Thứ Bảy, ngày 16/07/2022, 14:19

Nhận diện, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hiện nay

PHẠM HỒNG QUÝ - ĐÀO VĂN ĐỆ
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Ở Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch có những quan điểm sai trái, xuyên tạc về vai trò, vị trí của an ninh, quốc phòng. Vì vậy, đấu tranh phản bác các quan điểm này là nhiệm vụ trọng yếu. Bài viết nhận diện, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này hiện nay.

Từ khóa: Nhận diện, đấu tranh, phản bác; quan điểm sai trái, thù địch; quốc phòng, an ninh.

Việt Nam xây dựng nền quốc phòng, an ninh độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường kết hợp với mở rộng và tăng cường 

hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. (Ảnh: tapchicongsan.org.vn)

 

Đặt vấn đề

Trong những năm qua tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến mới, khó dự báo, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra dưới nhiều hình thức. Trong nước, các thế lực thù địch đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về quốc phòng, an ninh (QP, AN), nhằm làm lung lạc niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực QP, AN là vấn đề cấp thiết hiện nay.

1. Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hiện nay

Các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam là lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp. Chủ trương “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ dùng vũ lực trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “ tự cô lập mình”, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn trong bảo vệ Tổ quốc, không phù hợp với tình hình thực tế, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, trái với quan điểm bạo lực cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin...

Quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách QP, AN, các thế lực thù địch cho rằng chủ trương:“Không liên kết với nước này để chống nước kia” của Việt Nam là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”. Chính sách quốc phòng hiện nay thì không thể giữ vững chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

2. Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hiện nay

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định QP, AN luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là đúng đắn, sáng tạo dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. V.I. Lênin khẳng định: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”[10, tr.480]. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng...”[7, tr.226]. 

Từ thực tiễn truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, dựng nước luôn luôn gắn chặt với giữ nước, đó là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong chặng đường lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), đi đôi với phát triển kinh tế và văn hóa, phải chú trọng củng cố quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh”[4, tr.535]. Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân (CAND) là lực lượng nòng cốt...”[1, tr.80].

Đại hội X, XI, XII đều khẳng định: Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia... là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Củng cố QP, AN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND, CAND là nòng cốt”[5, tr.156]. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thì việc khẳng định vị trí, vai trò QP, AN của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Ngày nay QP, AN không chỉ để ngăn ngừa xung đột vũ trang, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, mà còn phải đánh bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, đấu tranh khắc phục những lực cản nội sinh, những thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu...

Quan điểm, chính sách quốc phòng “bốn không”, không hề mâu thuẫn với chủ trương: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa quan hệ đối ngoại...”[5, tr.161]. Quan điểm, chính sách quốc phòng “bốn không”, không cản trở quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước và các đối tác. Ngược lại, sự minh bạch về quan điểm, chính sách là cơ sở cho các quốc gia, các đối tác xem xét, cân nhắc thiết lập nâng tầm ngoại giao, đối ngoại quốc phòng hiệu quả bền chặt lâu dài với Việt Nam. Vì vậy, sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 chỉ rõ: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này, để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế[3, tr.25]. Tuy nhiên, tùy diễn biến tình hình, điều kiện cụ thể, Việt Nam cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự với các nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Lập trường, quan điểm Việt Nam thể hiện rõ trong bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), ngày 12/5/2022: “...Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên nào mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”. 

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hiện nay

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực QP, AN. Đây là giải pháp mang tính nguyên tắc, quyết định thắng lợi sự nghiệp QP, AN. Bởi vì, Đảng lãnh đạo sự nghiệp QP, AN, bảo vệ Tổ quốc, do đó Đảng thường xuyên ban hành đường lối, chủ trương sát đúng với tình hình, với từng lực lượng và trong từng tình huống. “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với QĐND, CAND và sự nghiệp QP, AN”[5, tr.160]. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, tăng cường đoàn kết, thống nhất, chú trọng xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo kiện toàn cơ quan, xây dựng phát huy vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực QP, AN; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc nghiên cứu, bổ sung phát triển đường lối, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với sự phát triển của tình hình mới, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ QP, AN, bảo vệ Tổ quốc. Định rõ cơ chế lãnh đạo của Đảng, hoạt động quản lý của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, cán bộ chuyên trách về QP, AN; trách nhiệm phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ QP, AN. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, chính quyền các cấp trong lĩnh vực QP, AN; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có phẩm chất, năng lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật về QP, AN...

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về đường lối, chính sách, pháp luật về QP, AN, bảo vệ Tổ quốc.

Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo sự thống nhất nhận thức, hiểu biết đầy đủ cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, kiều bào ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế về đường lối, chính sách, pháp luật về QP, AN, bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì, chỉ trên cơ sở thống nhất tư tưởng, nhận thức đúng thì mới tạo được sự đồng thuận xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, sự tin cậy của cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được”[6, tr. 360]. Với ý nghĩa đó, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc QP, AN, bảo vệ Tổ quốc”[5, tr.161], nhằm “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[5, tr.110]. Tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vị trí, vai trò, chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất chính nghĩa, hòa bình, tự vệ được xây dựng trên nền tảng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguyên tắc Đảng  lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp QP, AN; quan điểm, chính sách quốc phòng “bốn không” không hề mâu thuẫn với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế... Thông qua đó, củng cố vững chắc lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các quốc gia trên thế giới vào Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, phân biệt rõ đúng sai, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sức đề kháng, trước những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Vì vậy, mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, bí thư cấp ủy phải là tấm gương sáng trong học tập, nghiên cứu lý luận, tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia phòng, chống, đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP, AN.

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch”

cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc là việc làm cần thiết

(Ảnh: http://hdll.vn)

Ba là, quan tâm xây dựng lực lượng có trình độ năng lực, phẩm chất, đạo đức trong sáng đấu tranh hiệu quả trong lĩnh vực QP, AN, bảo vệ Tổ quốc.

Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Tập trung xây dựng đội ngũ nhà báo, nhà nghiên cứu, thông tin viên, tuyên truyền viên, bởi vì, lực lượng này trực tiếp đưa đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với quần chúng nhanh nhất, góp phần đập tan các quan điểm sai trái, thù địch chống phá lĩnh vực QP, AN. Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường vững vàng, trình độ lý luận cao, khả năng diễn đạt giỏi, luận giải khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Nội dung chặt chẽ, có dẫn chứng chính xác, thuyết phục, có dũng khí đấu tranh bảo vệ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP, AN, đúng với tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”[2]. Do đó, cần phải tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng này trong đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch chống phá lĩnh vực QP, AN, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện, đồng bộ đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP, AN. Tăng cường hợp tác quốc tế về QP, AN, phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Kiên định, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng: “Tăng cường hợp tác quốc tế về QP, AN, thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, tạo vành đai an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”[5, tr.281]. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác QP, AN trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị, trình độ phát triển. Kiên định chính sách quốc phòng “bốn không” nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ trong thời bình, nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra xung đột, giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế. Tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác QP, AN phù hợp với khả năng của đất nước. Tăng cường hợp tác, xây dựng, củng cố lòng tin giữa các nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Kết luận

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền các quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về QP, AN, nhằm  làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, làm suy giảm sức mạnh QP, AN của đất nước, thì việc nhận diện đúng, giải pháp đấu tranh, phản bác hiệu quả là cấp thiết hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng đơn vị và từng cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt bốn giải pháp trọng tâm đã nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2001), Tài liệu học tập Văn kiện Đại hội IX của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

[3] Bộ Quốc phòng (2019),  Quốc phòng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập,  tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[9] Tổng Cục Chính trị (2016), Quân đội nhân dân Việt Nam, Chỉ thị số 47/CT-TCCT, ngày 8/01/2016, Về tổ chức lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trong Quân đội.

[10] V.I.Lênin (2006), Toàn tập, “Một bài học gian khổ, nhưng cần thiết”, tập 35, Nxb. Chính tr quốc gia, Hà Nội.

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).