Thứ Ba, ngày 28/02/2023, 15:34

Giải pháp thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19

NINH THỊ MINH TÂM
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Đại dịch Covid-19 đã tạo ra cú sốc đối với nền kinh tế Việt Nam và tác động tiêu cực đến “sức khỏe”, tiềm lực và khả năng chống chịu của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bài viết tập trung phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm tăng “sức bền” và hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.

Từ khóa: Chính sách hỗ trợ tài chính; doanh nghiệp; đại dịch Covid-19; Việt Nam.

Việc đồng bộ hóa các giải pháp với nội dung thiết thực

nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là cần thiết

(https://baochinhphu.vn)

Đặt vấn đề

Từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Theo số liệu thống kê năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 13,4%, vốn đăng ký giảm 27,9% và số lao động làm việc trong các doanh nghiệp giảm 18,1% so với năm 2020. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm 2020; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường[5]. Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ tài chính đã được kịp thời ban hành và thực hiện, đã góp phần tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Việc đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ tài chính là cần thiết, là điều kiện tiên quyết giúp các doanh nghiệp vượt khó và phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.

1. Các chính sách hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19

Trước những khó khăn, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ đã đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp thông qua nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khác nhau. Trong đó các chính sách hỗ trợ tài chính được ban hành và thực hiện, kịp thời “cứu sống” nhiều doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp “vượt khó”, qua đó góp phần ổn định xã hội, duy trì phát triển kinh tế, củng cố niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp vào Đảng và Nhà nước, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, trong năm 2020 giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp theo quy định; giảm 50% lệ phí trước bạ, gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến sản xuất kinh doanh, vận tải... nhằm hỗ trợ thị trường, kích cầu tiêu dùng và giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

Ngày 29/5/2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với các giải pháp cụ thể như giảm tiền thuê đất; miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31/12/2019; giảm giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 đến tháng 9/2020; giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;...

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; phạm vi áp dụng gia hạn rộng hơn so với năm 2020, gồm tất cả các doanh nghiệp thuộc hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.

Ngày 9/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bao gồm 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 4 nhóm trong đó có nhóm nội dung về hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, thực hiện việc cắt giảm tiền điện, tiền cước bưu chính viễn thông, mức đóng bảo hiểm xã hội; miễn tiền phạt nộp chậm bảo hiểm xã hội; giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, hạ lãi suất cho vay);... theo quy định.

Ngày 27/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc miễn, giảm thuế năm 2021, Nghị định số 104/2021/NĐ- CP ngày 4/12/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, cụ thể: thời gian nộp thuế phát sinh của tháng 10/2021 được gia hạn đến hết ngày 20/12/2021; của tháng 11/2021 được gia hạn đến hết ngày 30/12/2021. Trong thời gian được gia hạn, doanh nghiệp không phải nộp tiền chậm nộp thuế hay nói cách khác, doanh nghiệp được mượn tiền thuế mà không phải trả lãi.

Ngoài việc thực hiện các hỗ trợ về gia hạn nộp thuế, Chính phủ cũng đã ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ tài chính khác cho doanh nghiệp. Ngày 25/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/ QĐ-TTg với nội dung thực hiện giảm 30% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021 cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất dưới hình thức trả tiển thuê đất hàng năm. Cùng với việc triển khai Nghị quyết số 105, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 theo trình tự thủ tục rút gọn về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các loại xe ô tô được sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, thời gian giảm là 6 tháng áp dụng đối với các loại xe ô tô, kể cả xe đầu kéo có rơ-moóc được kê khai theo đăng ký nộp lệ phí trước bạ kể trừ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết 43/2022/ QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 triển khai thực hiện việc miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, trong đó có hướng dẫn giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022 đối với các hàng hóa, dịch vụ theo quy định.

2. Thực trạng thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp

2.1. Các kết quả tích cực

Về thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất: Năm 2020, đã thực hiện khoản hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất khoảng 129.000 tỷ đồng. Năm 2021, đã thực hiện gia hạn số tiền thuế đạt khoảng 121.000 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2021, đa số các doanh nghiệp được gia hạn đã thanh toán xong tiền thuế được gia hạn và trong những ngày đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp thuộc diện được giảm thuế 30% đã làm xong thủ tục kê khai[4].

Về thực hiện giải pháp hỗ trợ giảm phí, lệ phí: Đã rà soát lại các khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp để cắt giảm mức thu trên 30 loại phí và lệ phí, ước giảm khoảng 1.000 tỷ đồng[4]. Bên cạnh đó, với việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021, số tiền hỗ trợ giảm thuế đối với ngành hàng không đạt khoảng 900 tỷ đồng; việc cho phép tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống đại dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho năm 2020 và 2021 đã giúp doanh nghiệp, các tổ chức tiết kiệm khoảng 170 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, việc giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động... cũng đã có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp và phù hợp với các cam kết, xu hướng chung quốc tế[3].

Về hỗ trợ tín dụng: Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm 3 lần một loạt lãi suất điều hành như lãi suất tiền gửi, lãi suất qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất cho vay, lãi suất tái chiết khấu..., cụ thể: đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng thương mại từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; điều chỉnh lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua OMO từ 3%/năm xuống 2,5%/năm; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này từ 6%/năm xuống 5,5%/năm...[7]

Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, hạ lãi suất cho vay: Đến hết tháng 8/2021, đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với tổng dư nợ là 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch từ 23/01/2020 là khoảng 520 nghìn tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay đối với 1.133.194 khách hàng với dư nợ khoảng 1.584 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi mà các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng là khoảng 26.000 tỷ đồng[1].

Các kết quả trên đã góp phần tạo niềm tin, tâm thế phấn khởi và quyết tâm “vượt khó” cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất kinh doanh và phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 9/2022, cả nước có 163,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Qua đó, giúp cho nền kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022; các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng[6].

2.2 Các khó khăn, hạn chế

Thứ nhất, thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế

Theo khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên 500 doanh nghiệp vào tháng 8/2021, chỉ có 35,29% doanh nghiệp được khảo sát đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ về thuế của Chính phủ. Điều này đã phản ánh những khó khăn và bất cập trong triển khai thực hiện của các gói hỗ trợ của Chính phủ về thủ tục hành chính, về quy trình xét duyệt và thẩm định, về các điều kiện để được hưởng, về thời gian xử lý...

Trong số các doanh nghiệp nêu trên, chỉ 15,69% cho là tiếp cận dễ dàng, trong khi khoảng gần 20% cho là tiếp cận khó và rất khó. Về mức độ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, chỉ có 9,3% số doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ về thuế cho rằng đã đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của doanh nghiệp về thuế, trong khi đó số doanh nghiệp còn lại (chiếm hơn 90%) cho rằng chỉ mới đáp ứng được một phần hoặc rất ít nhu cầu của họ. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính. Trong số các doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ về thuế, chỉ có 3,27% số doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ về thuế có tác động mạnh đối với doanh nghiệp, trong khi đó có tới 24,16% số doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ này có tác động trung bình và có 7,84% cho rằng sự hỗ trợ về thuế có tác động thấp[2].

Thứ hai, thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn/tín dụng

Theo Kết quả khảo sát của VCCI, chỉ có 30,72% doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ về vốn/tín dụng (gồm vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất vay...) của Chính phủ. Trong đó, ngành xây dựng có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về vốn/tín dụng cao nhất (chiếm 45,45%) và thấp nhất là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp (với tỷ lệ 25,45%). Cũng giống như các gói hỗ trợ thuế, các gói hỗ trợ vốn/tín dụng mặc dù cũng đã có giải ngân được cho doanh nghiệp nhưng tình trạng vẫn còn chậm có thể do những yêu cầu về thủ tục, điều kiện chứng minh... đối với doanh nghiệp. Về mức độ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đối với gói hỗ trợ về vốn/tín dụng, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (0,65%) là đáp ứng được toàn bộ yêu cầu của doanh nghiệp, còn lại 25,49% số doanh nghiệp cho biết chỉ mới đáp ứng được một phần và 4,6% cho biết chỉ đáp ứng được rất ít yêu cầu của doanh nghiệp. Về mức độ tác động của gói hỗ trợ về vốn/tín dụng đối với doanh nghiệp, phần lớn là tác động ở mức trung bình (chiếm 21,57%) và thấp (chiếm 5,88%), trong khi chỉ có 3,27% số doanh nghiệp cho biết là có mức tác động cao. Đa số ý kiến của các doanh nghiệp cho thấy phạm vi và mức độ tác động của gói hỗ trợ về vốn/tín dụng đối với doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế[2].

Thứ ba, thực hiện gói hỗ trợ về an sinh xã hội (ASXH)

Gói hỗ trợ về ASXH đối với doanh nghiệp chủ yếu là cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động, hỗ trợ người lao động, giảm và lùi thời gian đóng góp các quỹ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đóng quỹ công đoàn. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, chỉ có 23,53% số doanh nghiệp đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ về ASXH của Chính phủ. Trong số các doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ về ASXH, chỉ 9,15% cho là tiếp cận dễ dàng, còn gần 17,0% cho là tiếp cận khó và rất khó. Một số rào cản trong tiếp cận gói ASXH gồm khoảng cách giữa chính sách được ban hành và thực tiễn triển khai vẫn còn rất lớn; thủ tục rườm rà, mất thời gian; khó khăn trong xác định đối tượng được hưởng trên thực tế cũng như điều kiện để nhận hỗ trợ... Về mức độ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (1,13% số doanh nghiệp) cho là đáp ứng được toàn bộ yêu cầu của doanh nghiệp, còn lại 24,85% số doanh nghiệp cho biết chỉ mới đáp ứng được 1 phần hoặc đáp ứng rất ít yêu cầu của doanh nghiệp[2].

3. Một số giải pháp, kiến nghị

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022, trong đó chú trọng xây dựng và thực hiện các giải pháp triển khai thực hiện hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, cụ thể:

- Thực hiện việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo quy định: đối với một số loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, lệ phí trước bạ và tiếp tục rà soát, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí khác...

- Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

- Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực theo qui định.

- Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với các giải pháp phù hợp với diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ.

Thứ hai, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới rộng hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp để dự trữ nguyên liệu, hàng hóa, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm, doanh nghiệp sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế; nâng hạn mức định tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động lên mức cao hơn, có thể ở mức 80-85%. Cần thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện cho các doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ,... được vay và huy động vốn dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung thực hiện việc miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí sau cho doanh nghiệp: Ngoài việc thực hiện miễn nộp phí công đoàn cho đoàn cho người lao động, giảm phí công đoàn cho doanh nghiệp năm 2021, 2022 theo Nghị quyết 105/NQ-CP, cần sớm thực hiện sửa đổi Luật Công đoàn theo hướng giảm phí công đoàn doanh nghiệp phải nộp ít nhất 50% so với quy định hiện hành; Mở rộng đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ, xem xét bổ sung các chính sách hỗ trợ giảm 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Tăng mức hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất ở mức cao hơn. Ngoài ra, cần rà soát lại tất cả các loại phí, lệ phí đang áp dụng để có biện pháp miễn, giảm các loại phí, lệ phí này hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; Xem xét hỗ trợ hoặc điều chỉnh một số chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng giảm như: điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trong nước, chương trình về xúc tiến thương mại điện tử. Lùi thời điểm tăng giá thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh...

Thứ tư, tăng cường phổ biến tuyên truyền và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong triển khai thực hiện hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, cụ thể:

- Cần tổ chức quán triệt sâu, rộng ở tất cả các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp về các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh để các cấp, ngành tập trung thực hiện chủ động, kịp thời, đảm bảo tính thống nhất. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp nắm được thông tin để chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi nhận các hỗ trợ.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh khi triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ tài chính doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo ngăn chặn tình trạng “xin-cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực cho doanh nghiệp.

- Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

- Cần giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết để giảm thời gian, chi phí trong triển khai thực hiện, đơn giản hóa các tiêu chí và

điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Theo đó, có thể cân nhắc thực hiện hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp theo một số tiêu chí như sụt giảm về doanh thu và người lao động, tăng chi phí để khắc phục ảnh hưởng do Covid-19 gây nên...

Kết luận

Đại dịch Covid-19 diễn ra đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và tới hoạt động của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính đã được thực hiện, góp phần giúp doanh nghiệp bước đầu vượt qua khó khăn, dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được vẫn còn những thách thức, khó khăn không nhỏ trong chặng đường tiếp theo nên các doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ mọi mặt từ phía Nhà nước, trong đó các giải pháp hỗ trợ tài chính là quan trọng và cần được tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Báo cáo tình hình triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua (Báo cáo phục vụ Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 26/9/2021 tại Hà Nội), Hà Nội.

[2] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2021), Báo cáo tình hình và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp (Phục vụ Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp), Hà Nội.

[3] Nguyễn Minh Phong (2021), Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19…!, https://baochinhphu.vn

[4] Thanh Tùng (2022), Nhìn lại cơ chế hỗ trợ thuế và các khoản thu ngân sách trong phòng, chống dịch Covid-19, https://baotainguyenmoitruong.vn

[5] Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội quí IV và năm 2021, https://www.gso.gov.vn

[6] Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quí III và 9 tháng đầu năm 2022, https://www. gso.gov.vn

[7] Phạm Thị Tường Vân (2021): “Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19”, https://tapchitaichinh.vn

Đọc thêm

Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du lịch ở nước ta

Tác giả: TS. Bùi Hồng Thanh

(LLCTTTĐT) Du lịch đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao mức sống cho người dân và được cụ thể bằng quan điểm Đảng và Nhà nước ta phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, những quan điểm về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là bệ phóng để nhiều địa phương trong cả nước từng bước mạnh dạn khai thác và phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, khai thác những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch nói chung ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này phần nào được lý giải trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Do đó, việc nhận diện khách quan những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để có những định hướng nhằm khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Khơi thông mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Tác giả: PGS. TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là sứ mệnh vô cùng vẻ vang nhưng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa từ Trung ương tới cơ sở”, đồng thời “huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa”.

Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền

Tác giả: TSKH. Đặng Huy Trinh

(TG) - Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới

Tác giả: PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa - TS Nguyễn Văn Dương

(LLCT) - Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng xây dựng, vun đắp. Bài viết khái quát mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào theo phương châm “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ

Tác giả: Bảo Châu

(TG) - Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng đối với việc củng cố uy tín, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên; góp phần tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên làm nền tảng xây dựng đạo đức công vụ là yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.