Thứ Tư, ngày 15/02/2023, 15:10

Góp phần đấu tranh phản bác một số luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay

NGÔ HẢO NHI
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là mục tiêu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng những luận chứng khoa học để kịp thời đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch và bảo vệ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Từ khóa: Đấu tranh, phản bác; luận điệu xuyên tạc; tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhân dân Thủ đô Warsawa nhiệt liệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh

 sang thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan (năm 1957)

(Ảnh: hochiminh.vn)

Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hiện nay việc xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh đang được các thế lực thù địch đẩy mạnh nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng để tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, việc nhận diện, bóc trần các thủ đoạn và cung cấp các luận chứng khoa học để đấu tranh với những luận điệu chống phá, xuyên tạc ấy là vấn đề cấp thiết hiện nay.

1. Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch phủ nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng

Khi định nghĩa về nhà tư tưởng, V.I.Lênin lưu ý: “Một người xứng đáng là nhà tư tưởng khi nào biết giải quyết trước người khác tất cả những vấn đề chính trị - sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát”[3, tr.72-73]. Hay nói một cách khác, một nhà tư tưởng phải xuất phát từ thực tiễn và phản ánh đúng thực tiễn, soi đường cho hoạt động thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển. Hơn nữa, trong toàn bộ cuộc đời, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh từ ba tầng giá trị: đó là tầng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; tầng giá trị về hoạt động thực tiễn, bao gồm cả thực tiễn Việt Nam và thực tiễn thế giới; Hồ Chí Minh là bậc đại nhân, đại chí, đại dũng. Ba tầng giá trị đó kết hợp lại có thể hoàn toàn khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, nhà lý luận. Thế nhưng, thời gian qua các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị ra sức chống phá, đã bóp méo, xuyên tạc hình ảnh và tư tưởng của Người. Chúng ra sức phủ định sự tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải nhà tư tưởng.

Luận điệu trên là không đúng, bởi lẽ tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồng thời, Người đã tiếp thu có chọn lọc và vận dụng sáng tạo những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, cả phương Đông và phương Tây mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng ta có thể khẳng định rằng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin với hạt nhân lý luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Với thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và một trí tuệ sắc sảo, khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh đã tiếp thu, chuyển hóa được những nhân tố tích cực, kết hợp với truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, đã bổ sung, phát triển sáng tạo nên một hệ thống tư tưởng và lý luận của mình. Đó là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tiêu biểu là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tư tưởng ấy không chỉ giải quyết vấn đề về tư duy lý luận mà cao hơn là tư duy hành động, giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Mặt khác, từ trong lịch sử đến nay, nhiều nhà tư tưởng được thế giới thừa nhận như Khổng Tử, Mạnh Tử nhưng không để lại tác phẩm nào do mình viết. Lão Tử có cuốn Đạo đức kinh; ngược lại, rất nhiều người viết nhiều tác phẩm đồ sộ nhưng không ai gọi họ là nhà tư tưởng. Vì vậy, luận điệu dựa trên số lượng trước tác để đánh giá, xem xét xác định nhà tư tưởng chỉ là phiến diện, thiếu cơ sở khoa học và thực tế, bởi “Giá trị của tư tưởng - lý luận không phụ thuộc vào số trang, số tập mà ở ý nghĩa, tác dụng của nó đối với sự biến đổi của lịch sử, ở sự đóng góp của nó vào sự phát triển của đời sống dân tộc và nhân loại”[9, tr.21]. Sự thật Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng như vậy, dù cho bản thân Người không muốn, không tự nhận mình là nhà tư tưởng. Điều đó cũng giống như Người không nhận mình là nhà văn, nhà thơ, dù thực tế Người đã sáng tác 300 bài thơ và gần 500 trang truyện, ký; không nhận mình là nhà báo, dù thực tế Người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và có hơn 2.000 bài báo.

Thực tế, thế giới thừa nhận có tư tưởng Hồ Chí Minh từ rất sớm. Năm 1970, nhà triết học Nhật Bản Singô Sibata viết cuốn sách “Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng”. Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ Gớt-Hôn đánh giá: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ và là một nhà tư tưởng mácxít-lêninnít vĩ đại của thế giới”. Báo chí Cuba coi “Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”. UNESCO (1987) khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”...Như vậy, qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, thế giới đều thừa nhận có tư tưởng Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, nhà lý luận vĩ đại của thời đại chúng ta.

Trong giai đoạn hiện nay tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục được kiểm nghiệm, chứng minh giá trị “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” bằng chính những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới (1986 đến nay), giúp Việt Nam đạt được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế”[2, tr.25] chưa từng có. Thực tiễn là cơ sở để kiểm nghiệm giá trị chân lý của nhận thức, tư tưởng. Điều này đặc biệt đúng với thực tiễn cách mạng Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Đấu tranh, bảo vệ luận điểm: “Không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin” 

Các thế lực thù địch đã không từ một thủ đoạn nào để bôi xấu và tập trung đề cao vai trò, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ra sức xuyên tạc nguồn gốc, bản chất, nội dung, giá trị khoa học và cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Thậm chí, chúng đặt tư tưởng Hồ Chí Minh trên tầm chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản. Chúng cho rằng, việc Hồ Chí Minh vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam là sai lầm, là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước. Chúng ra sức ngụy biện rằng, “bây giờ chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của lịch sử, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, là phù hợp với dân tộc Việt Nam. Vì vậy, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao thành “chủ nghĩa Hồ Chí Minh” để thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin!”[1, tr.27]. Thực chất của quan điểm này là sự đối lập, chia rẽ chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá vỡ từng mảng trong nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây chính là thủ đoạn “nâng lên” để “hạ xuống” bởi chủ nghĩa Mác - Lênin đã làm nên bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu tách tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi cội nguồn lý luận quan trọng nhất thì đó cũng không còn là tư tưởng Hồ Chí Minh với những đặc tính tốt đẹp.

Có thể xem xét trên nhiều phương diện thì việc tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh là sự nhận thức phiến diện, siêu hình, phi lôgic và lịch sử, không khoa học. Dưới góc độ khoa học về lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận của tư tưởngHồ Chí Minh. Về lôgic, tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, làm phong phú, sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin; vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Sự bổ sung và phát triển sáng tạo ấy thể hiện rõ trong quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; về thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chú trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; về xây dựng, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi; về xây dựng nhà nước kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản; về gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội và lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ chế độ tư bản chủ nghĩa; về rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên... trong tiến trình cách mạng Việt Nam hơn 9 thập niên qua.

Trên cơ sở nhận định, dự báo về tình hình trong nước và quốc tế trong thời gian tới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[2, tr.33]. Hơn nữa, Đảng xem đây là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[2, tr.33] để khẳng định đây là nguyên tắc sống còn trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Như vậy, về bản chất, lịch sử và lôgic, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin, chứ không hề có sự “khác biệt”, “đối kháng” nhau như các thế lực thù địch vẫn rêu rao. Do vậy, một mặt chúng ta cần tỉnh táo nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, mặt khác phải luôn kiên định, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là cách thức hữu hiệu để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay.

3. Đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch cho rằng không có tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh; cách mạng Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là lựa chọn tất yếu của lịch sử. Tuy nhiên, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc rằng, Hồ Chí Minh chỉ có quan điểm sâu sắc về giải phóng dân tộc nhưng hoàn toàn không có tư tưởng về chủ nghĩa xã hội. Chúng ngụy biện rằng, trong Di chúc của Hồ Chí Minh không hề nhắc đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, chúng vu khống, cáo buộc việc Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội là đi ngược lại ý nguyện của Hồ Chí Minh.

Thực tế là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, để đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột tàn bạo, vô nhân đạo, đấu tranh xóa bỏ nghèo nàn, “giặc dốt” và lạc hậu, nhằm tạo ra một xã hội mới theo mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt,cách tiếp cận sáng tạo, độc đáo về bản chất của chủ nghĩa xã hội cũng như các định hướng và động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh.Khi nói về bản chất của chủ nghĩa xã hội là phát hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa từ sự chung đúc tất cả những lý tưởng về giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Đồng thời, Người còn phát hiện một điểm rất quan trọng là, muốn đạt tới lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải thường xuyên chống lại chủ nghĩa cá nhân. Đối với Người, chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các cá nhân. Như vậy, đây là cách tiếp cận mới mà Người đã làm phong phú thêm hướng tiếp cận về chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội luôn luôn thể hiện tính thống nhất biện chứng giữa các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và đạo đức. Theo Người, "xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội"[4, tr.591]. Luận đề tổng quát đó được Người cụ thể hóa thêm "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh"[4, tr.226]. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo quan điểm Hồ Chí Minh - là sự lựa chọn duy nhất đúng, một đột phá lý luận rất cơ bản về con đường, mục tiêu và phương thức phát triển của cách mạng. Theo Người, trong hoàn cảnh một nước thuộc địa thì trước hết phải giành cho kỳ được độc lập dân tộc nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Muốn có độc lập, tự do thực sự thì phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[5, tr.563]. Về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội trong di sản Hồ Chí Minh, Giáo sư Shingo Shibata viết: “Một trong những cống hiến quan trọng của Cụ Hồ Chí Minh và của Đảng Lao động Việt Nam là đã đề ra lý luận về chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân. Theo tôi được biết, Đảng Lao động Việt Nam là đảng đầu tiên trong các đảng mác xít trên thế giới áp dụng lý luận này”[7].

Hay chỉ riêng trong bản Di chúc của Người có tới ba lần viết về cụm từ “chủ nghĩa xã hội”. Khi nói về Đoàn viên, thanh niên, Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng vừa “chuyên”[6, tr.622]; Chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong “là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[6, tr.617]; Người có ý định “thay mặt nhân dân đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu”[6, tr.621]. Không chỉ nhắc đến cụm từ “chủ nghĩa xã hội” mà điều quan trọng hơn, toàn bộ Di chúc chứa đựng tinh thần, tầm nhìn đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Kết luận

Cách mạng Việt Nam càng đi lên, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh càng được khẳng định thì các luận điệu xuyên tạc, chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh cũng thay đổi và ngày càng mở rộng, từ chủ thể cho đến nội dung, từ âm mưu, mục đích cho đến phương thức, thủ đoạn xuyên tạc. Vì vậy, hơn bao giờ hết toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch; tăng cường đoàn kết để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo:

[1] Cục Tuyên huấn (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

 [3] Võ Nguyên Giáp (chủ biên) (2016),  tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Tạp chí Rôkixi Hyôrông, số 232, Tôkyô, tháng 5-1969.

[8] Song Thành (2013), Hồ Chí Minh - Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb. Chính trị-Hành chính, Hà Nội.

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).