Thứ Năm, ngày 05/01/2023, 11:10

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

ThS Lê Minh Phương - TS Đặng Thị Thu Hiền
Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Học viện Kỹ thuật Mật mã

(LLCT) - Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và nhân dân ta; trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối của Đảng, là quy luật của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là những thành tựu to lớn trong hơn 35 năm đổi mới đất nước. Bài viết phân tích làm rõ những thách thức và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu duy nhất đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại - Ảnh: dangcongsan.vn

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng, là con đường của cách mạng Việt Nam để thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trên con đường đi tới mục tiêu, lý tưởng đó, chúng ta đã phải vượt qua nhiều chông gai, không ít khó khăn, thách thức, “thù trong giặc ngoài” sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, hòng xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Mặc dù vậy, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu và thực hiện sáng tạo trong từng giai đoạn, thậm chí, có giai đoạn thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc để vừa xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho miền Nam. Điều này thể hiện sự sáng suốt, linh hoạt của Đảng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội luôn là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng nước ta, trở thành “ý Đảng, lòng dân”, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn mình phát triển.

Sau hơn 35 năm đổi mới, “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới”(1), vị thế và uy tín quốc tế được nâng cao. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(2). Do vậy, “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng”(3) là vấn đề nguyên tắc của cách mạng Việt Nam.

Nhìn ra thế giới, mặc dù chủ nghĩa tư bản hiện đại qua quá trình điều chỉnh đã đạt được một số thành tựu, nhất là trong phát triển khoa học và công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, song, bản chất của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi. Những mâu thuẫn, bất công trong lòng chủ nghĩa tư bản vẫn diễn ra phổ biến: Sự bóc lột của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân và người lao động ngày càng trở nên tinh vi; bất bình đẳng xã hội, tình trạng phân hóa giàu - nghèo, những bất ổn xã hội, nạn phân biệt chủng tộc… không ngừng gia tăng; các cuộc nổi dậy của giai cấp công nhân và người lao động vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, như cuộc biểu tình của công nhân và người lao động trong phong trào “Chiếm lấy phố Wall” (năm 2011), sau đó nó đã lan rộng sang nhiều nước phương Tây…; mâu thuẫn, bất đồng quan điểm giữa các đảng phái chính trị trong nội bộ các nước tư bản chủ nghĩa, nổi bật là qua cuộc bạo loạn ở đồi Capital, ở Mỹ vào ngày 6-1-2021. Hay mâu thuẫn lợi ích giữa các nước tư bản phát triển cũng ngày càng rõ, việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là ví dụ mang tính điển hình... Những điều này cho thấy, chủ nghĩa tư bản không phải là sự lựa chọn cho con đường phát triển của Việt Nam.

Những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu duy nhất đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Song, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cũng gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách trên con đường đi tới mục tiêu này. Một số thách thức cơ bản có thể kể đến như:

Một là, thách thức từ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển của công nghệ số, các thách thức an ninh phi truyền thống.

Phân tích bối cảnh quốc tế mới, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển; hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn; kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng do tác động bởi đại dịch Covid-19; khu vực Đông Nam Á tiềm ẩn nhiều bất ổn và là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc... Tất cả những điều đó đang đặt ra nhiều thách thức, đe dọa trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Một khi lợi ích quốc gia - dân tộc, độc lập chủ quyền không được bảo vệ, thì lợi ích giai cấp và mục tiêu chủ nghĩa xã hội cũng không thể thực hiện được.

Ngày nay, internet, công nghệ cao, kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ trở thành phương tiện hữu hiệu để kết nối nhanh chóng, hiệu quả. Điều này, một mặt, mở ra nhiều cơ hội để phát triển cho các quốc gia - dân tộc; mặt khác, đặt ra muôn vàn thách thức khiến các quốc gia - dân tộc phải hết sức thận trọng, như nguy cơ những bí mật quốc gia, bí mật doanh nghiệp, hay thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp. Cũng thông qua internet, các thế lực thù địch có thể can thiệp vào độc lập, chủ quyền của các quốc gia - dân tộc, hoặc dàn dựng thông tin, xuyên tạc sự thật nhằm can thiệp vào công việc nội bộ hay hạ thấp uy tín của một quốc gia - dân tộc. Một ví dụ mang tính điển hình là sự biến “Mùa xuân Ả-rập”. Ban đầu, nó diễn ra ở Tuynidi (tháng 12-2010), sau đó, với sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội, đã nhanh chóng tràn qua các nước Ả-rập khác ở Bắc Phi và Trung Đông, dẫn đến các cuộc biểu tình, bạo loạn. Nhân cơ hội “đục nước béo cò”, các thế lực thù địch bên ngoàihà hơi, tiếp sức cho cái gọi là “dân chủ, tự do và một tương lai tươi mới”, kích động dân chúng nổi dậy chống lại chính quyền đương nhiệm, dẫn đến những cuộc nội chiến đau thương và tạo ra dòng người di cư ồ ạt rời bỏ quê hương đi tìm “miền đất hứa”. Mới đây, ngày 11-7-2021, các thế lực thù địch bên ngoài đã lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, dàn dựng lên cái gọi là bạo loạn lật đổ ở Cuba. Đây thực chất là một cuộc khủng bố truyền thông vô cùng nham hiểm mà các quốc gia độc lập có chủ quyền phải hết sức cảnh giác…

Thứ hai, thách thức từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Hiện nay, việc đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc đến mức cực đoan, bất chấp luật pháp quốc tếlà hiện tượng diễn ra ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giớiMột số cường quốcbị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa thực dụngnên tìm cách áp đặt, thậm chí, xâm phạm chủ quyền quốc gia của các nước khác. Do đó, những biểu hiện mới của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cường quyền nước lớn đòi hỏi phải được nhận diện rõ để có đối sách phù hợp, kịp thời nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia - dân tộc, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới.

Thứ ba, thách thức từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên

Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược xem nhẹ việc trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh cách mạng, bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế... dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, thoái hóa, biến chất, tham nhũng, trục lợi, thậm chí “có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(4), xa rời mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tình trạng này nếu không được giải quyết triệt để sẽ làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Một khi niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa không còn, thì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ không thể đạt được.

Tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Tiếp tục đường lối đổi mới của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời nghiên cứu bổ sung, làm rõ những vấn đề mới đang tác động đến mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu nhất quán của cách mạng Việt Nam. Quan điểm này cần được quán triệt sâu sắc trong toàn xã hội thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với những hình thức đa dạng. Trong đó, cần đặc biệt chú ý làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường đã lựa chọn để toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện. Từ đó, tạo động lực khơi dậy ý chí và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đi đến mục tiêu.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cần được coi trọng, đầu tư đúng mức, nhất là về những vấn đề thực tiễn và những vấn đề lý luận mới đang đặt ra hiện nay, như: tác động của hội nhập quốc tế, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số; ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn cầu, của đại dịch Covid-19; an ninh phi truyền thống; mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đường lối đổi mới ở Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Chỉ khi những vấn đề lý luận và thực tiễn đó được làm sáng tỏ thì mới có cơ sở để thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, từ đó, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(5).

Hai là, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trước các thách thức đang đặt ra từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, của hình thức an ninh phi truyền thống, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(6). Đây là sự tiếp nối một cách sáng tạo tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và là mục tiêu nhất quán của cách mạng Việt Nam. Để hiện thực hóa quan điểm đối ngoại của Đảng, cần xây dựng chiến lược tổng thể về công tác đối ngoại của Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(7). Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó thì vai trò lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định, kết hợp chặt chẽ với sự quản lý của Nhà nước và sự đồng thuận của toàn thể nhân dân. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, vì “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ, trở thành những con người vừa có đức, vừa có tài, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(8).

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách triệt để và hiệu quả hơn. “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí;… xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”(9)

(Nguồn: lyluanchinhtri.vn)

_________________

(1), (2), (3), (6), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 103, 104, 41, 161-162, 180, 195.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 23.

(5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chíCộng sản, số 966 (tháng 5-2021).

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 292.

Đọc thêm

Hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Thùy

(GDLL) - Nguyễn Chí Diểu (1908-1939), một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời đồng chí là tấm gương cao đẹp của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân. Bài viết tìm hiểu quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, qua đó thấy được sự kiên định, vì nước vì dân của đồng chí.

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.