Thứ Ba, ngày 28/02/2023, 14:21

Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời kỳ 1930-1975 vào giai đoạn hiện nay

ĐẶNG MINH PHỤNG - NGÔ MINH VƯƠNG
Học viện Chính trị khu vực I - Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai

(GDLL) - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề trọng yếu, thường xuyên, liên quan trực tiếp đến sự sống còn của Đảng, sự bền vững của chế độ. Thời kỳ 1930-1975 chiến tranh gian khổ, Đảng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên đạo đức, kiên trung, bất khuất với bản lĩnh chính trị vững vàng. Bài viết tập trung làm rõ vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời kỳ 1930-1975 với việc luôn giữ vững Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng, luôn nêu cao tinh thần đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay.

Từ khoá: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đội ngũ cán bộ, đảng viên; thời kỳ 1930-1975; Việt Nam.

Ngày 7-4-1961, hơn 5.000 đồng bào xã X, tỉnh Bến Tre đã míttinh tẩy chay

trò hề bầu cử tổng thống lần thứ hai của Mỹ - Diệm

(Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đặt vấn đề

Thời kỳ 1930 - 1975, đất nước ở những năm tháng chiến tranh, khó khăn, gian khổ, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân dao động, chệch hướng, mất ý chí chiến đấu. Trong bối cảnh đó, Đảng đã rèn luyện được một đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt là người đứng đầu có bản lĩnh, tư duy chính trị sắc bén, trải nghiệm thực tiễn phong phú, có đạo đức cách mạng để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều sóng gió. Hiện nay, đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế, mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đã tác động đến tư tưởng chính trị và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó một bộ phận cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hơn lúc nào hết, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề rất cấp thiết, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, trong đó việc phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

1. Vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời kỳ 1930-1975

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn giữ vững chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng

Với tầm quan trọng của hệ tư tưởng, lý luận dẫn đường, ngay từ khi ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam được Hội nghị thành lập Ðảng (tháng 2/1930) thảo luận, thông qua đã khẳng định: Lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam; Về lý luận dẫn đường, Đảng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin[1, tr.2]. Như vậy ngay trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) đã thảo luận và thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Điều lệ mới xác định rõ Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, để giữ vững Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn coi trọng việc bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh quốc tế có những diễn biến phức tạp, đòi xét lại Chủ nghĩa Mác-Lênin. Những năm 50, 60 của thế kỷ XX, trên thế giới nổi lên chủ nghĩa cơ hội, xét lại chống lại Chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin là lỗi thời, lạc hậu, thậm chí xuyên tạc và vứt bỏ những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong tình hình đó, với tinh thần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, Nghị quyết Trung ương 9 khóa III (tháng 12-1963) về “Tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng” đã nhấn mạnh: “cần ra sức đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh là nguy cơ chủ yếu của phong trào cộng sản quốc tế, đồng thời chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa biệt phái, nắm vững những nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác-Lênin và bảo đảm vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có sáng tạo vào điều kiện cụ thể của thế giới và của mỗi nước”[3, tr. 732]. Đảng khẳng định đây là một một điều kiện rất quan trọng bảo đảm thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, giành thắng lợi lớn hơn nữa cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Với lập trường kiên định và rõ ràng, để bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, chống chủ nghĩa xét lại và các khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa khác, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã kiên cường đấu tranh, không nhượng bộ về nguyên tắc, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước những sóng gió của cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại sự chống phá của các phần tử phản động, cơ hội, Đảng luôn giữ vững đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, lý luận, lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch

Giai đoạn 1930-1945, Đảng tuy mới thành lập nhưng có một đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy lý luận sắc bén đã đấu tranh quyết liệt với thế lực tờrôtkít để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng. Trước tình hình nhóm tờrôtkít đã đề ra những chủ trương đối lập về chiến lược, sách lược với Đảng, đồng thời đưa ra những khẩu hiệu “tả” để lừa bịp, lôi kéo quần chúng, làm nhân dân lầm tưởng họ là những người cách mạng. Những người đứng đầu Đảng đã kịp thời phê phán và chống lại sự phá hoại của nhóm tờrôtkít ở Việt Nam. Tổng Bí thư Hà Huy Tập với bút danh Thanh Hương đã viết tác phẩm “Tờ-rốt-xky và phản cách mạng” xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1937, kiên quyết bảo vệ lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chiến lược, sách lược của Quốc tế Cộng sản, bảo vệ đường lối, chính sách củ̉a Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 7-1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm "Tự chỉ trích" nêu rõ bản chất và thủ đoạn của những phần tử tờrốtkít: “Bọn tờrốtkít, xét đến cốt tủy của chúng thì chúng chỉ gồm những cặn bã của phong trào nhóm họp nhau để chống cộng sản, chống cách mệnh, chia rẽ và phá hoại phong trào quần chúng”[2, tr. 627-628], “núp dưới bóng cờ cộng sản”, “nhiều khi mạo nhận là cộng sản để chia rẽ”, vì thế cần phải vạch trần mưu mô khiêu khích của phái tờrốtkít. “Tự chỉ trích” đã đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái của phái tờrốtkít tạo sự thống nhất về nhận thức về tư tưởng, chính trị và hành động trong toàn Đảng, góp phần quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ Đảng trước sự tấn công của các thế lực thù địch. Sự sắc bén về tư duy chính trị của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng. Tác phẩm có tác dụng rất quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng,thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh phê phán những khuynh hướng và quan điểm sai lầm, bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng.

Tinh thần và bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tiếp tục được phát huy và được thể hiện đậm nét xuyên suốt trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần độc lập sáng tạo, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện lập trường “tả khuynh”, “hữu khuynh”, những biểu hiện dao động về lập trường, quan điểm tư tưởng, thỏa hiệp vô nguyên tắc; tạo được sự thống nhất về quan điểm giai cấp, lập trường tư tưởng chính trị, về đường lối cách mạng, sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong Đảng. Một trong những nhà lý luận chiến lược của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết nhiều tác phẩm lý luận có giá trị: “Kháng chiến nhất định thắng lợi” (1947); “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” (1948); “Bàn về cách mạng Việt Nam” (1951)... Những tác phẩm của Tổng Bí thư Trường Chinh đã làm rõ những vấn đề lý luận căn bản nhất của cách mạng, đó là lý luận về việc vận dụng, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp với cách mạng Việt Nam; và làm rõ lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, góp phần làm phong phú hơn kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.

Giai đoạn 1954 - 1975, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã bám sát thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ vững sự lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ở miền Bắc, thông qua các cuộc vận động phát triển đảng viên như “Lớp đảng viên 6-1” (năm 1960), “cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh (năm 1970 - 1972), các cuộc chỉnh huấn lớn về tư tưởng như cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961... cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần vun đắp lý tưởng, động lực về tinh thần làm chủ Nhà nước, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, hăng hái phục vụ sản xuất, cần kiệm xây dựng Tổ quốc; kiên quyết phòng chống chủ nghĩa cá nhân, tham ô lãng phí, tác phong quan liêu mệnh lệnh, thái độ bảo thủ, rụt rè, cầu an hưởng lạc, ngại khó, ngại khổ, so bì đãi ngộ. Ở miền Nam, công tác chỉnh huấn tại Khu ủy miền Đông Nam Bộ tập trung vào việc “Không ngừng bồi dưỡng lập trường giai cấp, tinh thần cách mạng tiến công, kiên trì cách mạng, tự lực, tự cường, quan điểm bạo lực, quan điểm quần chúng, quan điểm thực tiễn, phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng quyết tâm cao, tác phong làm việc khẩn trương, chống mọi khuynh hướng hữu khuynh, nghỉ ngơi, xả hơi, tư tưởng chủ quan, cục bộ, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, gia trưởng, thiếu dân chủ, tự do, vô kỷ luật, công thần, địa vị và những biểu hiện tư lợi, tham ô, hủ hóa...[5]. Kết quả chỉnh huấn đã củng cố hơn nữa lập trường chiến đấu, quan điểm quần chúng, thấy rõ chỗ yếu và mâu thuẫn của địch; nắm vững đường lối chính sách, vận dụng phương thức phương châm thích hợp hơn; uốn nắn được một số khuyết điểm trước, qua đó vượt qua được mâu thuẫn khó khăn để bám vững địa bàn, bám trong quần chúng ở cả 3 vùng[4, tr.23]. Các cuộc vận động, chỉnh huấn có ý nghĩa rất lớn trong việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần làm chuyển biến về mặt tư tưởng của nhân dân, củng cố niềm tin, tạo sự hứng khởi và quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đất nước được thống nhất, non sông thu về một mối.

2. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay

Hiện nay, các thế lực thù địch liên tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để thực hiện các hoạt động chống phá gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xuất phát từ thực tiễn đó, để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, yêu cầu đặt ra cho mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ:

Một là, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt cần phải nêu gương, bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[6, tr.284]. Chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương phải càng lớn. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận, đạo lý của mỗi người đảng viên như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Cần đặc biệt chú trọng tiếp tục đề cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền[7]. Để bảo vệ Đảng trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị, phần tử xấu. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ bổn phận, trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phải nhận thức rõ rằng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, của cơ quan tuyên giáo, mà là trách nhiệm của chính mình. Phải biết rằng danh dự và uy tín của Đảng không hề tách rời danh dự, uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên và tất cả những ai đang phụng sự Đảng, phụng sự chế độ. Do đó, phải tuyệt đối tránh thái độ thờ ơ, xem như vô can khi bắt gặp những luận điệu xuyên tạc, đả kích nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững niềm tin khoa học vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi Chủ nghĩa Mác-Lênin như “cẩm nang thần kỳ”, “mặt trời chói lọi” soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường phát triển của đất nước. Trong thời đại ngày nay, Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà không một học thuyết nào có thể thay thế được. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng, phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ba là, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập lý luận, rèn luyện, nâng cao lập trường tư tưởng, nắm vững cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng. Đây là yêu cầu cần thiết để nâng cao khả năng “tự bảo vệ” của mỗi cán bộ, đảng viên trước những tác động và ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Đảng vững vàng vượt qua thử thách chỉ khi Đảng có một đội ngũ cán bộ, đảng viên được giáo dục, rèn luyện tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Thực tế những năm vừa qua cho thấy, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang dao động trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Vì vậy, cùng với sự giáo dục nghiêm túc của tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất đạo đức, cả về tư tưởng lý luận, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng; xây dựng ý thức kỷ luật, luôn có ý thức gắn bó chặt chẽ với quần chúng, lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể và quần chúng; thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự mình đấu tranh với chính mình trước mọi cám dỗ của tiêu cực xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường. Chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải xuất phát từ những hành động cụ thể gắn với công việc, cuộc sống hàng ngày; phải thực sự bản lĩnh về chính trị, tư tưởng, giữ nghiêm kỷ luật của tổ chức và gương mẫu về lối sống, không xa hoa, không lãng phí, không gây mất đoàn kết nội bộ, đồng thời cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần nhạy bén với thời cuộc, kịp thời nắm bắt tình hình, các tư tưởng phi mácxít du nhập vào Việt Nam tác động tiêu cực tới tư tưởng của đảng viên, nhân dân để đấu tranh, phản bác. Tiêu biểu cho cuộc đấu tranh này là bài viết của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về “Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam” tập trung chỉ rõ, phê phán những biểu hiện nguy hiểm, nguy cơ của chủ nghĩa dân túy, đưa ra các giải pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam. Trên tinh thần chung của Đảng, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ, đảng viên phải là trung tâm của trí tuệ, hạt nhân của sự đoàn kết, thống nhất ở địa phương, trong cơ quan công tác, phải luôn tỉnh táo phòng ngừa, chủ động đấu tranh phê phán mọi nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thù địch. Cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội vừa là một thành viên, vừa phải thực hiện được vai trò nêu gương của mình. Phải cẩn trọng khi tham khảo, sử dụng thông tin đăng tải trên mạng xã hội; những thông tin thiếu kiểm chứng về nguồn gốc. Phải hành động một cách lý trí khi đăng tải bài viết, like hoặc chia sẻ các liên kết và khi tham gia những cuộc thảo luận về các chủ đề trên mạng xã hội. Phải nâng cao ý thức cảnh giác với những thông tin xấu, độc và những biểu hiện tiêu cực, tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày, đồng thời phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch trên không gian mạng.

Kết luận

Trong bối cảnh khó khăn, gian khổ của những năm tháng chiến tranh, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy bản lĩnh chính trị vững vàng, tính kiên định cách mạng, tinh thần độc lập sáng tạo, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện “tả khuynh”, “hữu khuynh”, những ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội, cải lương, những biểu hiện dao động về lập trường, quan điểm tư tưởng, thỏa hiệp vô nguyên tắc; tạo được sự thống nhất về quan điểm giai cấp, lập trường tư tưởng chính trị, về đường lối cách mạng, sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong Đảng. Tinh thần ấy tiếp tục được phát huy trong giai đoạn hiện nay nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 24, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Khu ủy miền Đông Nam bộ (1966), Tổng kết tình hình miền Đông năm 1965, ngày 1-2, Hồ sơ số 250, Lưu tại Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai.

[5] Khu ủy miền Đông Nam bộ (1974), Nghị quyết Hội nghị Thường vụ Khu ủy miền Đông mở rộng (từ 22 đến 28-6-1974), hồ sơ số 392, Lưu tại Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Nguyễn Phú Trọng (2020), Bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phiên khai mạc, ngày 12-10-2020.

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).