Thứ Sáu, ngày 31/03/2023, 13:02

Đấu tranh phản bác quan điểm lệch lạc, sai trái về một số vấn đề lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bài viết khẳng định những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng để đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời đề xuất giải pháp để đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực đấu tranh bảo vệ lịch sử Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ảnh Minh họa - Nguồn ảnh: http://lyluanchinhtri.vn/

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nội dung cơ bản, trọng yếu, xuyên suốt và bao trùm trong hệ thống quan điểm lý luận của Đảng. Trong đó, việc nhận diện các loại quan điểm để có biện pháp đấu tranh, phản bác hiệu quả là rất quan trọng. Những quan điểm sai trái, thù địch hiện nay không chỉ tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn xuyên tạc lịch sử Đảng, phủ nhận giá trị, ý nghĩa trọng đại của các thắng lợi lịch sử, bịa đặt, vu cáo, nói xấu Đảng, Nhà nước, gây hiểu sai lệch về lịch sử Đảng, hạ thấp uy tín Đảng, thậm chí kích động hằn thù dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng vừa là bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ thành quả cách mạng, tổ chức và cán bộ, đảng viên của Đảng vừa là bảo vệ uy tín của Đảng đối với nhân dân củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.

1. Vai trò của tri thức lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tri thức lịch sử, trong đó có lịch sử Đảng cung cấp hiểu biết về quá khứ để phục vụ cuộc sống hiện tại và dự báo tương lai. Giá trị của lịch sử chính là những quy luật vận động khách quan, những bài học kinh nghiệm được đúc kết thành tài sản tinh thần vô giá. Lịch sử được phản ánh khách quan, trung thực trong nhãn quan của người đương thời và hậu thế. C.Mác và Ph.Ănghen quan niệm: Sử học là khoa học duy nhất vì mọi khoa học đều phải dựa vào sự kiện từ lịch sử. V.I. Lênin khẳng định: Sử học là một bộ phận của khoa học xã hội kết hợp với giai cấp vô sản trở thành vũ khí mạnh mẽ. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta”[4, tr.255]. Lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta biết trân trọng, bảo vệ “pho lịch sử bằng vàng”[5, tr.401,406] như bảo vệ báu vật của dân tộc, tài sản của quốc gia. Pho sử vàng ấy ghi lại những chiến công hiển hách, những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tri thức lịch sử Đảng, khi hiểu đúng, hiểu trung thực có ý nghĩa như: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc sống an bình hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của Nhân dân ta... Máu đào của các liệt sĩ ấy làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”[5, tr.401]. Lời dặn đó khiến các thế hệ sau càng cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, kiên quyết bảo vệ “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng; vững tin vào thắng lợi của con đường cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Cùng với đó, đấu tranh phản bác những luận điệu của các thế lực thù địch, xét lại, cơ hội chính trị đã cố tình bôi đen, xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử nhằm tuyên truyền sai lệch, làm cho một bộ phận quần chúng thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc, nhất là giới trẻ, hoài nghi, phai nhạt niềm tin đối với Đảng, chia rẽ Đảng với Nhân dân, làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

2. Phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận những giá trị tiêu biểu của lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lịch sử dân tộc được viết tiếp bằng những thắng lợi vĩ đại, những mốc son chói lọi, mang tầm vóc quốc tế và có tính thời đại sâu sắc như Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, công cuộc Đổi mới đất nước. Lịch sử Đảng thường xuyên gặp phải những luận điệu xuyên tạc lịch sử - một trong những thủ đoạn phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch, trong đó, tập trung nhiều nhất vào một số sự kiện: về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, về thành quả trong công cuộc Đổi mới của Đảng.

Nói về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị tung lên mạng Internet nhiều bài viết xuyên tạc, bôi nhọ phủ nhận giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám, cho rằng thành quả Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là sự ăn may. Việc xuyên tạc lịch sử thực chất là mưu đồ chính trị của những người bất mãn với chế độ chính trị, muốn phủ nhận ý nghĩa, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và thành quả của cuộc cách mạng. Có thể nhận thấy, trong cùng thời điểm năm 1945, không phải bất cứ nơi nào đang chịu ách thống trị của quân Nhật đều có thể bùng nổ phong trào cách mạng và thành công. Chỉ có quốc gia nào có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có Đảng đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với tầm nhìn xa trông rộng, dự báo chính xác thời cơ cách mạng, chớp được thời cơ và tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, mới giành được thắng lợi. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn đối với dân tộc Việt Nam, khẳng định tính cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là đường lối chiến lược và sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam đúng đắn ngay từ đầu, và quán triệt đường lối đó trong thực tiễn chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa. Đường lối đúng đắn làm cho Đảng ngày càng vững mạnh và ăn sâu bám rễ trong quần chúng, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thực tiễn lịch sử khẳng định Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là sự ăn may, phản bác hoàn toàn những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc như một huyền thoại, một chiến công hiển hách trong thế kỷ XX. Khi hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển... Nhưng những kẻ cơ hội chính trị vẫn dùng các biện pháp tuyên truyền, rằng “Việt Nam Cộng hòa” là một quốc gia độc lập, có chính phủ, có quân lực, có biên giới, có tài chính, có lãnh thổ, có ngoại giao. Chúng rêu rao: “Miền Bắc xâm lược Miền Nam”; ngày 30/4/1975 không phải ngày “giải phóng đất nước” mà là ngày “cưỡng chiếm”; ngày “quốc hận”. Thực tế lịch sử đã chỉ rõ, sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ ngụy quyền Sài Gòn với hình thức chính thể “Việt Nam Cộng hòa” trong cơn bão táp cách mạng giải phóng miền Nam 30/4/1975 là sự phá sản, thất bại của các thế lực xâm lược bên ngoài, hòng áp đặt ách thống trị, nô dịch, áp bức và bóc lột nhân dân miền Nam, là bằng chứng không thể được ngụy biện bằng bất cứ điều gì. Đã có rất nhiều tiếng nói từ những người ở phía bên kia chiến tuyến sau này thừa nhận sai lầm của họ và ghi nhận chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc. Tướng Nguyễn Hữu Có, phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng Việt Nam cộng hòa, sau này trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, nói: “Chiến thắng 30-4 rất vĩ đại, là chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam... Không còn chiến tranh, không còn bom rơi đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại"[7]. Cựu Phó Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đã khẳng định: "Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây, cho Tàu đâu mà đòi phục quốc?"[6].

Bằng chiến thắng vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã được sống một cuộc sống hòa bình, độc lập và tự do, đất nước ngày càng ổn định và phát triển là niềm vinh dự và tự hào của mỗi con người Việt Nam. Biết bao xương máu của những thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh để chiến đấu chống lại quân xâm lược, bảo vệ cho đất nước được vẹn toàn và thống nhất. Còn với những kẻ đã và đang âm mưu xuyên tạc lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, xuyên tạc về ý nghĩa của Chiến thắng 30/4/1975 cũng chỉ là những kẻ phản bội, “trở cờ”, quay lưng lại với dân tộc, với quê hương, đất nước và họ mãi chỉ là những kẻ lạc lõng trong xã hội. Mọi luận điệu xuyên tạc sự thật lịch sử của các thế lực thù địch và cả những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn nhận, đánh giá lịch sử chiến tranh cách mạng thiếu khách quan, đi ngược lại tiến trình lịch sử đã không cản được bước tiến của dân tộc.

Với lịch sử Đảng từ 1986 đến nay, họ tiếp tục xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới đất nước. Họ xuyên tạc “sau 35 năm đổi mới mà Việt Nam vẫn tụt hậu, nhân dân đói nghèo”... Thực tiễn quá trình Đổi mới được thực hiện từ năm 1986, đến nay Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình. Từ năm 2002 đến năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 đô la Mỹ. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh xuống dưới 5%, với trên 10 triệu người được thoát nghèo. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ. Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 tuổi lên 75,4 tuổi trong giai đoạn 1990 - 2019 Những thành tựu phát triển của đất nước từ sau giải phóng đến nay đã được báo chí và dư luận quốc tế liên tục đánh giá và ghi nhận. Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam là một điển hình thành công về phát triển đất nước, đạt được những tiến bộ chưa từng có về kinh tế, xã hội trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, kể từ sau khi kết thúc chiến tranh những thành quả của Đổi mới đã tạo cho đất nước thế và lực mới, tiếp tục tạo ra những năng lượng vượt trội để tăng trưởng liên tục ở mức khá cao, tạo đà cho giai đoạn kế tiếp...

3. Giải pháp tăng cường đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ảnh Minh họa - Nguồn: https://www.tuyengiao.vn/

Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng để bảo vệ Đảng, không những bảo vệ nền tảng tư tưởng, thành quả cách mạng, mà còn là bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng đối với Nhân dân và củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, chế độ. Trong Nghị quyết số 35-NQ/TW (khóa XII) về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Đảng khẳng định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên, cấp thiết, lâu dài của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp”[3].

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW, các tổ chức cơ sở đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm; xây dựng chuyên đề lồng ghép vào sinh hoạt thường kỳ, câu lạc bộ, đội nhóm; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, diễn thuyết, kể chuyện về tấm gương cán bộ, đảng viên chiến đấu, hy sinh anh dũng, bị tù đày, tìm cách vượt ngục, phong thái hiên ngang khi ra pháp trường; tổ chức viết bài đấu tranh (chính danh và ẩn danh) coi trọng đấu tranh trên không gian mạng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả: bài viết, thơ văn, chế nhạc, video clip, tranh ảnh, bình luận/chia sẻ thông tin; tranh thủ những người có ảnh hưởng lớn với cư dân mạng để thông qua họ đưa tin về cái tốt, phản đối cái xấu. Mỗi đảng viên khi tham gia mạng xã hội, cần thận trọng khi tham khảo, sử dụng thông tin. Nếu nhận thấy có thông tin thiếu kiểm chứng về nguồn gốc, thông tin có sự sai biệt so với thông tin chính thức, thông tin có nội dung, luận điệu xuyên tạc cần kịp thời nhận diện, đấu tranh phản bác với những phương thức phù hợp, hiệu quả. Không im lặng cho qua hoặc thờ ơ, xem như mình vô can. Mỗi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vì danh dự và uy tín của Đảng không thể tách rời danh dự, uy tín của mỗi đảng viên. Cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về lịch sử Đảng để “tự miễn dịch” và tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng.

Cùng với đó là đẩy mạnh biên soạn các công trình lịch sử Đảng bộ Tỉnh, huyện và các công trình lịch sử của ban, bộ, ngành, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó góp phần tái hiện chân thực, sinh động, khách quan, toàn diện lịch sử ra đời và những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng được cụ thể hóa qua từng Đảng bộ địa phương, ban ngành. Trong đó, các luận cứ lịch sử cần tập trung tô đậm tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ đó góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân vào con đường cách mạng đã lựa chọn, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Với tri thức lịch sử đúng đắn, khách quan, các công trình Lịch sử Đảng góp phần vào công tác tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Về phía các cơ quan chuyên trách, giữ vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một cơ quan, đơn vị có vai trò hàng đầu cần phát huy tốt vai trò của đội ngũ giảng viên. Trước nhiệm vụ bảo vệ Lịch sử Đảng, các bài giảng Lịch sử Đảng trong chương trình Cao cấp lý luận chính trị cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn. Không chỉ tập trung làm rõ quá trình Đảng ra đời, phát triển, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống quân xâm lược; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; đúc kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo và xây dựng Đảng mà còn tăng cường xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua các bài học lịch sử, giảng viên khẳng định vững chắc quan điểm có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng, đó là: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó, cung cấp luận cứ khoa học cho việc khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là yêu cầu khách quan; đường lối của Đảng là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước. Từ đó, củng cố nhân sinh quan cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, quản lý; có thái độ đấu tranh trước các thông tin xấu, độc. Với các luận cứ khoa học, tư liệu lịch sử, kiến thức thực tiễn được trang bị qua các bài học từ lịch sử Đảng, người học sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ công tác của mình, góp phần vào tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng.

Kết luận

Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhân dân từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ, toàn diện; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Những thành tựu đó là kết tinh trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Mỗi người Việt Nam yêu nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần luôn tỉnh táo, có trách nhiệm đấu tranh phê phán và bác bỏ những luận điệu sai trái xuyên tạc lịch sử Đảng, đây chính là cách thức hữu hiệu để bảo vệ chân lý, bảo vệ tính đúng đắn, trung thực, khách quan của Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - pho sử bằng vàng của dân tộc.

Tài liu tham kho:

[1] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị (2000), Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975: Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội,

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Nhất Minh (2019), Xuyên tạc lịch sử chính là phá hoại tương lai, https://www.qdnd.vn

[7] Bình Nguyên (2022), Không thể bẻ cong lịch sử, https://cand.com.vn

[8] R.S. Mc Namara (1995), Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.


Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).