Thứ Năm, ngày 19/05/2022, 15:23

Quan hệ giữa các tộc người thiểu số cùng nhóm ngôn ngữ ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc hiện nay

VŨ TRƯỜNG GIANG
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Quan hệ giữa các tộc người thiểu số cùng nhóm ngôn ngữ ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc có hình thức và nội dung đa chiều, được biểu hiện trong hầu hết các lĩnh vực như nguồn gốc lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, đời sống xã hội, văn hóa. Bài viết tập trung phân tích thực trạng quan hệ giữa các tộc người thiểu số cùng nhóm ngôn ngữ ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp quản lý nhằm góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới Việt Nam và Trung quốc hiện nay.

Từ khóa: Nhóm ngôn ngữ; quan hệ, tộc người thiểu số; vùng biên giới Việt - Trung.

 

(Ảnh: http://lyluanchinhtri.vn)

Đặt vấn đề

Vùng biên giới là một khu vực địa lý gần đường biên, trong đó có các cộng đồng cư dân sinh sống và các cộng đồng này có thể có cùng bản sắc văn hóa tộc người, mặc dù họ có thể bị chia cắt bởi một đường biên giới lãnh thổ quốc gia. Vùng biên giới Việt - Trung là địa bàn cư trú của nhiều tộc người thiểu số có những gần gũi về nguồn gốc lịch sử, quan hệ thân tộc, đặc trưng văn hóa, hoạt động sinh kế... Trong trường hợp này quan hệ giữa các tộc người đồng nghĩa với quan hệ công dân của hai quốc gia. Do vậy, nghiên cứu để hiểu rõ về mối quan hệ giữa các tộc người cùng nhóm ngôn ngữ, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh là một yêu cầu cấp bách hiện nay.

1. Về vùng biên giới Việt - Trung và các tộc người thiểu số

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc dài1449,566 km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai,Hà Giang, Cao Bằng Lạng Sơn và Quảng Ninh (của Việt Nam) vớitỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (của TrungQuốc). Phía Việt Nam có 32 huyện, thị xã, thành phố biên giới, trong đó tỉnh Điện Biên có 01 huyện: Mường Nhé; tỉnh Lai Châu có 04 huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn; tỉnh Lào Cai có 05 huyện: Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai; tỉnh Hà Giang có 07 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh; Quản Bạ, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần; tỉnh Cao Bằng có 07 huyện biên giới là Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa, Thạch An; tỉnh Lạng Sơn có 05 huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, tỉnh Quảng Ninh có 03 huyện: Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái.

Phía Trung Quốc có 15 huyện, tỉnh Vân Nam có08 huyện: Phú Linh, Ma Ly Pho, Mã Quan, Hà Khẩu, Bình Biên,Kim Bình, Lục Xuân, Giang Thành; Khu tự trị dân tộc Choangtỉnh Quảng Tây có 07 huyện: Phòng Thành, Ninh Minh, BằngTường, Long Châu, Đại Tân, Nà Po và Trịnh Tây[8, tr. 8].

Biên giới Việt - Trung có đặc điểm là cư dân khu vực biên giới hai nước sinh sống, canh tác đan xen qua nhiều thế hệ. Ở một số nơi, cư dân biên giới có quan hệ dòng tộc lâu đời, việc qua lại thăm thân, làm ăn diễn ra tương đối thường xuyên.

Ở Việt Nam có 28 tộc người là Việt (Kinh), Mường, Khơ Mú, Xinh Mun, Mảng, Kháng, Hmông, Dao, Pà Thẻn, Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Giáy, Lào, Lự, Bố Y, La Chí, Cờ Lao, Pu Péo, Hoa, Sán Dìu, Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ, Lô Lô, Cống, Si La[9].

Ở Trung Quốc, có 13 tộc người: Choang, Thái, Bố Y, Mèo, Dao, Hán, Di, Hà Nhì, La Hủ, Cơ Lao, Kinh, Hồi, Pu Lăng. Có một số tộc người ở Trung Quốc là một nhưng ở phía Việt Nam là hai tộc người, như Thái của Trung Quốc, ở phía Việt Nam là Thái và Lự; ở Trung Quốc là Bố Y, ở phía Việt Nam là Bố Y và Giáy; ở Trung Quốc là Di, ở Việt Nam là Lô Lô và Phù Lá; ở Trung Quốc là Hán, ở Việt Nam là Hoa (Hán) và Ngái. Có một số tộc người ở Trung Quốc là một, thì ở Việt Nam là ba, chẳng hạn ở Trung Quốc là Dao, phía Việt Nam là Dao, Pà Thẻn, Sán Dìu; ở Trung Quốc là Hà Nhì, ở Việt Nam là Hà Nhì, Si La, Cống; ở Trung Quốc là một, ở Việt Nam là năm, chẳng hạn ở Trung Quốc là Choang, ở Việt Nam là Tày, Nùng, Pu Péo, La Chí, Sán Chay. Ở Việt Nam, tộc người Sán Chay gồm hai nhóm Cao Lan và Sán Chí, ở phía Trung Quốc, người Cao Lan là một nhóm của Choang, người Sán Chí là một nhóm của Dao; ở Việt Nam, người Khơ Mú là một tộc người, nhưng ở Trung Quốc là một nhóm của tộc người Pu Lăng[5].

2. Quan hệ giữa các tộc người thiểu số vùng biên giới

- Quan hệ về nguồn gốc lịch sử: Một số tộc người ở vùng biên giới các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta có nguồn gốc từ các nước láng giềng (chủ yếu ở phía Nam của Trung Quốc), di cư đến Việt Nam vào những thời điểm và với các nguyên nhân khác nhau, trong đó một bộ phận của một số dân tộc sau khi đến nước ta lại tiếp tục di cư sang nước khác, hoặc ngược lại di cư đến nước khác rồi mới đến Việt Nam. Do đó, tuy hiện cư trú ở những quốc gia khác nhau, nhưng ngoài các mối tương đồng về đặc điểm kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng bào vẫn giữ được ý thức về nguồn gốc tộc người, tập tục thờ cúng tổ tiên chung và dòng tộc của mình thông qua các huyền thoại, biểu tượng vật tổ hay tô tem và nghi lễ thờ cúng. Tuy nhiên, mối quan hệ này mang nhiều sắc thái và mức độ khác nhau giữa các tộc người.

Trong các tộc người hiện có các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc xuyên/liên biên giới, thì người Hmông có quan hệ sâu rộng và bền chặt hơn cả, không chỉ diễn ra trong phạm vi vùng cư trú mà còn xuyên/liên biên giới, xuyên/liên quốc gia. Một trong những đặc điểm của tộc người này là dù sống ở đâu cũng đề cao tính cố kết đồng tộc, sẵn sàng giúp đỡ nhau, khi di cư cũng có tính tập thể theo dòng họ hay cộng đồng, đến nơi ở mới cũng tìm đến nhau để cùng cư trú tập trung, luôn bảo vệ nhau khi xảy ra mâu thuẫn với tộc người khác, nhất là giữa những người cùng chung một họ - tức theo quan niệm của họ là cùng chung một ma/tổ tiên.

- Quan hệ kinh tế: Nhờ có mối quan hệ đồng tộc, thân tộc nên các cá nhân thường qua lại hai bên biên giới buôn bán, tìm cơ hội việc làm, nhưng thường không thông qua kiểm soát của Nhà nước. Việc trao đổi, mua bán giúp đỡ nhau này diễn ra hết sức linh hoạt ở các tộc người và các địa phương. Chỉ tính đến năm 2019 (thời điểm chưa bùng nổ đại dịch Covid 19) ở hai địa phương là Cao Bằng và Điện Biên đã cho thấy điều đó.

Ở tỉnh Cao Bằng, số người vượt biên sang Trung Quốc làm thuê tăng theo từng năm (năm 2017, toàn tỉnh có trên 8.000 người, đến năm 2018 là hơn 9.700 người).Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, tính riêng tại khu vực biên giới, địa bàn do Bộ đội Biên phòng quản lý, các đơn vị đã ngăn chặn 975 vụ với 17.640 lượt công dân Việt Nam có ý định vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê... Lao động sang Trung Quốc làm việc chủ yếu đi “chui” theo đường tiểu ngạch như lối mòn, đường sông, mà không qua cửa khẩu vì không có giấy tờ xuất nhập cảnh. Nhiều trường hợp làm thủ tục xuất nhập cảnh sang Trung Quốc đi du lịch, thăm người thân, nhưng hết hạn không về mà ở lại làm thuê trái phép... Mức thù lao cho một ngày công lao động dao động trong khoảng 120.000 - 250.000 đồng/ngày[3].

Ở tỉnh Điện Biên, theo báo cáo của Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay, có khoảng 6.500 lượt người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê, mà nguyên nhân chủ yếu là do ở địa phương thiếu việc làm, người lao động tranh thủ đi tìm việc làm để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, trong khi vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng lao động phổ thông không yêu cầu về trình độ, tay nghề ở phía bên Trung Quốc rất lớn, mức thu nhập cao hơn so với ngày công lao động phổ thông tại Việt Nam nên vào mùa nông nhàn người dân ở các tỉnh miền núi và giáp biên với Trung Quốc ồ ạt xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê[7].

- Quan hệ xã hội: Hiện nay, mối quan hệ này ngày càng phát triển, nhất là trong quan hệ hôn nhân, gia đình và dòng họ. Trong quan hệ hôn nhân ở hai bên biên giới diễn ra từ trước đến nay, các tộc người thiểu số thường kết hôn với người cùng tộc, do không cách trở nhiều về địa lý môi trường nên ít gặp phải các trở ngại về ngôn ngữ, tập quán xã hội, sinh hoạt văn hóa, hoạt động sản xuất... 

Chỉ có phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng, những trường hợp ngược lại rất hiếm khi xảy ra. Hầu hết các cuộc kết hôn diễn ra ở vùng biên giới với các tộc người Hmông, Dao, Sán Chay, Nùng đều với người đồng tộc... Do đặc điểm cư trú liền kề với đường biên giới, các tộc người ở hai bên đường biên giới có chung một đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán và thường xuyên có mối liên hệ thăm thân với nhau từ nhiều đời nay. Do vậy, các tình huống gặp gỡ vợ/chồng của các cuộc hôn nhân xuyên biên giới chủ yếu là từ phong tục tập quán truyền thống của các tộc người có sự tương đồng về văn hóa.

Kết quả khảo sát cho thấy, với các dân tộc Tày, Nùng, Dao tình huống kết hôn của các cặp vợ chồng do mai mối là chủ yếu (Dao: 75%; Tày: 39%; Nùng: 28%). Trong khi đó tình huống đi chợ, đi chơi gặp nhau dẫn tới hôn nhân chiếm tỷ lệ khá cao ở người Hmông: 47,4%; Sán Chay: 50%... Với các tộc người Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay ở khu vực biên giới Việt - Trung, việc mai mối hay vai trò của ông mối, bà mối vẫn giữ vị trí quan trọng trong các cuộc hôn nhân. Các cuộc hôn nhân không chỉ nằm trong khu vực biên giới mà cả các cuộc hôn nhân xuyên biên giới cũng mang đậm màu sắc phong tục với vai trò dẫn dắt của ông mối, bà mối. Trong nhiều trường hợp, người làm mai mối có thể là những người đã kết hôn với người nước ngoài (Trung Quốc) từ nhiều năm trước, trong quá trình thăm thân về quê cũ, họ đã lựa chọn và là người mai mối trung gian cho các cặp hôn nhân hiện tại... Khi được hỏi về nguyện vọng về người sẽ kết hôn, hầu hết các ý kiến khẳng định, họ muốn kết hôn với người đồng tộc hơn là khác tộc. Thậm chí người đồng tộc có thể ở bên kia biên giới vẫn là lựa chọn ưu tiên 79,9%, trong khi lựa chọn đối với người khác tộc chỉ là 17%[4, tr. 55].

Không chỉ trong hôn nhân, hầu hết các dân tộc sinh sống dọc biên giới Việt - Trung đều ngày càng tăng cường quan hệ với đồng tộc, thân tộc ở bên kia đường biên, điển hình là các tộc người Hmông, Khơ mú, Hà Nhì, Lô Lô, Tày, Nùng. Trong đó, một bộ phận nhỏ của một số tộc người đã lợi dụng các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc xuyên/liên biên giới này để thực hiện các hoạt động phi pháp, làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, như: bắt cóc, lừa gạt, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới; buôn bán hàng lậu; vận chuyển, mua bán ma tuý...

- Quan hệ văn hóa: Về cơ bản, mối quan hệ đồng tộc, thân tộc xuyên/liên biên giới của các tộc người trên lĩnh vực văn hóa không diễn ra thường xuyên, chỉ có một số người có quan hệ họ hàng, thông gia, bạn bè thân thiết... sinh sống liền kề nhau dọc biên giới thi thoảng sang tham dự các lễ hội hay nghi lễ chung của dòng họ hay cộng đồng, mục đích chính vẫn là thăm viếng, thực hiện nghĩa vụ tâm linh truyền thống.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã xuất hiện việc lợi dụng quan hệ đồng tộc, thân tộc xuyên/liên biên giới để qua lại đường biên bất hợp pháp nhằm vận chuyển, truyền bá sản phẩm đồi trụy phi văn hóa, truyền đạo trái pháp luật. Đặc biệt trong mấy thập kỷ qua, hiện tượng một bộ phận người dân Hmông, Dao và của một số ít các dân tộc khác chuyển đổi sang theo đạo Tin lành đã hình thành một xu hướng mới trong quan hệ nội tộc người giữa những người có cùng tôn giáo. Như vậy, bên cạnh quan hệ đồng tộc, thân tộc truyền thống còn có thêm quan hệ về tôn giáo. Mối quan hệ này không chỉ diễn ra trong nội tộc người ở trong nước mà còn diễn ra giữa các đồng tộc, thân tộc ở nước ngoài và bộ phận tín đồ của các tộc người ở trong và ngoài nước. 

Có thể nói, hiện nay các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc xuyên/liên biên giới ở vùng biên giới đang ngày càng trở nên sâu rộng, tạo thêm nhiều cơ hội mới trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học... nhưng cũng làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp, nhất là ở khu vực đa tộc người, đa tôn giáo vùng biên giới. Đặc biệt quan hệ đồng tộc, thân tộc, tôn giáo của một số tộc người như Hmông, Dao, Lô Lô, Hà Nhì và một phần là ở các tộc người Thái, Nùng, Hán đã vượt khỏi tầm quốc gia để có thể bị lợi dùng thành vấn đề quốc tế.

3. Đề xuất giải pháp quản lý

Quan hệ giữa các tộc người cùng nhóm ngôn ngữ ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc có hình thức và nội dung đa chiều, được biểu hiện trong các lĩnh vực như nguồn gốc lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, đời sống xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo... Trong giai đoạn hiện nay, để quản lý các mối quan hệ này, xin đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, phát huy vị trí và vai trò của hệ thống chính trị cơ sở vùng các tộc người thiểu số, biên giới trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố mối quan hệ dân tộc trong phạm vi quốc gia và các vấn đề liên quan bên kia biên giới dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng cơ sở, vừa xây dựng chính quyền vừa góp phần củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa[1, tr. 173].

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, quan tâm chăm lo phát triển văn hóa giáo dục, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí hợp lý cơ cấu cán bộ dân tộc đối với các chức danh chủ chốt ở cơ sở, phát huy vai trò của Bí thư Chi bộ, trưởng bản, trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản, người có uy tín và phân công cán bộ hiểu biết phong tục tập quán về công tác ở vùng dân tộc dân tộc thiểu số.

Thứ ba, kết hợp luật tục và luật pháp trong quản lý cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, tuy cơ sở xã hội các tộc người thiểu số đã có nhiều thay đổi, luật pháp của Nhà nước đó thâm nhập và phát huy tác dụng trong cộng đồng làng bản, nhưng vai trò của luật tục vẫn rất mạnh trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Chính vì vậy, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái lập luật tục là đúng đắn, song cũng phải được tính toán kỹ, tránh để tình trạng luật tục tạo ra những quy định trái với luật pháp, mà phải cùng luật pháp duy trì xã hội vùng đồng bào các tộc người thiểu số trong một trật tự, kỷ cương thống nhất, thúc đẩy tiến bộ xã hội[2, tr. 13].

Thứ tư, tại biên giới, các mối quan hệ tộc người được quản lý tốt bởi lực lượng biên phòng và chính quyền, đoàn thể địa phương, nhưng ở nội địa, việc nắm bắt tình hình lại chưa tốt. Do vậy, phải phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các tộc người thiểu số về năng lực lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống và phát huy vốn tri thức am hiểu về địa bàn, dân cư, quan hệ dân tộc hai bên biên giới trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư. Đồng thời, phải hết sức chú ý về tư tưởng dòng họ, bè phái... trong quản lý, lãnh đạo và giải quyết mối quan hệ dân tộc, quan hệ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Thứ năm, giải quyết vấn đề quan hệ tộc người xuyên quốc gia hiện nay không chỉ bó hẹp ở phạm vi địa phương mà phải gắn kết giữa các vùng miền của cả nước và đặt trong đối sánh với những tác động từ nước ngoài. Phát huy mọi nguồn lực cho phát triển; tận dụng tối đa những lợi thế của vùng, của các tộc người và những tác động tích cực từ chính sách của nước láng giềng; đặc biệt, cần có một chiến lược xây dựng vùng biên giới Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và ý thức quốc gia - dân tộc cho người dân ở khu vực biên giới[6, tr. 39].

Kết luận

Vùng biên giới Việt - Trung là địa bàn cư trú của nhiều tộc người có cùng nhóm ngôn ngữ thuộc các ngữ hệ Nam Á, Thái - Ka Đai, Hán - Tạng. Các tộc người này có mối quan hệ gắn bó với những người đồng tộc của mình trong nước; đồng thời có mối quan với đồng tộc ở quốc gia láng giềng, đặc biệt là các tộc người Hmông, Hà Nhì, Tày, Nùng... Quan hệ tộc người trong nhiều trường hợp là đồng nghĩa với quan hệ công dân của các nhà nước do vậy các công dân phải chấp hành theo các quy định luật pháp của mỗi nước. Việc thăm thân hay các hoạt động kinh tế, giao lưu văn hóa của các cộng đồng tộc người ở các quốc gia phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chính vì vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống các đồn biên phòng với chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số ở biên giới các nước thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân tránh tình trạng vượt biên trái phép, di cư tự do xuyên, liên biên giới, hôn nhân xuyên biên giới góp phần bảo đảm an ninh – quốc phòng vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] Vũ Trường Giang (2018): “Di cư xuyên biên giới của các tộc người thiểu số ở vùng Tây Bắc Việt Nam”, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

[2] Vũ Trường Giang (2021): “Nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc, số 12.

[3] Chu Hiệu (2019): “Ngăn chặn tình trạng vượt biên đi lao động “chui” (Bài 1)”, trên trang https://dantocmiennui.vn

[4] Đặng Thị Hoa - Nguyễn Hà Đông (2015): “Hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 8.

[5] Phạm Hồng Quý (2008): “Các dân tộc nằm ở hai bên biên giới Việt Nam và Trung Quốc”, http://cema.gov.vn

[6] Lý Hành Sơn (2016): “Quan hệ dân tộc xuyên quốc gia của một số tộc người vùng miền núi phía Bắc: thực trạng và tác động”, số 5.

[7] Thành Trung (2019): “Nhiều rủi ro khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động chui”, http://congan.dienbien.gov.vn

[8] Ủy ban biên giới quốc gia (2010), Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Hà Nội.

[9] Viện Dân tộc học (2014): “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (Các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Đọc thêm

KINH NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH CẤP XÃ ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG - GIÁ TRỊ THAM KHẢO CHO TỈNH NAM ĐỊNH

Tác giả: Trần Thị Thanh Mai - Lại Sơn Tùng

(GDLL) - Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, tỉnh Nam Định cùng các địa phương khác đã và đang tích cực triển khai xây dựng bộ tiêu chí trên. Bài viết làm rõ thực tiễn xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương, qua đó gợi mở một số giá trị tham khảo cho tỉnh Nam Định trong việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tác giả: PGS, TS NGUYỄN VĂN SỰ - NGUYỄN HOÀNG ANH

(LLCT) - Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, nhằm khai thác, phát huy lợi thế của vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế sau 15 năm Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 37, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm để vận dụng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII trong thời gian tới.

Vai trò "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết" của ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên

Tác giả: MÙA A SƠN

(TG) - Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác Tuyên giáo phải tiếp tục đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” đối với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước; phải luôn nỗ lực, chủ động, có nhiều phương thức sáng tạo, tăng khả năng dự báo, góp phần ổn định chính trị, tạo tiền đề để tỉnh Điện Biên phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm...

Bình Phước: Những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Tác giả: VŨ TIẾN ĐIỀN

(TG) - Sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục được nâng lên rõ rệt, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay*

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

(GDLL) - Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Với chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Bài viết phân tích thực trạng việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.