Thứ Tư, ngày 15/06/2022, 15:25

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác xã nông nghiệp và sự vận dụng phát triển lý luận của đảng trong thời kỳ đổi mới

PHẠM THỊ XUÂN - NGUYỄN THỊ THANH SÂM
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp mà nòng cốt là hợp tác xã. Bài viết trình bày một số nội dung quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác xã nông nghiệp, trên cơ sở đó khái quát sự vận dụng, và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Hợp tác xã; kinh tế tập thể trong nông nghiệp; quan điểm Hồ Chí Minh.

Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cho HTX Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nơi khởi nguồn phong trào thi đua Gió Đại Phong trong nông nghiệp, thực hiện luống cày đầu tiên (tháng 6/1961) trước sự vui mừng của bà con xã viên. (Ảnh: TTXVN)

Đặt vấn đề

Việt Nam là một nước nông nghiệp. Người dân Việt Nam lấy canh nông làm gốc. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Xuất phát từ đặc điểm đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nông nghiệp là ngành sản xuất chính, là cơ sở để phát triển kinh tế đất nước. Để phát triển nông nghiệp, Người đề cập tới nhiều thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể mà nòng cốt là Hợp tác xã (HTX). Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX mang tầm nhìn chiến lược, soi tỏ sự nghiệp xây dựng kinh tế tập thể trong nông nghiệp, đã và đang được Đảng kế thừa và phát triển.

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác xã và hợp tác xã trong nông nghiệp

Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là người tiên phong đưa HTX vào Việt Nam. Xét theo thành phần kinh tế và tính chất xã hội, Hồ Chí Minh cho rằng trong chế độ dân chủ mới, HTX là thành phần thứ hai trong năm thành phần kinh tế ở Việt Nam, “các hợp tác xã, nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội”[8, tr.293].

Về bản chất HTX, Người nhấn mạnh “xã viên là chủ hợp tác xã nông nghiệp”[10, tr.78]; xã viên hợp tác với nhau để có lợi ích thiết thực và vẫn duy trì tính độc lập của mình; xã viên là hạt nhân, trung tâm của HTX, là mục tiêu mà HTX phải phục vụ; HTX là phương tiện để phục vụ xã viên, phải bảo đảm đem lại lợi ích cho xã viên. “Dân là chủ, xã viên là chủ. Ban quản trị làm việc để phục vụ ông chủ, bà chủ chứ không phải ngồi chỉ tay năm ngón, buộc người khác phải làm cái này cái kia”[10, tr.282] theo tinh thần “hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”[11, tr.181].

Trả lời câu hỏi “tại sao cần phải tham gia HTX?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một minh chứng cụ thể: người sản xuất, nhất là nông dân được chia sẻ lợi ích phát sinh cả trong quá trình trao đổi, tiêu thụ sản phẩm, tạo tiết kiệm cho xã hội thông qua giảm chi phí trung gian, tạo lợi ích cho người tiêu dùng cuối cùng thông qua giá rẻ. Người lấy ví dụ về việc buôn chè: “Nhà buôn kiếm được lời là vì người làm ra đồ và người dùng đứng giữa, nó đã ăn lời khi mua, lại ăn lời khi bán... Thế là người làm ra chè thua thiệt, người uống chè cũng thua thiệt. Nếu có hợp tác xã thì tránh khỏi những điều ấy”[7, tr.247-248]. Người cho rằng HTX tức là sở hữu của tập thể nhân dân lao động, kinh tế HTX là hình thức sở hữu của nhân dân lao động, là khâu chính thúc đẩy cải cách xã hội chủ nghĩa. Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cho HTX phát triển. Đặc biệt, Hồ Chí Minh cho rằng HTX có thể thành lập ở cả trong công sở, hầm mỏ, xưởng máy, đồn điền... và nhất là ở nông thôn với nhiều loại hình: Tín dụng, tiêu thụ, sản xuất, mua bán,...

Về mục đích của HTX, mặc dù cách làm khác nhau nhưng theo Hồ Chí Minh, mục đích của HTX là: “Cốt làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây”, “hợp tác xã trước là có ích lợi cho dân, sau là bớt sức bóp nặn của tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa”[7, tr.342-343].

Về cơ sở lý luận hình thành HTX, từ tư duy truyền thống của người Việt Nam: “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy”[7, tr.343].

Về các hình thức, theo Hồ Chí Minh có 4 hình thức HTX là HTX tiền bạc; HTX mua; HTX bán; HTX sinh sản. Người chỉ rõ HTX khác hội buôn, hội từ thiện vì hội buôn lợi riêng, hợp tác xã lợi chung; hội từ thiện có tiêu đi mà không làm ra, HTX có tiêu đi, có làm ra, giúp cho người trong hội một cách bình đẳng, một cách cách mệnh, “ai cũng giúp mà ai cũng bị giúp”[7, tr.344].

Về cách tổ chức, Người cho rằng “Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng mỗi hợp tác xã. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy hợp tác xã. Cũng không phải có hợp tác xã này thì không lập được hợp tác xã kia... Đã vào hội thì bất kỳ góp nhiều góp ít, vào trước vào sau, ai cũng bình đẳng như nhau”[7, tr.347]. Đối với sự hợp tác, liên kết của các HTX, Người chỉ rõ: Nếu nhiều nơi đã lập thành hợp tác như nhau, thì các HTX ấy nên liên lạc với nhau, thế lực càng mạnh hơn. Hoặc khi hai HTX tính chất khác nhau, thì cũng nên liên kết, như một HTX mua và một HTX bán.

Về  đường  lối  xây  dựng  HTX,  Chủ  tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ muốn phát triển nông nghiệp thì trước hết phải xây dựng tốt phong trào đổi công ở khắp mọi nơi và trên cơ sở đó sẽ xây dựng HTX nông nghiệp từ thấp đến cao. “Đường lối cải tạo xã hội chủ nghĩa của Đảng đối với nông nghiệp là đưa nông dân làm ăn riêng lẻ đi dần từ tổ đổi công (có mầm mống xã hội chủ nghĩa), tiến lên hợp tác xã cấp thấp (nửa xã hội chủ nghĩa), rồi tiến lên hợp tác xã cấp cao (xã hội chủ nghĩa)”[9, tr.413].

Về mục đích của việc tổ chức HTX, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khoẻ, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đó là mục đích riêng và mục đích chung của việc xây dựng hợp tác xã”[9, tr.316].

Về vai trò HTX, Hồ Chí Minh cho rằng “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là một cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà. Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”[8, tr.246]. HTX là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, mưu lợi chung, chung nhau góp sức cùng có lợi, hợp tác với nhau để cùng mạnh lên, vươn lên, chống lại sự áp bức, chống lại tình trạng không bình đẳng về kinh tế, xã hội. HTX giúp nhau vươn lên, chống lại mọi sự bất công, áp bức về kinh tế - xã hội; là con đường đi lên của người dân vượt qua khó khăn, nghèo đói, xây dựng cộng đồng văn minh, tương thân, tương ái; là một tổ chức dân chủ và cách mạng.

Về nguyên tắc tổ chức và quản lý, Hồ Chí Minh cho rằng việc xây dựng tổ đổi công và HTX phải làm từ nhỏ đến lớn và phải theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện, không gò ép. Việc quản lý phải dân chủ tránh quan liêu, mệnh lệnh. Việc phân phối “phải chú ý đến phân phối cho công bằng”[9, tr.316] và “Phải làm thế nào cho xã viên trong hợp tác xã thu nhập nhiều hơn thu nhập của nông dân trong tổ đổi công và tổ viên trong tổ đổi công thu nhập nhiều hơn thu nhập của nông dân còn làm ăn riêng lẻ”[9, tr.162].

Về nhiệm vụ của HTX, theo Hồ Chí Minh, để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, các HTX cần phải làm 9 điều: 1- Mọi người phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tinh thần làm chủ; thực hiện cần kiệm xây dựng hợp tác xã, chống lãng phí, tham ô. 2- Sản xuất phải toàn diện, sản xuất thóc là chính đồng thời phải rất coi trọng hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, thả cá và nghề phụ. Phải coi trọng tăng vụ, vỡ hoang và tăng năng suất. 3- Phát triển sản xuất chung của hợp tác xã là chính, nhưng cần chiếu cố đúng mức sản xuất gia đình của xã viên. 4- Phải làm đúng 8 việc: đủ nước, nhiều phân, cày sâu, cấy dày, chọn giống tốt, làm cỏ sạch, cải tiến nông cụ và hàng ngày lo diệt chuột, trừ sâu. 5- Về quy mô mỗi hợp tác xã chỉ nên có từ 150 đến 200 hộ, không nên quá nhiều, quá nhiều thì khó quản lý. 6- Hợp tác xã bậc cao thì sản xuất và thu nhập cũng phải cao mới xứng danh nghĩa cao của nó. 7- Quản trị phải dân chủ, công bằng, minh bạch. 8- Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động và dân quân tự vệ cần phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc. 9- Phải chú ý phát triển công nghiệp địa phương nhằm phục vụ cho nông nghiệp[10, tr.199-200].

Trong mối quan hệ của Nhà nước với HTX, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ cố gắng phục vụ lợi ích của hợp tác xã, của nông dân và của nhân dân nói chung. Hợp tác xã, nông dân phải bảo đảm làm trọn nghĩa vụ đối với Nhà nước. Làm như vậy thì ích nước lợi nhà, xã viên có lợi, hợp tác xã có lợi, Nhà nước cũng có lợi”[10, tr.221]. Trong mối quan hệ với Đảng, Người nhấn mạnh “Đảng lãnh đạo nông dân xây dựng hợp tác xã... Đảng lại đề ra kế hoạch 5 năm phát triển nông nghiệp. Kế hoạch đó nhất định là đúng và có lợi cho nông dân, cho nước nhà”. Người yêu cầu: “Các cơ quan nhà nước phải quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, phát huy nhiều hơn nữa tác dụng của ngành mình trong sản xuất nông nghiệp. Các cán bộ tỉnh, huyện phải đi sâu xuống các hợp tác xã, giúp đỡ các hợp tác xã tiến bộ... Cái gốc trong việc lãnh đạo hợp tác xã vẫn là chi bộ đảng ở cơ sở”[10, tr.221-222].

2. Sự phát triển lý luận của Đảng về hợp tác xã trong thời kỳ đổi mới

Nhìn lại chặng đường đổi mới kinh tế tập thể/kinh tế hợp tác trong bối cảnh chung của đổi mới kinh tế do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tập thể hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX. Đảng đã kế thừa và phát triển trong việc xác định ngày càng rõ hơn mô hình pháp lý HTX và ý nghĩa chính trị, cũng như vai trò quan trọng của kinh tế tập thể đối với sự nghiệp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra chủ trương đưa kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Chỉ thị 68-CT/TW của Ban Bí thư Khóa VII nêu luận điểm: ­“Kinh tế hợp tác là yêu cầu và xu thế tất yếu khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hư­ớng XHCN”[2, tr.5]. Các Nghị quyết của Đảng đã đề cập khá cụ thể nguyên tắc, nội dung của mô hình pháp lý HTX, tiệm cận với mô hình phổ biến trên thế giới. Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa VI) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ngày 5/4/1988 đã nêu: “Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất là tổ chức kinh tế tự nguyện của nông dân, lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; có tư cách pháp nhân, bình đẳng trước pháp luật với các đơn vị kinh tế khác; có trách nhiệm phát huy tính ưu việt của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa”[1, tr.3]. Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra nhiệm vụ: sớm nghiên cứu ban hành Luật về HTX.

Đại hội Đảng lần thứ VII đã bước đầu đề ra mô hình HTX tiêu dùng theo chuẩn mực quốc tế (xã viên vừa là đồng sở hữu vừa đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX). Trong nông nghiệp, phát huy tính tự chủ của hộ gia đình, chú trọng phát triển các hình thức hợp tác và HTX cung cấp dịch vụ, vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho kinh tế hộ gia đình và trang trại.

Đại hội VIII đã đề ra khá cụ thể mô hình HTX của người lao động theo chuẩn mực quốc tế (xã viên vừa là đồng sở hữu vừa là người lao động trong HTX). Đại hội cho rằng HTX là hình thức liên kết tự nguyện của những người lao động nhằm kết hợp sức mạnh của từng thành viên với sức mạnh tập thể để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề của sản xuất, kinh doanh và đời sống. Chủ trương này bước đầu đã được thể chế hóa trong Luật HTX sửa đổi, bổ sung.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khẳng định, thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với  kinh tế HTX dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa IX) khẳng định: Cần củng cố những tổ hợp tác, HTX hiện có, tiếp tục phát triển kinh tế hợp tác với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn có điều kiện. Khi HTX phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của HTX, các liên hiệp HTX.

Đảng lần thứ X chú trọng “phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cổ phần”[3, tr.86]. Đại hội XI nhấn mạnh “phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã... tạo điều kiện cho việc ra đời, phát triển các hợp tác xã, các tổ hợp tác kiểu mới và các mô hình kinh tế tập thể khác”[4, tr.208-209]. Đại hội XII, Đảng đặt vấn đề “tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã... Tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ”[5, tr.107]. Đại hội XIII, Đảng tiếp tục phát triển quan điểm này trên cơ sở “khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp”[6, tr.124].

Như vậy, phát triển kinh tế tập thể là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, mang tầm cương lĩnh trong tất cả các Nghị quyết Đại hội Đảng, đã được minh chứng bởi thực tiễn trong và ngoài nước. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX hoàn toàn phù hợp với lý luận chung và kinh nghiệm quốc tế về HTX, đã được quán triệt sâu sắc trong Đảng và trong xã hội. Từ tư tưởng ấy, Đảng đúc rút được triết lý sâu sắc: hợp tác - hiệu quả - tăng cường sức mạnh và sức cạnh tranh; góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ.

Với mục tiêu nhằm khuyến khích và phát triển mô hình HTX kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển HTX theo quan điểm của Đảng, ngày 20/11/2012 Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã 2012 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013, thay thế Luật Hợp tác xã 2003. Luật HTX năm 2012 có một số điểm mới so với Luật Hợp tác xã 2003 trên một số vấn đề sau:

Một là, đã xác định rõ bản chất của HTX là “nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX”. Bản chất của HTX là phục vụ lợi ích của thành viên, còn bản chất của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận, phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp theo vốn góp. Vì vậy, Luật HTX năm 2012 bỏ quy định: “HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp”.

Hai là, thay khái niệm “xã viên” trong Luật HTX năm 2003 bằng khái niệm “thành viên”. Mở rộng đối tượng tham gia thành viên là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; bãi bỏ đối tượng cán bộ công chức được tham gia HTX với tư cách là thành viên.

Ba là, mở rộng phạm vi ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất; cho thuê đất; ưu đãi về tín dụng, vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai; dịch bệnh; chế biến sản phẩm.

Bốn là, quy định mức góp vốn tối đa của thành viên khi tham gia HTX không quá 20% vốn điều lệ.

Năm là, sử dụng khái niệm “Hội đồng quản trị” thay khái niệm “Ban quản trị”; “Chủ tịch Hội đồng quản trị” thay khái niệm “Trưởng ban quản trị”; khái niệm “Giám đốc” thay khái niệm “Chủ nhiệm”; khái niệm “đăng ký HTX” thay khái niệm “đăng ký kinh doanh”.

Kết luận

Phát triển nông nghiệp và xây dựng kinh tế tập thể trong nông nghiệp có vai trò rất to lớn trong phát triển kinh tế ở Việt Nam. Phát triển nông nghiệp là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán trong chủ trương từng bước đưa nông dân vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, bằng những hình thức, bước đi thích hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, trình độ tổ chức và quản lý của cán bộ cũng như sự nhận thức và giác ngộ của nông dân. Trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay, việc vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những quan điểm, chủ trương của Đảng về HTX cần được tiếp tục quán triệt để nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phú cường, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Bí thư Trung ương Đảng (1996), Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 24-5-1996 về việc phát  triển kinh tế hợp tác trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1988), Nghị quyết số 10-NQ/TW Bộ Chính trị ngày 05/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[11] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.