Thứ Tư, ngày 15/06/2022, 14:19

Tư tưởng “chấn dân khí” của Phan Châu Trinh và những bài học lịch sử

TRẦN MAI ƯỚC
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

(GDLL) - Phan Châu Trinh (1872 - 1926) là một chí sĩ yêu nước, một nhà tư tưởng, một nhà văn hóa lỗi lạc, một đại diện cho tư tưởng canh tân đất nước của Việt Nam thời cận đại. Trên cơ sở nghiên cứu về “Chấn dân khí”, một trong những nội dung tiêu biểu trong tư tưởng của Phan Châu Trinh, bài viết nêu bật những bài học vận dụng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Chấn dân khí; Phan Châu Trinh; tư tưởng Phan Châu Trinh.

 

Phan Châu Trinh (1872-1926), người chủ trương Duy Tân đất nước, mở mang dân trí, tôn trọng dân quyền những năm đầu thế kỷ XX. (Ảnh: http://baotanglichsu.vn)

Đặt vấn đề

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, Phan Châu Trinh đã góp thêm sinh khí cho luồng tư tưởng dân chủ tư sản đầu thế kỷ XX. Tư tưởng "chấn dân khí” của ông là một trong những ngọn đèn soi sáng, thức tỉnh dân tộc, góp phần quan trọng vào phong trào Duy Tân. Trong bối cảnh ngày nay, tư tưởng của Phan Châu Trinh tiếp tục phát huy giá trị, là những bài học vô giá cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở Việt Nam.

1.  “Chấn  dân  khí”  trong   tưởng  Phan  Châu  Trinh

Phan Châu Trinh (1872 - 1926) là một nhà Nho học đích thực, nhưng lại có tư tưởng tân tiến với xu hướng cải cách, một xu hướng chung của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Các sĩ phu nho học như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã dần dần cởi bỏ lớp áo Nho sĩ để hướng đến tư duy chính trị. Tư duy đổi mới của Phan Châu Trinh được diễn giải ngắn gọn trong “Thư gửi Nguyễn Ái Quốc” ngày 18-02-1922 với ba mục tiêu là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh nhằm chấn hưng đất nước, khôi phục khí thế hào hùng của dân tộc. Tiếp thu những tư tưởng canh tân, tiến bộ, Phan Châu Trinh đã kế thừa những giá trị về mở mang nghề nghiệp, học thực dụng, đổi mới đất nước. So với các nhà tư tưởng canh tân đương thời, tư tưởng của Phan Châu Trinh tiến bộ hơn, ông nhận thấy được vai trò của người dân trong phong trào chấn hưng đất nước, tư tưởng và hành động của ông luôn hướng đến Nhân dân.

Là người khởi xướng phong trào Duy tân, Phan Châu Trinh đã xác định rất rõ phương thức của phong trào là bằng con đường giáo dục. Ông cùng với các chí sĩ đã thống nhất quan niệm: nước Nam ta lúc này bị lâm vào cảnh tối tăm, nhục nhã, là chỉ tại bởi chế độ quân chủ, mà nền móng của nó là tư tưởng phong kiến đã thấm sâu vào đầu óc người dân hàng ngàn năm. Thời điểm lịch sử mới của nhân loại đã tới từ lâu. Các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản đã tân tiến, cường thịnh đủ sức đè bẹp nhiều nước. Phải duy tân xã hội theo hướng Tây Âu, Nhật Bản đã làm. Đó là việc cấp bách của nền giáo dục. Nên phải thay thế nền giáo dục Nho giáo bằng một nền giáo dục mới về hình  thức   nội dung. Từ quan niệm ấy, Phan Châu Trinh chủ trương tiến hành cuộc cách mạng về giáo dục cho học sinh và dân chúng.

Chấn dân khí của Phan Châu Trinh là chú trọng làm cho mọi người thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, giác ngộ được quyền lợi của mình giải thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ quân chủ chuyên chế. Sự trì trệ, suy vong của dân tộc không phải từ bản chất của dân tộc ta kém cỏi. Từ buổi đầu lịch sử, dân tộc ta đã có mấy trăm năm dựng nước trở thành một quốc gia có độc lập, chủ quyền, có nền văn hóa ổn định và bền vững. Sự kém cỏi của dân tộc ta một phần là do chúng ta không tự lực, tự cường, không chịu học hỏi, làm mất đi cái hào khí, cái sức mạnh truyền thống mấy ngàn năm của dân tộc. Phan Châu Trinh khảo cứu lịch sử nước nhà và đi đến kết luận: “Lấy lịch sử mà nói thì dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc hèn hạ, mà cũng không phải là một dân tộc không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay mà vẫn còn mê mê muội muội, bịt mắt vít tai không chịu xem xét, không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người”[2, tr.137].

Tư tưởng chấn dân khí của Phan Châu Trinh thể hiện tính cách mạng nhằm phục hưng truyền thống hào hùng của dân tộc [9, tr.8]. Chế độ thực dân phong kiến đã làm cho dân mê muội trong sự an phận, xa lánh chính trị, Phan Châu Trinh viết: “Còn nó sợ dân biết chính trị nhiều thì nó lại sinh ra cách mạng, cho nên nó cấm học trò và dân không được nói đến chính trị”[2. tr 805].

Muốn chấn dân khí còn phải nâng cao dân quyền[9, tr.141]. Phan Châu Trinh là tiêu biểu nhất cho việc đòi hỏi dân quyền ở Việt nam đầu thế kỷ XX. Hiệu quả đạt được về mặt này không phải là nhỏ. Cùng với việc nâng cao nhận thức về dân quyền thì cần phải giáo dục cho nhân dân ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của chính họ, làm cho họ xác định được vị trí của bản thân và của dân tộc trong thời đại mới. Việc giáo dục ý thức dân quyền trước hết là làm cho người dân ý thức được vị trí của mình trong tương quan với đất nước, với sự phục hưng dân tộc. Hai là, khiến cho dân ý thức được trách nhiệm của họ trong việc đứng ra gánh vác việc chung, ý thức được quyền cử ra những đại diện cho quyền lợi của mình. Ba là, người dân được tự do lập hội làm ăn. Bốn là, đưa đến cho nhân dân ý thức về quyền dân được mở mang trí tuệ. Năm là, xây dựng hình mẫu người dân thời đại mới - tân dân, là những người dám từ bỏ nhân sinh quan lạc hậu, phải được giáo dục, nâng cao dân trí, từ đó chấn dân khí và hậu dân sinh.

Bên cạnh việc nâng cao dân trí Phan Châu Trinh còn đề xuất tư tưởng phát triển kinh tế. Trong xã hội phong kiến, nông vi bản nên làm ăn kinh tế, buôn bán không được coi trọng, người ta cho rằng ở đời “Nhất sĩ, nhì nông, công thương mạt nghệ”. Xã hội xem buôn bán, làm kinh tế là những ngành nghề thấp hèn nhất trong xã hội, trọng kẻ làm việc bằng trí óc mà khinh kẻ làm việc bằng chân tay. Người ta cho rằng người lao tâm là trị người ta mà người lao lực thì người khác trị (lao tâm dã tự nhân, lao lực dã trị ư nhân). Trước kia kẻ sĩ mở miệng ra là nói nhân nghĩa, đạo đức chứ không nói đến quyền lợi. Quyền lợi kinh tế không được bàn bạc hoặc không thường trực trong suy nghĩ của người quân tử. Dân khí đang suy nhược vì bị áp bức bóc lột nặng nề, phải làm cho dân khí cường thịnh lên mà cơ sở của sự cường thịnh trước hết là tăng trưởng kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất. Phan Châu Trinh đã cổ vũ cho việc phát triển, công (thủ công), thương nghiệp... cổ vũ cho việc phát triển các ngành nghề truyền thống phục vụ nhân sinh và xuất khẩu. Đặc biệt, về thương nghiệp, ông cổ vũ cho việc buôn bán lớn và dùng hàng nội hóa, mở rộng thương trường trong nước, đẩy mạnh ngoại thương, nhất là lập các hội buôn.

2. Những bài học lịch sử đối với công cuộc đổi mới, hội nhập hiện nay

2.1. Bài học về chấn hưng ý chí, khơi dậy sức mạnh dân tộc, tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển

Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đến nay đã trải qua hơn 35 năm. Trong hơn 35 năm đó, nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo với nhiều đột phá: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế... đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa. Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[1, tr.111]. Khát vọng phát triển đất nước là chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, từ đó đã đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới phức tạp hơn, thách thức lớn hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục tăng cường đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII. Do vậy, chúng ta cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vấn đề quan trọng cần tập trung đó là phát huy tối đa nguồn lực con người. Đảng nhấn mạnh “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[1, tr.116]. Việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế chỉ thực sự thành công khi chúng ta tạo được môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất. Đồng thời, trong phát huy tối đa nguồn lực con người, phải thực sự lấy Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ từ nhu cầu thực tiễn trong quá trình vận động và phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Ý thức tự chủ, tự lực, tự cường dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy quá trình phát triển lịch sử của dân tộc. Phan Châu Trinh đã từng viết rằng: “một chủng tộc muốn như chủng tộc văn minh chỉ có tự lập tự cường”[2, tr.696]. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, ý thức tự lực, tự cường là rất quan trọng, là cơ sở để chúng ta vươn lên hội nhập với thế giới một cách chủ động. Ý thức tự lực, tự cường phải đồng bộ trên tất cả các mặt từ kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, lý luận... thì mới đảm bảo phát triển bền vững. Ngoài ra, hội nhập, hợp tác là xu thế tất yếu của thời đại, phải tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài nhằm phục vụ hiệu quả cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

2.2. Bài học về lấy dân làm gốc 

Sau hơn 35 năm đổi mới, nhận thức về sức dân, về sức mạnh của lòng dân càng thêm sâu sắc hơn. Nền kinh tế thị trường đã tạo nên những chủ thể lợi ích đa dạng. Trong cơ chế kinh tế thị trường khắc nghiệt, và bối cảnh cải cách mở cửa ngày càng sâu rộng, chính người dân đã đóng góp nhiều nhất và cũng hy sinh nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, cũng chính họ lại là tầng lớp đối mặt với nhiều thách thức nhất. Để cải thiện tình hình này, người dân cần phải tập hợp lại với nhau, xây dựng nên các tổ chức hợp tác đại diện cho quyền và lợi ích của mình, phát huy vai trò là chủ thể trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng các chương trình hành động mang tính mục tiêu quốc gia được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do người dân làm chủ. Ví dụ cụ thể, khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư nông thôn sẽ từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ. Khi xem xét quá trình tham gia của người dân trong các hoạt động phát triển nông thôn, vai trò của người dân được thể hiện trong phương châm dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi. Như vậy, vai trò của người dân vẫn theo một trật tự nhất định, các trật tự ở đây hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng “lấy dân làm gốc”.

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế lớn cũng như nền kinh tế toàn cầu. Như nhiều quốc gia khác, COVID-19 đã ảnh hưởng và tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước cú sốc này, ngoài việc Chính phủ đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp mạnh nhằm đạt mục tiêu kép, thì sự nỗ lực và ý chí quyết tâm, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của người dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

2.3. Bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân

Xét trên quan điểm toàn diện, có thể hình dung khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh như ba cạnh của tam giác đều, đòi hỏi phải tiến hành đồng thời. Đặt chấn dân khí trong mối quan hệ hữu cơ với khai dân trí và hậu dân sinh chính là hữu hiệu nhất, là cách mà Phan Châu Trinh và các đồng chí của ông đã giúp đồng bào cả nước cùng tỉnh ngộ về thực trạng dân khí của nước nhà. Thực tiễn và lý luận đã chứng minh rằng, trải qua thăng trầm với những biến cố lịch sử, yếu tố quyết định vận mệnh, quyết định sự phát triển của đất nước là Nhân dân, là lòng dân, là sức dân. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thì Đảng, Nhà nước cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thông qua sự tham gia của người dân, chính phủ có thể tiếp nhận được nhiều thông tin, tri thức của cá nhân và tổ chức làm cơ sở cho việc việc hoạch định, lựa chọn chính sách, góp phần hạn chế sai lầm của chính sách và nâng cao chất lượng chính sách. Đồng thời, sự tham gia của người dân góp phần thực thi chính sách hiệu quả. Nếu không có sự thừa nhận, phối hợp và ủng hộ của người dân thì việc thực thi chính sách của các cơ quan hành chính nhà nước không thể tiến hành thuận lợi. Nếu trong quá trình chính sách, các cơ quan hành chính loại trừ sự tham gia của người dân thì rất dễ gặp phải sự phản đối, bất hợp tác của người dân, từ đó làm cho chi phí thực thi chính sách tăng lên. Còn nếu các cơ quan hành chính coi trọng và phát huy sự tham gia của người dân thì sẽ nâng cao mức độ tiếp nhận chính sách của người dân, từ đó nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Trong giai đoạn hoạch định chính sách, việc thông qua các hình thức khác nhau để lắng nghe ý kiến của người dân có thể làm cho chi phí hoạch định chính sách tăng lên, nhưng khi thực thi chính sách sẽ giảm thiểu chi phí thực hiện do có sự ủng hộ và hợp tác của người dân.

Việc mở rộng sự tham gia của người dân vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động quản lý nhà nước sẽ đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm sự tham gia của Nhân dân vào công việc quản lý nhà nuớc đã được quy định khá cụ thể trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về hình thức, phương thức tham gia của nhân dân trong việc quản lý, xây dựng các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người dân có thể tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật thông qua đại biểu trong các cơ quan đại diện, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình tham gia hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng cũng có thể quyết định trực tiếp các vấn đề ở tầm quốc gia khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý, hoặc trực tiếp quyết định các vấn đề ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Sự tham gia của Nhân dân được thực hiện trong toàn bộ quá trình xây dựng chính sách: đề xuất sáng kiến ban đầu, triển khai xây dựng, quyết định và thi hành chính sách. Tuy nhiên, tùy vào tính chất của những chính sách cụ thể mà người dân có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, với mức độ khác nhau. Phương thức, hình thức để người dân tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, chính sách, vào công việc quản lý của

Nhà nước đã được quy định rõ. Nó cho phép người dân có thể biểu đạt được ý chí, nguyện vọng của mình với các cơ quan nhà nước trong việc hình thành nên các chính sách, pháp luật cũng như việc quyết định và thi hành pháp luật. Đây cũng là bước đi và cách làm phù hợp để Việt Nam có những bước phát triển mới trong giai đoạn hội nhập như hiện nay.

Kết luận

Nhìn chung, tư tưởng của Phan Châu Trinh nói riêng và các nhà tư tưởng khác nói chung trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã khai mở những vấn đề rất cơ bản về nhiệm vụ cách mạng, vấn đề dân quyền, dân chủ, dân sinh, vai trò của nhân dân. Tư tưởng Phan Châu Trinh là ngọn đèn soi sáng, là sự thức tỉnh cho dân tộc, hướng dân tộc bước ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế. Với thời đại ấy, tư duy chính trị - xã hội của Phan Châu Trinh đã thể hiện một sự vượt trước, một tầm nhìn xa, trông rộng, đúng xu thế vận động của lịch sử. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tư tưởng của Phan Châu Trinh vẫn là những bài học có ý nghĩa thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới. Đồng thời, những bài học ấy trở thành tài sản tinh thần quý giá, cần được bảo tồn và phát huy của dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb Đà Nẵng.

[3] Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) (2003), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Quyển 1, tập 1, tập 2, Nxb. Đà Nẵng.

[4] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Chu Đăng Sơn (1957), Luận đề về Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, Nxb Thăng Long, Sài Gòn.

[6] Chương Thâu (2003), Góp phần tìm hiểu một số nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[7] Trần Mai Ước (2011), Sự tác động của Tân thư Trung Quốc đối với tư tưởng Phan Châu Trinh, Tạp chí Giáo dục Lý luận, số 10.

[8] Trần Mai Ước (2012), Tư tưởng phát triển giáo dục của Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh và ý nghĩa lịch sử, Tạp chí Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, số 110, 111.

[9] Trần Mai Ước (2017), Tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

Đọc thêm

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.

Một số vấn đề thực tiễn thi hành pháp luật về luật sư và kiến nghị nâng cao chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Đồng Ngọc Dám

(GDLL) - Thể chế, pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bài viết tìm hiểu thực tiễn thi hành pháp luật về luật sư, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay.