
Hội thảo "Luật hợp tác xã 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ
phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã" (nguồn:
vnanet.vn)
Đặt vấn đề
An Giang là một
trong những tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã sớm chú trọng triển khai các
mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, hợp tác xã (HTX) là một chủ
thể quan trọng có tác động lớn đến hiệu quả của liên kết chuỗi giá trị nông sản
và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thực hiện phát triển nông
nghiệp bền vững của tỉnh.
1. Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản
Hợp tác xã là tổ chức
kinh tế tập thể, được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện của các thành viên và
hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm
nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách
nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý. Vai trò của HTX không chỉ là sản
xuất kinh doanh như các tổ chức kinh tế khác, mà quan trọng hơn là trợ giúp
thành viên phát triển kinh tế; giải quyết, xử lý các vấn đề xã hội trong cộng
đồng thành viên đặt ra, làm gia tăng địa vị, lợi ích xã hội của thành viên; nâng
cao năng lực hợp tác, liên kết để cùng nhau xây dựng, phát triển HTX.
Về liên kết chuỗi
giá trị, theo cách tiếp cận của GTZ
(Deutsche Gesellschaft für Technische Zusammenarbeit – Đức), chuỗi giá
trị là một loạt các hoạt động kinh doanh có quan hệ với nhau, từ việc cung cấp
các giá trị đầu vào cụ thể cho một sản phẩm nào đó, đến sơ chế, chuyển đổi,
marketing, cuối cùng là bán sản phẩm đó cho người tiêu dùng[3].
Theo Tổ chức Nông
lương Liên Hợp Quốc (FAO) 2010, chuỗi giá trị nông sản bao gồm tập hợp các tác
nhân và hoạt động đưa một sản phẩm nông sản từ sản xuất đến người tiêu dùng
cuối cùng, theo đó, giá trị của sản phẩm được gia tăng trong mỗi khâu trung
gian. Một chuỗi giá trị có thể là một liên kết dọc hay một mạng lưới các tác
nhân độc lập với nhau vào các khâu chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, và
phân phối[4].
Định nghĩa này
cho thấy liên kết chuỗi giá trị nông sản bao gồm chuỗi những hoạt động theo thứ
tự từ sản xuất đến tiêu dùng cuối cùng với sự tham gia của nhiều chủ thể gồm
các hộ nông dân, trang trại, HTX, các doanh nghiệp... vào các khâu sản xuất,
thu gom, chế biến, bán buôn, bán lẻ... và tại mỗi khâu, giá trị của sản phẩm
được tăng lên.
Theo đó, chuỗi giá trị nông sản được thực hiện với 3 hình thức chủ yếu: 1)
Chuỗi không liên kết hay quản trị bằng quan hệ thị trường; 2) Chuỗi giá trị
thực hiện thông qua các hợp đồng thu mua, hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu
thụ nông sản, hợp đồng đầu tư... 3) Chuỗi giá trị dựa trên mối quan hệ giữa
doanh nghiệp đứng đầu và các nhà cung ứng, trong đó tập hợp những hoạt động do
nhiều người khác nhau thực hiện (Nhà cung cấp đầu vào, người thu gom, nhà chế
biến, công ty, người bán sỉ, người bán lẻ,..) để sản xuất ra một sản phẩm sau
đó bán cho người tiêu dùng.
Chuỗi giá trị này
bao gồm: i) Một chuỗi các quá trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra; ii) Một sự
sắp xếp có tổ chức, kết nối và điều phối người sản xuất, HTX, doanh nghiệp và
nhà phân phối liên quan đến một sản phẩm cụ thể; iii) Một mô hình kinh tế trong
đó HTX là một chủ thể có vị thế, vai trò quan trọng, làm tăng lợi thế, sức mạnh
của các hộ nông dân trong cạnh tranh trên thị trường.
2. Liên kết chuỗi giá trị nông sản
ở An Giang và vai trò của hợp tác xã
Trong 3 hình thức
liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang, HTX tham gia liên kết theo hình thức
2 và 3. Với hình thức 2, HTX đứng ra ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm với doanh nghiệp cho các thành viên HTX, hộ nông dân. Từ 2011 đến 2018,
mỗi năm có 10 - 14 HTX liên kết với 15 - 21 doanh nghiệp. Năm 2021 có 30 doanh nghiệp triển khai liên kết sản
xuất thông qua 46 HTX, diện tích liên kết lúa (nếp) đạt 87.698ha, diện tích
liên kết rau màu 3.981 ha, diện tích liên kết cây ăn trái 1.356 ha[5].
Với hình thức 3,
chuỗi giá trị được thực hiện giữa doanh nghiệp đứng đầu với HTX và những nhà cung
cấp đầu vào, người thu gom, nhà chế biến, người bán sỉ, người bán lẻ… để sản
xuất và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp đã kết hợp cùng các sở,
ngành của Tỉnh và Ủy ban nhân dân các xã tổ chức vận động nông dân cùng hợp tác
để thành lập mới 24 HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu của tập đoàn. Trong
đó, Doanh nghiệp đã cử nhân sự tham gia ban lãnh đạo của các HTX, cử đội ngũ
“ba cùng” (cùng ăn - cùng ở - cùng làm) phối hợp với hội đồng quản trị HTX
hướng dẫn thành viên HTX về kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng hiện đại,
khoa học.
Liên kết chuỗi
giá trị với sự tham gia của HTX đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh với các thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng, phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, địa phương. Điển
hình như vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú,
Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành; Vùng liên kết sản xuất thủy sản (cá tra) quy mô
lớn tại TP. Long Xuyên, Châu Phú; Vùng liên kết chăn nuôi heo tại huyện Tri
Tôn, Tịnh Biên và Châu Phú; Vùng liên kết chuyên canh trồng xoài tại huyện Chợ
Mới, An Phú; Vùng liên kết trồng chuối cấy mô tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn...
Từ kết quả trên cho thấy vai trò của HTX trong liên kết chuỗi giá trị nông
sản ở An Giang được thể hiện ở những điểm tích cực sau:
Thứ nhất, là chủ thể sản xuất kinh doanh nông
nghiệp, các HTX đã tổ chức được các dịch vụ đầu vào, đầu ra của kinh tế hộ nông
dân, tập trung sản xuất, tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống xã hội,
hình thành vùng nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ
hai, là chủ thể tham gia chuỗi giá trị, các HTX giúp nông dân yên tâm sản xuất,
giảm chi phí đầu vào, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá; đồng thời chủ
động về nguồn hàng, có nhiều cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, mang lại lợi ích
thiết thực cho thành viên. Các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, nguồn
cung ứng nông sản lớn.
Thứ ba, trong chuỗi giá trị, ở mỗi khâu mà
HTX tham gia thực hiện đều tạo ra giá trị gia tăng, làm tăng giá trị sản phẩm,
đáp ứng yêu cầu của thị trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay.
Thứ
tư, tham gia liên kết chuỗi giá trị, HTX là phương thức sản xuất tốt nhất để
thực hiện vai trò liên kết giữa 5 nhà: Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh
nghiệp, Nhà nông, Nhà ngân hàng và là “mắt xích” quan trọng trong phát triển
sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao… bảo đảm cho nông
nghiệp phát triển bền vững.
Về
hạn chế: Vai trò cầu nối của HTX trong thực hiện liên kết chưa được phát huy
đầy đủ. Việc phát triển các HTX gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi
giá trị chưa đồng bộ, khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản trên thị
trường chưa cao. Số HTX chủ động, sáng tạo trong đổi mới và ứng dụng tiến bộ
khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh chưa nhiều; trình độ, năng lực quản
trị của HTX chưa đủ để vượt qua thách thức, áp lực cạnh tranh trong điều kiện
cạnh tranh và hội nhập quốc tế, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nguyên nhân của những
hạn chế, chủ yếu từ năng lực, nhận thức của HTX về liên kết chuỗi giá trị; quan
hệ lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân thành viên HTX còn có bất
cập, liên kết chưa bền vững.
3. Một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong
liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang
3.1. Nâng cao sức mạnh, uy tín để
HTX trở thành trung tâm tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, phát huy lợi thế
sinh thái của từng vùng, địa phương
Sức mạnh, uy tín là điều
kiện quan trọng đảm bảo cho vị thế, vai trò của HTX trong liên kết chuỗi giá
trị, lợi thế sinh thái của từng vùng, địa phương của Tỉnh được phát huy. Xây
dựng và hỗ trợ HTX phát triển trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân và
doanh nghiệp để thực hiện chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, gắn với ứng dụng
công nghệ cao - đây là hướng đi cốt lõi, bảo đảm cho liên kết sản xuất bền
vững.
Để HTX phát triển, liên
kết rộng rãi các hộ sản xuất, trang trại, doanh nghiệp, các hiệp hội cần tập
trung nguồn lực để phát triển HTX thành trung tâm tổ chức sản xuất, cung ứng
dịch vụ, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho cả vùng,..
Xây dựng, phát triển HTX
mới, mở rộng lĩnh vực hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, thực hiện liên kết theo
chiều dọc và chiều ngang, hoặc phát triển thành loại hình doanh nghiệp trực
thuộc HTX. Trong đó, người dân có thể lựa chọn góp vốn bằng tiền hoặc quyền sử
dụng đất, cùng sản xuất kinh doanh và chia sẻ lợi nhuận; nông dân có thể cho
thuê đất hoặc sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, hình thành vùng sản xuất
quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp với chuỗi giá trị khép kín của sản
phẩm.
Quy hoạch phát triển các
hệ sinh thái HTX ngành hàng lúa gạo, rau màu, xoài, cá tra, bò, heo. Xây dựng
vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với cây lúa 1.000 ha; diện tích sản
xuất giống cá tra tối thiểu là 20 ha, nuôi thương phẩm 200 ha; bò sữa và heo
tập trung phát triển ở 02 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên[6]. Các vùng này thực hiện liên kết chuỗi
giá trị, trong đó HTX trở thành đầu mối liên kết chính trong sản xuất và tiêu
thụ nông sản với tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới
sản xuất theo nhu cầu và đặt hàng của thị trường.
Phát
triển mới và nâng cao chất lượng và hiệu quả HTX, thực hiện đa dạng dịch vụ để
đủ điều kiện, năng lực đảm nhiệm toàn bộ các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản
phẩm, trở thành đơn vị tổ chức sản xuất của khu vực. Gắn kết hợp tác “5 nhà”
trong xây dựng và hình thành chuỗi giá trị nông sản bền vững.
3.2. Đào tạo, nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực phục vụ phát triển hợp tác xã
Tăng cường đào tạo, bồi
dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện
nay. Hỗ trợ để những người có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại các
HTX, trong đó, chú trọng chức danh giám đốc HTX bảo đảm đủ năng lực để điều
hành, quản trị HTX hiệu quả. Đồng thời, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ trẻ, có trình độ, tư duy sáng tạo, nhanh nhạy trong việc tiếp cận thị
trường, phù hợp với yêu cầu phát triển của kỷ nguyên số.
3.3. Đẩy nhanh ứng dụng khoa học
công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản
Tăng cường hỗ trợ nghiên
cứu, chuyển giao và nhận chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất -
chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích các HTX ứng dụng tiến bộ
khoa học công nghệ vào sản xuất theo chuỗi giá trị như nông nghiệp công nghệ
cao, công nghệ thông tin, kỹ thuật số…; trọng tâm là công nghệ sau thu hoạch và
chế biến sản phẩm, bảo đảm yêu cầu về an toàn chất lượng, truy xuất nguồn gốc
và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.
3.4. Tăng cường xúc tiến thương
mại và thu hút đầu tư, hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế
biến, tiêu thụ
Xây dựng chiến lược
quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong và
ngoài nước; xây dựng, vận hành và phát triển website quảng bá sản phẩm chủ lực,
ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý cơ sở dữ liệu và thông tin giá cả, thị
trường, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp trên nền tảng phát triển kinh
tế số của Tỉnh.
Có
chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào hoạt động của HTX,
cùng quản lý điều hành, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất và thiết lập hệ
thống liên kết các HTX. Thực hiện kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị nông sản
giữa HTX với các siêu thị, cửa hàng, hệ thống phân phối hiện đại tại các thành
phố lớn trong cả nước. Hỗ trợ các HTX xây dựng các điểm truy cập thông tin và
tìm kiếm thị trường, giao dịch nông sản qua trang thương mại điện tử.
3.5. Có cơ chế, chính sách huy
động nguồn lực hỗ trợ hợp tác xã phát triển, hỗ trợ chuỗi liên kết giá trị
Xây dựng cơ chế, chính
sách đặc thù của Tỉnh đối với HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Đó là các
chính sách hỗ trợ về vốn; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ,
máy móc, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ đưa các sản phẩm trong chuỗi giá trị
tiếp cận, xâm nhập vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Tập trung đầu tư nâng
cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, liên kết chuỗi giá
trị nông sản. Đẩy mạnh cơ giới hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn.
3.6. Tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, vai trò của các tổ chức
chính trị - xã hội đối với phát triển HTX, liên kết chuỗi giá trị
Các cấp ủy, tổ chức
đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển HTX gắn với tổ
chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của địa phương. Quán triệt
và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ủy ban
nhân dân tỉnh về phát triển hợp tác xã gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp
theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025”.
Nâng cao trách nhiệm,
vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động mọi
tầng lớp nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác xã, liên kết chuỗi
giá trị sản phẩm nông nghiệp trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Kết
luận
Liên kết chuỗi giá trị
nông sản ở An Giang là yêu cầu tất yếu trong quá trình tái cơ cấu ngành nông
nghiệp với HTX là một chủ thể không thể thiếu trong liên kết, mở ra hướng đi
mới cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Để phát huy vai trò, vị thế của HTX
trong liên kết chuỗi giá trị, những năm tới cần tập trung vào việc tạo môi
trường, điều kiện thúc đẩy HTX phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết có
hiệu quả, hướng tới liên kết chuỗi giá trị toàn cầu, đủ sức cạnh tranh trên thị
trường thế giới.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nhật Minh (2022),
Nông nghiệp An Giang chuyển hướng liên kết
sản xuất, phát triển bền vững, https://scp.gov.vn
[2] PV (2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Nhà
máy gạo xuất khẩu quy mô lớn ở An Giang, https://baodantoc.vn
[3] Farmvina (2022), Chuỗi Giá Trị Nông Sản: Một số khái
niệm, htpps://nongnghiep.farmvina.com
[4] Starlinks (2010), Chuỗi giá trị nông sản và những vấn đề logistics
trong ngành nông sản, https://starlinks.com.vn
[5] Trọng Tín (2022),
An Giang phát triển kinh tế tập thể, hợp tác
xã trong nông nghiệp, Báo An Giang (Online), Ngày 14/9/2022.
[6] Ủy ban nhân dân
tỉnh An Giang (2020), Quyết định số
962/QĐ-UBND, Phê duyệt Kế hoạch phát triển hợp tác xã và liên kết sản xuất,
tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp năm 2020.