Thứ Năm, ngày 25/05/2023, 21:01

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

PGS. TS. Phạm Ngọc Linh
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày các sản phẩm khoa học, kỹ thuật tại Hội nghị đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng _Ảnh: TTXVN

GẦN 600 TỔ CHỨC KH&CN TRỰC THUỘC LHHVN

Từ năm 1992, các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) ngoài công lập trực thuộc Liên hiệp hội Việt Nam (LHHVN) bắt đầu được thành lập, hoạt động theo Nghị định 35-HĐBT ngày 27 - 1 - 1992 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN), (Nghị định 35-HĐBT đã được thay thế, nay là Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ).

Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, số tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN đã tăng từ 6 tổ chức (năm 1992) lên tới con số 62 tổ chức (2002), năm 2007, là 182 tổ chức và đến tháng 12/2022, có 590 đơn vị tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN. Trong đó loại hình Viện là 340; Trung tâm 241; Liên hiệp: 7; Văn phòng: 2. Trụ sở chính của các đơn vị cụ thể như sau: Hà Nội: 493; TP. HCM: 62; 35 đơn vị ở 21 tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Hầu hết các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN có đội ngũ cán bộ quản lý là các nhà khoa học, có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm nên rất thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như ứng dụng các kiến thức, tri thức KH&CN trong BVMT, ứng phó BĐKH, PTBV, bảo tồn ĐDSH, xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, phát triển nông nghiệp bền vững, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tham gia vào các công đoạn xây dựng chính sách.

Nhiều đơn vị có đội ngũ nhân lực đã có thâm niên làm việc trong tổ chức quốc tế, vì vậy họ có kinh nghiệm và năng lực để thực hiện, quản lý dự án; lãnh đạo và nhân viên đoàn kết, nỗ lực vượt qua những khó khăn trong quá trình hoạt động; có đội ngũ nhân viên trẻ, năng động, nhiệt huyết và đã tạo dựng được uy tín với các nhà tài trợ trong nước và quốc tế; tạo dựng được giá trị riêng và khác biệt; có đội ngũ khoa học phù hợp, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động; có sự tin cậy của đối tác và đồng nghiệp ở các đơn vị ngoài.

Mô hình tổ chức và quản trị của nhiều tổ chức KH&CN về cơ bản gọn nhẹ, linh hoạt và tương đối đầy đủ như quy chế quản lý, tuyển dụng, quản lý và sử dụng tài chính và tài sản, đánh giá nhân viên định kỳ. Đặc biệt, vì có nhiều tổ chức có hợp tác quốc tế nên rất chú trọng đến việc kiểm toán theo tiêu chuẩn cao (kiểm toán từng dự án và kiểm toán toàn tổ chức định kỳ hàng năm, sử dụng các dịch vụ của công ty kiểm toán thuộc nhóm Big4) đồng thời công khai báo cáo tài chính và hoạt động hàng năm.

Trong những năm qua, LHHVN đã quan tâm triển khai công tác chỉ đạo, định hướng để hỗ trợ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc. Hàng năm, LHHVN mở các khoá đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc; tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn hướng dẫn hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến viện trợ, kỹ thuật viết tin bài truyền thông, thực hiện chế độ bảo hiểm, thuế; gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ hoạt động của các đơn vị; bố trí cán bộ của một số đơn vị tham gia các đoàn công tác nước ngoài của LHHVN; khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền cao hơn khen thưởng các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ hoặc nhân các dịp kỷ niệm ngày thành lập.

Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nêu trên, công tác quản lý các tổ chức KH&CN trực thuộc luôn được Thường trực Đoàn Chủ tịch LHHVN quan tâm, biện pháp quản lý chủ yếu thông qua việc thực hiện điều lệ của tổ chức đã được phê duyệt, Giấy đăng ký hoạt động KH&CN và các quy định khác theo Quy chế số 573/QĐ-LHHVN ngày 15/8/2016 về thành lập, đăng ký hoạt động và giải thể tổ chức KH&CN trực thuộc. Sau hơn 6 năm ban hành, Quy chế số 573/QĐ-LHHVN đã bộc lộ những tồn tại hạn chế.

Để tháo gỡ những khó khăn cho các đơn vị, tạo ra một môi trường lành mạnh cho các nhà khoa học hoạt động, Thường trực lãnh đạo LHHVN đã chỉ đạo sửa đổi các quy định về thành lập tổ chức KH&CN theo hướng nâng cao tiêu chuẩn thành lập các tổ chức KH&CN trực thuộc, gắn trách nhiệm của các nhân sự chủ chốt của các viện nghiên cứu vào tạp chí trực thuộc viện, tăng các nội dung về đình chỉ, giải thể tổ chức hoạt động không đúng quy định, vi phạm pháp luật, điều lệ tổ chức với mục tiêu cao nhất là tạo ra một môi trường lành mạnh cho các trí thức, nhà khoa học làm việc, cống hiến. Ngày 02/11/2022 của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương LHHVN đã ban hành Quyết định 1026/QĐ-LHHVN quy định về thành lập, đăng ký hoạt động, quản lý và giải thể tổ chức KH&CN trực thuộc.

Đoàn Chủ tịch cũng đã ban hành hàng trăm văn bản liên quan đến các tổ chức KH&CN như các văn bản gửi bộ/ngành đề nghị hỗ trợ hoặc giải quyết sự vụ, các quyết định về đề tài, dự án và quyết định liên quan đến việc tiếp nhận tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho các tổ chức thuộc hệ thống LHHVN. LHHVN đã ký kết văn bản hợp tác với một số bộ, ngành (Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban KHCN&MT, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Tổng cục Lâm nghiệp,…) tạo điều kiện thuận lợi để nhiều tổ chức KH&CN kết nối, hợp tác với các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội triển khai các hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, hoạt động vận động chính sách.

Thông qua sự hỗ trợ, cầu nối của LHHVN với các cơ quan, nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN đã có nhiều hoạt động phối hợp và trở thành những đối tác thường xuyên của các cơ quan Quốc hội và Bộ/ngành trong quá trình tham vấn chính sách. LHHVN đã triển khai một số dự án lớn, thu hút được sự tham gia phối hợp của nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc (Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, dự án Rosa Luxembourg,…), tạo tiền đề để các tổ chức này tăng cường năng lực, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA CÁC TỔ CHỨC KH&CN

Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Các tổ chức này có điểm mạnh là tập hợp được chất xám của các nhà khoa học và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho đội ngũ trí thức trẻ (Kết quả khảo sát tại 142 tổ chức KH&CN trực thuộc, có 54% nhân viên ở độ tuổi dưới 45, 60% nhân viên có trình độ đại học, 18% trình độ thạc sỹ và 22 % trình độ tiến sỹ), thu hút được nhiều nguồn lực tài trợ từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông qua các dự án hợp tác quốc tế; hầu hết các hoạt động của các tổ chức này được triển khai trực tiếp tại cộng đồng, có ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng miền núi và các vùng đặc biệt khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo và đưa tiếng nói của những người yếu thế đến với những cơ quan chức năng trong quá trình hoạch định chính sách.

Các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN là lực lượng đi đầu trong công tác xã hội hóa các hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thông qua nghiên cứu ứng dụng, nhiều mô hình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp bền vững, mô hình cộng đồng tự quản đã được các tổ chức triển khai thực hiện, góp phần phát triển cộng đồng, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, các trí thức trẻ tham gia vào các hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Ảnh minh họa)

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, các tổ chức KH&CN trực thuộc đã chủ động khai thác các nguồn lực để tổ chức hàng trăm khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng; tham gia xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực cho trẻ em, thanh thiếu niên, người yếu thế, người nông dân. Hình thức tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực khá phong phú: tự nghiên cứu, thiết kế chương trình và trực tiếp tuyển sinh, liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo - dạy nghề của cơ quan nhà nước, trong đó có những đơn vị rất có uy tín, tập trung chủ yếu vào thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo tiếng Anh, tin học miễn phí, các kỹ năng mềm cho trẻ em.

Các hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã thực hiện nhiều dự án bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật, thực vật; trực tiếp tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường với hàng ngàn pano, áp phích, băng rôn; xây dựng và triển khai hàng trăm mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng nhiều mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước, mô hình về năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…).

Trong hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức thăm khám, hỗ trợ cho các bệnh nhân, đặc biệt tập trung vào các bệnh xã hội; nghiên cứu, triển khai các dự án về sức khỏe sinh sản; tổ chức thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN là các đơn vị độc lập tự chủ về kinh phí hoạt động, không có sự bao cấp về cơ sở vật chất, kinh phí của nhà nước. Tuy nhiên với sự năng động, sáng tạo và nhiệt tình, các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN họ đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng và hàng chục triệu USD, góp phần tích cực vào công tác xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường....Trong vòng 15 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, các tổ chức KH&CN huy động được trên 10 triệu USD từ các tổ chức quốc tế.

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ, NÂNG CAO NĂNG LỰC HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC KH&CN

Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, tác động rất lớn đến các tổ chức KH&CN ngoài công lập đòi hỏi định hướng lại tầm nhìn, chiến lược phát triển của tổ chức, đồng thời thực hiện các hoạt động rà soát quy định pháp luật hiện hành, các quy định của LHHVN để đảm bảo tính pháp lý cho tổ chức hoạt động hiệu quả. Trong năm 2022, qua các đợt thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước và của LHHVN cho thấy nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc còn thiếu sót trong tổ chức và hoạt động, một vài đơn vị vi phạm pháp luật phải đình chỉ hoạt động, giải thể.

Từ thực trạng trên, LHHVN sẽ tăng cường công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị KH&CN hoạt động và phát triển; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, ý thức chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, quy định của LHHVN của các đơn vị KH&CN; tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội hóa giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững… để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với các tổ chức KH&CN trực thuộc cần định hướng lại mục tiêu, tầm nhìn của tổ chức, xây dựng chiến lược phát triển, mô hình tổ chức, kế hoạch nguồn lực nhân sự, nguồn lực tài chính, truyền thông và quảng bá hình ảnh của tổ chức,... Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng trong bối cảnh mới, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối chiếu, rà soát với các quy định hiện hành để chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và quy định của LHHVN. Duy trì và tiếp tục mở rộng mối hệ hợp tác với các đối tác quốc tế, nhất là các tổ chức quốc tế có uy tín để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, huy động thêm các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp để mở rộng phạm vi hoạt động và tăng nguồn lực hoạt động. /.

 (Nguồn: tuyengiao.vn)


Đọc thêm

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.

Vai trò của lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - LÊ TRỌNG ĐẠI

(GDLL) - Trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Dân quân tự vệ luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và xung kích trong lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, là lực lượng nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Bài viết khái quát diễn biến chính của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, làm rõ vai trò quan trọng của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội trong bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở, rút ra một số kinh nghiệm vận dụng về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội.

Tiềm năng du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La hiện nay

Tác giả: VŨ TRƯỜNG GIANG

(GDLL) - Du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân địa phương. Bài viết phân tích khái quát tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát huy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La trong thời gian tới.