Thứ Sáu, ngày 09/08/2024, 10:45

Những kỷ niệm đáng ghi nhớ về những năm đầu Học viện Chính trị khu vực I trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1953-2023)

PGS.TS. NGƯT. Lê Doãn Tá
Nguyên Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I giai đoạn 1989-1993 Giám đốc Phân viện Hà Nội thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 1993-2000

(GDLL) - Học viện Chính trị khu vực I trải qua 70 năm xây dựng và phát triển đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và Nhà nước. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, tất cả đã trở thành những kỷ niệm đẹp, những dấu ấn sâu đậm với chúng tôi - thế hệ cán bộ những năm 80-90 của thế kỷ XX; rất đỗi tự hào khi được cống hiến và chứng kiến bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại nơi đây.

H

ọc viện Chính trị khu vực I tiền thân là Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc khu vực I trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng trên cơ sở hợp nhất các Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu I, II, VI và Trường Tổ chức Kiểm tra Trung ương I, đặt trụ sở tại Thanh Xuân Bắc, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội (1983-1993).

Theo quyết định số 61 – QĐTW ngày 10 tháng 3 năm 1993 “Về việc sắp xếp lại các Trường Đảng trung ương chuyển thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I, cùng với các Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực II ở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực III ở Đà Nẵng và Trường Đại học Tuyên giáo trở thành các Phân viện Hà Nội, Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Đà Nẵng và Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm 1994 hoàn thành sự hợp nhất đó.

Đến nay vừa tròn 30 năm các Trường Đảng khu vực và Trường Đại học Tuyên giáo trở thành các Học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong hệ thống Trường Đảng duy nhất mang tên Bác Hồ kính yêu (1993 – 2023).

Trong dòng chảy 70 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Chính trị khu vực I, biết bao tình cảm thân thiết của những người được cùng Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ những tiến bộ và khó khăn trên con đường tiến lên của Trường Đảng mang tên Bác.

Tôi vinh dự được cấp trên giao cho nhiệm vụ chuyển từ Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I thành Giám đốc Phân viện Hà Nội thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từ giữa năm 1993 đến năm 2000, đồng thời là thành viên Ban cán sự Đảng Học viện theo quyết định số 166 QĐNS/TW ngày 4 tháng 2 năm 1997, để thực hiện những nhiệm vụ chính trị mà Bộ chính trị trung ương Đảng giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí GS.NGND. Nguyễn Đức Bình - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng Học viện đứng đầu... cùng với Ban lãnh đạo Học viện và Ban cán sự Đảng... đã dày công vun đắp hệ thống Học viện, trong đó có Phân viện Hà Nội, đạt tới những bước phát triển đáng tự hào.

1. Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng, kịp thời đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn

Trong thời kỳ này, Nhà trường tiếp tục đào tạo cao cấp lý luận chính trị 10 tháng, đào tạo hệ cử nhân chính trị 2 năm cho học viên đã có bằng tốt nghiệp đại học chính quy, bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, quận, ban, ngành cấp tỉnh và cán bộ chủ chốt quản lý kinh doanh trong các Tổng công ty, xí nghiệp nhà nước, và bồi dưỡng cán bộ dân tộc miền núi cấp tỉnh, quận, huyện, cán bộ chuyên ngành xây dựng Đảng, tổ chức kiểm tra.

Ngoài ra, Trường còn mở các lớp cao cấp lý luận chính trị tại chức cho Hải Phòng, Hà Tĩnh, Vĩnh Phú, các cơ quan trung ương, nhiều lớp bồi dưỡng Nghị quyết đại hội VI, VII, VIII thu hút hàng trăm cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội phía Bắc theo đối tượng học ở Phân viện Hà Nội về học tập.

Nhiều cán bộ được Phân viện Hà Nội đào tạo lúc đó đã trở thành lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương, các Bộ, Ban, Ngành. Nhiều đồng chí học viên đã và đang là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh, cán bộ chủ chốt các tỉnh, quận, huyện phía Bắc. Nhiều PGS.TS, giảng viên cao cấp đã trưởng thành từ các khoá đào tạo đầu tiên của Học viện Chính trị khu vực I.

2. Về xây dựng đội ngũ cán bộ

Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I và Phân viện Hà Nội thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thời kỳ những năm 90 của thế kỷ XX gặp nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, cả về số lượng và chất lượng. Nhiều cán bộ trải qua kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ... trung thành với sự nghiệp của Đảng và của dân tộc nhưng tuổi đã cao và dần dần đòi hỏi có thế hệ mới thay thế. Những “cây gạo cội” của ngành Tuyên huấn, Tổ chức, Kiểm tra, đào tạo cán bộ nhiều nơi như các ông Bùi Hồng Việt, Ngô Xuyên, Nguyễn Chí Đức, Trần Phú Tuyển, Vi Ngọc Phương, Dũng Tiến, Nguyễn Hữu Thủy... được bố trí làm hạt nhân lãnh đạo Nhà trường hợp nhất đều đã đến tuổi nghỉ hưu. Thêm vào đó, những vất vả của cuộc sống do điều kiện hợp nhất từ khắp nơi trên miền Bắc, từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Việt Bắc, Tây Bắc... về, cùng với những khó khăn thời kỳ bao cấp cũng khiến không ít người rời khỏi Trường để làm các công việc khác phù hợp với cuộc sống.

Lãnh đạo Nhà trường lúc đó đã chủ động đề xuất với lãnh đạo cấp trên đẩy nhanh việc đào tạo cán bộ và nhận thêm cán bộ ở các cơ quan khác về. Chỉ riêng năm học 1993 – 1994, được sự đồng ý của lãnh đạo cấp trên, Trường đã tiếp nhận hàng chục cán bộ có trình độ lý luận và thực tiễn ở các tỉnh và trường đại học về các khoa giảng dạy, cử đi học cao cấp lý luận chính trị 46 sinh viên tốt nghiệp đại học mới về trường, chuẩn hóa 68 giảng viên học vị thạc sỹ... Đây là một trong những bước đột phá trong công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để các năm tiếp theo Trường tiếp tục đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sỹ, Phó giáo sư, đáp ứng việc giảng dạy cao cấp lý luận chính trị và đào tạo thạc sỹ hiện nay, đồng thời cung cấp cho một số ban ngành ở Trung ương.

3. Việc đổi mới nội dung giảng dạy, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ

Từ sau Đại hội VI (1986), trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I đã ra sức đổi mới chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần đổi mới mà Đại hội VI đề ra. Đặc biệt, sau Đại hội VII - khi Cương lĩnh mới của Đảng ra đời - lãnh đạo Nhà trường đã chỉ đạo các Khoa căn cứ vào những luận điểm mới của Đại hội VI (1986) và Cương lĩnh tại Đại hội VII (1991) để đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy, bồi dưỡng cho các hệ lớp của Nhà trường. Từ sau khi hợp nhất thành Trường Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Lãnh đạo Nhà trường đã đẩy mạnh tổ chức chỉ đạo các khoa rà soát những nội dung trong tài liệu giảng dạy và bổ sung những luận điểm mới của hai Đại hội gần nhất vào nội dung giảng dạy. Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo tổ chức nhiều Hội thảo khoa học và các hoạt động khoa học khác theo định hướng đổi mới thiết thực, nâng cao chất lượng giảng dạy trong Trường.

Trong giai đoạn đó, Trường đã mời các lãnh đạo Học viện, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các nhà khoa học có uy tín của Trường Đại học Tổng hợp quốc gia, Trường Đại học Sư phạm I và một số cơ sở đào tạo của các ban, ngành... đến giảng bài, tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy. Một loạt các Tập Bài giảng Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Một số chuyên đề về Lịch sử Việt Nam, Quản lý kinh tế, Lý luận và Nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ, Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước... đã được lần lượt biên soạn. Các tài liệu này đã được biên tập lại và in thành giáo trình trong các năm 1994, 1995, 1996... để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Tạp chí Giáo dục Lý luận – diễn đàn khoa học chính trị của một trung tâm đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị của Đảng – chính thức được thành lập ngày 04/4/1994 theo Giấy phép xuất bản số 468/GPXB của Bộ Văn hóa Thông tin, với tôn chỉ mục đích: Nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời trao đổi kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy và học tập... phục vụ sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường.

Có thể nói, trọng tâm của mọi hoạt động khoa học thời kỳ này là đổi mới chương trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, những nội dung cốt lõi về đổi mới tại Đại hội VI, VII đã được chuyển tải thành công vào bộ tài liệu giảng dạy của Trường.

Các tập bài giảng trên và các chuyên đề như: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta dưới ánh sáng Cương lĩnh mới của Đảng”, “Về nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”... theo tinh thần đổi mới của Đại hội VI, VII và các Nghị quyết mới của Đảng đã được bổ sung vào chương trình và được Nhà xuất bản Sự thật in ấn thành sách chính thức phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Giám đốc Nhà trường, các lớp học và tài liệu giảng dạy thời kỳ những năm 90 của thế kỷ XX đã đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc trong đổi mới chương trình giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ của Phân viện Hà Nội. Các nội dung giảng dạy, bồi dưỡng đều quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản cần kiên định trong lúc cách mạng chuyển giai đoạn. Cụ thể:

Một là, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hai là, kiên định đường lối đổi mới, nhất là thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước.

Ba là, kiên định tư tưởng “lấy dân làm gốc”, phát huy vai trò nhà nước của dân, do dân và vì dân, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong đổi mới.

Bốn là, kiên định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Nhờ những hoạt động thiết thực và hiệu quả đó, Nhà trường đã phát triển một cách vững vàng, tạo tiềm lực mạnh mẽ để vững bước đi lên theo kịp sự tiến bộ chung của đất nước.

4. Về xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, học viên

Trong bối cảnh chế độ bao cấp kéo dài, đặc biệt là sau khi Liên xô sụp đổ, nguồn viện trợ giảm sút vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX; cộng với khó khăn sau khi tiến hành hợp nhất các trường Phân hiệu, điều kiện ăn ở của cán bộ, học viên thời kỳ này rất thiếu thốn. Tình trạng đó còn kéo dài đến cả thời kỳ sau khi gia nhập và trở thành đơn vị trực thuộc của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tại cơ sở cũ, trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu 6 ở quận Thanh Xuân, nơi được lựa chọn đặt trụ sở trung tâm của Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I, rồi Phân viện Hà Nội sau này, điều kiện hạ tầng rất kém, nhà cửa đã xuống cấp... Không những thế, các dãy nhà ở cũ đó còn được dùng làm nơi ở của các gia đình khi hợp nhất các trường phân hiệu. Do vậy, tình trạng tất yếu xảy ra là học viên không những không có đủ chỗ ở và học tập, mà còn phải học tập và sinh hoạt trong điều kiện rất khó khăn, tồi tàn. Thậm chí, những khi mưa lớn thì hầu như ngập lụt cả tuần, trong khi cán bộ, học viên vẫn phải sử dụng hố xí thùng... điều kiện vệ sinh rất không đảm bảo.

Trong điều kiện khó khăn như vậy, lãnh đạo Nhà trường đã rất nỗ lực tìm tòi phương hướng xử lý. Để giải quyết khó khăn về kinh tế, lãnh đạo Nhà trường đã động viên và tạo điều kiện cho các gia đình làm thêm, tăng gia sản xuất với nhiều hoạt động đa dạng như gia công kéo sợi, trồng rau, nuôi lợn, gà... để cải thiện sinh hoạt. Để giải quyết căn bản vấn đề chỗ ở và điều kiện vệ sinh, lãnh đạo Nhà trường đã đề nghị Ban Tài chính quản trị trung ương cho phép sử dụng cơ sở của Trường ở 198 Tây Sơn làm chỗ ở cho cán bộ. Đồng thời, tại cơ sở Thanh Xuân, Nhà trường đã xin chủ trương cho các gia đình cán bộ mượn đất xung quanh trường và hỗ trợ mỗi gia đình 1.500.000 đồng làm nhà ở. Việc làm này vừa tạo được hàng rào bảo vệ khuôn viên Trường khỏi những hoạt động lấn chiếm từ các khu dân cư xung quanh trường, vừa giải phóng được phần diện tích đáng kể trong trường để sửa chữa cho học viên ở và học tập. Nhà trường cũng đã triển khai thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước tổng thể và sửa các khu nhà, cải thiện đáng kể điều kiện vệ sinh, môi trường sống trong Trường.

Với phương châm tự chăm lo cho mình, lại được cấp trên ủng hộ, nên Nhà trường đã vượt được những khó khăn lúc đó, hoàn thành những nhiệm vụ chính trị mà cấp trên giao phó.

Từ khi trở thành Phân viện Hà Nội, việc đầu tư kinh phí ngày càng khá hơn, Nhà trường có thể xây dựng thêm nhà ở, phòng học cho học viên, trang bị máy tính và phương tiện khác khang trang hơn trước gấp nhiều lần.

Sau 30 năm sáp nhập, trở thành Học viện Chính trị khu vực I trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà trường hiện nay thực sự đổi mới, nhiều tiến bộ.

Với ngôi trường khang trang, các lớp học, nơi làm việc và ăn ở của cán bộ, học viên được trang bị đủ tiện nghi phù hợp với việc đổi mới công tác giảng dạy, học tập; với đội ngũ Ban lãnh đạo Học viện hiện nay cùng các cán bộ giảng dạy, quản lý có trình độ cao, đủ sức mở các lớp trên đại học và quản lý, điều hành có chất lượng, Học viện Chính trị khu vực I đang trên đà phát triển mới, có chất lượng, xứng đáng là một trong những đơn vị hàng đầu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chúng tôi, thế hệ cán bộ những năm 80 -90 của thế kỷ XX, rất vui mừng thấy được bước tiến khá dài của một thành viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nhân dịp Học viện Chính trị khu vực I tròn 70 tuổi, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng dưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đứng đầu, Học viện Chính trị khu vực I trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tiến bước vượt bậc trong sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước độc lập tự chủ, tự cường, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Tin liên quan

Đọc thêm

Dấu mốc khai mở truyền thống vẻ vang của Học viện

Tác giả:

BPO - Tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với học viên khóa II và ghi vào Sổ vàng của Trường. Sự kiện này đặt dấu mốc truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.