Thứ Ba, ngày 28/02/2023, 14:54

Công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng Việt Nam hiện nay

TÔ THANH TUẤN
Học viện Chính trị - Bộ Quốc Phòng

(GDLL) - Công tác đảng, công tác chính trị là hoạt động nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn lực lượng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Bài viết nhận diện vị trí, vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng Việt Nam; đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong thời gian tới.

Từ khóa: Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia;Bộ đội Biên phòng; công tác đảng, công tác chính trị; Việt Nam.


Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị năm 2022 (https://www.qdnd.vn)

Đặt vấn đề

Biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Địa bàn biên giới, vùng biển có vị trí chiến l­ược quan trọng, là “tuyến đầu”, “cửa ngõ”, là “phên dậu” của mỗi quốc gia. Trong đó, chủ quyền, an ninh biên giới là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Thực tiễn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia Việt Nam luôn gắn liền với hoạt độngcông tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong Quân đội nói chung, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói riêng. Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Việt Nam trong tình hình mới đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và hiệu quả trong thực hiện CTĐ, CTCT trong BĐBP. Việc nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả CTĐ, CTCT trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của BĐBP hiện nay có ý nghĩa cấp thiết về lý luận và thực tiễn.

1. Nhận diện vị trí, vai trò công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng Việt Nam

Công tác đảng, công tác chính trị là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội; là công tác cơ bản của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn gần 80 năm qua trong xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã khẳng định CTĐ, CTCT giữ vị trí trọng yếu là “linh hồn, mạch sống của quân đội”. Bởi chất lượng, hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT quyết định chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo đảm cho Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó thắng lợi với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống...[6].

Qua đó, CTĐ, CTCT đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng. V.I. Lê-nin từng khẳng định: “Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất thì ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn. Ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”[3, tr.66]. Trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, CTĐ, CTCT đã góp phần quan trọng động viên bộ đội, nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng. Trong thời bình, công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận luôn được coi trọng, tập trung vào phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, nhận thức lệch lạc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhờ đó, trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội đặc biệt đối với BĐBP luôn được giữ vững; tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của CTĐ, CTCT trong Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chính ủy các cơ quan, đơn vị đã tập trung quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đúng đường lối của Đảng về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; đặc biệt việc chỉ đạo, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia. Ngoài ra, còn triển khai sâu, rộng đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng hiểu biết, nhu cầu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật về biên phòng của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới... các văn bản quy định chi tiết, giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027”, giai đoạn 1 (2022-2024).

2. Thực trạng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng Việt Nam

2.1. Kết quả đạt được

Nhìn chung, hoạt động CTĐ, CTCT trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của BĐBP thời gian qua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, hoàn thành toàn diện các nội dung theo kế hoạch và đột xuất; đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả, nhất là trong sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo. Trong đó, trọng tâm là tổ chức học tập các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 143/CT ngày 12/5/1992 của Tổng cục Chính trị về Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội; 15 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư về công tác tuyên truyền miệng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; tổng kết thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Quân ủy Trung ương.

Về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng: Đã triển khai toàn diện, tập trung vào xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; chủ động thông tin tích cực, tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đội ngũ BĐBP hiện nay giúp nhận thức đúng mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng, sức mạnh, phương thức bảo vệ Tổ quốc; nhạy bén về chính trị, chủ động, giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Đối với tiến độ triển khai tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam, Cục Chính trị BĐBP đã tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết, giai đoạn 2021-2025”; biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ tập huấn, tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng hiểu biết, nhu cầu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật về biên phòng của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới...

Về công tác xây dựng Đảng: Được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về CTĐ, CTCT; nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; hoạt động quốc phòng biên giới được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt và hiệu quả. Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; coi đây là khâu then chốt, nhân tố quyết định xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19; phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép; an ninh nông thôn, dân tộc, tôn giáo ở một số địa bàn biên giới: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương. Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt CTĐ, CTCT góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép” vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19.

2.2.  Hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT trong QĐND Việt Nam nói chung và BĐBP nói riêng vẫn còn hạn chế, thể hiện ở một số mặt sau:

Thứ nhất, một số bộ phận cán bộ, chiến sĩ BĐBP chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị, tình trạng ngại học lý luận còn phổ biến. Cá biệt, một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chỉ huy, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Thứ hai, năng lực tiến hành CTĐ, CTCTcủa một số cán bộ, nhất là các đơn vị cơ sở của BĐBP có mặt chưa ngang tầm. Việc đề xuất nội dung, hình thức trong công tác tư vấn, tham mưu về học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của cấp trên thời gian qua của một số cơ quan, đơn vị BĐBP chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sai phạm trong CTĐ, CTCT còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời, trong thi hành kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong thời gian tới

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào

tổ chức tuần tra song phương

(Ảnh: https://www.bienphong.com.vn)

Để nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của BĐBP Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cấp uỷ, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò tầm quan trọng của lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục “bệnh” lười học, ngại học lý luận chính trị. Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền cho mỗi cán bộ, đảng viên trong nâng cao ý thức, xác định việc học tập, bồi dưỡng lý luận vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của mình; là nhu cầu tự thân; học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tránh việc coi học lý luận chính trị chỉ nhằm mục đích đề bạt, bổ nhiệm. Tiếp tục thực hiện tốt đề án: “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Bộ Quốc phòng, phát huy hiệu quả của chương trình “Nâng cao nhận thức chính trị, trình độ pháp luật cho cán bộ, nhân dân và chiến sĩ biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động.

Hai là, nâng cao năng lực tham mưu cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trong công tác đảng, công tác chính trị tại các đơn vị cơ sở

Cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong quản lý, bảo vệ biên giới kiến thức về quốc phòng, an ninh, pháp luật về biên giới quốc gia, hoạt động tại địa bàn biên giới, cửa khẩu. Về biện pháp, cần đa dạng hóa các hình thức, cách thức tuyên truyền, giáo dục sát hợp với đối tượng, địa bàn. Tiếp tục thực hiện Đề án: “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” của Chính phủ. Ngoài ra, tổ chức triển khai quán triệt, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan đến biên giới quốc gia; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá, hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc ở khu vực biên giới.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí

Cần tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát thích ứng với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế và trong bối cảnh có nhiều vi phạm của đảng viên, của các tổ chức đảng ngày càng phức tạp, tinh vi. Các cấp ủy đảng tại đơn vị cơ sở ở khu vực biên giới cần coi trọng công tác dự báo tình hình vi phạm từ đó mà chủ động có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả. Cần chú trọng thực hiện tốt khâu nắm tình hình giám sát hoạt động của tổ chức đảng, cán bộ, chiến sĩ đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp để chủ động ngăn ngừa, phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha, chớm phát sinh vi phạm, không để vi phạm từ một người thành nhiều người.

Bốn là, cần kết hợp chặt chẽ các biện pháp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các nước láng giềng tôn trọng và chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị

Phối hợp, triển khai mô hình hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia của Việt Nam với lực lượng hữu quan của các nước láng giềng và các nước liên quan. Duy trì "đường dây nóng", tuần tra chung, luân phiên gặp gỡ, trao đổi thông tin; tổ chức diễn tập kết hợp xử lý tình huống phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và khu vực biên giới... Tăng cường quan hệ hợp tác với lực lượng chức năng của các nước và các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, phát hiện và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm mới sử dụng công nghệ cao, xuyên quốc gia, xuyên biên giới.

Kết luận

Bảo vệ biên giới quốc gia đặt trong tổng thể hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, quản lý với bảo vệ biên giới quốc gia, lấy xây dựng là trung tâm, quản lý, bảo vệ là trọng yếu, thường xuyên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở khu vực biên giới. Quán triệt tinh thần “Ở đâu có bộ đội, ở đó có hoạt động công tác đảng, công tác chính trị”, “Tất cả hướng về biên giới”, với việc đánh giá thực trạng về hạn chế, bất cập trong CTĐ, CTCT của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ BĐBP góp phần nâng cao hiệu quả CTĐ, CTCT trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong thời gian tới, xây dựng khu vực biên giới ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết 33 - NQ/TW ngày 28/9/2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va.

[4] Quốc hội (2003), Luật Biên giới quốc gia số 06/2003/QH11 ngày 17/6/2003.

[5] Quốc hội (2020), Luật Biên phòng Việt Nam số 66/2020/QH14 ngày 11/11/2020.

[6] Trịnh Văn Quyết (2022), Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, https://www.qdnd.vn

[7] Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng (2015), Công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Đọc thêm

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh mạng quốc gia và bảo vệ an ninh mạng quốc gia thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ là nhiệm vụ rất quan trọng, có tầm chiến lược. Phòng, chống tấn công mạng, tội phạm mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bài viết đi sâu khái quát quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh mạng quốc gia và đề xuất một số giải pháp chủ yếu thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về an ninh mạng và bảo vệ an ninh mạng quốc gia thời kỳ mới.