Thứ Tư, ngày 15/03/2023, 15:26

Những đóng góp của Ph.Ănghen với chủ nghĩa Mác, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

PHAN TĂNG TUẤN - NGUYỄN VĂN THẮNG
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - V.I.Lênin khẳng định: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Ph.Ăngghen. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen”[5, tr.110]. Bài báo khái quát những đóng góp, cống hiến có giá trị lớn lao của Ph.Ăngghen vào quá trình hình thành, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác; vào sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo - Nguồn ảnh: http://lyluanchinhtri.vn/

Cách đây tròn 202 năm vào ngày 28 - 11 - 1820 tại thành phố Barmen, thuộc tỉnh Ranh của Vương quốc Phổ (nước Đức ngày nay), Friedrich Engels (Ph.Ăngghen) được sinh ra trong một gia đình chủ xưởng dệt. Ông đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời của mình để cùng với Karl Marx (C.Mác) sáng lập nên chủ nghĩa Mác - học thuyết khoa học và cách mạng - vũ khí lý luận của giai cấp công nhân trên con đường đấu tranh nhằm giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột; trở thành một trong những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc nhất trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Trong suốt cuộc đời hoạt động khoa học, Ph.Ăngghen đã để lại một khối lượng lớn các tác phẩm (kể cả những tác phẩm viết chung với C.Mác và những tác phẩm do Ph.Ăngghen thực hiện độc lập). Cần lưu tâm rằng, trong một số nội dung của chủ nghĩa Mác, thật khó để phân định rõ ràng, đâu là tư tưởng của C.Mác và đâu là tư tưởng của Ph.Ăngghen, dù rằng vẫn quen gọi là chủ nghĩa Mác.

Nội dung

Những đóng góp cơ bản và lớn lao của Ph.Ăngghen đối với chủ nghĩa Mác, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế:

C. Mác và Ph. Ăng-ghen _Tranh: Tư liệu_ Nguồn ảnh: https://hdll.vn/

Một là, phát hiện ra nguyên nhân của hạn chế trong chủ nghĩa tư bản

Những đóng góp khoa học của Ph.Ăngghen đối với sự ra đời và phát triển chủ nghĩa Mác được thể hiện ngay trong các tác phẩm đầu tay có thể kể đến như: Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị hay Tình cảnh giai cấp lao động ở Anh... cùng một số bài viết phản ánh về thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội của nước Anh lúc bấy giờ, đã bước đầu trở thành vũ khí tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống lại những trào lưu tư tưởng, lý luận tiểu tư sản và tư sản phản tiến bộ, qua đó bước đầu đề xuất những tư tưởng khoa học và cách mạng.

Có thể khẳng định rằng, với văn phong “hết sức dễ hiểu và thường là có tính chất luận chiến”[4, tr.11], Ph.Ăngghen đã thẳng thắn bác bỏ những quan điểm tôn sùng chế độ tư hữu nói chung và chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa nói riêng, vạch trần bí mật của chế độ bóc lột, áp bức, chế độ cạnh tranh vô chính phủ, nạn khủng hoảng và thất nghiệp, nạn bần cùng đói khổ, địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản. Qua đó vạch trần bản chất bóc lột, áp bức, cũng như tình trạng cạnh tranh vô chính phủ... dẫn đến nạn khủng hoảng và thất nghiệp đối với giai cấp công nhân, gây ra sự thống khổ của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản nói chung và xã hội tư bản ở Anh đã phát triển đến chế độ công xưởng nói riêng.

Tìm hiểu về thực trạng đó với một phương pháp luận đúng đắn, một tinh thần khoa học nghiêm túc và thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc, Ph.Ăngghen đã tìm ra được nguyên nhân sâu xa của tất cả thực trạng trên là do chế độ sở hữu tư nhân, mà trực tiếp là do chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa gây ra. Dù rằng, không thể phủ nhận là trong chế độ sở hữu này, lực lượng sản xuất công nghiệp đã phát triển và tạo ra nhiều của cải, nhưng cũng không thể không nhìn thấy được những sự nghèo nàn, đau khổ của người công nhân do sự thừa thãi của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa gây ra.

Hai là, phát hiện ra vai trò lịch sử của giai cấp công nhân

Sau khi phát hiện ra nguyên nhân của các hạn chế trong chủ nghĩa tư bản, Ph.Ăngghen đã sớm nhận thấy được sức mạnh to lớn đang tiềm ẩn trong hàng ngũ giai cấp công nhân đông đảo này, qua đó Ph.Ăngghen đã xác định được vai trò lịch sử của giai cấp công nhân - đó là giai cấp có khả năng và tất yếu sẽ phải trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc đấu tranh thủ tiêu chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa để xây dựng chế độ công hữu cộng sản chủ nghĩa, tạo ra tiền đề đầu tiên và quyết định đến sự thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng nhằm hướng tới việc thực hiện mục tiêu xóa bỏ tình trạng bóc lột, áp bức, bất bình đẳng đang tồn tại phổ biến trong xã hội tư bản chủ nghĩa, hướng tới việc thực hiện mục tiêu xây dựng một chế độ xã hội mới mà ở đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[2, tr.628].

Nghiên cứu thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ có thể thấy rằng, những quan điểm và tư tưởng của Ph.Ăngghen về vai trò lịch sử của giai cấp công nhân bước đầu đã có tác dụng nhất định trong việc thức tỉnh giai cấp công nhân đứng lên tiến hành các nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh giải phóng cho mình và xa hơn là giải phóng cho toàn xã hội.

Ba là, gợi mở cho C.Mác một hướng nghiên cứu mới về xã hội tư bản

Có thể khẳng định rằng, việc phát hiện ra nguyên nhân của hạn chế trong chủ nghĩa tư bản và phát hiện ra vai trò lịch sử của giai cấp công nhân của Ph.Ăngghen đã có tác dụng gợi mở cho C.Mác một hướng nghiên cứu mới, đúng đắn hơn về chủ nghĩa tư bản, đó là sự cần thiết phải chuyển từ nghiên cứu triết học và luật học như C.Mác đang thực hiện lúc bấy giờ, sang nghiên cứu kinh tế chính trị học. Nhận định về sự gợi mở của Ph.Ăngghen đối với sự chuyển hướng nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản của C.Mác, V.I.Lênin đã viết: “Việc liên hệ với Ph.Ăngghen rõ ràng đã thúc đẩy C.Mác quyết định nghiên cứu kinh tế học chính trị là ngành khoa học trong đó những tác phẩm của ông đã thực hiện cả một cuộc cách mạng”[4, tr.9].

Tuy nhiên, cần nhận thức đúng đắn về vấn đề này rằng, những phát hiện của Ph.Ăngghen về thực trạng của chủ nghĩa tư bản mới chỉ dừng lại ở hiện tượng bên ngoài, là sự biểu hiện ra bên ngoài bằng những hình ảnh trung thực của bản chất nền sản xuất tư bản chủ nghĩa nói riêng và bản chất của xã hội tư bản chủ nghĩa nói chung. Tức là lúc này Ph.Ăngghen chưa đi tới chỗ phát hiện ra được những quy luật kinh tế - xã hội đang chi phối những hiện tượng và quá trình xã hội mà ông chỉ ra (dù rằng ông đã chỉ ra được nguyên nhân của nó). Chỉ sau khi C.Mác chuyển sang nghiên cứu sâu về kinh tế chính trị học mới tạo ra thành quả quan trọng được thể hiện trong hai phát kiến vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử học thuyết giá trị thặng dư, qua đó những quy luật kinh tế - xã hội đang chi phối các hiện tượng trong chủ nghĩa tư bản mới được phát hiện ra và được chứng minh một cách khoa học.

Về hai phát hiện vĩ đại của C.Mác, ngay bản thân Ph.Ăngghen đã từng nhiều lần khẳng định hai phát hiện vĩ đại đó - hai phát hiện có vai trò làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học là hoàn toàn và tuyệt đối là của C.Mác. Cụ thể là, trong tác phẩm Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học Ph.Ăngghen đã viết: “Hai phát hiện vĩ đại ấy - quan niệm duy vật về lịch sử và việc dùng giá trị thặng dư để bóc trần bí mật của sản xuất tư bản chủ nghĩa - là công lao của C.Mác”[3, tr.305].

Bốn là, giải thích, bổ sung, phát triển và truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Sau khi chủ nghĩa Mác ra đời, quá trình giải thích, bổ sung, phát triển và truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng được những người mácxít thực hiện. Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã tích cực trong việc đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng cải lương và chủ nghĩa xét lại đối với chủ nghĩa Mác. Nhiệm vụ đó không chỉ nhằm bảo vệ tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác, mà còn nhằm từng bước đưa lý luận của chủ nghĩa Mác thâm nhập vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thể hiện qua quá trình kết hợp lý luận của chủ nghĩa Mác với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Để truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhằm gây ảnh hưởng đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Ph.Ăngghen đã viết nhiều bài viết được tập hợp thành cuốn Cách mạng và phản cách mạng ở Đức (xuất bản năm 1851). Trong cuốn sách này, phương pháp biện chứng duy vật đã được sử dụng để nghiên cứu lịch sử và tổng kết kinh nghiệm của những cuộc cách mạng nhằm phát triển lý luận về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.

Các công trình nghiên cứu được công bố trong giai đoạn từ năm 1871 - 1895, nhất là từ sau khi C.Mác đã mất là những đóng góp lớn lao của Ph.Ăngghen vào quá trình bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác và sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong số đó có thể kể ra các tác phẩm tiêu biểu như: Lútvích Phoiơbách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức; Biện chứng của tự nhiên; Những bức thư về chủ nghĩa duy vật lịch sử; Chống Đuyrinh; Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước... Qua các công trình đó, Ph.Ăngghen đã tiếp tục khẳng định các nền tảng lý luận của thế giới quan duy vật triệt để của triết học mácxít. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, phát triển các nội dung cơ bản của kinh tế chính trị học mácxít, và cũng qua các công trình đó, Ph.Ăngghen đã làm cho lịch sử chủ nghĩa xã hội và lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học được hệ thống hóa và từng bước đưa vào thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Bên cạnh đó, việc Ph.Ăngghen tiến hành giải thích, bình chú, viết lời tựa cho các lần tái bản, biên tập và hoàn thiện để cho xuất bản các tác phẩm còn dang dở của C.Mác để lại; đặc biệt là việc tiếp tục hoàn thiện bộ Tư Bản, đã ghi dấu ấn của Ph.Ăngghen trong sự phát triển của chủ nghĩa Mác, tạo ra những đóng góp chói lọi của Ph.Ăngghen vào quá trình bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác.

Năm là, gây dựng các tổ chức công nhân và tham gia các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân

Những đóng góp của Ph.Ăngghen đối với chủ nghĩa Mác và với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, còn thể hiện ở việc Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác gây dựng nên các tổ chức công nhân và trực tiếp tham gia các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Trong thời gian sau khi chủ nghĩa Mác xuất hiện, hai ông đã theo dõi và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Tháng 3 năm 1850, chi hội của Đồng minh những người cộng sản ở các nước nhận được Thư của Ban Chấp hành Trung ương do C.Mác và Ph.Ăngghen viết. Trong thư, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phân tích những sự kiện 1848 - 1849 ở Đức để vạch ra các chiến lược, sách lược của Đảng vô sản trong cuộc cách mạng tương lai và nêu rõ học thuyết cách mạng không ngừng - Học thuyết mà sau này V.I.Lênin đã kế thừa và phát triển thành công trong lý luận về chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời với việc nghiên cứu lý luận, Ph.Ăngghen luôn cùng với C.Mác chú ý công tác gây dựng tổ chức của giai cấp công nhân, thể hiện ở việc sau khi tổ chức Đồng minh những người cộng sản tự giải tán, một số cán bộ của tổ chức này đã được C.Mác và Ph.Ăngghen bồi dưỡng lý luận. Hai ông còn tranh thủ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản khi cộng tác với tờ báo Nhân dân của Phong trào Hiến chương và tờ Diễn đàn Niu Oóc của phái dân chủ tư sản.

Trong thực tế, hoạt động cách mạng không mệt mỏi của C.Mác và Ph.Ăngghen đã giác ngộ và tập hợp được những người tiên tiến nhất trong giai cấp công nhân các nước, thúc đẩy việc hình thành tổ chức quốc tế thay cho tổ chức Đồng minh những người cộng sản đã bị giải tán. Do vậy, ngày 28/9/1864, một cuộc họp do đại biểu công nhân Pháp và Anh triệu tập ở Luân Đôn (Anh) đã quyết định thành lập tổ chức công nhân quốc tế với tên gọi Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (gọi tắt là Quốc tế I) với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. C.Mác là người tổ chức Hội nghị và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được giao soạn thảo Tuyên ngôn và Điều lệ. Kể từ đó, Ph. Ăngghen đã cùng với C.Mác tiếp tục hoạt động tích cực trong phong trào công nhân theo Tuyên ngôn và Điều lệ của Quốc tế I với các hoạt động tiêu biểu là đấu tranh chống chủ nghĩa Pruđông, phái cơ hội chủ nghĩa Anh, phái Lát xan ở Đức và phái Bacunin. Đến ngày 15/ 7/1876 Quốc tế I tuyên bố giải tán sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa Mác tới công nhân các nước, tạo cơ sở để thành lập chính đảng độc lập của công nhân ở châu Âu, châu Mỹ... Có thể khẳng định, đóng góp có dấu ấn nhất của Ph.Ăngghen đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế được thể hiện rõ nét ở vai trò đối với quá trình thành lập và hoạt động của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa - Quốc tế II. Cụ thể là, vào cuối những năm 80 của thế kỷ XIX, khi phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, các đảng xã hội chủ nghĩa thành lập ở nhiều nước. Tại đại hội các đảng xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện nhu cầu phải nhanh chóng thành lập tổ chức quốc tế mới của giai cấp công nhân. Trong bối cảnh đó, những người theo chủ nghĩa Mác, dưới sự lãnh đạo của Ph.Ăngghen, đã vạch ra đường lối xây dựng một tổ chức quốc tế mới theo các nguyên tắc tổ chức và hành động đúng đắn.

Ngày 14/7/1889 Đại hội công nhân quốc tế được khai mạc tại Paris với 395 đại biểu từ 20 nước trên thế giới tham dự và khẩu hiệu trung tâm của Đại hội là “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Sau khi được thành lập, Quốc tế II đã đưa lại nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển phong trào công nhân thế giới những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mà sau này khi đánh giá về vai trò của Quốc tế II, V.I.Lênin đã viết Quốc tế II “đánh dấu thời kỳ chuẩn bị cơ sở để phong trào lan rộng trong quần chúng ở nhiều nước”[6, tr.363]. Những năm 90 của thế kỷ XIX, nhất là từ khi C.Mác qua đời, trong phong trào công nhân và nội bộ các đảng của giai cấp công nhân, chủ nghĩa cơ hội phát triển ở khắp nơi. Ph.Ăngghen đã phân tích sâu sắc nguồn gốc sinh ra chủ nghĩa cơ hội từ các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng và lịch sử. Ph.Ăngghen cho rằng về cơ bản, tư tưởng và quan điểm của chủ nghĩa cơ hội là quan điểm tư tưởng tư sản, các phần tử cơ hội chủ nghĩa là cái đuôi của giai cấp tư sản, nó cổ vũ một thứ chủ nghĩa mơ hồ, làm tê liệt tư tưởng và ý chí đấu tranh của công nhân.

Kết luận

Trong suốt cuộc đời hoạt động khoa học và cách mạng của mình, Ph.Ăngghen đã có những đóng góp to lớn đối với quá trình hình thành, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác và sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Mặc dù hơn hai thế kỷ đã trôi qua với nhiều biến sự to lớn cả về nhận thức lý luận và thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân thế giới song những tư tưởng và thành tựu khoa học mà Ph.Ăngghen đóng góp cho sự ra đời, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác; cũng như những đóng góp vào sự vận động và phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn còn nguyên vẹn giá trị trong thời đại ngày nay.

 

Tài liu tham kho:

[1] Bùi Ngọc Chưởng (2004), Cống hiến khoa học của Ph.Ăngghen cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

[2] C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] V.I.Lênin (1974), Toàn tập, tập 2, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.

[5] V.I.Lênin (1980), Toàn tập, tập 26, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.

[6] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 38, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.

[7]Đỗ Xuân (2015), “Những đóng góp xuất sắc của Ăngghen trong việc sáng lập kinh tế học mác xít”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn


Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).

Nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam hiện nay

Tác giả: Th.S Lê Đình Dương

(GDLL) - Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, thực chất là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Đối tượng mà chúng hướng tới là thanh niên, nhất là sinh viên, những người nhạy bén với cái mới, nhưng còn thiếu vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức về chính trị - xã hội. Bài viết nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.

Phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Tác giả: PGS.TS. Đào Duy Quát

(TG) - Đây là kết quả của bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về quốc phòng an ninh, đối tác đối tượng, về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.