Thứ Hai, ngày 30/05/2022, 14:17

Tăng cường quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

MAI CHI
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

(GDLL) - Thời đại công nghệ số 4.0 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, internet cũng kéo theo xu thế mở rộng của các trang mạng xã hội trên toàn cầu thu hút rất nhiều người dùng. Trên cơ sở làm rõ vai trò, nội dung và thực trạng quản lý nhà nước đối với an toàn thông tin, an ninh mạng xã hội bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: An ninh mạng; an toàn thông tin; đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng xã hội; mạng xã hội; quản lý nhà nước.

 

Nhân viên làm việc tại Trung tâm Vận hành Khai thác toàn cầu thuộc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội). (Ảnh: https://www.qdnd.vn)

Đặt vấn đề

Những năm qua, mạng xã hội (MXH) và các loại hình truyền thông khác trên internet trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà MXH đem lại cho người dùng bởi độ tương tác cao, kết nối nhanh và tiện ích. Với thế mạnh về khả năng kết nối xuyên không gian, phủ sóng rộng rãi trên toàn quốc nên các nền tảng MXH cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng lớn tới tình hình an toàn, an ninh của người dân, của cộng đồng và dân tộc... Bên cạnh những lợi ích mang lại nhằm kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin vô cùng tiện ích; thu hẹp khoảng cách, thời gian... là sự xuất hiện nhiều trang mạng được tạo lập với mục đích xấu, nguồn tin đăng xuyên tạc, đánh cắp dữ liệu và thông tin người dùng gây mất an toàn, an ninh mạng. Vì vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước đối với an toàn thông tin, an ninh mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay là một yêu cầu cấp thiết.

1. Vai trò quản lý nhà nước đối với an toàn thông tin, an ninh mạng xã hội hiện nay

1.1. Xuất phát từ vai trò tích cực của thông tin, internet, mạng xã hội

- Mạng xã hội là các trang thông tin kết nối người dùng có sự phổ biến rộng khắp và thu hút đông đảo người dân tham gia sử dụng. Nền tảng MXH từ khi ra đời đã có đến ½ lượt dân số trên thế giới sử dụng, trong đó ước tính người dùng nhiều nhất là Facebook, YouTube, WhatsApp và Messenger. Thời đại bùng nổ internet và thông tin trực tuyến là mảnh đất màu mỡ giúp các trang MXH được thành lập ngày một nhiều hơn, phổ biến hơn, ngày càng cải tiến và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

- Mạng xã hội đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dùng: về nhu cầu tìm kiếm, chia sẻ thông tin, dữ liệu; nhu cầu giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhằm kinh doanh, buôn bán xuất nhập khẩu; nhu cầu tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề nổi cộm của đời sống xã hội, cộng đồng MXH có thể nói là góp phần ảnh hưởng và tạo tiếng vang rất lớn đối với những vấn đề được quan tâm; MXH giúp con người xóa mờ ranh giới khoảng cách, thời gian, có điều kiện cập nhật các thông tin, xu thế mới của xã hội, hưởng thụ các giá trị văn hóa thông qua việc chia sẻ trực tuyến...

- Mạng xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng, văn hóa dân tộc; thúc đẩy quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế. MXH là nơi chia sẻ nhiều thông tin, câu chuyện cũng như bài học thực tiễn có sức hút đối với cộng đồng người dùng trên mạng và lan tỏa cả bên ngoài cộng đồng xã hội. Qua đó góp phần tạo nên những nét đẹp văn hóa cộng đồng như tinh thần đoàn kết, nhân văn, lối sống cống hiến tích cực.

- Mạng xã hội còn là nền tảng nếu được quản lý tốt, hiệu quả sẽ trở thành kênh thông tin quan trọng giúp Đảng và nhà nước bám sát đời sống và các vấn đề nảy sinh trong đời sống người dân. Từ đó đưa ra những phương pháp xử lí kịp thời, hiệu quả trước mọi tình huống; ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng xấu tới trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Quản lý và sử dụng tốt MXH ngày càng góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ.

1.2. Xuất phát từ những nguy cơ, ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin, mạng xã hội hiện nay

- Mạng xã hội phát triển phổ biến rộng rãi thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. Có thể thấy thời lượng truy cập vào internet nói chung và MXH nói riêng của người Việt Nam là rất cao. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, những thông tin tiêu cực lệch lạc lan truyền nhanh chóng, tác động lớn tới nhận thức, tâm lí và hành động của cá nhân người dùng, gây hoang mang dư luận. Nhất là khi có không ít người dùng thiếu khả năng đánh giá, nhận định thông tin. Theo khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng MXH tại Việt Nam thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)[4].

- Mạng xã hội hiện nay dễ bị các đối tượng xấu sử dụng để lan truyền virut độc hại, đánh cắp thông tin người dùng, đe dọa tới các dữ liệu lưu trữ trên máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử của người sử dụng. Bên cạnh đó, các hệ thống phần cứng cũng gặp các lỗi dựa trên tính năng Bluetooth của các hệ điều hành Android, Windows và Linux. Các thông tin hay mã độc có thể bị đánh cắp hay phát tán mà người dùng không thể can thiệp được[6, tr.40].

- Mạng xã hội còn là phương tiện để các thế lực thù địch có âm mưu chống phá chính quyền, cách mạng Việt Nam lợi dụng, lôi kéo, tổ chức gây rối loạn trật tự an ninh chính trị xã hội. Bởi độ tương tác cao, lan truyền nhanh của MXH tới đông đảo người dùng nên những thành phần phản động thường tranh thủ sự thiếu hiểu biết của người dân để định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực, gây kích động, bạo loạn.

2. Thực trạng quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng xã hội

2.1. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, tập trung xây dựng, hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý internet và thông tin trên mạng xã hội

Hệ thống pháp luật và các chế tài cụ thể đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời cho công tác quản lý đảm bảo an toàn thông tin, an ninh MXH hiện nay. Tiêu biểu là Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An toàn Thông tin mạng 2015; Luật An ninh mạng 2018; Luật Báo chí năm 2016; Luật Xuất bản năm 2012; Luật Viễn Thông năm 2009... Qua đó đã tạo hành lang pháp lý tương đối vững chắc, hoàn chỉnh, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác giám sát, thực thi và thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên nền tảng MXH nói riêng và ngành Thông tin truyền thông nói chung. Bên cạnh đó còn có những văn bản hướng dẫn trực tiếp điều chỉnh như: Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng...

Thứ hai, tăng cường quản lý và xử lý các đối tượng người dùng mạng xã hội vi phạm pháp luật, có hành vi gây ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn, an ninh xã hội

Trong năm 2019, thực hiện yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, Facebook đã gỡ bỏ 207 tài khoản, trong đó có 46 tài khoản giả danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước; còn lại là các tài khoản đưa thông tin giả mạo, nói xấu, kích động chống phá Nhà nước Việt Nam; gỡ bỏ 2.444 link rao bán sản phẩm bất hợp pháp; 271 link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân và tổ chức; gỡ bỏ 330 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng. Youtube gỡ bỏ 9.501 video vi phạm, ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 19/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, chứa khoảng 5.000 video clip; tiếp tục xem xét, ngăn chặn các kênh còn lại[3].

Thứ ba, tăng cường quản lý nền tảng mạng xã hội

Một số công ty công nghệ trong nước tích cực tham gia hỗ trợ Bộ trong việc phát hiện và cảnh báo sai phạm trên mạng. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập được cơ chế phối hợp với Google và Facebook. Đây là hai dịch vụ của nước ngoài có khá đông người Việt Nam sử dụng. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Thông tin và truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên MXH; phối hợp với lực lượng công an xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia[6, tr.52-53].

Thứ tư, tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong việc sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh

Hơn ai hết, người dùng là những người trực tiếp quản lý, bảo vệ tài khoản của mình; đồng thời là người tiếp cận, đánh giá, nhận định thông tin và tham gia các diễn đàn trao đổi trên MXH. Thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo và quản lý của nhà nước, các cơ quan truyền thông, báo chí đã tích cực vận động, tuyên truyền và chỉ ra những mặt hạn chế của MXH cũng như những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng internet và MXH để chống phá Đảng, Nhà nước. Cơ quan, đơn vị có nhiều bài viết công khai để làm rõ và cảnh báo người dân những biểu hiện của các thông tin xuyên tạc giúp người dùng nâng cao cảnh giác và lựa chọn những thông tin hữu ích cho bản thân.

2.2. Những tồn tại hạn chế

Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý đảm bảo an toàn, an ninh internet, MXH còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả. Năm 2018 Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng; tuy nhiên đến thời điểm này, Luật An ninh mạng còn thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Còn thiếu các quy định cụ thể để phân định rõ ràng, chính xác các hành vi vi phạm pháp luật khi cung cấp và sử dụng các trang MXH.

Thứ hai, trong công tác chỉ đạo, quản lý về thông tin đối với MXH hiện nay còn nhiều bất cập, chỉ tập trung quản lý báo chí chính thống trong nước chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực trang mạng điện tử, trang MXH... Đặc biệt trong công tác quản lý, nắm bắt thông tin, dẫn dắt dư luận còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò tiên phong của lực lượng báo chí, thông tin truyền thông chính thống, chưa biết tận dụng mặt tích cực của nó để định hướng dư luận đến với cái đúng, cái tốt, đấu tranh với cái sai, cái xấu. Có thể nhận định, cho đến thời điểm này, chúng ta đã có những biện pháp quản lý tương đối mạnh và cụ thể, tuy nhiên công tác quản lý MXH trên các phương tiện truyền thông ở nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn[4, tr.56].

Thứ ba, trong công tác quản lý chưa có sự phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng xử lí các tình huống và các vi phạm trên MXH còn chậm chạp, thiếu quyết liệt. Gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các đối tượng lợi dụng các tính năng của MXH như phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.

Thứ tư, tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên internet, MXH còn hạn chế. Chúng ta còn rất thiếu về số lượng thanh tra chuyên ngành; năng lực kỹ thuật xử lý, ngăn chặn thông tin sai phạm từ các máy chủ đặt tại nước ngoài còn nhiều bất cập, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đạt được hiệu quả răn đe cần thiết.

3. Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách trong cung cấp và sử dụng internet, mạng xã hội

Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên MXH trên cơ sở bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, công khai và bình đẳng. Cần có quy chế quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức về các thông tin đưa lên trang thông tin điện tử hay MXH. Đặc biệt bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp và siết chặt hơn nữa hoạt động của công ty nước ngoài khi cung cấp dịch vụ MXH vào Việt Nam. Cơ quan quản lý cần có quy chế bắt buộc tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin MXH để buộc các đơn vị chịu trách nhiệm trong việc đăng tải và bảo mật thông tin. Cần nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH để doanh nghiệp cung cấp và người sử dụng có sự thống nhất chung, cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy các MXH do doanh nghiệp tại Việt Nam có khả năng cạnh tranh, cung cấp dịch vụ thay thế các trang MXH nước ngoài.

Hai là, tăng cường áp dụng các phương pháp kỹ thuật trong công tác quản lý internet và mạng xã hội

Tập trung xây dựng các công cụ định lượng truy cập, sử dụng các trang web MXH của người dùng, góp phần giúp cơ quan nhà nước có cơ sở quản lý, thực hiện các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa những mối nguy cơ đe dọa người dùng. Bên cạnh đó, nhà nước quản lý cần kiểm soát và đẩy mạnh việc xây dựng công cụ lọc và phát hiện tin giả, tin sai sự thật, công cụ đo lường theo thời gian thực mức độ lan truyền, phát tán những thông tin này trên MXH và các phương tiện truyền thông trực tuyến khác nhằm chủ động ngăn chặn sự lan truyền và cảnh báo sớm tin giả ngay khi nó xuất hiện trên MXH. MXH là công cụ thường bị các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền lợi dụng gây rối. Vì vậy, ở mặt nghiệp vụ, kỹ thuật, chúng ta cần chủ động sử dụng những kỹ thuật bóc gỡ các thông tin, tài liệu có nội dung phản cảm, sai quy định bị tán phát trên MXH.

Ba là, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân khi sử dụng mạng xã hội

Trước hết cần đẩy mạnh tuyên tuyền, phổ biến các quy định và hệ thống pháp luật của Đảng, Nhà nước về sử dụng mạng intrernet, MXH cho cộng đồng MXH. Tuyên truyền tới người dân bằng các hình thức đa dạng và linh hoạt; cần vận dụng chính những lợi thế của mạng internet, MXH bằng cách: cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước ta trên các thông tin điện tử nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn của người dân, xây dựng các giá trị văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí các vi phạm trong hoạt động của mạng xã hội

Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ và bao phủ của MXH như hiện nay đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí các vi phạm trong hoạt động MXH. Quá trình này cần được thực hiện thường xuyên, có kế hoạch, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Mọi vi phạm pháp luật đều phải xử lý. Kiên quyết chống mọi hành vi sử dụng MXH để tuyên truyền chống phá Nhà nước, gây bất ổn xã hội, thông tin sai sự thật, thông tin gây hoang mang dư luận[6, tr.80]. Cơ quan quản lý có thẩm quyền phải thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện công tác đào tạo, bố trí và sử dụng những cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt, nghiệp vụ, chuyên môn giỏi, có uy tín làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Kết luận

Mạng internet, MXH là một trong những thành tựu to lớn của con người trong thời kỳ công nghệ số. Những tiện ích mà các nền tảng MXH mang lại cho cộng đồng người dùng là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, MXH cũng tiềm ẩn những rủi ro gây nguy hại tới nhận thức của người sử dụng, tới trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Đặc biệt hơn là các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng internet, MXH để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Điều đó đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác quản lý thông tin trên MXH. Do vậy cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các trang thông tin điện tử, MXH.

Tài liệu tham khảo:

[1] Chính phủ (2018), Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, https://thuvienphapluat.vn

[2] Học viện Hành chính quốc gia (2011), Giáo trình Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

[3] PGS, TS. Vũ Trọng Lâm - TS. Vũ Thị Hương (2021), Tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện nay, https://www.tapchicongsan.org.vn

[4] Hoàng Phương (2017), Gần 80% người dùng mạng xã hội là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét, https://vnexpress.net

[5] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật An ninh mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[6] Phan Xuân Thủy (2019), Quản lý Nhà nước về thông tin đối với mạng xã hội tại Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.

Đọc thêm

Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du lịch ở nước ta

Tác giả: TS. Bùi Hồng Thanh

(LLCTTTĐT) Du lịch đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao mức sống cho người dân và được cụ thể bằng quan điểm Đảng và Nhà nước ta phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, những quan điểm về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là bệ phóng để nhiều địa phương trong cả nước từng bước mạnh dạn khai thác và phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, khai thác những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch nói chung ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này phần nào được lý giải trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Do đó, việc nhận diện khách quan những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để có những định hướng nhằm khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Khơi thông mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Tác giả: PGS. TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là sứ mệnh vô cùng vẻ vang nhưng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa từ Trung ương tới cơ sở”, đồng thời “huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa”.

Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền

Tác giả: TSKH. Đặng Huy Trinh

(TG) - Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới

Tác giả: PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa - TS Nguyễn Văn Dương

(LLCT) - Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng xây dựng, vun đắp. Bài viết khái quát mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào theo phương châm “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ

Tác giả: Bảo Châu

(TG) - Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng đối với việc củng cố uy tín, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên; góp phần tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên làm nền tảng xây dựng đạo đức công vụ là yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.