Thứ Tư, ngày 15/03/2023, 15:09

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII

MAI CHI
Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp

(GDLL) - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học, công nghệ là một trong những mục tiêu chiến lược đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt sâu sắc, nhất là trong giai đoạn cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ. Bài viết làm rõ một số thành tựu và hạn chế trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội; quan điểm của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Đại hội XIII. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quan điểm tại Đại hội XIII của Đảng.


Trong điều kiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, muốn thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện đất nước đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Lĩnh vực KHCN và ĐMST ở Việt Nam thời gian qua đã đạt nhiều kết quả to lớn tuy nhiên còn tồn tại những hạn chế. Thực trạng đó đã và đang đặt ra yêu cầu cần phải quán triệt và vận dụng tốt hơn nữa các chủ trương của Đảng được đề ra tại Đại hội XIII để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả ứng dụng KHCN và ĐMST trong các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội trong bối cảnh hiện nay.

1. Một số thành tựu và hạn chế của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội

Theo Luật Khoa học công nghệ Việt Nam 2013: “Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ”[7].

Phát triển KHCN bao gồm tất cả các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng. Trong đó sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ hiện có, tạo ra công nghệ mới để đưa vào sản xuất và đời sống phục vụ con người với năng suất, hiệu quả cao hơn.

Đổi mới sáng tạo: Là việc ứng dụng thành tựu đã đạt được hoặc tạo ra công nghệ, kỹ thuật mới, tạo ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong sản xuất cũng như tối ưu hóa quá trình quản lý ở mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội. ĐMST là một yêu cầu cần thiết để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao.

Thành tựu

Hướng trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế_Nguồn ảnh: https://hdll.vn/

- Về KHCN:

Khoa học, công nghệ phát triển tác động mạnh mẽ tới các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần lớn thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. Các ngành dịch vụ có tiềm năng lợi thế, có hàm lượng KHCN cao được tập trung phát triển. Cụ thể:

Về lĩnh vực công nghiệp: Giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020[4]. Trong công nghiệp, KHCN đã chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp...

Về lĩnh vực nông nghiệp: KHCN giúp các ngành địa phương chọn tạo, công nhận chính thức 32 giống cây trồng, vật nuôi, 36 tiến bộ kỹ thuật, trong đó 2 giống lúa được sản xuất quy mô lớn; nghiên cứu thành công việc sinh sản nhân tạo nhiều nguồn gen thủy sản có giá trị kinh tế cao...

Trong những năm qua, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Điển hình như các cơ chế về nguồn vốn tài chính, thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực phát triển KHCN: Nhiều dự án đầu tư lớn được triển khai tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Số vốn đăng ký và giá trị sản xuất của 3 khu công nghệ cao quốc gia đều tăng. Cơ cấu chi cho KHCN đã có sự thay đổi theo xu hướng tích cực: Chi từ ngân sách nhà nước là 52%; từ doanh nghiệp tăng lên 48%[5]. Nguồn nhân lực KHCN được đào tạo tăng cả về số lượng và chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Theo báo cáo thống kê, KHCN đã có những đóng góp quan trọng khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới[5].

- Về ĐMST:

Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay đang có những bước phát triển vượt bậc. Kể từ năm 2015, chỉ số ĐMST của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể khi tăng 10 bậc. Trong bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế sau khi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam[3]. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới tăng nhanh... Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo[2].

Số lượng bài báo ISI (Thống kê trên ISIKNOWLEDGE) của Việt Nam tăng đều hàng năm. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Tốc độ tăng trưởng bình quân công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 là 25,68%/năm. Tại Đông Nam Á, giai đoạn này, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam đứng thứ 5 với tổng số 48.366 công bố, xếp sau Thái Lan với 87.971 công bố. Trong năm 2020 công bố quốc tế của Việt Nam có xu hướng tăng mạnh, khi số lượng công bố của 10 tháng đầu năm đã vượt 16% so với năm 2019[4].

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo nhằm thúc đẩy ĐMST trên mọi lĩnh vực: ĐMST đã được xác định là một trong những yếu tố then chốt để phát triển kinh tế - xã hội. Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST đến năm 2030 đã nêu rõ: Xây dựng và phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST quốc gia, các trung tâm ĐMST vùng, ngành, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết ĐMST với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu.

Hạn chế

Trước hết là về cơ chế, chính sách. Cơ sở pháp lý hỗ trợ cho KHCN, ĐMST còn nặng về thủ tục hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ ở các cơ sở giáo dục nặng về lý thuyết, thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn đầu tư cho KHCN còn thấp, chưa thực sự hiệu quả.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số, đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại những áp lực cạnh tranh giữa các nước trên thế giới nhưng chỉ số phát triển KHCN, ĐMST của Việt Nam chưa cao. KHCN chưa thực hiện đầy đủ vai trò “quốc sách hàng đầu”, chưa thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất: “Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế”[1, tr.80].

Một số chỉ tiêu lớn về KHCN chưa đạt được yêu cầu, như đến năm 2020, KHCN Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; chưa thực sự có giải pháp đột phá trong phát triển nội bộ ngành.

2. Quan điểm của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Đại hội XIII

Thứ nhất, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ phát triển công nghiệp phụ thuộc sang nền công nghiệp sáng tạo đổi mới, chủ động làm chủ công nghệ Nền công nghiệp ở Việt Nam về cơ bản còn chậm phát triển, chủ yếu hoàn thiện ở những khâu cuối cùng của việc sản xuất sản phẩm. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài”[1, tr.211]. Do đó, khắc phục được sự phụ thuộc, đẩy mạnh ĐMST và áp dụng công nghệ mới sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa hệ thống dây chuyền sản xuất sản phẩm, nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Đại hội XIII chủ trương, “thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[1, tr.121].

Thứ hai, chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số, dựa trên nền tảng tri thức

Chuyển đổi sang nền kinh tế số dựa trên nền tảng tri thức ở giai đoạn hiện nay là một trong những điểm mới đặc biệt quan trọng của Đại hội XIII. Đại hội XIII chủ trương “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”[1, tr.115], trong đó con người hay tài nguyên trí tuệ là nền tảng cốt lõi, doanh nghiệp phải là trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số là sự tối ưu hóa không giới hạn mọi khâu, mọi quy trình sản xuất. Do vậy, nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quyết định tăng năng suất lao động, lợi thế cạnh tranh trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, Internet vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội[6].

Thứ ba, thúc đẩy quá trình đột phá đổi mới sáng tạo nhờ nền tảng tri thức

Đại hội XIII xác định vai trò quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với quá trình phát triển ở Việt Nam: Nếu tận dụng thời cơ thuận lợi, học hỏi và ứng dụng thành quả công nghệ của các nước tiên tiến thì ở một số lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh, Việt Nam có thể phát triển “đi cùng”, phấn đấu “vượt trước”. Đại hội XIII cũng đưa ra quan điểm mới phát triển KHCN, ĐMST dựa vào nền tảng tri thức phải tập trung vào nguồn lực có chất lượng cao. Đảng chủ trương: “chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao”[1, tr.120]. Có thể thấy, ở kỳ Đại hội này, Đảng đã đặc biệt chú trọng tới mục tiêu phát triển KHCN đi cùng với yêu cầu ĐMST, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới: “Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”[1, tr.235].

3. Một số giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quan điểm tại Đại hội XIII của Đảng

Chủ trương “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” _ Nguồn ảnh: https://hdll.vn/

Một là, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đại hội XIII về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện theo chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII, đó là: Trong bối cảnh mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam "Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” cần phải "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo". Quán triệt các nội dung KHCN và ĐMST đã được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Trong thời gian tới, các cơ quan thuộc ngành cần tập trung ưu tiên và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ĐMST để tạo điều kiện thuận lợi đưa KHCN thâm nhập, phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện công tác quán triệt chủ trương mới của Đảng một cách thường xuyên, hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đơn vị thuộc ngành KHCN thông qua các buổi học tập, bồi dưỡng, đánh giá kết quả công tác dựa trên cơ sở tiêu chí của Đảng về KHCN, ĐMST.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về KHCN, ĐMST cần xuất phát từ thực tiễn phát triển của ngành. Tập trung thảo luận, đánh giá việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian qua. Chỉ rõ những kết quả, thành tựu đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KHCN, ĐMST trong đó chú trọng đến việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc của các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế, đầu tư, thương mại phục vụ cho phát triển KHCN, ĐMST. Xây dựng thêm các cơ sở pháp lý về huy động nguồn lực về vốn, thu hút nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực KHCN, các cơ chế, chính sách thu hút nhân tài.

Ba là, tập trung tăng cường các nguồn lực xã hội phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Huy động các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực về vốn đầu tư, nguồn lực từ các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển KHCN, ĐMST. Ưu tiên đầu tư cho các hoạt động ĐMST, bao gồm hoạt động sáng tạo, phát triển và áp dụng các ý tưởng về sản phẩm, quá trình và chiến lược phát triển mới đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, tổ chức.

Tập trung nâng cao năng lực làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ KHCN, ĐMST cần tăng cường hơn nữa mọi nguồn lực xã hội để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, “khởi nghiệp”, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hiệu quả hơn.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đẩy mạnh “đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo”, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ. Đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo hướng giáo dục “mở” tức là việc đào tạo con người phải gắn với nhu cầu của thị trường lao động theo hướng gắn với sự phát triển của hiện đại hóa. Tập trung đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số ở các cấp bậc học phổ thông; chú trọng rèn luyện ứng dụng công nghệ, tính thực chiến cho các sinh viên, học viên ở những cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngành KHCN.

Kết luận

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng với những quan điểm, chủ trương mới về phát triển KHCN, ĐMST có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện vai trò to lớn trong định hướng phát triển đất nước, phù hợp với mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xu thế của thế giới. Sự thành công ở các lĩnh vực KHCN, ĐMST giai đoạn vừa qua đóng vai trò động lực vô cùng to lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam nói chung, cũng như của mỗi tổ chức KHCN và doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Vì vậy, cần tập trung bám sát Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về KHCN, ĐMST để quán triệt vận dụng nhằm phát triển hiệu quả hơn nữa lĩnh vực này, góp phần vào tăng trưởng kinh tế quốc gia, phấn đấu hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đề ra là vấn đề cấp bách hiện nay.

 Tài liu tham kho:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] TS. Lê Xuân Định (2022), Tạo đột phá để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước nhanh, bền vững, https://tapchicongsan.org.vn

[3] Hoàng Giang (2022), Nhiều thách thức trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, https://baochinhphu.vn

[4] Nguyễn Hạnh (2020), Khoa học và công nghệ – động lực phát triển kinh tế - xã hội, https://dangcongsan.vn

[5] Bích Liên (2021), Khoa học công nghệ tạo đột phá mới theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII, https://daihoi13.dangcongsan.vn

[6] PGS, TS. Hoàng Văn Phai - TS. Phùng Mạnh Cường (2021), Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Điểm nhấn quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, https://www.tapchicongsan.org.vn

[7] Quốc hội (2013), Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013, https://thuvienphapluat.vn

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.