
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền
Giải phóng quân được tổ chức tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng_Ảnh tư liệu
1. Mở đầu
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải
phóng quân là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và
chủ nghĩa yêu nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của lãnh tụ Hồ
Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ một đội quân nhỏ bé, ban đầu chỉ có 34
cán bộ, chiến sĩ nhưng tương lai của Đội là vô cùng rộng mở, điều này đã được Hồ
Chí Minh dự báo: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ
vang”(1). Nhìn lại sự ra đời của
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chúng ta thấy rằng đây không chỉ đơn
thuần là sự ra đời của lực lượng vũ trang cách mạng, mà nó còn phản ánh truyền
thống lịch sử, bản sắc văn hóa và lòng yêu nước bất khuất, kiên cường của dân tộc
Việt Nam anh hùng.
Trong điều kiện lịch sử mới hiện nay, tư tưởng,
mục tiêu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vẫn còn vẹn nguyên
giá trị, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chủ trương xây dựng lực
lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và yêu cầu cơ cấu biên
chế, tổ chức lại Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh hiện nay.
2. Thành lập Đội Việt Nam Tuyên
truyền giải phóng quân đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử
Muốn đánh giặc phải có quân đội, đó là điều tất
yếu, không một quốc gia nào đánh giặc mà không có lực lượng vũ trang. Lý luận
chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, quân đội ra đời gắn với sự xuất hiện của nhà
nước, là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp, “Quân đội không thể và không nên
trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ,
giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản”(2).
Vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào
thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và sự cần thiết
của xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang đối với sự nghiệp giải phóng dân
tộc, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 2 - 1930), lãnh tụ Hồ Chí Minh
và Đảng ta đã chỉ rõ phải: “tổ chức ra quân đội công nông”(3). Luận cương chính trị tháng 10 - 1930 của
Đảng tiếp tục khẳng định: “Mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng võ trang bạo
động. Vậy nên ngay từ bây giờ Đảng phải tổ chức bộ quân sự của Đảng để làm cho
đảng viên được quân sự huấn luyện; giúp cho công nông hội tổ chức đội tự vệ”(4). Xuất phát từ chủ trương đó, Đội tự vệ
Công nông (Tự vệ đỏ) đã ra đời trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 với nhiệm vụ
chống địch khủng bố và bảo vệ chính quyền Xô viết những nơi mới thành lập.
Tháng 3 - 1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng
đã ra nghị quyết riêng về Đội tự vệ. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
đối với việc hình thành tư tưởng quân sự của Đảng thời kỳ mới thành lập. Lần đầu
tiên những nguyên tắc xây dựng về chính trị cũng như về quân sự của lực lượng
vũ trang cách mạng đã được đề ra một cách cơ bản và tương đối toàn diện. Đây là
cơ sở cho việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng sau này.
Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương 8 đã đánh dấu
bước phát triển, hoàn thiện quan điểm, chủ trương của Đảng về vũ trang khởi
nghĩa ở Việt Nam. Hội nghị đã quyết định xây dựng và phát triển các lực lượng
vũ trang để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện chủ
trương trên, ngày 14 - 2 - 1941, Đội du kích Bắc Sơn đã ra đời, sau đó đổi tên
thành Cứu quốc quân. Giai đoạn 1941 - 1944, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung
ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, các Trung đội Cứu quốc quân I, II, III không
ngừng lớn mạnh. Trước sự phát triển của Cứu quốc quân và các đội du kích, tự vệ
chiến đấu, để có một lực lượng chủ lực làm nòng cốt thúc đẩy phong trào cách mạng
phát triển mạnh mẽ hơn, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng
quân được thành lập.
Như vậy, sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên
truyền giải phóng quân là tất yếu khách quan, không chỉ phản ánh sự kế thừa
sáng tạo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội
mà còn gắn với thực tiễn yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Đội Việt
Nam tuyên truyền giải phóng quân đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức của lực
lượng vũ trang cách mạng nước ta, là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đấu
tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Từ đây, cách mạng nước
ta có một đội quân chủ lực thống nhất, có cương lĩnh chính trị, quân sự rõ
ràng, chiến đấu dũng cảm, liên hệ mật thiết với nhân dân, đã ra quân là đánh thắng.
3. Kế thừa nghĩa yêu nước và
văn hóa giữ nước Việt Nam
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải
phóng quân không chỉ là thành lập một tổ chức quân sự, mà còn là minh chứng, hiện
thân rõ nét của lòng yêu nước sâu sắc và khát vọng giải phóng dân tộc của các tầng
lớp nhân dân. Chủ nghĩa yêu nước là động lực lớn nhất, thôi thúc nhân dân ta đứng
lên chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam,
yêu nước đã trở thành truyền thống, cội nguồn sức mạnh và niềm tự hào dân tộc,
điều này được Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó
là một truyền thống quý báu của ta”(5).
Lòng yêu nước của người Việt Nam được hình thành gắn liền với quá trình lịch sử
dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc; từ quá trình chung sức, đồng lòng đấu
tranh chống lại quân thù. Yêu nước là đặt lợi ích của đất nước lên trên hết và
sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của
dân tộc, hiếm có một dân tộc nào phải chống giặc ngoại xâm nhiều và thường
xuyên như Việt Nam, dân tộc ta đã phải tiến hành hàng chục các cuộc chiến tranh
giữ nước và hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ. Mặc dù kẻ thù có tiềm lực kinh tế,
quân sự mạnh, âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhưng cuối cùng chúng đều bị nhân dân
ta đánh bại. Vậy điều gì đã làm nên những chiến thắng của dân tộc Việt Nam, đó
không gì khác chính là tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường không chịu
khuất phục trước quân thù, trở thành truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh vô địch
được các thế hệ người dân Việt Nam kế thừa, phát huy và phát triển trong từng
giai đoạn lịch sử.
Thời đại Hùng Vương dựng nước, tinh thần yêu
nước được thể hiện rõ nét qua hình ảnh Thánh Gióng (hiện thân của người lính đầu
tiên trong lịch sử). Thời kỳ Bắc thuộc, đó là tinh thần quật khởi của Bà Trưng,
Bà Triệu,… và sau này là Ngô Quyền đã đứng lên tập hợp, quy tụ nhân dân đập tan
ách đô hộ của phương Bắc, giành độc lập dân tộc. Thời kỳ phong kiến, đó là những
tiếng hô đồng thanh “đánh” trong Hội nghị Diên Hồng và Bình Than của nhà Trần;
là lời nói của Trần Hưng Đạo “Bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi đi đã” khi
giặc Mông - Nguyên xâm lược.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước
được Đảng ta phát huy, phát triển lên tầm cao mới trong cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng, lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân
là lực lượng vô cùng to lớn, “không ai thắng nổi”. Yêu nước bắt nguồn từ yêu
gia đình, làng xóm, được phát triển trong sự cố kết cộng đồng; kết cấu Nhà -
Làng - Nước là “trục chính” tạo nên sức mạnh, là sợi dây liên kết các lực lượng,
giai tầng trong xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước thôi thúc những con người
mang khát vọng giải phóng dân tộc đứng lên chống lại quân thù, phá tan mọi xiềng
gông. Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chính là sự hội tụ
của những con người yêu nước, mang khát vọng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức,
được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước, văn hóa giữ nước truyền thống của
dân tộc Việt Nam anh hùng. Trong 34 chiến sĩ đầu tiên, mặc dù họ đến từ nhiều
vùng, miền và dân tộc khác nhau (29/34 người là đồng bào dân tộc thiểu số)
nhưng điểm chung hội tụ họ lại chính là lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.
Tinh thần yêu nước trong dựng nước và giữ nước đã trở thành truyền thống, quy
luật trong dòng chảy của lịch sử, là văn hóa thấm đẫm trong máu thịt mỗi người
dân Việt Nam, tinh thần đó thôi thúc mỗi người đứng lên cầm vũ khí để bảo vệ Tổ
quốc thiêng liêng, bảo vệ quyền sống và phẩm giá của mình.
4. Sự kế tục và phát triển đường
lối chiến tranh nhân dân và tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân
Chiến tranh nhân dân là chiến lược quân sự độc
đáo của dân tộc Việt Nam được tiến hành dựa trên sức mạnh tổng hợp của toàn dân
tộc, trên tất cả các lĩnh vực, ở đó mọi người dân đều tham giao lực lượng vũ
trang để bảo vệ đất nước. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam
cho thấy, ông cha ta thường xuyên sử dụng hình thức chiến tranh nhân dân - một
đối sách phù hợp, hiệu quả để chống lại kẻ thù có tiềm lực quân sự mạnh hơn.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đường lối chiến tranh
nhân dân đã được phát triển thành hệ thống lý luận và được xác định là cuộc chiến
tranh toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt nhằm bảo
vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ nhân
dân, Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.
Hồ Chí Minh đã có đóng góp to lớn vào sự phát
triển đường lối chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt
Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Người viết: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc
kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”(6), phải dựa vào dân, có dân là có tất cả.
Tư tưởng này của Hồ Chí Minh là sự kế thừa truyền thống chiến tranh nhân dân,
toàn dân đánh giặc trong lịch sử dân tộc. Trong thời kỳ dựng nước, chiến tranh
nhân dân mang tính tự phát trong định hình dân tộc. Công cuộc giữ thành Cổ Loa
của An Dương Vương đã huy động sức mạnh toàn dân đánh giặc. Thời kỳ Bắc thuộc,
hình thức chiến tranh nhân dân có bước phát triển trong điều kiện mới khi ta bị
mất chủ quyền, các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Mai Thúc
Loan,… là chiến tranh nhân dân nhằm giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.
Thời kỳ phong kiến, tư tưởng chiến tranh nhân
dân, toàn dân đánh giặc được thể hiện rõ nét trong thời Lý - Trần với phương
châm: “Tận dân vi binh, ngụ binh ư nông” và “cử quốc nghênh địch”. Bên cạnh đó,
tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang với ba thứ quân cũng đã xuất hiện trong thời
kỳ này như: quân chủ lực của triều đình, quân các lộ và dân binh ở các làng xã.
Thời kỳ này, tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc xuất phát từ yêu
cầu chiến đấu để giữ nước, gắn bó nước với nhà: “Nước mất thì nhà tan”. Mỗi khi
Tổ quốc bị xâm lăng thì toàn dân đứng lên đánh giặc. Trần Hưng Đạo đã chỉ rõ:
“Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, ấy là thượng sách giữ nước”. Nguyễn
Trãi đã đúc kết: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”; “tập hợp bốn
phương manh lệ”. Mỗi khi có họa ngoại xâm, dân tộc ta đã nêu cao truyền thống
“cả nước chung sức đánh giặc”, “bách tính vi binh”. Đặc biệt, để huy động cao
nhất sức dân, các đời vua thời Lý - Trần đều chủ trương “khoan - giản - an - lạc”,
cơi nới sức dân để làm “kế sâu rễ bền gốc”.
Sự ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền giải
phóng quân là kết quả kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân
dân, toàn dân đánh giặc của dân tộc, kết hợp với vận dụng nguyên lý của chủ
nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Không những
thế, Hồ Chí Minh còn nhận thấy sức mạnh to lớn trong sự kết nối giữa văn hóa và
quân sự. Sức mạnh dân tộc Việt Nam không chỉ nằm ở mặt quân sự, mà còn ở cội
nguồn văn hóa. Chính truyền thống văn hóa giữ nước đã giúp quân đội ta có nền tảng
tư tưởng vững chắc, góp phần động viên, cổ vũ tinh thần cho người lính cũng như
nhân dân.
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng đã thể hiện quan điểm
của Hồ Chí Minh trong xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm: bộ đội chủ lực,
bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trong đó, bộ đội chủ lực và bộ đội địa
phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam.
5. Có chiến thuật quân sự phù hợp với điều kiện
mới của đất nước
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của
dân tộc, có một đặc điểm nổi bật là dân tộc ta luôn phải đương đầu với những kẻ
thù mạnh hơn, vì vậy, để chiến thắng kẻ thù, đòi hỏi ông cha ta phải rất linh hoạt,
chủ động và sáng tạo trong cách đánh địch. Điều đó có nghĩa là ông cha ta phải
có một nghệ thuật quân sự độc đáo, phù hợp và đúng đắn, đáp ứng các yêu cầu cơ
bản là “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Do đó, về mặt
chiến thuật quân sự, ông cha ta thường sử dụng chiến tranh du kích, chủ động,
bí mật, bất ngờ, khi thời cơ đến tổ chức những trận tập kích chiến lược giành
thắng lợi hoàn toàn.
Kế thừa chiến thuật quân sự độc đáo đó, trong
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Hồ Chí Minh đã chỉ
rõ “Về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực,
nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”(7).
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để đương đầu với kẻ thù mạnh, ta phải sử dụng nhiều
cách đánh và phải phù hợp với điều kiện của đất nước, trong đó: đánh du kích và
tác chiến tập trung là chính. Tác chiến du kích có vị trí chiến lược trong khởi
nghĩa vũ trang với lực lượng tác chiến là những đội du kích, tự vệ.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội
quân chủ lực đầu tiên nhưng quy mô còn nhỏ nên về chiến thuật, Người đã chỉ đạo
dùng lối đánh du kích. Từ tác chiến du kích tiến lên tác chiến tập trung và kết
hợp chặt chẽ giữa hai hình thức tác chiến đó để tiêu hao, tiêu diệt địch là một
nghệ thuật tác chiến đặc sắc của Quân đội ta. Thực tiễn đã chứng minh, trong cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quân đội ta đã khéo vận dụng hai
phương thức tác chiến này và giành chiến thắng.
80 năm đã trôi qua, sự ra đời của Đội Việt
Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã để lại nhiều bài học có giá trị trong giai
đoạn hiện nay:
Một là, tinh
thần đoàn kết và lòng yêu nước là cơ sở quyết định mọi thắng lợi. Sự ra đời và
thành công của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã cho thấy, một trong
những bài học quan trọng là sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết
dân tộc tạo ra nguồn sức mạnh mà không kẻ thù nào có thể ngăn cản nổi và là nền
tảng để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam - đội quân “từ nhân dân mà ra, vì
nhân dân mà chiến đấu”(8).
Hai là, bài học
về tinh thần tự lực, tự cường. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân khi được
thành lập chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, bằng tinh thần tự lực, tự cường
đã giúp Đội vượt khó khăn về nhân lực, vũ khí để đứng vững trong cuộc đấu tranh
đầy gian khổ, từng bước trưởng thành, vươn lên giành từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác. Đây là bài học quý báu cho các thế hệ trong Quân đội hiện nay học tập,
phát huy, khắc phục khó khăn, thách thức để tự khẳng định mình trong quá trình
công tác.
Ba là, bài học về sự
lãnh đạo sáng suốt và chiến lược nhất quán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh
cách mạng và xây dựng quân đội; nắm vững thực tiễn tình hình cách mạng Việt
Nam, Đảng và Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời trong quá trình
xây dựng, tổ chức lực lượng. Chính sự lãnh đạo sáng suốt và tầm nhìn chiến lược
của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là yếu tố quyết định để Đội Việt Nam Tuyên truyền
giải phóng quân hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, góp phần
đưa cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang.
Bốn là, bài học
về giá trị bền vững của thế trận lòng dân. Thế trận lòng dân là giá trị đặc sắc
trong truyền thống giữ nước của dân tộc. Từ khi Đảng ra đời, xây dựng thế trận
lòng dân được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Cốt lõi của “thế trận lòng dân” là tư
tưởng dựa vào dân, đoàn kết toàn dân, đề cao giá trị sức mạnh chính trị, tinh
thần của nhân dân. Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thể
hiện sinh động thế trận lòng dân trong lực lượng vũ trang cách mạng. Quân đội từ
nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, sự đồng lòng của nhân dân và ý chí độc
lập dân tộc là cơ sở nền tảng mà bất kỳ trong hoàn cảnh nào, nhân dân là sức mạnh
bảo vệ chủ quyền, văn hóa và bản sắc dân tộc. Ngày nay, mặc dù trong thời bình
nhưng Quân đội luôn thực hiện tốt thế trận lòng dân, giữ vững quan hệ máu thịt
với nhân dân. Quân đội tích cực tham gia giúp đỡ dân trong phòng chống thiên
tai, dịch bệnh, cứu hộ cứu nạn và luôn xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
6. Kết luận
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải
phóng quân là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt trong thực hiện đường lối,
quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, là kết tinh sức mạnh
đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước và truyền thống văn hóa giữ nước Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển hiện nay, bài học về lòng yêu nước,
tinh thần đoàn kết và tự cường vẫn còn nguyên giá trị. Đây là những giá trị cốt
lõi để kế thừa và phát huy trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần
thực hiện mục tiêu giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân ấm no, hạnh
phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
(nguồn lyluanchinhtri.vn)
Ngày
nhận bài: 13-11-2024; Ngày bình duyệt: 17-11-2024; Ngày duyệt đăng: 24-12-2024.
Email
tác giả: tuansonlsd@gmail.com
(1), (3), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn
tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 539-540, 1, 539, 539.
(2) V.I. Lênin: Toàn tập, t.12, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 136.
(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập,
t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.116.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 38.
(8) Hồ Chí Minh, toàn tập, t.1,
Sđd, tr. XIX.