơ sở đảng trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tính đến ngày 31/12/2020 có 3.346 tổ chức cơ sở đảng với 6.018 chi bộ trực thuộc [8, tr.1]

Đối với tổ chức cơ sở đảng trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống: tính đến ngày 31/12/2020 có 769 đảng bộ, chi bộ cơ sở (trong đó có 338 đảng bộ cơ sở, 431 chi bộ cơ sở, 33.228 đảng viên), so với năm 2008, số lượng tổ chức cơ sở đảng đã tăng 12 lần, số lượng đảng viên tăng gần 7 lần. Nhìn chung, trong điều kiện thay đổi của mô hình tổ chức, giảm vai trò Nhà nước trong doanh nghiệp, nhưng tổ chức cơ sở đảng đã có nhiều nỗ lực, phát triển tổ chức, phát triển đảng viên.

Đối với tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Năm 2010 đã có 2.012 tổ chức cơ sở đảng (gồm 1.381 chi bộ cơ sở, 631 đảng bộ cơ sở với 127 đảng bộ bộ phận, 4.836 chi bộ trực thuộc); đến ngày 31/12/2020 có 3.346 tổ chức cơ sở đảng (gồm 2.478 chi bộ cơ sở, 868 đảng bộ cơ sở với 50 đảng bộ bộ phận, 6.018 chi bộ trực thuộc). Từ năm 2008 đến nay, về cơ bản tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước giữ ổn định về mô hình tổ chức[8, tr.3].

Những ưu điểm nổi bật trong hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp đã góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống. Nhiều đơn vị kinh tế tư nhân có tổ chức đảng lãnh đạo đã góp phần củng cố, nâng cao nhận thức đúng về Đảng của các chủ doanh nghiệp tư nhân, nhiều người đã có nguyện vọng và động lực phấn đấu và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Tính đến ngày 30/9/2020, đã có 6.652 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân[3, tr.189]. Đến nay đã kết nạp Đảng được 2.574 chủ doanh nghiệp, riêng giai đoạn 2010 - 2020 kết nạp được 877 chủ doanh nghiệp tư nhân[8, tr.12].

Bên cạnh những ưu điểm trên, vẫn còn tình trạng một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương về phát triển đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, nhận thức của một số chủ doanh nghiệp và người lao động về xây dựng tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân chưa có chuyển biến rõ nét. Ở các doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức đảng thì một số cấp uỷ chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên. Đó là một trong những lý do dẫn tới tỉ lệ số tổ chức đảng trên tổng số đơn vị cũng như số đảng viên trên tổng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp, chưa xứng với tiềm năng.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó cần phải khẳng định, việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân là vấn đề mới và khó, hầu hết các địa phương vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cần thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan như: một số cấp uỷ còn lúng túng hoặc chưa có quyết tâm chính trị cao; nhận thức của nhiều cấp uỷ chưa theo kịp tình hình; về phương pháp, cách thức còn rập khuôn, máy móc, thiếu sâu sát, sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm riêng, điều kiện thực tiễn của từng doanh nghiệp.

 Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan có thể kể tới như: tâm lý ngại tham gia tổ chức đảng, tham gia đoàn thể chính trị xã hội của chủ doanh nghiệp và người lao động. Việc quy định, quy chế, hướng dẫn xây dựng tổ chức đảng thiếu đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc thù của đơn vị kinh tế tư nhân cũng là nguyên nhân dẫn tới việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

3. Một số giải pháp tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân hiện nay

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với xâydựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân vừa là vấn đề thuộc về nguyên tắc vừa là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của nhiệm vụ này trong tình hình hiện nay. Việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp trong việc xâydựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân là yếu tố căn cốt để giữ vững định hướng chính trị, phương hướng, mục tiêu, giải pháp và quyết định chất lượng, hiệu quả. Sự lãnh đạo của cấp uỷ còn thể hiện ở hoạt động tổng kết kinh nghiệm xâydựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân; kiểm tra, bồi dưỡng, đào tạo; tổng kết phổ biến kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến.

Thứ hai, cấp uỷ cần tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp và người lao động tham gia xây dựng tổ chức đảng. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, các lực lượng, chủ đơn vị kinh tế tư nhânvà người lao động về các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Đảng về xây dựng tổ chức đảng và đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt là công tác tuyên truyền cho chủ đơn vị kinh tế tư nhânhiểu đúng về vai trò, vị trí và tác dụng của tổ chức đảng, các đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân. Qua đó chủ đơn vị kinh tế tư nhân mới thấy được tầm quan trọng, lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên. 

Cấp uỷ cần tăng cường giáo dục, động viên người lao động chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của đơn vị kinh tế tư nhân, thi đua lao động sản xuất, nâng cao tay nghề; tích cực tham gia các đoàn thể nhân dân và phấn đấu trở thành đảng viên. Cấp uỷ cần xây dựng được khối đoàn kết, động viên đảng viên và quần chúng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của đơn vị kinh tế tư nhân. Giáo dục đảng viên nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người lao động giỏi; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân tại nơi cư trú.

Thứ ba, tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện có đủ số lượng đảng viên để thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, bảo đảm chất lượng, phát huy được vai trò lãnh đạo, định hướng hoạt động của doanh nghiệp. Có giải pháp sinh hoạt đảng phù hợp đối với tổ chức đảng ở địa bàn có nhiều đảng viên từ nơi khác đến tạm trú, có nhiều khu công nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tư nhân...”[4].

Thứ tư, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm. Các cấp ủy cần chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phối hợp với chủ doanh nghiệp có chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động ưu tú trong các đơn vị kinh tế tư nhân bảo đảm thu nhập trong thời gian đi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng cấp trên căn cứ quy định của Đảng về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân để hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt đảng phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình của từng loại hình đơn vị kinh tế tư nhân. Các cấp uỷ, tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân bố trí thời gian sinh hoạt đảng linh hoạt không ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ lao động của đảng viên.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực tiễn về công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân. Cấp ủy cấp trên, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Cấp ủy cấp trên phải có cán bộ chuyên trách để theo dõi, giúp đỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương những tổ chức, cá nhân tiêu biểu để nhân rộng.

Thứ sáu, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên. Các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là tổ chức công đoàn có vai trò rất quan trọng trong tham gia xây dựng tổ chức đảng, đặc biệt là trong tổ chức tập hợp, đoàn kết và phát triển đảng trong công nhân tại các đơn vị kinh tế tư nhân.

Trước hết, cấp uỷ cần xây dựng cơ chế tiếp thu ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng tổ chức đảng; đặc biệt là trong góp ý về phong cách, lề lối làm việc của đảng viên trong chi bộ.

Thông qua hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, tạo động lực để công nhân phấn đấu trở thành đảng viên. Cần tập trung nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ đoàn thể vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, năng động, sáng tạo, vừa biết lắng nghe tiếng nói của người lao động, vừa hiểu tâm lý và tham mưu đúng, kịp thời cho chủ doanh nghiệp để phát huy tốt vai trò của tổ chức mình trong tham gia xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên.

Kết luận 

Việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân là vấn đề mới và khó, hầu hết các địa phương vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong thời gian qua, cấp uỷ các cấp đã rất nỗ lực trong việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn... về xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, trong quá trình quán triệt, tổ chức thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan từ các cấp uỷ, tổ chức đảng. Vì vậy, trên cơ sở các nguyên tắc, quy định của Đảng và Nhà nước; các cấp uỷ, tổ chức đảng cần có sự linh hoạt, sáng tạo về phương pháp, cách thức phù hợp với đặc điểm riêng, tình hình thực tiễn của từng đơn vị kinh tế tư nhân.

Tài liệu tham khảo:

[1] Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, tulieuvankien.dangcongsan.vn

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Văn phòng Trung ương Đảng.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

[5] Hội đồng Lý luận Trung ương (2017), Xây dựng đảng trong điều kiện hội nhập quốc tế: Thách thức, kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiến, Nguyễn Viết Thông (2016), Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Nguyễn Phú Trọng (2022), luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[8] Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thông tin chuyên đề số 14- TTCD/VPTW ngày 27/5/2022.

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.