Thứ Bảy, ngày 06/08/2022, 20:30

Đổi mới tư duy, nội dung, phương thức trong công tác thông tin đối ngoại đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

PGS. TS. Lê Hải Bình
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

(TG) - Với các nỗ lực đổi mới về tư duy, nội dung và phương thức theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, công tác thông tin đối ngoại đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đang được triển khai mạnh mẽ, toàn diện. Qua đó, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra, nhất là các mục tiêu chiến lược, tầm nhìn 2030 và 2045.

NHỮNG KẾT QUẢ QUAN TRỌNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỚI CỘNG ĐỒNG NVNONN

Trong thời gian qua, nhất là sau 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, công tác thông tin đối ngoại nói chung và công tác thông tin đối ngoại đối với cộng đồng NVNONN nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là:

Là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta, công tác thông tin đối ngoại xác định rõ cộng đồng NVNONN vừa là đối tượng, vừa là chủ thể, lực lượng góp phần triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại.

Do điều kiện khách quan, một bộ phận kiều bào không được tiếp xúc nhanh chóng với thông tin chính thống, dẫn tới việc hiểu không đúng về tình hình đất nước, hoài nghi về chính sách, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Đây là một trong những yếu tố khiến cộng đồng NVNONN dễ bị các thế lực cơ hội, thù địch, phản động lôi  kéo, xuyên tạc để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, công tác thông tin đối ngoại đã chú trọng nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin, khuyến khích NVNONN nêu cao tinh thần tự trọng, tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Đặc biệt, trong những năm qua, cộng đồng NVNONN trở thành chủ thể quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, nhất là trong việc lan tỏa thông tin tích cực, quảng bá văn hóa, hình ảnh, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam với các nước và trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác thông tin đối ngoại đã tập trung triển khai thông tin, tuyên truyền thống nhất và đồng bộ, hiệu quả trong cả hệ thống chính trị ở trong và ngoài nước, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối nội và đối ngoại, từ đó, tăng cường đồng thuận xã hội và gắn kết giữa cộng đồng NVNONN với đất nước.

Trong đó, phát huy vai trò cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bằng việc tăng cường kết nối, phối hợp của các cơ quan chủ lực quan trọng (Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) trong việc chỉ đạo, định hướng công tác thông tin đối ngoại tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đặc biệt, các Hội đoàn NVNONN phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân mà nòng cốt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để một số kênh truyền thông, các nhà báo, chuyên gia, tri thức, doanh nhân NVNONN đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Việt Nam trong cộng đồng sở tại và với bạn bè quốc tế.

Nội dung thông tin đối ngoại đối với cộng đồng NVNONN toàn diện và đổi mới theo hướng chủ động, đa dạng, thuyết phục hơn, cơ bản đảm bảo được mục tiêu mà Kết luận 16-KL/TW đề ra.

Trong đó, nội dung thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các sự kiện lớn, quan trọng và thành tựu phát triển của đất nước được cung cấp đậm nét, bài bản, chủ động, có định hướng rõ ràng với kế hoạch và chương trình cụ thể, thể hiện phương châm “đi trước mở đường”, góp phần quan trọng giúp đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chính sách, quan điểm của ta, nhất là chính sách đối ngoại và quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, năng động, ổn định, dân chủ, phát triển và đầy tiềm năng, luôn nỗ lực vì hợp tác, hòa bình trên thế giới và khu vực. Đặc biệt, việc thông tin về các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, quan trọng như chủ quyền, dân chủ, nhân quyền cũng được tăng cường cả về hàm lượng và mật độ thông tin.

Thông tin đối ngoại cũng trở thành cầu nối để truyền tải những khó khăn, tâm tư của bà con kiều bào tới với nhân dân trong nước, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Trong đợt dịch COVID-19, những hình ảnh, thông tin về việc phân bổ các khoản kinh phí hỗ trợ cộng đồng ở nhiều địa bàn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, hỗ trợ trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho cộng đồng người Việt tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trong thời điểm khan hiếm; kêu gọi các hội đoàn cộng đồng và bác sỹ trong nước tư vấn y tế trực tuyến cho bà con bị mắc COVID-19 ở sở tại... đã thực sự có tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm, lan tỏa tinh thần nhân ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta, làm cho kiều bào càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước.

Đa dạng hóa phương thức, phương tiện thông tin, tranh thủ tối đa các lực lượng thông tin, truyền thông, thành tựu khoa học, công nghệ trong hoạt động thông tin đối ngoại; tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài.

Phương thức thông tin tới cộng đồng NVNONN được thực hiện theo hướng phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm như các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp... và dễ tiếp cận với các đối tượng. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước. Các cơ quan thông tấn báo chí liên tục có sự đổi mới về hình thức thông tin, tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của báo chí với các loại hình truyền thông xã hội trong thông tin tuyên truyền. Các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá Việt Nam trực quan, sinh động dưới dạng video clip, đĩa DVD sách, sách in chuyên đề; tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư của địa phương... được thực hiện bằng nhiều thứ tiếng, nội dung hấp dẫn, cuốn hút. Một số sản phẩm là kết quả hợp tác với các hãng báo chí, truyền thông, nhà xuất bản hàng đầu thế giới(3). Ngoài ra, nhiều ấn phẩm quảng bá du lịch, tham khảo đặc biệt được phát rộng rãi đến tay công chúng tại các sự kiện, hội nghị quốc tế, cũng như cung cấp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ngày càng nhiều cơ quan báo chí, phóng viên kiều bào tham gia tác nghiệp và đưa tin về tình hình, sự kiện trong nước thông qua các chuyến đi thực tế, từ đó phản ánh khách quan, trung thực về Việt Nam, phản bác và đẩy lùi các luận điệu tuyên truyền sai trái của một số báo, đài bị thế lực chống đối thao túng.

Hội nghị Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ do Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì.

Tuy nhiên, công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN vẫn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục như: (1) Sự phối hợp thông tin trong chỉ đạo và triển khai thực hiện giữa bên trong và ngoài nước, nhất là khi phát sinh các vấn đề phức tạp, nhạy cảm còn một số bất cập, thiếu nhịp nhàng; công tác TTĐN có thời điểm chưa gắn kết chặt chẽ với thông tin đối nội, có nơi, có lúc còn bị động, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng khai thác, tuyên truyền, xuyên tạc làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam. (2) Nội dung thông tin, tuyên truyền chưa tiếp cận được với nhiều nhóm đối tượng, nhất là các thế hệ trẻ trong cộng đồng bà con ở xa Tổ quốc, thiếu liên hệ thường xuyên với trong nước, ít thông tin; chủ yếu cung cấp thông tin một chiều - cái ta có, cái ta cần tuyên truyền - mà ít chú ý đến thông tin mà đồng bào quan tâm. (3) Chưa phát huy được vai trò của cộng đồng người Việt Nam đang học tập, sinh sống, lao động ở nước ngoài. (4) Phương thức thông tin còn đơn điệu, chủ yếu là các phương thức, hình thức truyền thống, chưa tranh thủ được lợi thế của các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng xã hội.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Với khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển, trong những năm qua, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường.

ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC, TƯ DUY TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỚI CỘNG ĐỒNG NVNONN

Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững. Trong tiến trình đó, việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng, huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN ngày càng được nâng cao. Trong điều kiện đó, công tác thông tin đối ngoại tới cộng đồng NVNONN cần sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc hơn. Trong đó, cần tập trung vào đổi mới nội dung, phương thức và tư duy.

Về tư duy, công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới cần đảm bảo tính chính xác, phù hợp, hấp dẫn trong nội dung, phong phú, đa dạng về hình thức. Trong đó, khẳng định vai trò “đầu tàu” của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, của các cơ quan, đơn vị đối ngoại chủ lực; tăng cường tính mục tiêu, hướng đích của công tác thông tin đối ngoại; thúc đẩy và nâng cao hơn nữa vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, xác định cộng đồng NVNONN vừa là đối tượng, vừa là chủ thể đặc biệt của công tác thông tin đối ngoại. Đặc biệt, chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến thế hệ trẻ NVNONN với nhiều hoạt động thường xuyên, hướng về cội nguồn để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó yêu mến quê hương, đất nước; mở rộng vận động những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng.

Về nội dung, cần đa dạng, toàn diện, sâu sắc và thuyết phục cao. Trong đó, thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành tựu phát triển đất nước trên các lĩnh vực. Tăng cường hơn nữa việc thông tin về tầm quan trọng, vai trò, vị trí, năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chú trọng giới thiệu về chủ trương, lập trường quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; đóng góp thiết thực và trách nhiệm của Việt Nam vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung, duy trì và củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Qua đó, tăng cường nhận thức, lòng tự hào dân tộc của đồng bào ta. Đồng thời, thúc đẩy truyền tải thông tin về những thành tựu, đóng góp của kiều bào ta với nước sở tại cũng như những ý kiến, tư vấn sáng kiến hữu ích giúp đất nước về các vấn đề cấp bách và lâu dài của các chuyên gia trí thức kiều bào ta ở mọi quốc gia, châu lục tới nhân dân trong nước.

Đẩy mạnh các chương trình, đề án nghiên cứu khảo sát về nhu cầu, xu hướng về những vấn đề trong nước, quốc tế mà kiều bào quan tâm, trăn trở. Từ đó, xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp, đúng và trúng, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật.

Về phương thức, cần đổi mới hơn để nhanh hơn, đa dạng hơn và hiệu quả hơn, trong đó chú trọng chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông mới; tăng cường hơn nữa vai trò của hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phát huy hơn nữa vai trò của các hội, đoàn, các phương tiện truyền thông của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Có kế hoạch, biện pháp hỗ trợ, phát huy vai trò của phóng viên, nhà báo, các phương tiện truyền thông của cộng đồng, khuyến khích kiều bào chủ động đánh giá, đưa ra những phản ánh khách quan về tình hình đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các phóng viên, nhà báo kiều bào về nước tác nghiệp, đưa tin về các sự kiện, hoạt động đối ngoại quan trọng, tham gia đoàn kiều bào thăm Trường Sa; thông tin về các hoạt động kết nối với trong nước trên các lĩnh vực.

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông qua các đợt tuyên truyền gắn với các ngày lễ lớn, cổ truyền của dân tộc, các sự kiện “Tuần/Ngày Việt Nam” và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; tận dụng hiệu quả các công cụ trên internet như báo điện tử, các trang mạng xã hội; tập trung đưa sách, báo, tạp chí trong nước đến với cộng đồng, tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài,... Phát huy vai trò dẫn dắt của các cơ quan báo chí có chương trình dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường thông tin song ngữ (tiếng Việt và ngôn ngữ sở tại), chú trọng đáp ứng nhu cầu thông tin của thế hệ trẻ kiều bào, thế hệ thứ hai, thứ ba (đã gắn bó với sở tại và không còn hiểu tốt tiếng Việt), tiếp thu ý kiến phản hồi và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cộng đồng, vận động sự hỗ trợ, đóng góp của bà con trong thông tin bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, đấu tranh với các thông tin sai trái về Việt Nam.

Về cơ chế phối hợp, lực lượng, công tác TTĐN đối với cộng đồng NVNONN cần tiếp tục thúc đẩy sự phối hợp triển khai toàn diện, kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa các cơ quan trong nước với hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống các hội, đoàn của NVNONN, bảo đảm sự thông suốt giữa thông tin ở trong và ngoài nước. Tranh thủ hiệu quả hệ thống cơ quan đại diện các nước, các tổ chức, báo chí quốc tế tại Việt Nam, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế; tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí Việt Nam trong việc thúc đẩy các hình thức truyền thông mới, truyền thông mạng xã hội để tiếp cận cộng đồng, khắc phục các rào cản của sở tại đối với hoạt động báo chí của cộng đồng; kết nối, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác, trao đổi, nâng cao nghiệp vụ và cập nhật thông tin về đất nước. Phối hợp với phóng viên, báo chí cộng đồng ở các khu vực khác nhau để góp phần “định lượng” nhu cầu thông tin, thiết kế đa đạng hơn, “cá thể hóa” hơn nữa các sản phẩm thông tin đối ngoại hướng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp cận thông tin phù hợp với cộng đồng ở các khu vực có đặc thù khác nhau (Tây Âu, Đông Âu, Nga, khu vực Bắc Mỹ, Úc, Đông Bắc Á..). Tranh thủ quan hệ hữu nghị của Việt Nam với sở tại để hạn chế hoạt động thông tin cực đoan.

Với các nỗ lực đổi mới về tư duy, nội dung và phương thức theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị, công tác thông tin đối ngoại đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang được triển khai mạnh mẽ, toàn diện. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nhiều thuận lợi song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, việc đổi mới công tác thông tin đối ngoại góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy khát vọng và thu hút các nguồn lực xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Qua đó, đóng góp thực chất vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra, nhất là các mục tiêu chiến lược, tầm nhìn 2030 và 2045 mà bất cứ người Việt nào, dù ở đâu cũng đều nung nấu trong tâm khảm./.

(Nguồn: tuyengiao.vn)

Đọc thêm

Hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Thùy

(GDLL) - Nguyễn Chí Diểu (1908-1939), một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời đồng chí là tấm gương cao đẹp của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân. Bài viết tìm hiểu quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, qua đó thấy được sự kiên định, vì nước vì dân của đồng chí.

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.