Thứ Hai, ngày 16/01/2023, 18:23

Lịch sử quan hệ Việt Nam - Campuchia và những kinh nghiệm rút ra cho hiện tại

NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN - NGUYỄN THỊ THANH NHÀN
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Mối quan hệ bền chặt này đã được nhân dân hai nước dày công vun đắp và trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc. Chặng đường hơn nửa thế kỷ qua (1967-2022) là minh chứng sống động cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia. Bài viết nhìn lại quá trình lịch sử quan hệ ngoại giao trong hơn 55 qua của Việt Nam - Campuchia để nhận thức sâu sắc hơn những giá trị cốt lõi tạo dựng nên mối quan hệ bền chặt, từ đó rút ra những kinh nghiệm để tiếp tục thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian tới.

Từ khóa: Campuchia; quan hệ ngoại giao; Việt Nam.

 

Nhân dân Campuchia mang nước thốt nốt đến cho bộ đội tình nguyện Việt Nam trong những ngày giúp nhân dân Campuchia thu hoạch lúa - hình ảnh thắm đượm tình nghĩa quân dân Việt Nam - Campuchia trong cuộc chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. (Ảnh: TTXVN)

Đặt vấn đề

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có chung biên giới, cùng là thành viên ASEAN, có các yếu tố tự nhiên tạo thành thế liên kết chặt chẽ, cùng tồn tại, phát triển và bảo vệ lẫn nhau trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó không đơn thuần là mối quan hệ láng giềng gần gũi mà được nâng lên thành tình bạn, tình anh em, tình đồng chí. Trải qua các giai đoạn vận động đấu tranh giành chính quyền cách mạng (1930 - 1945), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975) liên minh ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia ra đời từ chính đòi hỏi khách quan của lịch sử. Đến giai đoạn hiện nay, qua nhiều thăng trầm lịch sử và những biến cố của thời đại, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống của hai dân tộc láng giềng được thử thách, tôi luyện và ngày càng khăng khít, bền chặt dưới sự chung tay vun đắp của Chính phủ và nhân dân hai nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi.

1. Quá trình hình thành và phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia

1.1. Cùng kề vai sát cánh, chống kẻ thù chung, giải phóng dân tộc (1930 - 1975)

Thời kỳ phong kiến, nhân dân Việt Nam và Campuchia cùng các dân tộc anh em trong khu vực đã đoàn kết chống lại những cuộc xâm lăng của phong kiến phương Bắc. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhân dân hai nước đã đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơng ở cao nguyên Tây Nguyên với sự tham gia của các tộc người vùng Đông Bắc Campuchia.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) mối tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia được thể hiện đậm nét. Ngay từ đầu những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, trong Chỉ thị kháng chiến kiến quốc ngày 25 tháng 11 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra chủ trương thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược. Tháng 3 - 1951, tại Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương, khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước.

Sau năm 1954 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh chung để bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc ở Đông Dương... Chúng ta thành tâm mong rằng quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước láng giềng, trước hết là Campuchia và Lào, được xây dựng và phát triển tốt”[1, tr.676]. Trên tinh thần này, Việt Nam và Campuchia đã có nhiều sự giúp đỡ nhau trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc. Dưới sự dẫn dắt của Quốc vương N.Shihanouk, Campuchia đã thực hiện đường lối hòa bình, trung lập và chính sách ngoại giao tích cực. Trong những năm 1970 - 1975, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc được bồi đắp và trở nên gắn bó hơn. Liên minh đó trở thành nhân tố quan trọng tạo nên chiến thắng vang dội trong các chiến dịch “Chen La I”; “Chen La II”, “Lam Sơn 719”... Những chiến thắng này góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ như “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Khmer hóa chiến tranh” nói riêng và “Đông Dương hóa chiến tranh” nói chung. Sau cuộc đảo chính tháng 3 / 1970 của Lon Nol, Campuchia rơi vào khó khăn. Quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân Campuchia, giúp Campuchia tấn công quyết liệt vào chế độ Lon Nol thân Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải rút quân khỏi Campuchia và giành thắng lợi quyết định cuối cùng vào đầu năm 1975.

1.2. Hợp tác lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, tái sinh đất nước Campuchia (1975 - 1993)

Trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Campuchia không thể không nhắc đến giai đoạn lịch sử 1975 - 1979 và sau đó là giai đoạn 1979 - 1989, bởi lẽ thì đây là giai đoạn dân tộc Campuchia bước vào thời kỳ đen tối nhất trước thảm họa diệt chủng của chế độ phản động PolPot. Trên tinh thần quốc tế vô sản, đồng thời thực hiện quyền tự vệ trước những hành động xâm lược do tập đoàn Pol Pot gây ra đối với nhân dân Việt Nam, đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của các lực lượng cách mạng Campuchia, cuối năm 1978, quân đội tình nguyện Việt Nam đã được cử sang Campuchia để phối hợp toàn diện với quân và dân Campuchia tấn công lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo. Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Campuchia trong cuộc chiến này được đánh đổi bằng xương máu của biết bao chiến sĩ quân tình nguyện và là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, chí nghĩa, chí tình giữa hai dân tộc láng giềng anh em. Thắng lợi này cũng góp phần quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia vào đầu năm 1979.

Trong 10 năm giúp bạn (1979-1989) chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử quốc tế trọng đại, chưa có tiền lệ trên thế giới. Chuyên gia Việt Nam đã giúp bạn đi từ con số không, thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc kỳ diệu, xây dựng Campuchia thành một đất nước hoàn chỉnh, có chính quyền đủ sức chăm lo đời sống nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, có nền kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế... ngày càng phát triển[2, tr.21].

1.3. Đẩy mạnh hợp tác theo hướng toàn diện, cùng phát triển (từ năm 1993 đến nay)

Năm 1993, chính thể Vương quốc Campuchia được thành lập, quan hệ Việt Nam - Campuchia bước vào giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, quan hệ giữa hai nước vừa phát triển theo chiều rộng, diễn ra trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến kinh tế, văn hóa - xã hội:

Hợp tác trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước. Ngoại giao Nhà nước, ngoại giao cấp cao được đẩy mạnh và tiến hành song song với hoạt động ngoại giao nhân dân, xem đây là nền tảng vững chắc để gắn kết, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước. Ngoại giao cấp cao đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (ngày 5 / 10 / 2019, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 22 / 12 / 2020); Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (ngày 21 / 1 / 2013, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 9 / 10 / 2014)... Gần đây nhất, nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Campuchia (tháng 12 / 2021), hai bên đã ký kết 7 văn kiện hợp tác[3]. Bên cạnh đó, hội nghị hữu nghị hai nước cũng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ và giao lưu nhân dân, phong trào kết nghĩa giữa các địa phương, cơ chế hợp tác giữa các tổ chức cũng được thực hiện có hiệu quả...

Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh được xác định là trụ cột để củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước. Quan hệ quốc phòng - an ninh trước thời điểm năm 1993 chủ yếu theo hướng Việt Nam giúp đỡ Campuchia thì từ sau 1993 đến nay, quan hệ theo đúng nghĩa là hợp tác hai bên cùng có lợi. Với sự quyết tâm và nỗ lực từ cả hai phía, Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành phân giới, cắm mốc 84% biên giới trên đất liền. Tháng 10 / 2019, hai nước đã ký kết Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Đến nay, Việt Nam và Campuchia đã xây dựng 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu, phân giới 1.044 km trên tổng số 1.258 km. Hai bên đang tích cực phối hợp chặt chẽ để hoàn thành công việc phân giới, cắm mốc 16% đường biên giới đất liền còn lại[4, tr.109]. Hai bên cũng tích cực triển khai Thỏa thuận về tìm kiếm quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia và thực hiện công tác tôn tạo, tu bổ các Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại các tỉnh, thành phố ở Campuchia.

Hợp tác trên lĩnh vực kinh tế - xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng, một mặt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, mặt khác tạo sự liên kết kinh tế giữa hai bên. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, xuất phát từ yêu cầu đổi mới và xây dựng đất nước, cả Việt Nam và Campuchia đều coi trọng và dành ưu tiên cho việc phát triển kinh tế. Cả hai nền kinh tế đều tăng trưởng với tốc độ khá cao và có nhiều khả năng hỗ trợ cho nhau. Chính điều này đã thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

2. Một số kinh nghiệm rút ra từ quá trình hình thành và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia

Từ thực tiễn mối quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm nhằm tiếp tục đưa mối quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa:

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của lãnh đạo và nhân dân hai nước về tầm quan trọng của việc tăng cường và củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia vì mục tiêu chung là xây dựng và phát triển đất nước hòa bình, phồn vinh

Trong thời gian tới, để thúc đẩy quan hệ láng giềng Việt Nam - Campuchia lên một bước phát triển mới cần duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi cấp cao giữa Chính phủ hai nước nhằm tạo sự gần gũi, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Mặt khác, tăng cường giáo dục tuyên truyền cho nhân dân hai nước hiểu rõ về quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào công tác bảo vệ an ninh biên giới, giao lưu với nhau thêm sự gắn bó và đoàn kết. Công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hai nước hiểu rằng: Việt Nam và Campuchia trong quá khứ đã nhiều lần liên kết thành một khối thống nhất để chiến thắng kẻ thù chung, đó chính là cơ sở quan trọng để xác lập mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa hai quốc gia, dân tộc trong những giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, thực hiện nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi

Từ thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi là nguyên tắc quan trọng để xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững và hiệu quả. Trong lịch sử phát triển, cả hai quốc gia Việt Nam - Campuchia đã luôn làm tốt điều này. Trong chính sách đối ngoại, Campuchia khẳng định đường lối độc lập, hòa bình và không liên kết, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, quan hệ hữu nghị với tất cả các nước láng giềng, và mối quan hệ với Việt Nam luôn chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Campuchia từ rất sớm. Về phía Việt Nam, trong chính sách đối ngoại với Campuchia luôn chủ trương: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào dùng lãnh thổ của nước mình để chống nước kia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Như vậy, có thể thấy tăng cường mối quan hệ hợp tác với quốc gia láng giềng Campuchia luôn là điểm mấu chốt, là vấn đề mang tính trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam.

Thứ ba, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa Chính phủ và nhân dân hai nước

Liên minh chiến đấu Miên - Việt được hình thành một cách tự nguyện và phối hợp chiến đấu trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ là biểu hiện đỉnh cao cho mối quan hệ đoàn kết gắn bó của nhân dân hai nước. Hơn nữa, quân đội Việt Nam đã không ngại hy sinh, gian khổ để cùng với nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng của tập đoàn PolPot - Ieng Sary, hồi sinh lại đất nước Campuchia. Chính truyền thống đoàn kết, đồng cam cộng khổ của nhân dân hai nước đã tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia. Hiện nay, đối diện với những khó khăn, thách thức từ bối cảnh khu vực và thế giới, để có thể giải quyết những vấn đề tồn tại trong mối quan hệ giữa hai nước thì hơn bao giờ hết, tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa Chính phủ và nhân dân hai nước cần được phát huy một cách cao độ và là “chìa khóa” quan trọng để đưa hai nước cùng phát triển, hội nhập quốc tế sâu và rộng.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực

 Có thể thấy, xuất phát từ yếu tố địa chính trị, địa kinh tế của hai nước, Việt Nam và Campuchia chủ trương chính sách đối ngoại mềm mại, uyển chuyển, xây dựng và triển khai chiến lược bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, là nhu cầu vô cùng bức thiết đối với hai dân tộc trong thời kỳ mới. Hai bên đã nâng tầm quan hệ từ “hợp tác nhiều mặt” lên “hợp tác toàn diện” với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” làm định hướng phát triển hợp tác. Hiện nay, môi trường quốc tế và khu vực luôn diễn biến phức tạp và đầy thách thức. Do vậy, ngoài việc phát huy sức mạnh nội tại thì mỗi nước cần phải mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia đặc biệt là các nước láng giềng. Cả Việt Nam và Campuchia đều ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng đời sống ấm no cho nhân dân nên hợp tác chặt chẽ và toàn diện là điều kiện tiên quyết và quan trọng.

Kết luận

Lịch sử đã chứng minh mối quan hệ Việt Nam - Campuchia dù trải qua nhiều thăng trầm song vẫn phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Mối tình đoàn kết, gắn bó và hợp tác đã đem lại thành tựu cho mỗi dân tộc. Trong xu thế phát triển chung hiện nay, dự báo có nhiều biến đối trái chiều, thậm chí có thể nảy sinh những vấn đề khó khăn, thách thức nhưng nếu vận dụng những kinh nghiệm được đúc rút từ lịch sử phát triển thì quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục đi lên theo hướng tích cực, ngày càng xích lại gần nhau hơn và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2] Trần Xuân Hiệp (2018), 50 năm quan hệ Việt Nam - Campuchia: Thành tựu và triển vọng, Nxb. Thông tin và truyền thông, Hà Nội.

[3] Bảy văn kiện, bao gồm: 1- Chương trình hợp tác năm 2022 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia; 2- Kế hoạch hợp tác quốc phòng năm 2022 giữa hai Bộ Quốc phòng; 3- Biên bản Thỏa thuận kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật; 4- Biên bản cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban Liên hợp về biên giới Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam; 5- Bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục giai đoạn 2021 - 2025; 6- Bản ghi nhớ về việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia; 7- Chương trình công tác năm 2022 - 2023 giữa hai Bộ Tư pháp

[4] Lê Thị Thúy Hiền (2022), Quan hệ Việt Nam - Campuchia: Năm mươi lăm năm cùng chung tay vun đắp và phát triển, Tạp chí Cộng sản, số 990 (5-2020).

Đọc thêm

Hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Thùy

(GDLL) - Nguyễn Chí Diểu (1908-1939), một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời đồng chí là tấm gương cao đẹp của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân. Bài viết tìm hiểu quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, qua đó thấy được sự kiên định, vì nước vì dân của đồng chí.

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.