Thứ Bảy, ngày 15/04/2023, 23:08

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay

TRƯƠNG BẢO THANH
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng, là căn cứ để cơ sở đào tạo tiến hành xây dựng, thẩm định, ban hành, thực hiện, đánh giá và cải tiến các chương trình bồi dưỡng trên thực tế. Bài viết tập trung nghiên cứu cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn, đề xuất xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII_Ảnh: hcma.vn

Xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng là nội dung hết sức quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đối với các cơ sở đào tạo. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, quan điểm chỉ đạo đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 về Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đây chính là những cơ sở chính trị pháp lý quan trọng làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

1. Một số khái niệm liên quan và các tiêu chí xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý

1.1. Một số khái niệm liên quan

“Cán bộ lãnh đạo quản lý” là người được bầu cử, hoặc được người có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ có thời hạn trong cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

“Bồi dưỡng” là quá trình bổ sung, phát triển, hoàn thiện nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn và những phẩm chất, nhân cách. Bồi dưỡng là một bộ phận của quá trình giáo dục và đào tạo, là khâu tiếp nối giáo dục và đào tạo con người khi họ đã có những tri thức, năng lực chuyên môn và phẩm chất nhân cách nhất định được hình thành trong quá trình đào tạo ở nhà trường.

“Chuẩn chương trình bồi dưỡng” là các yêu cầu chung, tối thiểu đối với từng loại hình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo các nội dung: (1) mục tiêu, (2) chuẩn đầu ra - phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam; (3) chuẩn đầu vào; (4) khối lượng học tập tối thiểu; (5) cấu trúc và nội dung; (6) phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập; (7) các điều kiện thực hiện chương trình để đảm bảo chất lượng.

1.2. Các tiêu chí phản ánh chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý

Tính phù hợp của chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; tính khoa học của chương trình bồi dưỡng thể hiện ở tính chính xác và tính cập nhật; chương trình bồi dưỡng phải cập nhật những điểm mới về lý luận, về quan điểm đường lối, và pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cần được cập nhật những nội dung mang tính thời sự gắn trực tiếp với mục tiêu phát triển của cơ quan, đơn vị mà cán bộ, công chức công tác; Tính cân đối của chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tính cân đối giữa nội dung chương trình với thời gian khóa bồi dưỡng; Tính cân đối giữa các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng; Tính cân đối giữa nội dung lý thuyết và thực tiễn; Tính ứng dụng của chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mức độ đáp ứng của chương trình bồi dưỡng với nhu cầu của học viên.

2. Cơ sở chính trị, pháp lý xây dựng chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý

2.1. Quan điểm về đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII nhấn mạnh việc không ngừng bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; khắc phục lối suy nghĩ và làm việc xáo mòn, lạc hậu; khắc phục tình trạng chỉ coi trọng công tác đào tạo mà xem nhẹ công tác bồi dưỡng: “đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”[6, tr.235-236]. Đồng thời cần phải “Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”[6, tr.235]. Theo đó, 4 yếu tố: Khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, có thể hiểu là cần bảo đảm sự đúng đắn (tính khoa học), sự đột phá (tính sáng tạo), sự mới mẻ (tính hiện đại), và gắn những vấn đề lý luận luôn hài hòa với thực tiễn cuộc sống, tránh lối lý luận suông, xa rời thực tiễn cũng như tránh thực tiễn thuần túy, khô khan, không có lý luận. Những định hướng nêu trên đòi hỏi nội dung, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị phải có những điều chỉnh, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với tình hình mới.

2.2. Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị, nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gồm có: Những thành tựu nghiên cứu mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kiến thức về lý luận chính trị; Những vấn đề mới trong đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, chính quyền; Tình hình thế giới đương đại có tác động tới Việt Nam; Những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý; Những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo, quản lý. Trên cơ sở định hướng những nội dung trên, cần xây dựng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phù hợp với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong từng thời điểm.

Chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây:

Một là, đối tượng áp dụng chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, được phân thành 04 nhóm đối tượng:

- Đối tượng 1: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Đối tượng 2: Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (ngoài đối tượng 1).

- Đối tượng 3: Cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương quản lý.

- Đối tượng 4: Cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý.

Hai là, mục tiêu chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nhằm bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới.

Ba là, yêu cầu chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cần được bảo đảm ở cả nội dung và hình thức tổ chức thực hiện.

Nội dung chương trình: Cần bảo đảm cập nhật kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh đối với từng loại đối tượng ở từng vị trí công tác; phù hợp tình hình mới và yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực, địa phương, vùng, miền; vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của cán bộ, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ.

Về hình thức tổ chức thực hiện: Các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm chế độ bồi dưỡng theo Quy định. Kết quả thực hiện chế độ này là một nội dung đánh giá kết quả công tác hằng năm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tổ chức thành nền nếp công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, chính sách, chế độ, cơ sở vật chất kỹ thuật để công tác bồi dưỡng đạt chất lượng cao và hiệu quả thiết thực.

2.3. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định rất chi tiết về nội dung, chương trình, hình thức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Nhà nước, cơ quan của Đảng và viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, với mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Nghị định cũng đã quy định về hình thức, nội dung và chương trình, tài liệu bồi dưỡng, kiến thức quản lý nhà nước cho các đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Về hình thức bồi dưỡng, tại Điều 15 của Nghị định này đã quy định có 04 hình thức bồi dưỡng, trong đó đối với việc bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có quy định hình thức “Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý” và “Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm”. Đồng thời, quy định cụ thể “Thời gian thực hiện tối thiểu là 01 tuần/01 năm; một tuần được tính bằng 05 ngày học, một ngày học 08 tiết”.

Về nội dung bồi dưỡng, tại Điều 16 của Nghị định này đã quy định có 05 nội dung bồi dưỡng, trong đó nội dung về “Lý luận chính trị” đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý bao gồm chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định này cũng là cơ sở pháp lý để quy định phương pháp bồi dưỡng và loại hình bồi dưỡng khi xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể là, Điều 28 của Nghị định đã nêu rõ, phương pháp bồi dưỡng là bồi dưỡng bằng phương pháp tích cực, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên.

Điều 29 quy định 03 loại hình tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là tập trung, bán tập trung và từ xa. Như vậy, các quy định về phương pháp bồi dưỡng và loại hình tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức được quy định trong văn bản này sẽ là những căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.

3. Đề xuất xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý

Về nội dung: Chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cần bao quát đầy đủ các nội dung: (1) Những thành tựu nghiên cứu mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kiến thức về lý luận chính trị; Tình hình thế giới đương đại có tác động tới Việt Nam; (2) Những vấn đề mới trong đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, chính quyền... ; Những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý; (3) Những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo, quản lý.

Về nguyên tắc, cần bảo đảm các nguyên tắc khi xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý gồm:

Thứ nhất, việc xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào các cơ sở lý luận và các cơ sở pháp lý được thể hiện trong các văn bản, quy định, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện hành.

Thứ hai, việc xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm nguyên tắc khách quan và nguyên tắc tính đảng trong bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt, phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thứ ba, các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được xây dựng một cách chi tiết hóa và cụ thể hóa hơn nữa, nhất là việc quy định các nội dung tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ và phẩm chất đạo đức của người học cần đạt được trong mục tiêu của mỗi chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, các chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cần bảo đảm tính mới, trên cơ sở phải cập nhật được một cách tương đối đầy đủ, kịp thời các nội dung thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại trong và ngoài nước, cũng như những thành tựu mới trong công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn đã được thể hiện trong các công bố chính thức của các cơ quan nghiên cứu của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các nội dung cốt lõi trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Thứ tư, mỗi chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xây dựng được mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể gắn với chuẩn đầu ra cho từng chương trình; đồng thời phải xây dựng được ma trận mục tiêu gắn với chuẩn đầu ra của chương trình bồi dưỡng. Mỗi chuyên đề trong từng chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cần xác định được mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của từng chuyên đề gắn với chuẩn đầu ra cụ thể, trên cơ sở có sự kế thừa, liên thông trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý để bổ sung, hỗ trợ nhau nhằm đạt được mục tiêu chung của chương trình bồi dưỡng. Đặc biệt, quá trình xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cần rà soát về nội dung chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý để tránh sự trùng lặp.

Về quy trình xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng:

Dựa trên quy trình 7 bước được quy định tại Thông tư 17/2021/TTBGDĐT ngày 22/6/2021, quy trình xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể triển khai theo các bước như sau:

Bước 1: Nghiên cứu, khảo sát tài liệu về nhóm công việc và năng lực cần thiết của các vị trí chức danh, xây dựng dự thảo chuẩn chương trình theo các nội dung: Mục tiêu chương trình, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, cấu trúc nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra, đánh giá, giảng viên và đội ngũ hỗ trợ, cơ sở vật chất và công nghệ, học liệu.

Bước 2: Xây dựng phiếu khảo sát về chuẩn chương trình bồi dưỡng và tính khả thi áp dụng chuẩn chương trình bồi dưỡng để phát triển chương trình cho nhóm vị trí chức danh.

Bước 3: Lấy ý kiến của các bên liên quan (nhà quản lý, giới chuyên môn, cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng và bản thân học viên) về dự thảo chuẩn chương trình bồi dưỡng và khả năng áp dụng cho nhóm vị trí chức danh.

Bước 4: Hoàn thiện dự thảo chuẩn chương trình bồi dưỡng và khả năng áp dụng đối với nhóm vị trí chức danh dựa vào kết quả khảo sát.

Bước 5: Hoàn thiện dự thảo chuẩn chương trình bồi dưỡng và báo cáo kết quả rà soát, nghiên cứu, phân tích nhu cầu năng lực của nhóm vị trí chức danh cho các cơ quan có thẩm quyền theo từng chương trình bồi dưỡng.

Xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo chức danh, cần nâng cao hơn nữa những kiến thức, kỹ năng, thái độ, xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy chiến lược, tầm nhìn, có đạo đức cách mạng, có tư duy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân.

Kết luận

Việc xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thực hiện bám sát cơ sở chính trị, pháp lý và nội dung, nguyên tắc và quy trình trong xây dựng chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Xây dựng chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cần nâng cao hơn nữa những kiến thức, kỹ năng gắn với vị trí được đảm nhiệm, để xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng, có sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân. Đặc biệt nêu cao tinh thần chủ nghĩa yêu nước, vì dân tộc, có ý chí tự lực tự cường để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Chính trị (2013), Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

[2] Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương tình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

[3] Bộ Nội vụ (2017), Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 Quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

[4] Chính phủ (2017), Nghị định số 101/2017/NĐ/CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

[5] Chính phủ (2021), Nghị định số 89/2021/NĐ/CP ngày 18/10/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.


Đọc thêm

Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du lịch ở nước ta

Tác giả: TS. Bùi Hồng Thanh

(LLCTTTĐT) Du lịch đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao mức sống cho người dân và được cụ thể bằng quan điểm Đảng và Nhà nước ta phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, những quan điểm về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là bệ phóng để nhiều địa phương trong cả nước từng bước mạnh dạn khai thác và phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, khai thác những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch nói chung ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này phần nào được lý giải trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Do đó, việc nhận diện khách quan những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để có những định hướng nhằm khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Khơi thông mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Tác giả: PGS. TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là sứ mệnh vô cùng vẻ vang nhưng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa từ Trung ương tới cơ sở”, đồng thời “huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa”.

Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền

Tác giả: TSKH. Đặng Huy Trinh

(TG) - Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới

Tác giả: PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa - TS Nguyễn Văn Dương

(LLCT) - Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng xây dựng, vun đắp. Bài viết khái quát mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào theo phương châm “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ

Tác giả: Bảo Châu

(TG) - Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng đối với việc củng cố uy tín, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên; góp phần tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên làm nền tảng xây dựng đạo đức công vụ là yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.