Thứ Hai, ngày 16/05/2022, 15:25

Tăng trưởng bao trùm trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

PHẠM TÚ TÀI
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, con người được xác định là mục tiêu của sự phát triển. Ở đó, thành quả của tăng trưởng kinh tế hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mọi người dân để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Với mục tiêu này, việc áp dụng mô hình tăng trưởng bao trùm là mảnh ghép hoàn hảo nhất của nền kinh tế. Bài viết tập trung phân tích sự phù hợp của mô hình tăng trưởng bao trùm với mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trên cơ sở đó bài viết đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện tăng trưởng bao trùm thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phát triển.

Từ khóa: Tăng trưởng bao trùm; kinh tế thị trường; định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tăng trưởng bao trùm để phát triển bền vững

(Ảnh: https://kinhtevadubao.vn)

Đặt vấn đề

Phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một bước đột phá về lý luận và thực tiễn của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong nền kinh tế đó, con người được xác định vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Đặc trưng cơ bản của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay từ đầu, trong từng bước đi và trong suốt quá trình phát triển. “Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”[4]. Như vậy, quá trình tăng trưởng kinh tế tự thân nó phải tạo ra được sự công bằng phổ quát. Tất cả mọi người đều có cơ hội tham gia vào quá trình tăng trưởng và được thụ hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế mang lại. Vì vậy, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng bao trùm là phù hợp và tất yếu trong quá trình phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay.

1. Tăng trưởng bao trùm - mô hình tăng trưởng tất yếu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Tăng trưởng kinh tế là sự tăng thêm về thu nhập thực tế của nền kinh tế trong một thời gian nhất định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thường được tính trong từng năm hoặc bình quân từng giai đoạn. Với cách hiểu này, khi nói đến tăng trưởng kinh tế, người ta thường đề cập đến mặt lượng của nó (quy mô, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội - GDP). Tuy nhiên, về mặt xã hội và con người, không phải tăng trưởng kinh tế luôn luôn tạo ra những tác động tích cực. Trong thực tế, tăng trưởng kinh tế đôi khi dẫn đến phân hóa giàu - nghèo, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, đánh mất bản sắc dân tộc... Chính vì vậy, cần phải có một phương thức tăng trưởng có thể mang lại cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả cho mỗi cá nhân, cộng đồng, thành phần doanh nghiệp... Đó là tăng trưởng bao trùm.

Tăng trưởng bao trùm là một khái niệm mới, xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XXI. Cho đến nay, vẫn chưa có một quan niệm thống nhất về khái niệm này. Các tác giả, các tổ chức quốc tế đã nghiên cứu, đề cập đến phạm trù tăng trưởng bao trùm ở những mức độ rộng, hẹp khác nhau. Những thành tố cơ bản nhất được các tác giả đề cập khi phân tích nội hàm tăng trưởng bao trùm đó là: (1) Sự tăng trưởng nhanh và bền vững; (2) Mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả của tăng trưởng; (3) Có thể chế kinh tế - xã hội bao trùm, nghĩa là quan tâm đến lợi ích của mọi thành viên trong xã hội; (4) Đảm bảo công bằng về cơ hội. Như vậy, về bản chất, tăng trưởng bao trùm là mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với giảm nghèo bao trùm, toàn diện, đảm bảo công bằng xã hội trong tiếp cận cơ hội và hưởng thụ thành quả tăng trưởng.

Để đạt được sự phủ quát về cơ hội phát triển cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là người nghèo thì yếu tố bao trùm về thể chế có ý nghĩa quyết định. Nghĩa là thể chế tạo ra sự “bình đẳng” và “không bình đẳng” trong phân bổ nguồn lực, cơ hội của mọi thành viên tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Sự “không bình đẳng” ở đây chính là thực hiện công bằng theo chiều dọc, có sự đối xử khác biệt đối với những người yếu thế trong xã hội.

Ở Việt Nam, khái niệm tăng trưởng bao trùm tuy chưa được đề cập một cách trực diện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, song những ý tưởng nội hàm của khái niệm này đã được thể hiện trong mô hình phát triển kinh tế. Nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có mục tiêu là thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hay nói cách khác, mô hình KTTT mà Nhà nước đang xây dựng là vì con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Muốn vậy phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

(Ảnh: TTXVN) 

Như vậy, về phương diện kinh tế, tăng trưởng bao trùm là một yếu tố cấu thành, là phương tiện đạt được mục tiêu của KTTT định hướng XHCN. Ngược lại, để phát triển KTTT định hướng XHCN Việt Nam cần phải áp dụng mô hình tăng trưởng bao trùm - Đây là mô hình tăng trưởng tất yếu trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay.

2. Thực trạng tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam

Với chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong nỗ lực thực hiện tăng trưởng bao trùm. Cụ thể là:

Thứ nhất, thể chế tăng trưởng bao trùm mà thực chất là một bộ phận của thể chế KTTT định hướng XHCN từng bước được hoàn thiện. Với mục tiêu của mô hình KTTT định hướng XHCN, thể chế tăng trưởng bao trùm không ngừng được hoàn thiện. Các chương trình quốc gia, chủ trương phát triển như: xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế vùng, phát triển hạ tầng giao thông... được xây dựng và tổ chức thực hiện. Các nghị quyết, kế hoạch của Nhà nước hàng năm và 5 năm đều xác định các chỉ tiêu về tăng trưởng bao trùm và đề xuất giải pháp triển khai. Hệ thống chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực, các vùng miền. Trong đó, nổi bật là các chính sách về ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, tín dụng ưu đãi, nhà ở, y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý... đã được triển khai thực hiện.

Thứ hai, kinh tế tăng trưởng khá cao và liên tục trong nhiều năm. Đây là một thành tựu to lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nước ta trong công cuộc đổi mới. Với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 7%/năm trong suốt 35 năm đổi mới, quy mô GDP và GDP bình quân đầu người đã cải thiện đáng kể. Đặc biệt, nước ta đã vượt qua đói nghèo và gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình vào năm 2008[5].Trong những năm gần đây, tuy nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch covid-19 nhưng nước ta vẫn đạt được những thành tựu đáng tự hào về tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, giai đoạn 2016-2019, nước ta đạt mức tăng trưởng bình quân 6,8%/năm[4]. Riêng năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng vẫn đạt 2,91%[1, tr. 61].

Thứ ba, xóa đói giảm nghèo là một điểm sáng trong thực hiện tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Sau 35 năm đổi mới, với những nỗ lực về tăng trưởng gắn với xóa đói giảm nghèo, nước ta đã đưa khoảng 40 triệu người thoát khỏi nghèo đói. Mặc dù chuẩn nghèo được điều chỉnh liên tục tăng lên theo thời gian; từ tiếp cận nghèo đơn chiều sang tiếp cận đa chiều, song tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta vẫn giảm mạnh theo trong mấy chục năm qua. Theo thống kê, năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 7,0%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2,75%[2].

Bảng 1: Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 1993-2020

                    Năm

Khu vực      

1993

2002

2006

2010

2012

2015

2018

2019

2020

Cả nước

58,1

28,9

15,5

10,7

14,2

7,0

5,4

3,75

2,75

Thành thị

-

6,6

7,7

5,1

6,9

2,5

1,9

-

-

Nông thôn

-

35,6

18,0

13,2

17,4

9,2

6,9

-

-

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Thứ tư, trình độ phát triển con người có sự tiến bộ đáng ghi nhận. Theo đánh giá hàng năm của Liên Hợp quốc, sự phát triển con người của Việt Nam thông qua chỉ số phát triển con người (HDI) có sự cải thiện đáng kể. Giá trị tuyệt đối của HDI liên tục được cải thiện. Tuổi thọ trung bình, số năm đi học bình quân liên tục tăng và đạt ở mức cao. Từ năm 1990 đến năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 10,6 tuổi và đứng thứ 77 thế giới, đứng trên 40 bậc so với xếp hạng thu nhập. Trong khi đó, số năm đi học bình quân cũng tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2013, số năm đi học bình quân của người Việt Nam là 5,5 năm nhưng đã tăng lên và đạt 8,3 năm vào năm 2019 và đứng trên 07 bậc so với thu nhập[3]. Kết quả này một mặt phản ánh sự bao trùm trong việc giải quyết vấn đề giáo dục và y tế, mặt khác phản ảnh sự chuyển hóa hiệu quả kết quả tăng trưởng kinh tế đến các vấn đề xã hội.

Thứ năm, các thành phần kinh tế, khu vực kinh tế, các loại hình doanh nghiệp đều được quan tâm phát triển. Tính bao trùm trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời gian qua còn thể hiện ở khía cạnh thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp. Từ chỗ chỉ có hai thành phần kinh tế là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể với hai hình thúc tổ chức sản xuất là doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã thì đến nay, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[1, tr.28-129]. Sự bao trùm nói trên một mặt đã tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp có điều kiện phát triển, mặt khác đã phát huy được thế mạnh của mỗi hình thức sở hữu, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đối với tăng trưởng kinh tế.

Thứ sáu, kinh tế vùng có sự phát triển đáng kể. Chủ trương phát triển kinh tế vùng là một khía cạnh trong tăng trưởng bao trùm về phương diện không gian. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, quan điểm về phát triển kinh tế vùng cũng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đã được xây dựng và triển khai thực hiện. Các vùng kinh tế trọng điểm đã bước đầu phát huy vai trò động lực tăng trưởng, tạo ra được sự lan tỏa đến các địa phương trong vùng, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống giữa các vùng, các dân tộc và các tầng lớp dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng bao trùm ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế sau đây:

Một là, thể chế tăng trưởng bao trùm tuy từng bước được hoàn thiện song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hệ thống pháp luật còn có những quy định còn chồng chéo, nhiều kẽ hở, thậm chí thiếu minh bạch đã vô tình tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm người, các thành phần doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế. Các chương trình mục tiêu quốc gia như: xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...chưa chưa có sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng dẫn đến hiệu quả hạn chế. Chính sách xóa đói giảm nghèo còn mang tính ngắn hạn, chưa tập trung đúng mức vào giải quyết nguyên nhân nghèo đói mà mang nặng tính bao cấp. Vì vậy, chưa thực sự tạo động lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo mà ngược lại còn tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Chính sách phát triển kinh tế vùng còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng kinh tế, không gian kinh tế còn chia cắt, các vùng kinh tế bị khép kín.

Hai là, bất bình đẳng thu nhập và phân tầng xã hội có xu hướng gia tăng. Những thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo đã đưa được hàng chục triệu người thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện tượng tái nghèo hoặc “dẫm chân tại chỗ” của người nghèo vẫn diễn ra phổ biến. Trong khi đó, mức sống trung bình của cả nước không ngừng được nâng lên, dẫn đến khoảng cách về thu nhập, về mức sống ngày càng dãn ra. Còn có sự bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục và đào tạo, bảo hiểm... Trong đó người nghèo, đồng bảo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số là nhóm bị thiệt thòi nhất.

Ba là, còn có sự chênh lệch đáng kể giữa trình độ phát triển các khu vực kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất. Chủ trưởng của Đảng ta về phát triển kinh tế nhiều thành phần; kinh tế tư nhân thể hiện tính bao trùm về phương diện hình thức sở hữu. Tuy nhiên trong thực tế, khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng khá cao nhưng hoạt động chưa thực sự bình đẳng với các khu vực khác; kinh tế tư nhân chưa phát triển, quy mô doanh nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh thấp, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế hộ gia đình vẫn còn lạc hậu, sản xuất manh mún, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh không có sự tiến bộ đáng kể sau 35 năm đổi mới.

3. Một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Để khắc phục những bất cập, hạn chế, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm để hướng tăng trưởng kinh tế vào mục tiêu của nền KTTT định hướng XHCN, trong những năm tới Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế tăng trưởng bao trùm. Tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ, công bằng, minh bạch, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho mọi người dân, mọi thành phần kinh tế có điều kiện tham gia vào và hưởng thụ thành quả tăng trưởng kinh tế; Hoàn thiện chính sách đất đai, chính sách thuế, đặc biệt là thuế bất động sản, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giảm thiểu tình trạng tham nhũng chính sách, đầu cơ, làm giàu thiếu minh bạch; Hoàn thiện các chính sách kinh tế - xã hội để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới..; Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững ứng phó với những thách thức của bối cảnh mới.

Hai là, thực hiện đồng bộ các các giải pháp nhằm tăng trưởng nhanh, bền vững. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; đổi mới thu hút đầu tư tiếp nước ngoài theo hướng chọn lọc, bền vững; phát triển mạnh khoa học và công nghệ gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, tạo ra những vùng kinh tế trọng điểm có khả năng lan tỏa cao và hỗ trợ các vùng lân cận; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đất, gắn với bảo vệ môi trường.

(Ảnh: https://baochinhphu.vn)

Ba là, thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là vấn đề mấu chốt có tính chất bền vững đối với tăng trưởng bao trùm về phương diện không gian. Để không ai bị bỏ lại phía sau, chính sách giảm nghèo cần gắn kết chặt chẽ với chính sách lao động, việc làm. Muốn vậy, phải đổi mới phương thức thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ người dân có sinh kế bền vững thông qua đào tạo, chuyển đổi việc làm, nâng cao hiểu biết về KTTT...

Bốn là, tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới y tế, giáo dục đối với vùng khó khăn. Nhà nước cần cân đối lại ngân sách nhằm có sự ưu đãi tốt hơn về đầu tư cho giáo dục và y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc ưu đãi cần tập trung vào cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật, đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế. Tránh tình trạng ưu đãi theo hướng buông lỏng quản lý, coi nhẹ chất lượng. Giảm dần sự ưu đãi về việc cộng điểm ưu tiên trong các kỳ thi tuyển sinh nhằm từng bước thiết lập sự bình đẳng về cơ hội và quyền lợi trong thụ hưởng các thành quả của giáo dục và y tế.

Năm là, hoàn thiện và tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế phát triển. Giảm dần ưu đãi đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước trong thực tế; chọn lọc trong thu hút và quản lý hiệu quả khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ kinh tế tư nhân về môi trường đầu tư kinh doanh, về đổi mới sáng tạo và phát triển nhân lực; ưu tiên và quan tâm hơn nữa đối với khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tạo lập cơ chế để kinh tế hộ gia đình phát triển và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, hình thành và phát triển mạnh doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp.

Kết luận

Tăng trưởng bao trùm - tăng trưởng mà không ai bị bỏ lại phía sau là mô hình tăng trưởng phù hợp với mục tiêu của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm qua đã mang lại kết quả to lớn trong tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng kinh tế thuần túy là hết sức phức tạp, thậm chí đôi khi còn mâu thuẫn với nhau. Mục tiêu tăng trưởng bao trùm - mục tiêu của KTTT định hướng XHCN vẫn ở phía trước. Vì vậy, để đạt được tăng trưởng bao trùm, toàn diện đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong hoàn thiện thể chế, xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H2021, tập 1.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Phấn đấu đến 2015, Việt Nam không còn là quốc gia có đói nghèo, https://dangcongsan.vn

[3] UNDP - Báo cáo phát triển con người giai đoạn 1990-2020, http://www.vn.undp.org

[4] Báo cáo số 555/BC-CP ngày 19/10/2020, Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025.

[5] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. https://nhandan.vn

Đọc thêm

Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du lịch ở nước ta

Tác giả: TS. Bùi Hồng Thanh

(LLCTTTĐT) Du lịch đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao mức sống cho người dân và được cụ thể bằng quan điểm Đảng và Nhà nước ta phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, những quan điểm về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là bệ phóng để nhiều địa phương trong cả nước từng bước mạnh dạn khai thác và phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, khai thác những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch nói chung ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này phần nào được lý giải trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Do đó, việc nhận diện khách quan những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để có những định hướng nhằm khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Khơi thông mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Tác giả: PGS. TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là sứ mệnh vô cùng vẻ vang nhưng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa từ Trung ương tới cơ sở”, đồng thời “huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa”.

Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền

Tác giả: TSKH. Đặng Huy Trinh

(TG) - Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới

Tác giả: PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa - TS Nguyễn Văn Dương

(LLCT) - Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng xây dựng, vun đắp. Bài viết khái quát mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào theo phương châm “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ

Tác giả: Bảo Châu

(TG) - Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng đối với việc củng cố uy tín, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên; góp phần tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên làm nền tảng xây dựng đạo đức công vụ là yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.