Thứ Hai, ngày 15/08/2022, 17:03

Quan điểm của Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

NGUYỄN THỊ QUYẾN
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo “giặc nội xâm” là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, thắng “giặc nội xâm” là điều kiện để thắng giặc bên ngoài. Bài viết khái quát nội dung quan điểm Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm”, trên cơ sở đó trình bày một số quan điểm, giải pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” của tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Chống “giặc nội xâm”; “Giặc nội xâm”; Quan điểm Hồ Chí Minh;

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(Ảnh: nhandan.vn)

Đặt vấn đề

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng phải luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và coi đó là nhiệm vụ sống còn. Xây dựng Đảng phải bắt đầu từ mỗi đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng là “giặc nội xâm” - giặc ở trong lòng, một thứ “giặc” hết sức nguy hiểm có thể đang tồn tại trong mỗi chúng ta. Do đó, việc vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâmgóp phần xây dựng, chính đốn Đảng là điều hết sức cần thiết.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm”

Theo Hồ Chí Minh, “giặc nội xâm” là thứ giặc ở bên trong mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. “Giặc trong lòng” mỗi con người là nguyên nhân gây nên “giặc trong lòng” của một tổ chức, của một cộng đồng, của một dân tộc. Tổ chức nào, cộng đồng nào, dân tộc nào càng có nhiều cá nhân bị chi phối bởi “giặc trong lòng” thì tổ chức ấy, cộng đồng ấy, dân tộc ấy càng đối diện với nhiều nguy cơ thách thức. Do vậy cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của một dân tộc, một tổ chức, một cộng đồng phải bắt đầu từ mỗi cá nhân.

Biểu hiện của “giặc nội xâm” rất phong phú. Ở người bình thường, “giặc nội xâm” thường được biểu hiện qua lòng tham, sự sợ hãi, sự ganh tỵ, sự đố kỵ, sự nghi ngờ, sự giả dối v.v... Khi bị lòng tham dẫn dắt, con người dễ bị mê mờ, con người có thể vì lợi mà làm những việc trái luân thường, đạo lý. Khi lòng tham không được thỏa mãn, con người dễ rơi vào sân giận, oán trách, ganh ghét, đố kỵ. Thói hư, tật xấu cũng từ đó mà ra. Tha hóa cũng từ đó mà ra. Tội lỗi cũng từ đó mà ra. Lòng tham giống như một loại vi trùng, không những làm suy kiệt thân tâm người mắc mà còn tác động đến mọi người xung quanh, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, tổ chức và xã hội.

Là cán bộ, đảng viên, khi bị lòng tham chi phối sẽ dễ xa rời tôn chỉ, mục đích, lãng quên lý tưởng, động cơ chính đáng từng thôi thúc mình phấn đấu, lãng quên lời thề trước Đảng, trước nhân dân, có thể bất chấp thủ đoạn để mưu lợi cá nhân, tham ô từ đó mà ra, lãng phí từ đó mà ra, bao tệ nạn nhũng nhiễu làm dân điêu đứng cũng từ đó mà ra. Lòng dân xa cách Đảng cũng từ đó mà ra. “Nói tóm lại, vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”[4, tr.357].

Theo Hồ Chí Minh, tham ô, lãng phí và quan liêu là kẻ thù nguy hiểm ở bên trong mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng. “Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”[4, tr.358], tức là phá hoại con người, động lực quan trọng và chủ yếu của xã hội. Đối với cán bộ, tham ô là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình... Về phía nhân dân, tham ô là ăn cắp của công, gian lận thuế. Đó là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội... Đó là “giặc ở trong lòng” rất nguy hiểm, “cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”[4, tr.368]. “Bệnh này rất tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất của Đảng, nó làm cho Đảng bớt mất nhân tài, nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí”[3, tr.297].

“Giặc nội xâm” khó nhận diện và khó chiến thắng hơn nhiều, Bác căn dặn: “Việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”[5, tr.56]. Việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong tinh thần, trong nội bộ là một khó khăn không chỉ trong nhận diện, mà còn khó khăn trong lúc tiến hành đấu tranh, vì mình phải cắt bỏ chính bản thân mình, cũng giống như cắt bỏ cái ung nhọt, dù phải cắt bỏ nhưng vô cùng đau xót. Thắng được sự xui khiến của thói hư, tật xấu, thắng được sự chi phối của “giặc nội xâm” là việc làm không dễ dàng nhưng là việc làm hết sức cần thiết để mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc tránh rơi vào họa diệt vong.

“Giặc nội xâm” là những thói hư, tật xấu, là cái ác luôn ẩn tàng trong mỗi cá nhân. Nó luôn chờ cơ hội để trỗi dậy. Hai thời điểm “giặc nội xâm” thường trỗi dậy nhiều hơn là thời điểm chúng ta gặp khó khăn hoặc thời điểm chúng ta có nhiều thuận lợi. Khi gặp khó khăn, chúng ta dễ rơi vào bi quan, chán nản, nghi ngờ. Khi gặp thuận lợi, chúng ta dễ rơi vào kiêu mạn, sa ngã. Hồ Chí Minh cho rằng, có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, gian khổ, không sợ địch, có công với cách mạng; song đến khi có ít quyền trong tay thì kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác đấu tranh với chính mình, nên thành người có tội với cách mạng. Chống “giặc nội xâm” là việc tự mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, phải làm thường xuyên nhưng cần chú ý hơn ở hai thời điểm khi gặp khó khăn hoặc thuận lợi.

Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng”[7, tr.672],cái xấu và cái tốt lại không tách rời nhau, đôi khi ranh giới giữa chúng rất mong manh. Người nhắc nhở: “Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người họ nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”[7, tr.672]. Do đó, cần “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[7, tr.672].

Như vậy, muốn thắng giặc nội xâm, một mặt phải tu dưỡng đạo đức cách mạng; nhưng mặt khác, phải lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn đánh thắng giặc nội xâm, một biện pháp quan trọng là thực hiện tự phê bình: “Người ta, hàng ngày ai cũng phải rửa mặt cho sạch sẽ. Đảng viên phải coi việc tự kiểm điểm như rửa mặt. Hàng ngày mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm mình”[7, tr.117]. Bên cạnh đó, cần phê bình đồng chí mình để giúp tiến bộ. Người nêu rõ: “Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, trong tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”[7, tr.260]. “Mục đính phê bình và tự phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau”[6, tr.574]. Để tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện tự phê bình và phê bình theo nguyên tắc phê bình việc chứ không phê bình người; tự phê bình phải trung thực, cầu tiến bộ. Phê bình phải thực hiện trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Cùng với việc rèn luyện đạo đức, để chống “giặc nội xâm”, mỗi cá nhân cần tự giác học tập, nâng cao hiểu biết về lý luận và thực tiễn. Do thiếu hiểu biết về lý luận, thiếu hiểu biết về thực tiễn, cá nhân dễ bị dao động, phân vân trước các quan điểm trái chiều, bi quan trước những khó khăn và dễ rơi vào tự mãn khi đạt được một số kết quả. Khi đã thấu hiểu được quy luật vận động của tự nhiên, xã hội, con người sẽ bình tâm trước các thăng trầm của lịch sử; con người sẽ thấu lẽ sống cho đi là nhận lại; thấu hiểu điều kiện để mình có hạnh phúc thật sự chính là hạnh phúc của những người quanh mình. Khi đó, con người sẽ bớt tham, bớt ganh ghét, bớt đố kỵ, bớt hận thù. Khi đó con người sẽ thật lòng yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau. “Giặc nội xâm” khi đó khó có cơ hội để hoành hành, chi phối.

2. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” trong giai đoạn hiện nay

2.1. Một số quan điểm, chủ trương mang tính định hướng, giải pháp của Đảng nhằm vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm”

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cơ sở xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhận thức được những thời cơ và thách thức, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm càng được Đảng quan tâm. Công cuộc phòng, chống tham nhũng - chống “giặc nội xâm” được Đảng triển khai quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, khẳng định: đấu tranh đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức của một bộ phận cán bộ đảng viên là công việc cấp bách hiện nay của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” làm trong sạch tổ chức Đảng. Đại hội XII, cùng với việc xây dựng Đảng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, Đảng nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, coi đó như một giải pháp căn cơ để đẩy lùi “giặc nội xâm”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã cụ thể hóa, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái làm cơ sở để cá nhân cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng nhận diện và phòng chống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thời gian gần đây, Đảng đã bổ sung những quy định như: Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16 - 9 - 2021 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25 - 12 - 2019 của Bộ Chính trị khoá XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chủ trương của Trung ương về thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25 - 10 - 2021 về những điều đảng viên không được làm; quy định của Trung ương về chống chạy chức, chạy quyền; v.v... Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt nhằm phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong Đảng.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng là: Phòng, chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”, một cơ chế để “không cần tham nhũng”. Đại hội XIII, Đảng hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “không muốn” tham nhũng. Đây là quan điểm thể hiện bước tiến trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng, phòng chống “giặc nội xâm” nói chung. Ba cái “không” (không thể, không dám, không cần tham nhũng) thể hiện vai trò của cơ chế trong cuộc chiến chống tham nhũng, đó là sự tác động từ bên ngoài. “Không muốn tham nhũng” là sự tác động từ bên trong, là sự lựa chọn của cá nhân trên cơ sở lương tri, đạo đức. Thực hiện được điều này, “giặc nội xâm” sẽ không còn cơ hội để trỗi dậy.

Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đang mang lại kết quả tốt. (Ảnh: tuyengiao.vn)

2.2. Những yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên nhằm cụ thể hóa quan điểm Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm”

Cán bộ, đảng viên vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của chống “giặc nội xâm”, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “giặc nội xâm” là giặc ở trong lòng mỗi con người. Để mỗi cán bộ, đảng viên luôn là lực lượng nòng cốt quyết định cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” trong giai đoạn hiện nay, cần chú ý làm tốt một số yêu cầu sau:

Một là, tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân

Ai cũng thường trực nguy cơ bị chủ nghĩa cá nhân chi phối. Theo Hồ Chí Minh, trong mỗi con người đều có phần thiện, phần ác, cái tốt cái xấu đan xen. Cái ác, cái xấu chỉ chờ có cơ hội là trỗi dậy. Ghi nhớ điều này để không cho phép mình chủ quan với những cái ác, cái xấu trong bản thân mình. Không cho phép mình lơ là trong việc kiểm soát suy nghĩ, lời nói, hành động của mình. Thông thường, là con người, ai cũng dễ nhận ra ưu điểm của mình và khuyết điểm của người khác. Do vậy, thường là mình không tự tìm lỗi và sửa lỗi của mình mà chỉ thấy lỗi của người và yêu cầu người khác sửa lỗi. Hiểu mình, nhận biết đúng về hạn chế của mình, nhận biết rõ nguy cơ mình có thể phải đối diện do tác động của những hạn chế của mình gây ra, đó là chiến thắng đầu tiên trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Trong “ngũ tri” (năm điều biết) của người phương Đông thì “tri kỷ” (biết về bản thân mình) được xếp ở vị trí đầu tiên. Hiểu đúng về mình là cơ sở để hiểu đúng về người, về tự nhiên, về xã hội. Hiểu đúng về bản thân để thường xuyên tự nhắc nhở về các nguy cơ, tránh được bệnh chủ quan, tránh tạo cơ hội cho nguy cơ biến thành hiện thực.

Hai là, thực hành nghiêm tự phê bình

Tự phê bình là cách thức tốt nhất để kịp thời phát hiện ra các lỗi của bản thân. Thực tế cho thấy sai sót, hạn chế của cá nhân thường được biểu lộ qua việc làm. Làm nhiều, có thể mắc sai lầm nhiều. Mắc sai lầm chưa phải là điều đáng sợ, mà đáng sợ là mắc sai lầm nhưng không biết hoặc biết nhưng cố tình lảng tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng sợ nữa là do sợ mắc sai lầm nên không dám làm gì, sợ mắc sai lầm nên mất tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Để kịp thời phát hiện và khắc phục các sai sót trong quá trình làm việc, bản thân mỗi chúng ta phải nghiêm túc thực hành tự phê bình. Trước khi bắt đầu thực hiện công việc, phải suy xét xem dự định làm như thế đã phù hợp chưa? Trong quá trình làm việc, phải tiếp tục xem xét làm như thế được chưa? Có phát sinh khó khăn nào ngoài dự kiến không? Có cách nào thực hiện phù hợp hơn dự kiến không? Kết thúc công việc, kiểm nghiệm lại xem làm như thế đã tốt nhất chưa? Đã đặt toàn bộ tâm sức vào công việc chưa? Kiến thức nào, kinh nghiệm nào còn thiếu, tác động đến kết quả công việc? Trong quá trình làm việc, có sự giao tiếp, ứng xử, phối hợp thực hiện công việc với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới và các bên liên quan. Kiểm nghiệm lại xem đã có cách ứng xử phù hợp chưa? Đã thể hiện rõ tinh thần tôn trọng, thái độ thân thiện và ý thức phục vụ các bên chưa? Có điều gì cần điều chỉnh để thực hiện công việc tốt hơn? Liên tục kiểm soát suy nghĩ và hành động, chúng ta sẽ quản mình tốt hơn, từ đó mà diệt được “giặc nội xâm”.

Ba là, không ngừng học tập, rèn luyện, tránh tình trạng “ếch ngồi đáy giếng”

Sự học không có giới hạn. Dừng việc học một ngày, sẽ rơi vào tụt hậu một ngày. Để nâng cao trình độ, bản thân mỗi cá nhân phải chủ động biết mình cần bổ sung tri thức nào, chủ động học tập, rèn luyện phù hợp với đòi hỏi của công việc và quy định của cơ quan, nơi làm việc. Khi được cơ quan cử đi học, không tìm các lý do để trì hoãn. Tham gia học tập với tinh thần lắng nghe, cầu tiến bộ, học ở mọi nơi, mọi lúc, và tự học. Tự học như thế nào? Trước hết là tự học để nâng cao hiệu quả làm việc. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, là cán bộ, đảng viên, phải đọc, phải tìm hiểu để nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và vận dụng vào thực tiễn một cách phù hợp. Phải tích cực học tập lý luận để nắm được các quy luật của cuộc sống, từ đó lựa chọn được thái độ sống tích cực trong mọi hoàn cảnh.

Bốn là, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình để hoàn thiện bản thân

Cùng với tự phê bình, phải biết lắng nghe các ý kiến phê bình của đồng chí, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới và những người sống quanh mình. Để có sự phối hợp tốt trong quá trình làm việc, để xây dựng môi trường làm việc thân thiện, ta không chỉ cần biết lắng nghe, tôn trọng tiếng nói từ trái tim mình mà còn phải biết lắng nghe và trân trọng tiếng nói từ trái tim của những người đang sống cùng ta, hợp tác, làm việc cùng ta. Con người cũng thường có cái nhìn thiên vị về bản thân mình, do vậy việc lắng nghe ý kiến phê bình sẽ giúp chúng ta nhìn nhận bản thân mình, những gì liên quan đến mình một cách khách quan hơn, từ đó sửa chữa các khuyết điểm của mình hiệu quả hơn.

Năm là, chân thành góp ý, chia sẻ, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và những người xung quanh

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta nhận của người khác thì cũng phải có cái gì trao lại cho người ta. Giá trị của một con người không phải được đo bằng tiền tài, danh phận người đó đang sở hữu mà được đo bằng những cống hiến của người đó cho cuộc sống, cho nhân loại. Do vậy, điều gì mình biết chắc chắn là tốt, nên chia sẻ cho người khác. Điều gì mình biết chắc chắn là không tốt cũng nên chia sẻ cho người khác. Thấy đồng chí, đồng nghiệp thậm chí cấp trên có những việc làm mình biết chắc chắn không nên, phải mạnh dạn góp ý, can ngăn. Ta hãy làm điều đó bằng sự chân thành, người được góp ý chắc chắn sẽ cảm nhận được. Giúp người khác cũng chính là cơ hội để giúp mình hoàn thiện hơn.

Kết luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Đảng tốt là do từng đảng bộ tốt; Đảng bộ tốt là do từng chi bộ tốt; Chi bộ tốt là do từng đảng viên tốt. Mỗi đảng viên thực hành tốt các biện pháp để bản thân không sa ngã dẫn đến tha hóa, biến chất là việc làm thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng trong bối cảnh hiện nay, từ tổ chức Đảng đến mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hành lời dạy của Người về “chống giặc nội xâm”, tu sửa bản thân, quản chế và khắc phục tốt các thói hư, tật xấu, tạo điều kiện cho cái tốt phát triển, bởi lẽ thắng “giặc bên trong” chính là tiền đề, điều kiện để thắng “giặc bên ngoài”.


Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).