Thứ Ba, ngày 28/02/2023, 15:13

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay*

NGUYỄN THỊ THÙY LINH
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Với chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Bài viết phân tích thực trạng việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Từ khoá: Bí thư chi bộ; mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố;Quảng Ninh.

Cử tri thôn 2, xã Bằng Cả, bỏ phiếu bầu trưởng thôn nhiệm kỳ mới

(Ảnh: https://baoquangninh.vn)

Đặt vấn đề

Mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố là một người cùng lúc đảm nhiệm hai chức danh bí thư chi bộ thôn, bản khu phố và trưởng thôn, bản, khu phố. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trương tiếp tục thực hiện: “Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận ở những nơi có điều kiện”[1, tr. 185].

Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Với chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, bài bản, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực với những kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, một số hạn chế, khó khăn, cũng được nhận diện, cần những giải pháp cụ thể để khắc phục, tiếp tục thực hiện tốt mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh trong thời gian tới.

1. Chủ trương và thực trạng việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay

Trước năm 2016, ở tỉnh Quảng Ninh, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương còn một số hạn chế, bất cập, nhất là ở địa bàn dân cư đã được Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhận diện như:

Thứ nhất, nhiệm kỳ bầu trưởng thôn không thống nhất trong toàn tỉnh cũng như trong cùng địa phương; không đồng bộ với nhiệm kỳ đại hội chi bộ (trong khi nhiệm kỳ đều là 2,5 năm); khó khăn cho việc lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị công tác nhân sự bầu trưởng thôn và nhân sự chi ủy, bí thư, phó bí thư.

Thứ hai, tỷ lệ trưởng thôn chưa là đảng viên cao, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ có 32,8% số trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên; tỷ lệ chưa qua đào tạo cao (tỷ lệ trưởng thôn chưa qua đào tạo là 89,42%, tỷ lệ trưởng khu phố chưa qua đào tạo là 28,7%); bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố chỉ có 336 đồng chí, chiếm 21,8%[2, tr.73-76].

Thứ ba, vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của chi bộ còn mờ nhạt.

Thứ tư, còn tồn tại về nhận thức, rào cản về dòng tộc, cục bộ, phân quyền (đã làm trưởng thôn thì thôi bí thư; hoặc tư tưởng đồng chí bí thư chi bộ không muốn làm trưởng thôn - do sợ va chạm; hoặc trưởng thôn không muốn làm bí thư chi bộ vì ngại chưa có nghiệp vụ sinh hoạt chi bộ, nghị quyết, kiểm điểm...).

Xác định rõ tầm quan trọng đó, Tỉnh uỷ đã sớm ban hành và triển khai thực hiện Đề án: “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25); Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, nhằm đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Ngày 28/12/2016, Tỉnh uỷ Quảng Ninh ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiệnChỉ thị số 12-CT/TU, về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”,thể hiệnquyết tâm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu tại 100% thôn, khu ở Quảng Ninh:

i) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, tin tưởng làm theo.

ii) làm tốt công tác tư tưởng đối với những đồng chí thôi giữ chức vụ bí thư chi bộ hoặc trưởng, phó thôn.

iii) chỉ đạo thống nhất công tác chuẩn bị nhân sự chi ủy, trưởng thôn, hướng dẫn đại hội chi bộ, nhất là chi bộ thôn.

iv) phân công cán bộ phụ trách, theo dõi từng địa bàn nắm tình hình, tiến độ, hướng dẫn nghiệp vụ và phối hợp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai Chỉ thị, nhất là những vướng mắc trong công tác bầu trưởng thôn.

v) các địa phương đã rà soát từng thôn trên địa bàn, từng chi bộ; trên cơ sở thực tiễn và nhân sự hiện có, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị đồng thời là bí thư chi bộ.

vi) vận dụng linh hoạt trong việc điều động cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã cư trú trên địa bàn để thực hiện kiêm nhiệm trưởng thôn hoặc bí thư, phó bí thư chi bộ.

vii) chủ động bồi dưỡng, tạo nguồn quần chúng có năng lực, uy tín, có khả năng làm trưởng thôn để kết nạp vào Đảng tiến tới thực hiện nhất thể chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đến hết tháng 6/2017 các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã hoàn thành công tác bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố với kết quả cao: Trưởng thôn là đảng viên 1.558/1.565 (99,6%); bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở 1.513 (96,7%). Năm 2020, 100% trưởng thôn là đảng viên; 1.540/ 1.542 (99,9%) bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn[3].

Nhìn chung, cán bộ và nhân dân trên địa bàn đánh giá cao những lợi ích tích cực do mô hình mang lại. Đối với câu hỏi về ưu điểm của mô hình, đối tượng được hỏi là bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố thể hiện sự đồng tình cao với những ưu điểm được đề xuất, các ưu điểm đều đạt trên 50%. Nhiều ưu điểm đạt trên 90%, có ưu điểm đạt 98%, chứng tỏ những ưu điểm này đã biểu hiện rõ nét trong thực tiễn.

Đánh giá về những ưu điểm này trong thực tiễn, đối tượng 2 đánh giá rất tích cực, hầu hết các ưu điểm của mô hình trong thực tế đều Đạt hoặc Vượt kỳ vọng. Những ưu điểm được đánh giá “Vượt kỳ vọng” có tỷ lệ cao nhất là: Nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy rõ nét hơn vai trò của bí thư và tổ chức đảng ở thôn, bản, khu phố với tỷ lệ 47,4%; đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn cũng với tỷ lệ 47,4%; phát huy tốt hơn dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ 41,7%; nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy rõ nét hơn vai trò của bí thư và tổ chức đảng ở thôn, bản, khu phố với tỷ lệ 37,6%.

Biểu đồ: Kết quả khảo sát đánh giá của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về ưu điểm mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố trong thực tiễn

NguồnNguyễn Thị Thuỳ Linh (2022), Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay, Đề tài khoa học cấp cơ sở, mã số ĐTCS.11.22, Học viện Chính trị khu vực I, Hà Nội

Với những kết quả tích cực từ việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, ngày 18/02/2021, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về Tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng, thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025; Kế hoạch số 129-KH/TU ngày 02/3/2022 về “Tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng thôn, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025”. Với chủ trương, quan điểm nhất quán và sự chuẩn bị chu đáo, Quảng Ninh đã hoàn thành mô hình “Dân tin - Đảng cử", giữ vững 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố[4].

Như vậy, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh thời gian vừa qua đã đạt được ưu điểm sau: i) bảo đảm quan điểm của Đảng, nghị quyết, chủ trương, phương châm, mục tiêu mà Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã xác định; ii)100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố được bầu đã bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện đối với hai chức danh và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; iii)vai trò lãnh đạo của chi bộ được tăng cường, đã phát huy được vai trò chủ động, năng động, sáng tạo, hiệu quả hoạt động của thôn, bản, khu phố, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh cũng còn một số hạn chế, khó khăn nhất định: i) khối lượng và áp lực công việc lớn đối với một người đảm nhiệm hai chức danh; ii) vẫn còn tồn tại nguy cơ lẫn lộn vai trò bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản, khu phố; nguy cơ độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ; mô hình khó hoạt động đối với những thôn, bản, khu phố khó khăn, phức tạp; iii) một số đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố còn lúng túng, bị động trong thực hiện nhiệm vụ. Những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Một là, xuất phát từ nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, nhân dân ở thôn, bản, khu phố về mô hình thời gian đầu thực hiện mô hình còn hạn chế; Hai là, xuất phát từ phía nhân sự đảm nhiệm chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố; Ba là, mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố là mô hình mới, không có chỗ tham khảo; chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể; chế độ, chính sách còn nhiều vướng mắc, khó khăn và một số nguyên nhân khách quan khác: Ảnh hưởng từ tâm lý, thói quen, tập quán... của người dân địa phương, đặc điểm tình hình địa phương phức tạp, khó khăn; Yêu cầu thực tiễn đặt ra ngày càng cao đối với nhiệm vụ ở thôn, bản, khu phố.

2. Một số kinh nghiệm rút ra từ việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh Quảng Ninh và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới

Qua thực trạng có thể rút ra một số kinh nghiệm trong thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh Quảng Ninh: Thứ nhất, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp, sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh; Thứ hai, cách làm bài bản, khoa học, chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ dân phố; Thứ ba, thực hiện dân chủ hóa trong các khâu, các bước trong việc thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố; Thứ tư, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ thôn, bản, tổ dân, khu phố.

Để tiếp tục thực hiện tốt mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ, các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Nâng cao nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các thôn, bản, khu phố của Tỉnh về tính ưu việt của mô hình và những kết quả việc thực hiện mô hình ở Tỉnh, tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo quyết tâm cao, động lực mạnh mẽ để thực hiện.

Nêu cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố; Phát huy trách nhiệm của cán bộ được bầu giữ chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố trong thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, chủ động xây dựng, ban hành các quy định, quy chế, chỉ thị... nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Mô hình bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố là mô hình mới, chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể, chưa quy định thống nhất của Trung ương về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ thôn... là những khó khăn hiện có trong thực hiện mô hình.

Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Chi bộ, tổ chức đảng ở cơ sở thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch, giới thiệu nhân sự cho chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố; tiếp tục thực hiện phương châm “Dân tin, Đảng cử” trong công tác bầu cử bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản, khu phố; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố thích ứng với mô hình; Cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục chủ động mở các lớp cập nhật kiến thức cho các đồng chí trong diện quy hoạch và đương chức về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung có liên quan đến thôn, bản, khu phố. Áp dụng các biện pháp như đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp, qua các phong trào, Hội thi kỹ năng, nghiệp vụ...

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương và nhân dân trong thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại thôn, bản, khu phố ở tỉnh Quảng Ninh trong ủng hộ, đồng thuận tạo điều kiện thực hiện mô hình cũng như giám sát, phản biện nhằm nâng cao chất lượng thực hiện mô hình. Phát huy vai trò của Nhân dân trong bầu cử, lựa chọn Trưởng thôn, bản, khu phố và giám sát hoạt động của bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ các cấp đối với hoạt động của bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Cấp uỷ tiếp tục ban hành nghị quyết, chủ trương; các quy chế, quy định; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, cơ quan chính quyền quán triệt và triển khai thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Tiếp tục quán triệt cấp uỷ đảng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, rõ ràng, dứt khoát và có lộ trình thực hiện cụ thể. Các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện; giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định hướng hoạt động của đội ngũ bí thư đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Sáu là, cải thiện chính sách, chế độ đãi ngộ, đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật hợp lý đối với bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn

Tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục duy trì và phát huy kinh nghiệm của tỉnh trong thực hiện chính sách cán bộ, nhất là chính sách đãi ngộ - một trong những giải pháp cần được chú trọng ngay trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế, trong đó có việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa bí thư chi bộ với trưởng thôn bản, tổ dân, khu phố. Về chế độ chính sách, tỉnh vận dụng tối đa các quy định của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ cán bộ cấp cơ sở yên tâm công tác, nâng cao hiệu quả công tác. Trong chế độ chính sách, bên cạnh cơ chế hỗ trợ, phụ cấp còn có việc thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho bí thư chi bộ, đồng thời là trưởng thôn, khu phố. Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần chú ý quan tâm thực hiện chính sách khen thưởng, kỷ luật trong thực hiện mô hình, tiếp tục thực hiện tốt Quy định về khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên.

Chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật hợp lý là yêu cầu cần thiết để thực hiện tốt mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, đặc biệt là trong công tác bầu cử.

Kết luận

Đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, Kết quả khảo sát của đề tài cho biết: hầu hết những người được hỏitrả lời Có nên nhân rộng mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ra các địa phương khác trên cả nước? Điều này cho thấy với những lợi ích trước mắt và lâu dài của mô hình, những kết quả tích cực trong thực tiễn, mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đã và đang được cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao. Những người được hỏi cũng cho biết: khi nhân rộng cần chú ý đến nhiều yếu tố, điều kiện thực tế của địa phương như địa bàn, số lượng và chất lượng nguồn nhân sự, nhận thức của người dân địa phương...

* Bài viết là kết quả nghiên cứu khoa học từ đề tài cơ sở phân cấp 2022: “Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay”, mã số CS.11-22.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Nguyễn Xuân Ký (2020), "Bài học về “Dân tin - Đảng cử” trong triển khai thành công mô hình “Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” ở tỉnh Quảng Ninh", Tạp chí Cộng sản (956).

[3] Duy Phương (2020), Đại hội đảng bộ các cấp ở Quảng Ninh: Một số kết quả nổi bật, http://www.xaydungdang.org.vn

[4] Nguyễn Thanh (2022), 100% các chi bộ thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh hoàn thành Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025, https://baoquangninh.com.vn

[5] Tỉnh uỷ Quảng Ninh (2022), Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025”, Quảng Ninh.

Đọc thêm

KINH NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH CẤP XÃ ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG - GIÁ TRỊ THAM KHẢO CHO TỈNH NAM ĐỊNH

Tác giả: Trần Thị Thanh Mai - Lại Sơn Tùng

(GDLL) - Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, tỉnh Nam Định cùng các địa phương khác đã và đang tích cực triển khai xây dựng bộ tiêu chí trên. Bài viết làm rõ thực tiễn xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương, qua đó gợi mở một số giá trị tham khảo cho tỉnh Nam Định trong việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tác giả: PGS, TS NGUYỄN VĂN SỰ - NGUYỄN HOÀNG ANH

(LLCT) - Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, nhằm khai thác, phát huy lợi thế của vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế sau 15 năm Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 37, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm để vận dụng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII trong thời gian tới.

Vai trò "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết" của ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên

Tác giả: MÙA A SƠN

(TG) - Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác Tuyên giáo phải tiếp tục đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” đối với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước; phải luôn nỗ lực, chủ động, có nhiều phương thức sáng tạo, tăng khả năng dự báo, góp phần ổn định chính trị, tạo tiền đề để tỉnh Điện Biên phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm...

Bình Phước: Những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Tác giả: VŨ TIẾN ĐIỀN

(TG) - Sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục được nâng lên rõ rệt, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Củng cố niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay

Tác giả: NGUYỄN VĂN KIỀU

(GDLL) - Từ khung lý thuyết về niềm tin của người dân đối với dịch vụ công, qua kết quả khảo sát người dân và tổ chức trong sử dụng dịch vụ công ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, bài viết đã phân tích, đánh giá thực trạng niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực này, chỉ ra những biểu hiện tích cực và những biểu hiện làm suy giảm niềm tin của người dân đối với dịch vụ công. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, thúc đẩy những yếu tố tích cực góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay.