Thứ Hai, ngày 17/06/2024, 09:03

Phát triển nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Phí Thị Nguyệt
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Ngày nay, phát triển nền nông nghiệp sinh thái là xu hướng của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, để tăng tính chống chịu với các rủi ro khí hậu và phi khí hậu cũng như để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trên cơ sở nhận diện vị trí, vai trò của phát triển nông nghiệp sinh thái; quan điểm của Đảng về phát triển nông nghiệp sinh thái; đánh giá khái quát một số mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp tiếp tục phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Lễ khởi động Dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” (nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái đã xuất hiện tại Việt Nam từ khá sớm. Các mô hình này đều hướng đến việc khai thác và sử dụng nguồn lực tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu sự thất thoát lãng phí tài nguyên, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam còn manh mún, tư duy sản xuất nông nghiệp sinh thái chưa phổ biến, chưa có sự hình thành liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái... Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tiếp tục phân tích đánh giá thực trạng phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam, từ đó đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp sinh thái phát triển.

1. Nông nghiệp sinh thái và một số mô hình nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Cho đến nay có nhiều cách hiểu khác nhau về nông nghiệp sinh thái (NNST), theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), NNST là một phương pháp tiếp cận tổng hợp chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế của các hệ thống lương thực, thực phẩm thông qua việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ thông minh và thân thiện với môi trường; sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ít phát thải, không tác động xấu đến sức khỏe con người; phát huy tính đa dạng, giá trị văn hóa của hệ thống để nâng cao giá trị nông sản nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. NNST được thể hiện ở 10 yếu tố cơ bản: tính đa dạng; chia sẻ kiến thức và cùng sáng tạo; tính cộng hưởng; tính hiệu quả; sự tái chế; sức chống chịu; giá trị xã hội nhân văn; truyền thống ẩm thực và văn hóa; quản trị có trách nhiệm; kinh tế tuần hoàn và tương trợ.

Như vậy có thể thấy, NNST cân bằng mối quan hệ giữa con người và hành tinh, thúc đẩy cả ba khía cạnh của phát triển bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. NNST có nhiều ưu điểm vượt trội mà canh tác truyền thống không thể có được như tạo ra nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe; giúp bảo vệ sức khỏe người nông dân; giúp nâng cao sản lượng, tiết kiệm chi phí nuôi trồng; giúp bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái.

Tại Việt Nam, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái đã được triển khai từ khá sớm. Các mô hình này đều hướng đến việc khai thác tài nguyên một cách hiệu quả và tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa tác động đến môi trường sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Mô hình vườn - ao - chuồng (VAC): Hệ thống VAC là hệ thống khép kín mà các thành phần trong hệ thống này có liên hệ mật thiết với nhau, sử dụng chất thải của thành phần này làm nguyên liệu đầu vào cho thành phần khác. Hệ thống VAC là một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh, thống nhất các khâu, các thành phần, chi phí đầu tư thấp và phù hợp với hầu hết các vùng ngoại thành, nông thôn Việt Nam. Hiện nay, nhiều mô hình VAC được áp dụng rộng rãi ở nông thôn, tạo được mối liên kết hiệu quả giữa nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học và đã phát triển thành công tại nhiều trang trại và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.

Mô hình lúa - tôm, lúa - cá: Với mô hình luân canh này, cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Cho đến nay, mô hình này đang được cải biến thành mô hình “lúa thơm - tôm sạch” và “lúa thơm - cá sạch”. Đây chính là sản phẩm của quá trình cùng đổi mới, sáng tạo dựa trên tri thức và điều kiện tự nhiên vùng, miền. Mô hình này được đánh giá là mang lại những hiệu quả như: phát triển nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái, tạo ra và cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch.

Mô hình nông, lâm kết hợp: Mô hình nông, lâm kết hợp là một hệ thống quản lý sử dụng đất, trong đó, cây hằng năm, cây bụi, cây thân thảo được trồng xung quanh hoặc xen giữa các cây trồng lâu năm, cũng có thể kết hợp đồng cỏ hoặc chăn nuôi. Sự kết hợp này tạo ra sự đa dạng, mang lại năng suất, lợi nhuận, sinh thái và bền vững trong sử dụng đất. Tính đa dạng sinh học trong các hệ thống nông, lâm kết hợp thường cao hơn trong hệ thống nông nghiệp thông thường. Do đó, nhiều trang trại, hộ nông dân đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình nông, lâm kết hợp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện sinh kế cũng như thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Mô hình nông nghiệp cảnh quan bền vững: Đây là phương pháp tiếp cận tổng hợp để giải quyết tình trạng suy thoái môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường đa dạng sinh học, đồng thời cải thiện an ninh về lĩnh vực lương thực và dinh dưỡng. Đến nay, có nhiều mô hình nông nghiệp cảnh quan bền vững, như mô hình cà phê cảnh quan ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk; mô hình quản lý và bảo tồn hệ sinh thái ngập nước và phát triển sinh thái bền vững ở Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trang trại - Thành phẩm - Thức ăn chăn nuôi - Phân bón hữu cơ): Mô hình 4F được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn Quế Lâm nhằm xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp thông qua triển khai các khu tổ hợp chế biến nông sản hữu cơ, kiểm soát sản xuất thịt lợn an toàn bằng hệ thống nuôi khép kín. Chất thải trong trang trại được thu gom và xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt, tạo thành quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây đến đất. Mô hình góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phòng ngừa dịch bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái: Thời gian qua, có nhiều mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái triển khai thành công ở Việt Nam, như du lịch nông nghiệp ở Hội An (tỉnh Quảng Nam); du lịch nông nghiệp tại Ba Vì (thành phố Hà Nội), Tam Đường (tỉnh Lai Châu), Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát (tỉnh Lào Cai), HTX Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, Mộc Châu (Sơn La), ... đang là điểm sáng trong phát triển du lịch sinh thái, mang lại lợi ích cao cho thành viên, nông dân liên kết.

2. Quan điểm của Đảng về phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam

Việt Nam là nước có tiềm năng, lợi thế phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới. Do đó, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là một nội dung quan trọng trong chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Trong suốt quá trình phát triển của đất nước Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đề ra các chủ trương, chính sách lớn nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển tiến lên văn minh hiện đại.

Trong những năm qua, nhờ định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã khai thác tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, tiếp tục phát triển, duy trì tăng trưởng và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản không ngừng tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc nông sản trên thế giới. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực đầu vào và tài nguyên cho quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Xuất phát từ thực trạng phát triển nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt từ vị trí vai trò của nông nghiệp sinh thái trong phát triển bền vững, Đảng ta đã xác định xu hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, đó là phát triển nông nghiệp sinh thái để tăng tính chống chịu với các rủi ro khí hậu và phi khí hậu cũng như để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh... xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái[2, tr.124-125]. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp sinh thái, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 về phê duyệt "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Theo đó, quan điểm phát triển nông nghiệp sinh thái cũng được xác định là một trong những xu hướng chủ yếu trong phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới: "...Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu". Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định rõ quan điểm: “...Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”[1].

Như vậy, nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần được đầu tư theo hướng NNST Nông nghiệp phát triển dựa trên các tiến bộ khoa học - công nghệ mang tính sinh thái cho phép đa dạng hóa sản phẩm, vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa bảo vệ được các tài nguyên tự nhiên như đất, nước, rừng, đa dạng sinh học, giúp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang mô hình NNST cũng sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao năng lực của nông dân trong việc bảo đảm an ninh lương thực, cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước biến đổi khí hậu, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Có thể nói, phát triển NNST là hướng đi tất yếu hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

3. Những khó khăn, hạn chế khi thực hiện phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam

Phát triển NNST ở Việt Nam còn manh mún, tư duy sản xuất theo NNST còn chưa phổ biến, các hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung vào việc gia tăng sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến các yếu tố về an toàn thực phẩm, tính tự bền vững của hệ thống sản xuất, tính đa dạng sinh học, sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng và chưa tập trung vào nâng cao chất lượng của sản phẩm;

Các tổ nhóm nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái còn thiếu, các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm NNST hầu hết chỉ dừng lại ở các mô hình nhưng chưa được nhân rộng;

Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái; chưa có sự hình thành liên kết hình thành các chuỗi giá trị, sản phẩm NNST chưa được chứng nhận, dán nhãn, chưa có doanh nghiệp vào bao tiêu;

Động lực từ các chính sách thúc đẩy các hệ thống sản xuất nông nghiệp chưa đủ lớn để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho NNST...

4. Một số giải pháp cơ bản phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thứ nhất, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và xã hội về phát triển NNST

Để phát triển mạnh hơn NNST, trước hết cần có những chiến lược truyền thông để thay đổi nhận thức cho những nhà quản lý, người nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp và cả xã hội để khuyến khích sản xuất theo hướng sinh thái. Cùng với sản xuất, chế biến có trách nhiệm thì đối với chuỗi, vai trò người tiêu dùng cũng rất quan trọng, giúp định hướng, khuyến khích phát triển sản xuất và chế biến. Tiêu dùng có trách nhiệm là phải thúc đẩy việc tiêu thụ những sản phẩm an toàn, có tiêu chuẩn, có chứng nhận, có xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, người tiêu dùng sẵn sàng trả một giá trị tương xứng cho những sản phẩm này. Truyền thông để khuyến khích người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận những sản phẩm sản xuất theo các nguyên tắc NNST, khuyến khích và có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đưa sản phẩm NNST ra thị trường. Ngoài ra, cần tăng cường phổ biến rộng rãi các kiến thức và mô hình NNST thành công dưới các hình thức khác nhau để nâng cao nhận thức cho người sản xuất, góp phần nhân rộng mô hình NNST.

Thứ hai, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, tăng cường chia sẻ tri thức nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững, minh bạch, trách nhiệm.

Khuyến khích nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo và áp dụng các giống cải tiến thích ứng tốt hơn trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, đồng thời chú trọng công tác thu thập, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý của địa phương làm vật liệu chọn tạo giống cả bằng hình thức tại nông hộ và ngân hàng gen; hỗ trợ người nông dân gìn giữ các giống cây, con quý thông qua hỗ trợ phát triển các giống địa phương thành sản phẩm đặc sản, nâng cao giá trị kinh tế sản xuất, giúp người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Có chính sách và chương trình hỗ trợ kỹ thuật để khuyến khích áp dụng các hệ thống sản xuất NNST, nông nghiệp bền vững.

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá NNST

Hiện nay, các tiêu chí đánh giá NNST đang được các tổ chức nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn. Việt Nam cần có những tiêu chí về NNST để đánh giá hệ thống sản xuất hiện tại, từ đó định hướng phát triển NNST phù hợp với điều kiện của Việt Nam hoặc với từng vùng và sản phẩm.

Thứ tư, xây dựng chính sách hỗ trợ người sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang NNST

Phát triển nông nghiệp theo các nguyên tắc NNST có thể sẽ làm giảm năng suất và hiệu quả trước mắt. Vì thế, cần có những chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi hệ thống sản xuất. Việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ cho NNST với sự tham gia của khuyến nông cộng đồng là cấp thiết đối với quá trình chuyển đổi sang NNST. Bên cạnh các chính sách đào tạo, tập huấn kiến thức cho người nông dân, cũng cần có chính sách hỗ trợ về giống, kết nối chuỗi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm NNST, hoặc có chính sách ưu đãi tín dụng hỗ trợ cho NNST.

Thứ năm, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm NNST

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần có những chính sách hỗ trợ cho các hộ liên kết sản xuất theo mô hình NNST. Hỗ trợ các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông nghiệp thông qua chính sách ưu đãi tín dụng, thuế, hỗ trợ đào tạo, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng phát triển các chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn, trách nhiệm, minh bạch, các chương trình hỗ trợ quảng bá sản phẩm NNST, thực hiện dán nhãn sinh thái và xây dựng thương hiệu sản phẩm NNST.

Kết luận

Phát triển NNST đã và đang trở thành hướng đi tất yếu hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Với việc nhận diện vai trò, tính ưu thế của NNST, đánh giá các mô hình NNST và đề xuất một số giải pháp trên sẽ góp phần thay đổi tư duy nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội về phát triển NNST, góp phần tạo sức bật cho NNST tại Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Chấp hành Trung ương (2002), Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Đào Thế Anh, Lê Thành Ý, Chu Tiến Quang (2020), Phát triển nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển nông thôn bền vững, https://nhandan.vn.

[4] Đoàn Minh Huấn (2022), Đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn - nhìn từ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của hệ thống chính trị và phát huy dân chủ ở nông thôn, http://tapchimattran.vn.

[5] Lê Minh Hoan (2022), Phát triển nông nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, https://vietnamnet.vn.

Đọc thêm

Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới

Tác giả: NGUYỄN ĐỨC HẠNH

(GDLL) - Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là một xu thế tất yếu, hàm chứa cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia trên con đường phát triển. Trong những năm qua, Việt Nam luôn tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa. Trên cơ sở khái quát bối cảnh tình hình tác động và những kết quả nổi bật trong tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng những năm qua bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong tình hình mới.

Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam

Tác giả: NGUYỄN ANH CƯỜNG - HOÀNG ANH TÚ - TRIỆU THANH CHÚC

(GDLL) - Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về lợi ích quốc gia - dân tộc, bài viết phân tích sự kiên định về lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam và khẳng định việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị

Tác giả: PHẠM TÚ TÀI - CHU THỊ LÊ ANH

(GDLL) - Phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng xác định là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Bài viết phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về tăng trưởng kinh tế dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm cơ sở khẳng định đây là động lực mới, quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời, bài viết cũng tập trung đánh giá thực trạng, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Nghị quyết 27-NQ/TW

Tác giả: TRẦN THỊ THANH MAI

(GDLL) - Sự ra đời của Nghị quyết số 27- NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ngày 09/11/2022 Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết tập trung làm rõ một số quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua đó thấy được giá trị lý luận và thực tiễn của Nghị quyết.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới

Tác giả: NGUYỄN VĂN NGHĨA

(GDLL) - An ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trong đó có cả những vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Bài viết khái quát quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, thực tiễn về bảo vệ an ninh quốc gia và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới.