Thứ Bảy, ngày 16/07/2022, 13:51

Định hướng xây dựng Đảng về đạo đức trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

LÊ HIỀN ANH
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng Đảng, trong đó “Xây dựng Đảng về đạo đức”là điểm nhấn nổi bật. Bài viết tập trung làm rõ sự cần thiết phải xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay, từ đó phân tích định hướng của Đảng trong xây dựng Đảng về đạo đức theo Văn kiện Đại hội XIII.

Từ khóa: Đạo đức; xây dựng Đảng về đạo đức; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đặt vấn đề

Sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu vô cùng to lớn. Để xây dựng Đảng vững mạnh, luôn đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn các nội dung xây dựng Đảng, trong đó có xây dựng Đảng về đạo đức. Bài viết tìm hiểu định hướng xây dựng Đảng về đạo đức trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, từ đó thấy được ý nghĩa lý luận và thực tiễn của vấn đề này hiện nay.

1. Sự cần thiết xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay

Thứ nhất, xây dựng Đảng về đạo đức đã trở thành mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, quan hệ chặt chẽ với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ

Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Tuy nhiên, “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp... Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục... Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”[1, tr.173-175]. Đây không chỉ là vấn đề cấp bách của Đảng mà còn là của toàn xã hội, của nhân dân.

Đến nhiệm kỳ Đại hội XII, cụm từ “Xây dựng Đảng về đạo đức” chính thức được đưa vào văn kiện và khẳng định mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[2, tr.47]. Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bộ Chính trị ban hành quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm. Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương... Như vậy, xây dựng Đảng về đạo đức đã trở thành nhiệm vụ  trọng tâm, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, được đặt ở vị trí ngang bằng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

Xây dựng Đảng về đạo đức gắn bó chặt chẽ với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng về đạo đức tốt sẽ tạo nền tảng cho xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ vững mạnh. Ngược lại, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ vững mạnh lại trực tiếp tạo dựng uy tín, đạo đức cho Đảng trong sạch toàn diện.

Thứ hai, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng vững bền và đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của đạo đức cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Theo Người, đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[5, tr.292]. Theo Người, con đường cách mạng không bằng phẳng mà nhiều quanh co, chông gai, gian khổ, hy sinh đòi hỏi phải có những con người thực sự trung thành, hăng hái cách mạng. Người chỉ rõ: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới mang được nặng, mới đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[7, tr.601]. Hồ Chí Minh giải thích rõ vai trò của đạo đức cách mạng: có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước; khi cần sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh mình cũng không tiếc.

Nhấn mạnh vai trò hàng đầu của đạo đức cách mạng, song Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng không bao giờ tách rời đạo đức và tài năng, mà coi đó là hai yếu tố cơ bản thống nhất biện chứng trong nhân cách của người cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên”. Theo Hồ Chí Minh: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”[6, tr.345-346]. Tài năng là điều kiện cực kỳ quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu và lý tưởng của đạo đức. Thiếu tài năng, người cán bộ không thể hiện được đạo đức cách mạng trong thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[8, tr.611-612].

Đạo đức là yếu tố làm nên sức mạnh của Đảng, tạo ra sự hấp dẫn cho Đảng đối với quần chúng và làm cho Đảng trở thành một Đảng chân chính, vĩ đại. Đặc biệt, khi Đảng trở thành một đảng cầm quyền, hơn thế nữa, lại cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường, thì vấn đề đạo đức, nhất là việc làm thế nào để Đảng thật sự vững mạnh, trong sáng về đạo đức là một vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài. Nếu lơ là trong xây dựng Đảng về đạo đức hoặc đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng với xây dựng Đảng về đạo đức thì tất yếu sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường: đó chính là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng.

2.  Xây dựng Đảng về đạo đức theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Trung ương và các tổ chức đảng đề cao, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý có chuyển biến tích cực”[4, tr.173]. Đặc biệt, “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”[4, tr.178]. Điều này đã góp phần rất quan trọng để đất nước Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Bên cạnh đó, Đảng cũng đã chỉ ra những hạn chế của xây dựng Đảng về đạo đức: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương...”[4, tr.178-179]. Vì vậy, trong phương hướng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng đã nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức” nhằm “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên[3, tr.183]. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội” [3, tr.184]. Như vậy, so với các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức với các điểm mới nổi bật như:

Một là, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu phải tiếp tục xác định nhất quán quan điểm xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng. Trong đó trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Đây chính là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng về đạo đức mà Đại hội XIII đưa ra nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa trong nội bộ. Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này, sau Đại hội, ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị có Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thảo luận, bổ sung những nhiệm vụ giải pháp có tính đột phá để nhằm tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”. Điều này cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng mà trước hết là Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.

Hai là, nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thực hiện tốt công việc này sẽ tạo cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình. Từ đó, họ luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ.

Giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên đạt hiệu quả là yếu tố rất quan trọng để nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên.

Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống.

Ba là, thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Đặc biệt, sau khi bổ sung xây dựng Đảng về đạo đức với tư cách là một mặt của xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm chỉnh đạt kết quả quy định này, người đứng đầu các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng.

Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Bộ Chính trị khóa XIII chỉ rõ: “Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, phát hiện từ sớm, kịp thời ngăn chặn vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy định nêu gương. Xử lý kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm. Khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời những mô hình hay, các điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu”[9].

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua như Đại hội XIII đã đánh giá: Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa thực sự đi vào nề nếp, nhất là đối với người đứng đầu, vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm. Chính vì vậy, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII cũng khẳng định, một trong những nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới là phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, nêu gương phải thực hiện theo đúng phương châm: “Trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chức vụ càng cao càng phải nêu gương. 

Bốn là, kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát vì cán bộ, đảng viên là những người trực tiếp đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Có như vậy, kỷ cương, kỷ luật của Đảng không những được phát huy hiệu lực, hiệu quả, mà uy tín, vai trò, vị thế, sức mạnh của Đảng ngày càng được tăng cường; ngăn chặn, đẩy lùi và đập tan luận điệu xuyên tạc, phản động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân.

Để cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp này, ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Đây là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên điều chỉnh nhận thức và hành vi theo hướng tích cực, đúng đắn, đồng thời, đây cũng là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Kết luận

Hiện nay, nước ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Càng đi sâu vào đổi mới, hội nhập, càng có nhiều vấn đề mới và khó đòi hỏi Đảng không ngừng nâng tầm trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Vì vậy, cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, Đảng phải hết sức coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức để mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là những người tiên phong, mẫu mực trên mọi mặt trận, là những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.


Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011),  Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật,  Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011),  Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật,  Hà Nội.

[9] Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.