Thứ Bảy, ngày 30/07/2022, 13:49

Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1964 - một số kinh nghiệm vận dụng

NGUYỄN THỊ THANH NHÀN - LÊ TUẤN VINH
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Trong giai đoạn 1954-1964, đội ngũ trí thức ở miền Bắc không ngừng lớn mạnh, phát huy vai trò và có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nói riêng, và sự nghiệp cách mạng dân tộc nói chung. Bài viết nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức miền Bắc giai đoạn 1954-1964, từ đó nhấn mạnh những kinh nghiệm có ý nghĩa tham khảo, và vận dụng hữu ích trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức hiện nay.

Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam; kinh nghiệm của Đảng; xây dựng đội ngũ trí thức miền Bắc

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3/1964). (Ảnh: TTXVN)

Đặt vấn đề

Giai đoạn 1954-1964 là mười năm đầu miền Bắc được giải phóng. Trong điều kiện bộn bề khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đạt nhiều kết quả nổi bật. Đóng góp vào thành công chung đó, công tác xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng cũng đã mang lại nhiều kết quả tích cực và để lại một số kinh nghiệm sâu sắc. Bởi lẽ đó, nghiên cứu sự lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng giai đoạn 1954-1964 là rất có ý nghĩa, từ đó rút ra những kinh nghiệm và vận dụng vào quá trình tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong bối cảnh hiện nay.

1. Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức ở miền Bắc giai đoạn 1954-1964

Miền Bắc những năm 1954-1964 có những điểm nổi bật, tác động tới công cuộc lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng nói chung, và công tác xây dựng đội ngũ trí thức nói riêng. Sau ngày hòa bình lập lại, kinh tế miền Bắc manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, năng suất lao động và sản lượng thấp kém. Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật của miền Bắc vừa ít về số lượng, vừa hạn chế về năng lực và kinh nghiệm điều hành, quản lý kinh tế. Miền bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện xuất phát điểm thấp, đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam, và thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia.

Như vậy, bối cảnh và nhiệm vụ của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đặt ra yêu cầu cấp bách trong xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, vừa phải nhanh chóng “khỏa lấp” sự thiếu hụt, vừa đáp ứng những yêu cầu công tác mới. Nhận thức rõ điều này, Trung ương Đảng đã sớm có chủ trương xây dựng đội ngũ trí thức. Một trong những văn kiện thể hiện rõ nhất quan điểm xây dựng đội ngũ trí thức ở miền Bắc của Đảng giai đoạn này là Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam với trí thức (tháng 8-1957). Đây là lần đầu tiên Đảng có một chính sách riêng, xác định vị trí của trí thức và xác định nhiệm vụ của các cấp ủy đảng đối với việc xây dựng đội ngũ trí thức. Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam với trí thức đã nhấn mạnh: “Đảng rất quý mến trí thức và hết lòng, hết sức tạo điều kiện cho trí thức công tác và học tập, phát huy tài năng của mình để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân ngày thêm đắc lực và trở thành những người trí thức chân chính của chế độ ta, những người trí thức xã hội chủ nghĩa[1, tr.8].

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (11-1958), Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: “Công cuộc phát triển và cải tạo kinh tế quốc dân đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ cần thiết, chất lượng tốt, trung thành với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa... cần phải thi hành mọi biện pháp để tăng thêm số lượng và nâng cao trình độ các cán bộ kinh tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học[2, tr.501].

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Hội nghị Trung ương 7 khóa III (6-1962) của Đảng chủ trương: “đào tạo cán bộ cơ khí, điện lực, luyện kim, hóa chất, cán bộ thiết kế xây dựng, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy... Đặc biệt quan tâm bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các ngành kinh tế và các cơ sở sản xuất[3, tr.357]. Cùng với đó, là chủ trương: “Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hoá, thông tin, văn nghệ về chính trị, nghiệp vụ, nghệ thuật để nâng cao từng bước chất lượng công tác, góp phần làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, tươi vui[3, tr.492].

Cụ thể hóa chủ trương xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, Trung ương Đảng đã ban hành hàng loạt Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo đội ngũ trí thức trên phương diện chính trị, tư tưởng, văn học - nghệ thuật như: Chỉ thị số 85-CT/TW ngày 24-5-1958 Về kế hoạch học tập lý luận chính trị Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên trong năm 1958; Chỉ thị số 110-CT/TW ngày 21-10-1958 Về việc tổ chức cho các giáo sư, giảng viên, cán bộ, sinh viên các trường đại học và học sinh các trường chuyên nghiệp trung cấp đi tham gia lao động sản xuất; Chỉ thị số 125-CT/TW ngày 30-1-1959 Về việc chấn chỉnh công tác giáo dục chính trị trong nhà trường phổ thông (cấp II và cấp III); Chỉ thị số 146-CT/TW ngày 4-7-1959 Về kế hoạch chỉnh huấn cán bộ, đảng viên;...

Trong công tác quản lý, nhiều cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị và chuyên môn được thành lập. Điển hình là sự ra đời của Ủy ban Khoa học Nhà nước (ngày 4-3-1959). Trách nhiệm và quyền hạn ngang các Bộ, Ủy ban Khoa học Nhà nước giúp Chính phủ xây dựng và lãnh đạo công tác khoa học về mọi mặt. Việc thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, vừa đáp ứng nguyện vọng đông đảo trí thức, vừa động viên và cổ vũ rất lớn đối với đội ngũ trí thức ở miền Bắc trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Về hoạt động tôn vinh và những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, để kịp thời động viên đội ngũ trí thức cao cấp cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp kiến thiết đất nước, năm 1955, Nhà nước tổ chức đợt phong hàm giáo sư đầu tiên nhằm tôn vinh cán bộ giảng dạy ở các ngành khoa học. Nhiều chính sách đãi ngộ cụ thể nhằm cải thiện từng bước đời sống của đội ngũ trí thức được ban hành và thực hiện: từ tháng 7-1955, chế độ tiền lương được sửa đổi bước đầu, thay bằng chế độ tiền lương mới có mức điều chỉnh cao hơn. Về mặt bảo hiểm xã hội, đã cải tiến chế độ phụ cấp tai nạn lao động và thi hành thống nhất chế độ phụ cấp khi sinh đẻ, khi đau ốm. Ngoài ra, nhiều biện pháp khác để cải thiện đời sống vật chất và văn hóa cho đội ngũ trí thức cũng được dần thực hiện như: xây thêm nhà ở, nhà ăn, nhà gửi trẻ, lập các câu lạc bộ, nhà xem sách, tổ chức các đội chiếu bóng, văn công lưu động...

Việc mở rộng, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo là một trong những điểm nhấn của Chính phủ nhằm giải quyết tình trạng thiếu cán bộ, đặc biệt ở các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật. Hệ thống các trường đại học và trung học chuyên nghiệp bắt đầu được xây dựng với cơ cấu ngành học tương đối toàn diện, ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó các ngành học về kỹ thuật công - nông nghiệp và kinh tế được đặc biệt chú trọng. Cùng với nhiều biện pháp khác, trong thời gian ngắn, công tác này đưa lại kết quả tích cực: “So với năm 1957, số công nhân kỹ thuật năm 1962 tăng gấp 6 lần, số cán bộ có trình độ đại học tăng gấp 12 lần; nhờ đó chúng ta đã khắc phục được một phần tình trạng thiếu cán bộ và công nhân trong những năm trước[3, tr.445].

Một biện pháp có ý nghĩa quan trọng, đưa tới hiệu quả nhanh chóng, tích cực của Đảng, Chính phủ trong giai đoạn này là mở rộng các hoạt động kết nối giáo dục quốc tế, đưa sinh viên, cán bộ, lao động đi học tập, đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là ở các nước xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình đoàn kết của các nước xã hội chủ nghĩa đối với cách mạng Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ. Cùng số du học sinh ở miền Bắc, thời kỳ này có không ít du học sinh miền Nam được đưa ra nước ngoài học tập. Ngày 6-7-1956, gần 400 nữ sinh miền Nam được Bộ Giáo dục cử sang học tại khu học xá Việt Nam tại Trung Quốc[8, tr.222]. Tiếp đó, tháng 12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, đã nhanh chóng xây dựng cơ quan đại diện ở thủ đô một số nước xã hội chủ nghĩa. Thông qua kênh của Mặt trận, đến tháng 6-1964, đã có 42 lưu học sinh miền Nam được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Nhằm đáp ứng yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, ngành giáo dục thực hiện chủ trương gửi cán bộ giảng dạy đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, chủ yếu là Liên Xô. Theo đó, đến năm học 1964-1965, đã có 500 cán bộ giảng dạy được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, trong đó gần 50% là nghiên cứu sinh[6, tr.90]. Từ năm 1955 đến năm 1964, chỉ riêng ở Liên Xô, đã có 3.900 lưu học sinh, trong đó có 262 nghiên cứu sinh Việt Nam tham gia học tập, nghiên cứu và thực tập khoa học.

Như vậy, trong bối cảnh khó khăn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, công tác xây dựng đội ngũ trí thức luôn là một trong những vấn đề ưu tiên. Trong 10 năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1964), đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, trưởng thành và phát triển về chất lượng, đa dạng cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

2. Một số kinh nghiệm

Một là, Đảng luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức. Đảng đã sớm có chủ trương và ban hành nhiều chính sách với biện pháp cụ thể, thể hiện sự quan tâm, trân trọng và tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy năng lực sáng tạo của cá nhân. Nhờ vậy, đội ngũ trí thức miền Bắc đã trở thành một lực lượng quan trọng, đảm đương trọng trách lớn. Phát huy phẩm chất tốt đẹp của người trí thức chân chính, đội ngũ trí thức miền Bắc đã góp phần không nhỏ tạo nên những thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

Hai là, Đảng và Chính phủ kịp thời ban hành những cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, đãi ngộ và hỗ trợ đội ngũ trí thức. Tuy chưa phải là những chính sách có tính “đột phá” do nguồn lực kinh tế có hạn, lại phải dành ưu tiên nhiều công việc trọng tâm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nhưng cũng đã giảm bớt phần nào những khó khăn về đời sống kinh tế của đội ngũ trí thức, đời sống văn hóa so với trước được cải thiện rõ rệt.Kinh nghiệm trong thực hiện giải pháp này thể hiện sự trân trọng của Đảng và Chính phủ đối với đội ngũ trí thức, ghi nhận xứng đáng vai trò, vị trí và những đóng góp của họ vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.

Ba là, Đảng luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến và phản biện của trí thức. Thực tế trong giai đoạn xây dựng đội ngũ trí thức ở miền Bắc, một số trí thức (chủ yếu là trí thức văn nghệ sĩ) đã thông qua các tác phẩm văn chương, nói lên nguyện vọng, tâm tư của mình, hoặc đơn thuần chỉ là sự phản ánh cái nhìn đa chiều về hiện thực xã hội, nhất là một số sai lầm của Đảng trong chỉ đạo thực tiễn. Điều đó đã dẫn đến có một số kẻ lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu quan điểm, chủ trương của Đảng, phê phán con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam, tạo nên những tâm lý kích động. Nhưng với thái độ tôn trọng, lắng nghe ý kiến và những phản biện của trí thức, Đảng cùng những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng đã tiếp thu nghiêm túc, nhanh chóng sửa chữa theo những “góp ý” từ trí thức. Mặt khác, rất kiên quyết với những hành động lợi dung tự do, dân chủ để phá hoại chế độ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhiều người trong số những trí thức từng bị cho là “chống đảng” đã có sự “giác ngộ” sâu sắc, trở thành đội ngũ có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc giai đoạn 1954-1964 cũng như các thời kỳ lịch sử sau này. Những giải thưởng cao quý nhất của Nhà nước được trao tặng đã thể hiện sự ghi nhận những đóng góp lớn lao của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Bốn là, chủ động hợp tác quốc tế trong xây dựng đội ngũ trí thức. Nếu như trước năm 1954, Việt Nam gửi học sinh đi đào tạo ở ba nước Liên Xô, Trung Quốc và Cộng hoà Dân chủ Đức thì trong giai đoạn 1954-1964, học sinh miền Bắc được gửi đi học ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa. Chất lượng, hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế trong xây dựng đội ngũ trí thức đến từ sự nghiêm túc, cẩn trọng trong lựa chọn người được đưa đi đào tạo và sự trách nhiệm trong phối hợp quản lý với nước đào tạo3. Ngoài ra, sự đa dạng của lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu cũng là một thành công, nhờ đó, đã nhanh chóng đáp ứng thiết thực yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

3. Những vận dụng nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức hiện nay

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển đất nước. Đội ngũ trí thức đã luôn sát cánh cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động cả nước đoàn kết, phấn đấu, cống hiến tài năng, trí tuệ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Điều này được thể hiện trong Chính cương, Điều lệ Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và nhiều văn kiện khác. Đặc biệt, quan điểm này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 27 - NQ/TW (khóa X)Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" với những nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn hiện nay. Kế thừa và tiếp nối quan điểm của Đảng về trí thức, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”[5, tr.167].

Cùng với sự phát triển đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có nhiều đóng góp hiệu quả vào quá trình hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, tạo nên những thành tựu quan trọng trong công cuộc Đổi mới. Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.

Quán triệt quan điểm Đại hội XIII của Đảng và vận dụng những kinh nghiệm của Đảng trong lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức giai đoạn 1954-1964, các tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, luôn nhận thức đúng vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển đất nước. Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò của trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cần xác định, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các tổ chức đảng và chính quyền các cấp. Tiếp tục phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” và tôn vinh đội ngũ trí thức.

Thứ hai, phát hiện, sử dụng và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức. Ðảng và Nhà nước cần đổi mới công tác tổ chức cán bộ, tạo cơ chế để thu hút, tập hợp nhân tài ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, tích cực hiến kế và trực tiếp tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, cả những trí thức ngoài Đảng. Xây dựng môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy khả năng của mình. Có chế độ đãi ngộ, cơ chế khen thưởng xứng đáng với cống hiến của đội ngũ trí thức. Công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao, tạo động lực và cơ hội để đội ngũ trí thức phát triển.

Thứ ba, lắng nghe ý kiến và tạo điều kiện, thuận lợi để trí thức phát huy tối đa khả năng của mình. Muốn đội ngũ trí thức phát huy tốt nhất phẩm chất, giá trị, đóng góp cho sự nghiệp chung của toàn dân tộc thì thái độ trân trọng, chính sách trọng dụng trí thức, lắng nghe và thấu hiểu tiếng nói của trí thức là điều hết sức quan trọng. Thực hiện điều đó cần chú ý: (i) Quán triệt chính sách đại đoàn kết dân tộc, lấy liên minh công - nông - trí làm nền tảng, tập hợp trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng và trọng dụng họ; (ii) Quan tâm tạo môi trường và điều kiện hoạt động tốt cho trí thức cống hiến; (iii) Tôn trọng, hiểu biết điểm mạnh, điểm yếu của trí thức, từ đó có quan điểm, thái độ đoàn kết chân thành, giúp đỡ, bồi dưỡng trí thức có thể vượt qua những khó khăn, những rào cản để đóng góp cao nhất cho sự nghiệp cách mạng.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng đội ngũ trí thức. Chú ý một số giải pháp cụ thể: (i) Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng cường hợp tác và liên thông với các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới, tích cực học hỏi kinh nghiệm, từng bước xây dựng các cơ sở đào tạo trong nước ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; (ii) Có chính sách thu hút các cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín trên thế giới đầu tư, liên kết và mở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam; (iii) Khuyến khích đội ngũ trí thức trong nước tự đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, đặc biệt là các ngành mà đất nước đang cần; (iv) Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, gắn đào tạo với nghiên, cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; (v) Nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong nước với các cơ quan, đơn vị nước ngoài trong công tác quản lý các hoạt động đào tạo ở nước ngoài.

Kết luận

Giai đoạn 1954-1964 là khoảng thời gian đánh dấu kết quả nổi bật của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nói chung và xây dựng đội ngũ trí thức nói riêng. Đội ngũ trí thức miền Bắc đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện. Trong xu thế chuyển động không ngừng của thời đại, việc phát huy vai trò và sức mạnh của đội ngũ trí thức cần được xác định là việc làm quan trọng và thường xuyên. Bởi vậy, dù có những điểm khác biệt về bối cảnh, nhiệm vụ cách mạng nhưng những kinh nghiệm rút ra từ quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức 1954-1964 vẫn còn nguyên giá trị tham khảo, vận dụng trong giai đoạn hiện nay.


Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1957), Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] Ngô Văn Hà (2010), Giáo dục đại học ở miền Bắc thời kỳ 1954-1975, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[7] Niên giám thống kê 20 năm phát triển giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp (1955-1975), Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1976.

[8] Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (2003): Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc những sự kiện lịch sử 1945-1960, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

Đọc thêm

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.

Vai trò của lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - LÊ TRỌNG ĐẠI

(GDLL) - Trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Dân quân tự vệ luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và xung kích trong lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, là lực lượng nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Bài viết khái quát diễn biến chính của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, làm rõ vai trò quan trọng của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội trong bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở, rút ra một số kinh nghiệm vận dụng về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội.